Ai kiểm soát quyền lực các phiên tòa xử đại án? ( Bác Bùi mà còn hỏi thế sao? )

Thứ Tư, 17 Tháng Giêng 20184:15 CH(Xem: 8042)
Ai kiểm soát quyền lực các phiên tòa xử đại án? ( Bác Bùi mà còn hỏi thế sao? )
voatiengviet.com
Bùi Tín

Sáng 8/1, Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên xử Đại án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh, gồm có hơn 20 bị cáo, sẽ kéo dài trong 13 ngày. Đây là vụ xử đại án đầu tiên trong đợt này, sẽ gồm có hơn 20 vụ đại án liên quan đến hơn 30 bị cáo nữa sẽ được xử từ nay đến Tết âm lịch.

Vụ án Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thanh mới mở đầu nói lên điều gì?

Trước hết, trước khi khai mạc, thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân, người sẽ chủ tọa Hội đồng xét xử vụ án này cho biết cung cách bố trí tòa án có vài thay đổi tiến bộ. Bị cáo không đứng trước vành móng ngựa như xưa nay, mà đứng trước chiếc bàn con, có vẻ lịch sự văn minh.

Vị trí của các kiểm sát viên đối diện với vị trí các luật sư bào chữa cho bị cáo, nói lên sự bình đẳng của 2 bên, bảo đảm việc tố tụng tranh tụng được bảo đảm công bằng, khách quan, theo luật.

Có 1 phòng riêng cho các nhà báo và nhà quan sát nước ngoài tham dự theo dõi phiên tòa qua màn truyền hình.

Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân tuyên bố hứa hẹn việc xét xử sẽ tuân theo đúng luật, giữ đúng tính chất độc lập của ngành tư pháp, chỉ theo đúng luật mà thôi, không theo sức ép nào khác. Ông còn nói đến quyền « được suy là vô tội » khi chưa tuyên án là không thể xâm phạm.

Nếu phiên tòa đầu tiên diễn ra được đúng như thế và các phiên tòa tiếp theo cũng được như thế thì còn gì bằng!

Thế nhưng… mới qua ngày đầu xử án, những áng mây đen đã phủ lên tòa nhà xử án. Theo Thoibao.de (xuất bản ở Berlin 6/1), Luật sư người Đức của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là bà Schlagenhauf từ Berlin sang Hà Nội đã bị giữ lại ở sân bay Nội Bài không cho bà nhập cảnh, không có lý do xác đáng. Bà phải trở về CHLB Đức với một nhận xét bi quan với báo chí Đức, là chắc phiên tòa sẽ không tuân theo những chuẩn mức pháp lý Việt Nam và quốc tế.

Nhiều nhà bình luận trong, ngoài nước cho rằng cần có sự kiểm soát quyền lực chặt chẽ, có hiệu quả đối với cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp mới có thể đảm bảo thực thi một Nhà nước pháp quyền đầy đủ.

Vậy việc kiểm sóat ngành tư pháp trong việc xử các đại án hiện nay thuộc về ai.

Ủy ban kiểm tra trung ương đảng có trách nhiệm. Cơ quan Tổng thanh tra Chính phủ có trách nhiệm. Thanh tra ngành tư pháp, thanh tra các tòa án có trách nhiệm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì tất cả trong tay đảng, trong tay Bộ Chính Trị, trong tay Tổng bí thư, vừa đá bóng vừa thổi còi! không thể tin được.

Do đó, quyền kiểm soát của xã hội công dân là quan trọng, chân thực và có giá trị nhất. Đó là ý kiến của người công dân quan sát kỹ việc xử án, là ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự tự do đã lên đến hơn 40 tổ chức (chỉ tính số ở trong nước), là ý kiến của hơn 60 blogger tự do, của hàng chục vạn Facebooker, của mạng truyền thông lề trái, của một số mạng truyền thông lề phải có công tâm và tự trọng.

Đó còn là quyền phán xét của một số ngày càng đông đảo luật sư trong nước có công tâm, chuộng công lý, như 120 luật sư tự do ký tên bênh vực luật sư Võ An Đôn bị đoàn luật sư quốc doanh Phú Yên khai trừ một cách độc đoán.

Còn phải kể đến chính kiến quan sát nhận xét tinh vi lão luyện của các nhà báo dân chủ quốc tế rất đông đảo, bén nhạy, lão luyện, của các nhà ngọai giao CHLB Đức, Liên Âu và một số nước tham dự từ đầu đến cuối các phiên tòa.

Xin nhớ Việt Nam đã tham gia ký nhiều công ước quốc tế về tôn trọng nhân quyền và dân quyền của công dân nước mình và công dân thế giới, mọi sự vi phạm tự do công bằng đối với công dân nước mình cũng là vi phạm cam kết quốc tế.

Ông Tổng bí thư và Bộ Chính trị cần hiểu rõ việc xét xử các vụ án từ nay đến Tết âm lịch là một cuộc sát hạch nghiêm túc chuẩn xác nhất về hạnh kiểm tôn trọng luật pháp và nhân quyền của chế độ hiện hành.

Không một thủ đoạn gian dối nào, trị kẻ này quá nặng nề, bênh che kẻ phạm tội kia quá rõ có thể qua mắt được dư luận công chúng luôn đứng về phía pháp luật và công lý, không một trò ma giáo xảo quyệt nào có thể đánh lừa được thế giới luôn cảnh giác với các chế độ độc đoán độc đảng, một hệ thống mô hình chuyên sinh đẻ ra những quái vật cầm quyền tham ô vô độ, coi pháp luật là công cụ làm ăn, chiếm quyền lực dể tác yêu tác quái làm giàu trên lưng nhân dân.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn