Người dân miền Trung trải lòng sau bão lụt

Thứ Sáu, 30 Tháng Mười 20202:00 SA(Xem: 4298)
Người dân miền Trung trải lòng sau bão lụt
rfa.org

Người dân miền Trung trải lòng sau bão lụt

RFA 2020-10-29

Thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đưa ra ngày 29/10 dự đoán khoảng cuối tuần sau, cơn bão số 10 với tên quốc tế Goni có khả năng gây mưa lớn ở Trung Bộ trong đó có các tỉnh Trung Trung Bộ.

Cụ thể, theo lời ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, Đài khí tượng Nhật Bản vào rạng sáng ngày 29/10 đã phát tin bão có tên Goni xuất hiện và đang cách Biển Đông khá xa. Dự báo ngày 1/11 bão Goni sẽ tiến vào Biển Đông.

Được biết, trong hai ngày tiếp theo không khí lạnh dồn xuống khá mạnh, bão vào hòa với không khí lạnh nên diễn biến cơn bão tương đối phức tạp.

Như vậy, bão số 9 vừa qua thì miền Trung lại nhận được dự báo bão số 10 tiến vào.

Trao đổi với RFA qua điện thoại vào tối 29/10, ông Hiền Thao, một người dân ở Quảng Trị cho biết tình hình hiện tại như sau:

“Bão lụt mấy kỳ trước có gang thôi, vừa rồi nước lụt quá to, lụt nhà. Nhà mình thì mất 5 tạ lúa và đồ trôi.”

Còn theo anh Phan Quốc Vũ ở thôn Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cơn bão số 9 vừa qua có sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay:

“Ông già em 80 tuổi mà chưa có trận lũ nào lịch sử như vậy, huống gì em năm nay gần 40 tuổi. Hôm qua có thêm trận bão nữa, nước đánh vô trong sân luôn. May sao ngày ni nước ra luôn. Cả gia đình em bàng hoàng, cả thôn xã em nhận 5 đợt lũ.”

Vẫn theo lời anh Quốc Vũ, khi nước lên quá cao, anh đã gọi điện thoại đến các cơ quan chức năng cầu cứu nhưng không được, kể cả cầu cứu trên các trang mạng xã hội nhưng cũng không thành công, sau đó anh cho biết phải tự bỏ tiền túi để mướn ca nô chở người già và trẻ em trong nhà đi đến nơi an toàn.

“Gia đình em qua đợt lũ rồi, nhưng bên trong thì thiên tai thì phải chấp nhận. Đối với bản thân em xong phần hai ông bà già gần 80 tuổi với 7 đứa nhỏ từ 5 tháng đến học lớp 7. Vừa rồi xin nhà nước cầu cứu mà không áp ứng nguyện vọng gì, em cũng buồn nhưng thôi, không đòi hỏi gì nữa. Người vẫn còn là may lắm rồi! Còn cầu cứu mà nhà nước mình không quan tâm gì, kể cả thôn, xã, phường, huyện, tỉnh đều không quan tâm. Chỉ điện thoại tới nói ca nô có rồi mà không có ai tới cứu. Trong khi đó người thân thuộc thì họ tới cứu, còn những người không thân thuộc thì họ không cứu. Các cấp trên thôn, xã, huyện tỉnh, thôn em cầu cứu mà gọi điện thoại không cơ quan chức năng nào bắt máy để tới cứu trợ. May sao nước lên 2m chứ lên khỏi nóc nhà nữa thì chết hết, sạch trơn cả cái làng.”

Tại thôn Hiền Lương, tỉnh Ninh Thuận, chị Trần Thanh Trúc sống tại đây cho hay khi lũ đến chị đã hoảng sợ do có con nhỏ trong nhà nhưng đến nay tình hình nơi chị ở đã tạm ổn, nước đã rút, và người dân cũng nhận được hỗ trợ:

Hình minh họa. Người dân ngồi trong một lớp học biến thành nơi tránh bão ở Quảng Nam hôm 27/10/2020 trước khi bão số 9 đổ vào miền Trung

Hình minh họa. Người dân ngồi trong một lớp học biến thành nơi tránh bão ở Quảng Nam hôm 27/10/2020 trước khi bão số 9 đổ vào miền Trung AFP

icon-zoom

“Dân ở những chỗ cao hơn không bị lụt vẫn nấu cơm hằng ngày và tiếp tế cho làng, ngày 3 bữa rồi cơm nước, thuốc thang người ta vẫn cung cấp cho đầy đủ.”

