TQ đổi dòng, giữ nước Mekong; