Thực tế mạng xã hội của Việt Nam so với tuyên bố của Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông

Thứ Năm, 12 Tháng Mười Một 20206:00 SA(Xem: 5258)
Thực tế mạng xã hội của Việt Nam so với tuyên bố của Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông
rfa.org

Thực tế mạng xã hội của Việt Nam so với tuyên bố của Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông

RFA

Trong đợt chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cho biết, 2 năm gần đây mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển mà theo lời ông là ‘bứt phá’ với hơn 800 mạng xã hội. Năm 2018, các mạng xã hội Việt Nam đạt 47 triệu tài khoản, nhưng đến nay đã là 96 triệu.(!?)

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 11 tháng 11 năm 2020 từ Việt Nam, ông Diệp Quang Văn, chủ sở hữu trang mạng xã hội ‘Việt Nam Ta’, nhận định:

“Mấy mạng xã hội đó nó cũng y vậy có phát triển gì đâu, y như mình thôi, tại vì Facebook còn quá mạnh. Người ta chê mấy trang Việt Nam, chủ yếu là nick ảo là nhiều thôi, họ cho chạy máy vậy thôi. Nếu quan tâm sẽ thấy, thậm chí như Facebook cũng không có số lượng vậy. Tới mấy ngàn like một bài mới đăng có vài phút, cài đặt cho xôm tụ vậy thôi. Chứ thực tế thì không phát triển, dân trong nghề nhìn sẽ biết về số lượng tương tác. Cái đó giống như một tuồng kịch thôi.”

Theo ông Diệp Quang Văn, những mạng xã hội có chức năng hoạt động như Facebook, VietnamTa... thực tế rất ít. Có những trang xin phép làm mạng xã hội, nhưng thực chất chỉ giống trang diễn đàn, nơi nhiều người vào để  buôn bán và cũng được coi là mạng xã hội. Theo ông Diệp Quang Văn, các trang mạng có tương tác theo đúng nghĩa mạng xã hội thật sự rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Liên quan đến số người dùng mạng xã hội Việt Nam mà ông Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng công bố, ông Diệp Quang Văn cho biết ước tính của mình:

Mạng xã hội Việt Nam làm gì có 90 triệu người sử dụng, thậm chí Facebook còn có thể không có 90 triệu người dùng ở Việt Nam.
-Diệp Quang Văn

“Mạng xã hội Việt Nam làm gì có 90 triệu người sử dụng, thậm chí Facebook còn có thể không có 90 triệu người dùng ở Việt Nam. Facebook nếu có thì cũng chi là những tài khoản buôn bán, một người mấy chục cái vì chỉ cần 1 cái email là có. Đâu phải ai cũng có Facebook, chỉ có giới trẻ, người già đâu phải ai cũng có. Còn mạng xã hội của Việt Nam thì không bao giờ tới được số đó, người ta chỉ vô đăng quảng cáo, hay vô đăng ký cho biết nhưng không vô sử dụng.”

Đây không phải là lần đầu tiên, ông Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có những tuyên bố hùng hồn về mạng xã hội ‘Made in Vietnam’. Khi còn giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Hùng đã từng bày tỏ mong muốn phát triển mạng xã hội ‘Made in Vietnam’ để ‘đàm phán và buộc Facebook, Google tuân thủ pháp luật Việt Nam nhiều hơn’.

Vào thời điểm tháng 6/2019, một mạng xã hội “Made in Vietnam” mới toanh đã được ra đời mang tên ‘Hahalolo’... với tuyên bố đặt tham vọng ‘2 tỉ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ’.

Liệu Hahalolo có như lời vị đại diện này nói, hay tiếp tục rơi vào vết xe đổ như các mạng xã hội Việt Nam trước đây, từng tuyên bố trong 6 tháng sẽ đánh bật Facebook ra khỏi thị trường Việt Nam, nhưng đều đã chết yểu từ lâu lắm rồi như: Zingme, Go.vn, Tamtay.vn hay BizTime của CEO 7X Vũ Văn Anh…?

Ban Tuyên giáo Trung ương hôm vào ngày 11/6/2019 cũng cho ra mắt hệ thống Mạng xã hội – VCNET, được chính quyền cho là nỗ lực gần gũi dân theo phương châm ‘tuyên giáo đi trước, đi cùng’, ‘tương tác với dân’… Tuy nhiên, dư luận khi đó lại nghi ngờ VCNET có thể là kế sách để tăng cường kiểm soát mạng xã hội?

Hôm 22/7/2019, Gapo đã trở thành trang mạng xã hội mới nhất của Việt Nam ra mắt sau hơn 4 tháng đầu tư, với kỳ vọng được cho biết là sẽ có 20 triệu người dùng vào năm 2021.

Cho đến nay, sau khi ra mắt rầm rộ, các mạng xã hội tư nhân và của nhà nước hầu như đang bị chìm vào quên lãng, không thấy xuất hiện trên báo chí như những ngày đầu.

Một người dân ở Sài Gòn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do nói:

“Em nghĩ Facebook đã đủ rồi, không cần phải làm mạng xã hội Việt Nam... Em nghĩ tại sao mình phải tự bó hẹp mình lại... Em nghĩ mình nên kết nối với nhiều nước.”

