Mưa lũ ở Miền Trung: Dân lên mạng kêu cứu và phản ứng của Chính quyền

Thứ Hai, 19 Tháng Mười 20202:00 SA(Xem: 4654)
Mưa lũ ở Miền Trung: Dân lên mạng kêu cứu và phản ứng của Chính quyền
rfa.org

Mưa lũ ở Miền Trung: Dân lên mạng kêu cứu và phản ứng của Chính quyền

Cao Nguyên 2020-10-18

Do tình hình mưa to kéo dài, mất điện, cộng thêm việc đập thuỷ điện xả nước khiến nước lũ lên nhanh trong đêm 17, rạng sáng ngày 18/10/2020. Nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Trị bị cô lập. Nhiều người dân vùng lũ bất lực phải lên mạng Facebook kêu cứu.

Các khu vực như thành phố Đông Hà, huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hướng Hoá và Đakong (tỉnh Quảng Trị) bị ngập sâu trong nước. Làng xóm và các tuyến đường chính bị chia cắt vì nước lớn. Nhiều khu vực nhà dân bị nước lũ cô lập trong những ngày qua.

Theo báo chí trong nước đưa tin, trong đêm 17 rạng sáng 18/10, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng chỉ đạo các lực lượng cứu hộ trên địa bàn phải dồn toàn lực để ứng cứu những người đang bị mắc kẹt tại các khu vực ngập lụt.

Tuy nhiên, không phải người dân nào kêu cứu cũng được sơ tán kịp thời.

Không liên lạc được đường dây cứu nạn

Ông V, một người dân ở huyện Cam Lộ, đã đăng tin kêu cứu đêm 17/10, nói với Đài Á châu Tự do vào trưa ngày 18/10 rằng khi anh đăng tin kêu cứu thì nước đã vào nhà gần 2 mét, không liên lạc được với đường dây nóng cứu hộ. Cũng may gần sáng có người dân địa phương dùng ca-nô chở người già và trẻ nhỏ lên chỗ cao trước rồi:

“Hiện tại bây giờ đã an toàn rồi. Nước đang xuống rồi. Sáng nay kêu ca-nô họ không tới, điện họ không tới, không thấy liên lạc gì được. Đò và ca-nô của người dân địa phương ở đây đã di dời trẻ và ông già đi hết rồi.

Đêm qua nước lên gần 2 mét, mất điện 3 ngày rồi.

Sáng nay nước có xuống. Nước trong nhà ra rồi, ngoài sân còn tầm 1 mét nữa. Giờ cứ nhai mì sống rứa thôi”

Ông H, cũng nói rằng không thể liên hệ được với cơ quan cứu hộ. Gia đình ông phải kê đồ lên cao đợi đến khi ngừng mưa, nước tự rút:

“Bây giờ nước ra khỏi nhà rồi, ngập tầm 2 mét. Nghe bảo là không ai liên lạc được hết. Sau có một ông nói là buổi đêm họ không đi được.

Giờ đang mất điện, từ hôm qua, hôm kia, 3 ngày rồi.”

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 18/10/2020: quân đội đang tìm kiếm những người lính bị chôn vùi do lở đất ở Quảng Trị

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 18/10/2020: quân đội đang tìm kiếm những người lính bị chôn vùi do lở đất ở Quảng Trị AFP

icon-zoom

Chị Thảo, ở thành phố Đông Hà kêu cứu lúc 1 giờ sáng, đến 5 giờ thì được lực lượng cứu nạn đến đưa trẻ sơ sinh đi sơ tán trước. Những người còn lại trong gia đình phải giở nóc nhà ngồi chờ trắng đêm vì nước đã lên tới gần 2 mét rưỡi.

Vào năm 2013, một buổi diễn tập cứu trợ đồng bào lũ lụt diễn ra với quy mô quốc tế. Trong buổi diễn tập, Việt Nam đã huy dộng 800 nhân viên tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tìm kiếm - cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, huy động cả trực thăng, xuồng, ca-nô cao tốc, cầu phao và nhiều thiết bị quân sự tham gia vào tình huống giả định cứu trợ khẩn cấp vùng ngập lụt.

Nhưng khi trận lũ lịch sử vào đêm qua, vẫn chưa thấy có trực thăng, ca-nô cao tốc nào được huy động để sơ tán dân bị mắc kẹt trong vùng lũ.

Nhận được thông tin trễ, người dân “trở tay không kịp”

Vào sáng ngày 17/10, hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị thông báo xả nước qua tràn với lưu lượng ước đạt 1.110 m3/s, trong khi nhiều vùng hạ du của tỉnh này vẫn đang bị ngập lụt nặng nề.

Hình minh hoạ. Một phụ nữ lớn tuổi cầm bát cơm cạnh căn nhà ngập nước của bà ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị hôm 16/10/2020

Hình minh hoạ. Một phụ nữ lớn tuổi cầm bát cơm cạnh căn nhà ngập nước của bà ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị hôm 16/10/2020 AFP

icon-zoom

Ông V, cho biết do bị cắt điện từ 3 ngày trước nên khi biết được thông báo xã lũ thì nước đã lên quá nhanh khiến ông “trở tay không kịp”, khu vực nhà ở đã bị cô lập:

“họ thông báo là xả đập đăng trên Facebook nhưng mà bên chỗ khu em bị cách li, cô lập nên em không biết. Chỗ khác họ gọi điện báo rồi cũng nghe báo lại vậy thôi.

Do nước lên ban đêm quá nhanh nên trở tay không kịp. Công văn báo trước đó ngày hôm qua nhưng khu vực em bị mất điện nên không có có biết, chỉ nghe nghe mấy người ở bên kia thông báo thôi, chứ em không biết chính xác là họ đã thông báo từ thời điểm nào.”

Tương tự, nhà chị Thảo cũng bị mất điện, không có mạng internet nên không thể tiếp cận thông tin:

“Nghe nói họ có thông tin trên mạng nhưng do nhà không có mạng nên cũng không biết nữa, chỉ nghe nói họ có thông báo trên Facebook.

Khi đó đâu có biết nước lên cao như rứa, cứ nghĩ nước mới lụt, mới ra nên không nghĩ là sẽ lụt lại mô. Với họ nói xả nước thì cũng ít thôi, té ra khi xả chừng mô thì nước nó lên chừng nấy.”

Thêm một công văn của Tổng cục thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia đăng tải trên website vào rạng sáng ngày 18/10 với nội dung sẽ có lũ đặc biệt lớn trên các con sông ở Quảng Trị, nước sẽ dâng cao kỷ lục, hơn cả mức lũ lịch sử năm 1999. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt sâu xảy ra trên diện rộng.

Đáng nói, thời điểm đăng tải công văn này là rạng sáng ngày 18/10/2020. Lúc này, nước lũ đã lên rất cao, người dân chỉ còn cách kêu cứu trên mạng xã hội.

Trong diễn biến liên quan, một vụ sạt lở đất xảy ra tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào khoảng 1 giờ sáng ngày 18/10. Có 22 cán bộ thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã bị vùi lấp. Đến 17 giờ cùng ngày, đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sĩ.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 19 giờ ngày 18/10, mưa lũ tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên đã làm 84 người chết, 38 người mất tích, cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai lên cấp 4 là mức cảnh báo gần cao nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn