Phạm Đoan Trang

Nguồn hình ảnh, Pham Doan Trang

Chụp lại hình ảnh,

Phạm Đoan Trang

Hành động của chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà báo tự do, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang hôm 06/10/2020 đã 'đi ngược' lại các cam kết quốc tế và luật pháp của chính nước này, một số ý kiến nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 08/10.

Từ Đài Bắc, Đài Loan, luật gia Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí nói với BBC:

"Theo tôi, về bản chất của vụ bắt giữ và vụ án này với Phạm Đoan Trang cũng không có gì nhiều để bình luận. Nó là một hành vi vi phạm nhân quyền đáng lên án và chính quyền Việt Nam đang đi ngược lại với chính pháp luật của họ, Hiến pháp của họ và với những Công ước quốc tế mà họ đã ký kết, đa tham gia.

"Đi ngược lại với cả những tuyên bố rất long trọng của họ ở rất nhiều diễn đàn quốc gia, quốc tế, ở rất nhiều nơi, ngay kể cả trên bàn thương lượng với các quốc gia khác."

Đã quen bị chỉ trích suông?

Từ Leeds, Anh quốc, nhà báo tự do, cựu đạo diễn truyền hình Song Chi nhận xét:

"Qua sự việc này, có thể thấy rằng chính quyền Việt Nam hiện nay không sợ gì những lời lên án, chỉ trích của quốc tế, của Hoa Kỳ v.v… nữa.

"Lý do là bởi vì họ thừa biết rằng trong dịp này Hoa Kỳ chẳng hạn đang rất bận rộn với bao nhiêu vấn đề như Covid-19, hay chuyện bầu cử Tổng thống… cho nên chắc chắn sẽ không có một biện pháp hay hành động nào mạnh mẽ.

"Còn nếu chỉ có chỉ trích suông thì tôi nghĩ nhà nước Việt Nam này đã quen bị chỉ trích rồi, nên họ chẳng sợ.

"Và điểm thứ hai tại sao vụ bắt giữ diễn ra trước Đại hội 13, theo tôi lý do là bởi vì rõ ràng trước một sự kiện nào đó của Việt Nam, sự kiện quan trọng, thì họ luôn luôn có những hành động bắt bớ mà thường là như vậy."

Chụp lại video,

"Đồng Tâm có thể là một trong những lý do trực tiếp khiên Đoan Trang bị bắt"

Ưu tiên ổn định chính trị?

Từ Hà Nội, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, chuyên gia phân tích chính sách công, bình luận thêm:

"Qua sự quan sát tình hình từ trong nước, tôi thấy rằng trước những sự kiện lớn như thế, thường người ta ưu tiên sự ổn định chính trị, hơn là mặc cả con bài với Mỹ, hay với một nước nào đấy về một vấn đề gì đấy, như là về thương mại, nhân quyền, hay là để gây một sự chú ý nào đấy.

"Đó là một suy đoán thôi, còn gắn nó với một cuộc đấu đá quyền lực thì tôi thấy cũng không có bằng chứng, rất khó để xác định một phe cánh, hay một sự thể hiện quyền lực của một nhân vật nào đấy trong sự căng thẳng của chuyển giao quyền lực và công tác nhân sự của Đại hội đảng."

Cũng từ Hà Nội, ngay trước chương trình hội luận Bàn tròn này, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra quan sát của mình với BBC:

"Công an bắt giam bà Phạm Đoan Trang theo Điều 88 luật hình sự năm 1999 và Điều 117 luật hình sự năm 2015 thì nó đặt ra câu hỏi: thế nào là chống nhà nước, thế nào là chống nhà nước XHCN VN? Cụ thể hóa là gì?

"Với cá nhân, truyền thông là quyền dân sự và cũng là quyền chính trị hay kinh tế được hiến pháp Việt Nam công nhận, do đó theo tôi hai điều luật này, không thỏa mãn các tiêu chí để được gọi là điều luật.

"Việc bắt giam và rồi tiến hành các bước tố tụng, đã và sẽ không thể hiện công lý, pháp quyền và quyền con người. Những công dân bày tỏ quan điểm khác biệt của mình, thì thường bị chụp mũ là chống đối, và rồi một số bị bắt giam và xử tù, bị coi là một trong những thế lực thù địch.

"Đây là thách thức trước hết đối với công dân Việt Nam. Sau đó, là thách thức luật pháp quốc tế, thách thức nền tảng pháp quyền, thách thức các giá trị căn bản về dân chủ, về nhân quyền."

Bị bắt vì 'chống phá nhà nước'

Hôm 07/10, về phía chính quyền và Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho truyền thông nước này biết Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án với bà Phạm Đoan Trang để điều tra cáo buộc có hành vi Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Xô cho hay cùng ngày 7/10, quyết định tố tụng được Viện Kiểm sát Hà Nội phê chuẩn.

Bà Trang đang bị di lý về Hà Nội để phục vụ điều tra, theo phía công an.

"Quá trình bắt giữ, khám xét, Cơ quan An ninh điều tra thu giữ một số tài liệu, thiết bị, tài liệu liên quan vụ án", tướng Xô nói thêm.

Nhà báo tự do, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt đúng vào ngày kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kéo dài hai ngày 6-7/10/2020.

Cũng hôm thứ Tư, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công An Việt Nam cho biết thêm về vụ bắt giữ nhà hoạt động:

""Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra theo đúng quy định của pháp luật," Bộ Công an Việt Nam khẳng định.