Theo chị, rõ ràng chính quyền đã có những thay đổi tích cực trong công tác chuẩn bị bão lũ lần này:

“Ở đây thì mấy lần nước lên họ cũng chủ quan, nay họ cẩn thận hơn nước lên họ cũng đi sơ tán đến nơi cao hơn, nhà có trẻ con thấy nước lên cũng cho đi sơ tán.”

Tuy nhiên, chị Trúc cho rằng những hỗ trợ hiện tại chỉ mang tính chất tạm thời, chưa thể giúp người dân ổn định lại cuộc sống, phía lãnh đạo địa phương vẫn chưa công bố thông tin cụ thể gì đến người dân.

“Hỗ trợ thì dân ở đây chủ yếu làm nông, cả làng nuôi tôm đến khi lụt vào thì trôi hết các thứ, không còn gì hết, nhà nuôi lợn, nuôi gà thì lợn, gà cũng chết. Người ta hỗ trợ được bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu chứ không dám yêu cầu gì. Hỗ trợ một phần nào thôi chứ hỗ trợ hết chắc cũng không biết bao nhiêu cho đủ. Tại vì ở đây người ta nuôi tôm, ví dụ một hồ tôm bị trôi thì người ta mất vài trăm triệu một hồ. Những người khác hỗ trợ quà cáp, đồ ăn, lương thực, tiền mặt không đáng kể. Nói chung chỉ là an ủi, động viên chứ không bù đắp được bao nhiêu.”

Còn theo ông Hiền Thao, tính đến thời điểm hiện tại, ông chỉ mới nhận được hỗ trợ từ các tổ chức tự nguyện:

“Các đoàn cứu trợ đưa về cho 20-30kg gạo, hình như là các nhà hảo tâm, các đội cứu trợ, các nhà từ thiện. Bên phía nhà nước thì ủy ban có thông báo sáng mai, chiều mai đi nhận quà nhưng không biết là gì. Cũng nghe nói nhà nước mùa này họ cứu trợ nông dân giống má để làm vụ mùa đông xuân sắp tới.”

Phải hứng chịu 5 cơn lũ liên tiếp, với nước dâng cao đáng kể, thôn Trương Xá của anh Phan Quốc Vũ đã bị cô lập. Dù vậy, theo anh, người dân nơi đây vẫn nhưng chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ phía chính quyền:

“Kêu gọi cơ quan chức năng nhà nước chịu trách nhiệm với làng, xã, thôn bị cô lập. Các mạnh thường quân đích thân trực tiếp tới cho được cái nào thì thôn em nhận. Còn bên chỗ cơ quan nhà nước có tới cho một nhà mấy cân gạo đó thôi.”

Anh Vũ cho hay hiện nhiều người trong thôn làng đang cầu cứu do bị thiệt hai nặng nề. Anh nêu lên thực tế:

“Nhiều hộ dân trong làng mất trắng mấy chục tấn lúa, hàng ngàn con vịt, heo, gà chết nhiều lắm. Những cá nhân, tập thể, cán bộ làm trong thôn em không có trách nhiệm gì, họ chỉ làm tốt cho các nhân, tập thể người thân của họ, còn gia đình trong thôn xóm, cả làng không đồng đều nên giờ rất thắc mắc. Có những sự cố xấu xảy ra em cũng nói thiệt, còn những cá nhân, tập thể là người thân của họ thì họ ưu tiên trước hết, còn làng nào không chút liên quan đến cá nhân, tập thể, có chức có quyền trong thôn xóm đó thì họ bỏ qua. Họ làm thiếu trách nhiệm em báo cáo đúng sự thật luôn.”

Qua đây, ông Thao cũng bày tỏ mong muốn:

“Người dân muốn đề xuất có bão lụt thì cứu hộ những vật dụng chống lụt, cũng đề nghị cứu trợ cho dân cơm, gạo để ăn vụ đông xuân tại lúa chết.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn