'Có tam quyền phân lập mới hết được án oan sai!'

Thứ Sáu, 08 Tháng Năm 20202:00 SA(Xem: 4934)
'Có tam quyền phân lập mới hết được án oan sai!'
bbc.com

'Có tam quyền phân lập mới hết được án oan sai!'


đài Bản quyền hình ảnh other
Image caption Luật sư Nguyễn Văn Đài trong một cuộc gặp với thượng nghị sĩ Mỹ John McCain

Có tam quyền phân lập, có tư pháp độc lập liệu mới mong giảm hay chấm dứt được các vụ án xét xử oan sai, theo bình luận của một luật sư cũng là cựu tù chính trị ở Việt Nam.


Luật sư Nguyễn Văn Đài, đang sống ở Đức, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 06/5/2020.

"Việc tôi được trả tự do và xuất cảnh sang Đức là quá trình rất dài," luật sư Nguyễn Văn Đài từ Berlin nói với BBC.

Ông Đài từng bị bắt ở Việt Nam cuối năm 2015, sau đó vào năm 2018 bị tòa ở Hà Nội xử 15 năm tù với tội danh Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Đêm 7/06/2018, ông Đài và cộng sự bà Lê Thu Hà được đưa khỏi nhà tù, tới sân bay quốc tế Nội Bài rời Việt Nam để sang Đức.

Dựa theo trải nghiệm trong tù, ông Đài nói về cuộc sống của người tử tù ở Việt Nam trong lúc chờ đợi tái thẩm hay thi hành án:

"Ở Việt Nam, cuộc sống của người tử tù rất cực khổ. Họ bị còng chân 24/24 giờ, họ chỉ được mở còng khi đi vệ sinh và thậm chí ăn uống thì vẫn phải còng.

"Cho nên nếu kéo dài nhiều năm như ở Hoa Kỳ, thì người tử tù không thể sống nổi vì họ bị còng chân suốt cả 24 giờ trong một ngày."

Về vụ án tử tù Hồ Duy Hải mà có ý kiến phổ biến trong dư luận cho rằng có dấu hiệu oan sai, luật sư Đài bình luận:

"Tôi đã theo dõi vụ án của Hồ Duy Hải ngay từ lúc đầu, khi mà mẹ của Hồ Duy Hải từ Long An ra ngoài Hà Nội kêu oan, thì tôi cũng có cơ hội gặp bà.

"Sau khi xem hồ sơ, cùng với tất cả chứng cứ mà các luật sư của Hồ Duy Hải đã biện luận trước tòa trước đây, tôi cho rằng đây là một vụ án oan, bởi vì tất cả những dụng cụ để gây án, thì đều được cơ quan điều tra mua ở ngoài chợ đưa vào.

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa Bản quyền hình ảnh Nguyen Thi Loan
Image caption Hồ Duy Hải trong một phiên tòa

"Còn những chứng cứ theo lời khai thì hoàn toàn không có trong vụ án, cho nên có thể nói đây là một vụ án có rất nhiều tình tiết mà có thể dẫn đến gây oan sai.

"Sau khi có thông tin là Hồ Duy Hải bị đưa ra tử hình vào ngày 05/12/2014, thì mẹ của Hồ Duy Hải đã kêu oan và ngay lập tức được các cơ quan lắng nghe và họ đã phải đình chỉ thi hành án cho đến tận giờ phút này, và rất may là được quốc tế quan tâm, cũng như là được một số đại biểu quan tâm.

"Cho nên vụ án của Hồ Duy Hải đã được Viện Kiểm sát kháng nghị ngày 23/12/2019 và ngày 06/5/2020 xét xử lại, theo thủ tục giám đốc thẩm, tôi hy vọng là trong ba ngày xét xử, mọi vấn đề sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng và hy vọng Hồ Duy Hải sẽ được minh oan tại phiên tòa này."

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, không được vào dự phiên Giám đốc thẩm hôm 6/5. Bà đã đi đòi công lý cho con 12 năm qua Bản quyền hình ảnh Thang The Le
Image caption Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, không được vào dự phiên Giám đốc thẩm hôm 6/5. Bà đã đi đòi công lý cho con 12 năm qua

Chi tiết nhạy cảm, đảo ngược?

Khi được hỏi đâu là chi tiết then chốt, nhạy cảm, có thể giúp đảo ngược phán quyết trong vụ án này, Luật sư nhân quyền từ CHLB Đức nói:

"Có rất nhiều chi tiết, không chỉ một chi tiết. Thứ nhất là các phương tiện như con dao gây án, rồi nhân chứng cũng không nhìn rõ. Tất cả mọi chi tiết đều chống lại việc Hồ Duy Hải phạm tội."

"Chúng ta biết rằng để một vụ án được minh oan, thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều, từ cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án cấp sơ thẩm, cũng như là cấp phúc thẩm.

"Khi một vụ án được tuyên là vô tội, oan sai, cụ thể như vụ án của Hồ Duy Hải, nếu như sau ba ngày Hội đồng thẩm phán của Tòa án Tối cao tuyên án Hồ Duy Hải vô tội, thì chắc chắn một loạt quan chức của ngành công an, viện kiểm sát, tòa án từ hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm sẽ phải chịu tội, bởi vì họ đã kết án oan một người.

"Cho nên, chúng ta biết là ở Việt Nam, vụ án như là của ông Huỳnh Văn Nén, rồi hàng loạt các vụ án đã từng được minh oan trước đây, do vấn đề hậu quả của việc xét xử đó, nên ngành tòa án họ rất là ngại, hoặc kéo dài thời gian để xem xét xem một vụ án như thế này có oan sai hay không."

Tam quyền phân lập giảm án oan sai?

Khi được hỏi liệu tam quyền phân lập, tư pháp độc lập có thể giúp cho việc thuyên giảm các án oan, sai hay không, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói:

"Chúng ta biết rằng ở Việt Nam không có hệ thống tam quyền phân lập, theo điều 4 Hiến pháp, đảng Cộng sản và nhà nước lãnh đạo xã hội một cách toàn diện, cho nên Tòa án đều dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.

"Ví dụ như Viện trưởng Viện Kiểm Sát tối cao, hay Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đều là ủy viên Ban chấp hành Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên đảng luôn luôn chỉ đạo mọi vấn đề.

"Ví dụ như các vụ án lớn như là tham nhũng, thì ngoài Ban Nội chính Trung ương ra, thì trước khi xét xử, họ còn có họp liên ngành, gồm có cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án cùng với Ban Nội chính, họp để xem xét đánh giá vụ án này như thế nào, đường hướng xét xử ra sao."

Trước câu hỏi liệu án oan sai ở Việt Nam còn nhiều, còn do lý do là ngành pháp chế của Việt Nam còn nhiều chồng chéo, Luật sư Đài nêu quan điểm:

"Vấn đề ở đây không phải là vấn đề chồng chéo, mà chúng ta biết rằng Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam đã cho phép luật sư được tham gia ngay khi có việc tạm giữ bị can, nhưng trên thực tế, một vụ án gần đây nhất chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ, là vụ án Đồng Tâm, thì sau ngày 09/01/2020, sau khi xảy ra, họ đã bắt giam 26 người.

"Và cho đến ngày hôm nay, rất nhiều người trong số đó, mặc dù gia đình đã thuê luật sư rồi, nhưng cơ quan điều tra hoàn toàn không cho luật sư tiếp cận với các thân chủ của họ, thì chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng, mặc dù có quy định như thế, nhưng thực tế, cơ quan điều tra đều cố trì hoãn, để sau khi hoàn tất hầu như xong cá hồ sơ rồi, thì luật sư mới được vào."

"Mà khi luật sư vào rồi, thì còn không có tác dụng gì nữa trong việc lật lại vấn đề hồ sơ.

"Các luật sư Việt Nam thường có câu là "án tại hồ sơ", khi mà hồ sơ đóng lại thì Việt Kiểm sát và Tòa án cứ thế mà xét xử theo hồ sơ đã có, ít khi mà các tiếng nói phản biện hay là bảo vệ của luật sư trước tòa án mà có giá trị."

Khi được hỏi, nếu như vậy thì vai trò của luật sư còn để làm gì nữa, Luật sư Đài đáp:

"Với chế độ Cộng sản, họ chỉ coi luật sư là vật trang trí cho đủ phiên tòa, để họ tránh sự chỉ trích từ quốc tế, cũng như từ người dân, còn đối với những người đấu tranh như chúng tôi, thì vai trò của luật sư cũng quan trọng một phần.

"Đó là gì? Họ được thông tin cho thân chủ của mình biết tình hình bên ngoài như thế nào, gia đình ra sao, rồi thông tin ngược lại, thân chủ của họ có tình hình sức khỏe như thế nào, đối với gia đình.

"Vấn đề của luật sư trong các vụ án chính trị ở Việt Nam là vai trò đưa tin, thông tin cho hai bên, chứ còn ra phiên tòa hoàn toàn không có tác dụng.

"Thứ hai nữa là luật sư có vai trò đối với thông tin đối với báo chí quốc tế về nội dung của vụ án đó, đó là vai trò của luật sư trong các vụ án chính trị ở Việt Nam là như vậy," Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm riêng với BBC.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn