Trời thương dân Việt Nam hay “kém vệ sinh” tạo miễn dịch?

Chủ Nhật, 19 Tháng Tư 20204:00 SA(Xem: 4426)
Trời thương dân Việt Nam hay “kém vệ sinh” tạo miễn dịch?
bbc.com

Trời thương dân Việt Nam hay “kém vệ sinh” tạo miễn dịch?

Hoa Mai Gửi tới BBC từ TP HCM

Vietnamese market Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Quang cảnh một khu chợ vùng cao Việt Nam, hình chụp 2018

Hôm 17/4, Trung Quốc đã phản bác thông tin đưa trên Fox News vài ngày trước đó về "một số nguồn tin cho rằng coronaviurus bị để xổng ra trong một phòng nghiên cứu ở Vũ Hán là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để cạnh tranh với Mỹ".

Cho dù từ đầu mùa dịch tới nay truyền thông chính thống và phi chính thống đã chứng kiến vô số tin đồn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, trong đó có một số bài có nội dung tương tự như bài báo trên Fox News như trên, nhưng cho đến nay chưa ai có thể đưa ra bằng chứng xác đáng.

Trong khi đó, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học lớn trên thế giới vẫn đang nghiên cứu con virus này và hầu hết trong số họ thiên về khẳng định nguồn gốc tự nhiên của nó.


Việt Nam, trong trận bão tố quét qua khắp thế giới, vẫn đang đứng vững trong số 3 quốc gia ít ỏi chưa có ca nào tử vong vì COVID-19, với con số mắc bệnh tuy lai rai tăng thêm nhưng vẫn thấp kỷ lục: tính tới 19/4, vẫn 268 ca/100 triệu dân, 198 đã hồi phục và chưa có ai tử vong.

Có thể con số thực tế nhiễm bệnh ở dạng nhẹ, rồi tự khỏi trong cộng đồng lớn hơn con số thực này nhiều hoặc rất nhiều, nhưng với khả năng lây lan khủng khiếp của SARS-CoV-2 thì khó có thể nói Việt Nam giấu dịch. Giấu làm sao nổi khi hễ ở gần là lây, mà đã nhiễm bệnh thì phần lớn đều khó thở?

Vậy liệu chúng ta chỉ có thể suy luận bên cạnh các biện pháp chống dịch của Việt Nam (đã được thế giới công nhận) thì dân Việt phải có một bộ gene đặc biệt nào đó, cộng với được ông trời thương, mới dẫn đến kết quả như vậy?

Một khu chợ ở Hội An. Hình chụp năm 2018 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một khu chợ ở Hội An. Hình chụp năm 2018

Vì trái với những khuyến cáo ăn ở sạch, không tiếp xúc gần, quý vị cứ vào những khu chợ dân sinh của Việt Nam thì thấy.

Có lẽ không có gì thứ bẩn bằng thức ăn sẵn bán trong các chợ truyền thống nhiều đời.

Các khu chợ này có vị trí địa lợi, nằm ở trung tâm các khu dân cư đông đúc quanh đó nên tự phát hình thành từ nhiều chục, đến cả trăm năm, và đến giờ thì không ông chính phủ nào có thể quy hoạch lại nó được.


Khác với chợ nhà lồng quy hoạch khu bán thức ăn sẵn riêng rẽ, hệ thống bàn ghế cao, thức ăn đặt trong tủ kiếng, có hệ thống xử lý cấp nước sạch và thoát nước thải ngầm, trong các chợ truyền thống hoàn toàn ngược lại.

Mọi thứ được bày bán lẫn lộn với nhau, hoa bên cạnh cá tươi, bắp luộc nóng hổi cạnh thịt heo mới mổ. Hầu như tất cả đều đặt trong những cái thúng hoặc mâm bày ra ngay sát chân người đi chợ, và hầu hết cũng chỉ cao đến đầu gối của họ là cùng.

Không cần che đậy gì cả, dù chỉ là một tấm vải mỏng.

Các khu chợ này bán hết rất nhanh. Năm, sáu giờ sáng người ta đã dọn ra và khoảng 10-11 giờ sáng đã lục tục dọn về, để nhường đất lại cho các quán ăn bán vào buổi chiều.

Hàng trăm loại thức ăn bún bánh nấu sẵn và tươi, cháo chè, thịt cá, rau tươi, các loại mắm sống chất từng thau to… tất cả cứ ngồn ngộn và tơ hơ. Chợ họp trên các con đường dân cư nên không có hệ thống cấp và thoát nước cho từng sạp.

Người ta phun nước tưới rau cho tươi hay rửa miếng thịt trước khi xay cho khách rồi đổ tràn ra đường. Nước lẫn với máu cá tươi giàn giụa rồi chảy xuống cống. Dù không mưa, ở các khu rau và cá sống nước và bùn vẫn nhèm nhẹp dưới chân. Mưa thì bùn bắn tới mắt.

Thế mà chẳng ai kêu. Ai cũng quen mắt đi rồi.

Gần tới giờ dọn sạp thì càng bẩn thỉu hơn nữa. Các sạp hàng bằng sắt ghép hay gỗ được dựng lên, dùng vòi nước kéo ra từ các nhà mặt tiền xịt thẳng vào. Họ chỉ rửa nước không không có xà phòng, rồi cứ để thế cho khô mai lại bán tiếp. Trong khi sạp này còn bán thì sạp ngay cạnh vẫn xịt rửa. Nước bắn tứ tung, người mua thậm chí phải nhảy né dòng nước bẩn lênh láng.

Nhiễm khuẩn chéo không có từ điển của các khu chợ truyền thống. Người bán sẵn sàng dùng tay không bốc một miếng chả cá hay cái chả giò cho khách thử, còn khách cũng sẵn sàng ngồi xệp xuống vặt một trái nho đang nằm trên mặt thúng bỏ tọt vào miệng xem chua hay ngọt.

Thậm chí khi mang về nhà có sẵn nước rửa rồi thì không phải ai cũng rửa và biết rửa sạch.

Người ta sẵn sàng ngồi ăn ngay trên một cái nắp cống, đã được "cẩn thận" đậy lại bằng một tấm nilon dày.

Hoặc ngay bên cạnh các thùng rác công cộng.

Ngay trên lề đường mà dòng người xe hối hả chạy qua phun ra nồng nặc khí thải.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cũng là chuyện khá xa lạ với nhiều người Việt, nhất là những người lao động tay chân và ở làng quê.

Rất nhiều nơi vẫn còn dùng "cầu tõm" (miền Bắc) hay "cầu cá tra" (miền Tây). Trên núi thì đơn giản đào một cái hố. Ở biển, thậm chí là nhiều vùng biển du lịch, người dân địa phương xả thẳng phân xuống biển.

Những gốc cổ thụ hoặc các vách tường nơi các con đường đô thị vắng vẻ về đêm thì đẫm ướt gần như hoại mục vì nước tiểu của dân đi chơi đêm, dân bán hàng rong, chạy xe ôm, sống bám lề đường. Cho dù nhà vệ sinh công cộng không cách đó bao xa.

Những cảnh tôi vừa tả không phải ở đâu xa lạ. Ai cũng có thể gặp nó hàng ngày trong bất cứ địa phương nào, hoặc ngay giữa Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng hay Cần Thơ.

Dân Việt Nam ở bẩn lắm, ở bẩn kinh khủng và ái ngại thay là nhiều người không hề ái ngại về chuyện đó.

Thói quen ăn ở bẩn thỉu không phân biệt người sống trong khu ổ chuột, trong các ký túc xá sinh viên hay nhà cao cửa rộng giữa trung tâm đô thị.

Nó dường như trở thành một tập tính cố hữu, một "nét văn hóa", của rất nhiều người Việt.

Nhưng lần đại dịch này ông trời cứu, như nhiều người đùa dai rằng "ở bẩn sống lâu". Còn những lần khác sau này?

Con virus đời thứ 2 này thông minh hơn trăm lần con virus cùng họ Corona với nó đã gây ra đại dịch SARS lần trước.

Và chẳng ai dám nói tiếp theo sẽ không có con thứ 3 hay một con Coro-mãng cầu nào đó, mà nó sẽ dành trọn niềm tin và hy vọng vào những công dân quen ăn ở bẩn thỉu, cho dù là ở một nước được ưu đãi quanh năm nắng gió chói chang lồng lộng.

* Bài thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một cây bút sống ở Sài Gòn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Hai 202010:00 SA