Một người dân ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Em dùng Facebook với Instagram, em có biết mạng xã hội Việt Nam là Gapo và Lotus, nhưng nó chưa phổ biến... nó theo bước Facebook, nhưng Facebook giờ đang lớn nhất rồi.”

Mạng xã hội Facebook, Google, YouTube... (Ảnh minh họa).

Mạng xã hội Facebook, Google, YouTube... (Ảnh minh họa). AFP

icon-zoom

Chính quyền Việt Nam trong mong muốn kiểm soát các đối tượng mạng nước ngoài, khống chế Facebook, Google, Netflix, Apple... đã thường xuyên đưa ra những điều luật, nghị định, buộc các nhà cung cấp này phải tuân theo nếu muốn kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vào năm 2019 đã buộc Google ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung bị cho là xấu độc trên mạng xã hội YouTube. Ngoài ra, cũng yêu cầu Facebook gỡ bỏ 208/211 tài khoản bị cho là giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết bị cho là sai sự thật có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam...

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, đã buộc Facebook gỡ 286 tài khoản bị cho là giả mạo trong năm 2020. Trong số này có 50 tài khoản bị nói là giả mạo các vị lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam. Số còn lại là tài khoản mà ông Hùng cho là tuyên truyền thông tin “giả mạo, xấu, độc kích động chống phá Nhà nước”.

Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 11/11, nhận định:

“Rõ ràng chúng tôi là những người hay phản biện, có tiếng nói phản ánh tiếng nói của người dân, ví dụ như các tin biểu tình thì chẳng báo chí hay mạng xã hội của Việt Nam đưa. Chúng tôi phải dùng Facebook hay Youtube, vì nếu dùng mạng VN thì họ sẽ chặn. Những chuyện dân bức xúc mà ảnh hưởng nhà cầm quyền như vấn đề đất đai Lộc Hưng, Thủ Thiêm, Đồng Tâm... những nạn nhân kêu gào thảm thiết là sự thật nhưng không bao giờ các mạng xã hội do đảng, Bộ 4T hay Ban Tuyên giáo quản lý mà họ đưa lên cả, họ cho đó là chống đối, thậm chí bắt bỏ tù.”

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, những tin đấy thì chỉ có mạng xã hội của những nước tôn trọng nhân quyền như Mỹ, châu Âu mới để tiếng nói trung thực cất lên. Ông nói tiếp:

Ví dụ như các tin biểu tình thì chẳng báo chí hay mạng xã hội của Việt Nam đưa. Chúng tôi phải dùng Facebook hay Youtube, vì nếu dùng mạng VN thì họ sẽ chặn.
-Trần Bang

“Cho nên từ cái đó, dẫn đến chuyện họ đòi cấm mạng xã hội nước ngoài, hoặc kiểm soát chặt, bắt phải tuân theo Luật An ninh mạng, tuân theo luật pháp của chính phủ. Theo tôi, nếu chặn các hình ảnh khiêu dâm, hay các hình ảnh về chủ quyền biển đảo đường lưỡi bò, thì tôi cho là đúng. Nhưng chặn các tiếng nói bất đồng chính kiến, mà cái đó rất nhiều, mà bộ TT&TT họ lấy lý do để họ chặn, thì cái đó rất thiệt thòi cho người dân Việt Nam, vì không thể tiếp cận thông tin đa dạng nhiều chiều từ bản thân người dân, cũng như sự phản hồi của quốc tế với người dân... nếu chặn các mạng từ nước ngoài hoặc kiểm soát quá gắt gao nhằm làm lợi cho độc tài cộng sản.”

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018, và có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Luật này qui định nhà cung cấp dịch vụ phải công bố những thông tin cá nhân người dùng nếu được lực lượng an ninh Việt Nam yêu cầu. Đây là điều được giới chỉ trích đưa ra nói rằng, luật này là nhằm để đàn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa.

Mới nhất, vào hôm 28 tháng 8 năm 2020, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu Công ty Netflix phải ngay lập tức loại bỏ những bộ phim có nội dung vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và chấm dứt hiển thị chuyển ngữ tiếng Việt trong các bộ phim, mà Netflix cung cấp đến người sử dụng tại Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA về vấn đề này trước đây cho rằng, việc can thiệp vào nội dung và cách phát hành của Netflix là hết sức vô lý, bởi đây là quan hệ mang tính chất riêng tư. Hơn nữa, những yêu cầu của cơ quan nhà nước như vậy cho thấy nó không bao hàm ý nghĩa gì về luật pháp hoặc bảo vệ quyền lợi gì cho người tiêu dùng. Thậm chí theo ông, nó còn đi ngược lại quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp này.

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, tư duy của những người đưa ra những ý kiến quản lý theo cách này thì hết sức là cũ kỹ. Thật sự nó không có hiệu quả, bởi thứ nhất theo ông, không phải chỉ có Netflix mới là nguồn mang lại phim ảnh cho người xem ở Việt Nam mà có rất là nhiều nguồn. Thứ hai, ý kiến của cơ quan chức năng cho thấy họ hết sức coi thường sự hiểu biết của công chúng Việt Nam. Công chúng Việt Nam đủ sức đánh giá một ấn phẩm khi xem có bảo đảm về thuần phong mỹ tục hay đường lối chính trị… Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, tự người dân sẽ có sự lựa chọn chứ không cần thiết nhà nước phải lựa chọn cho họ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn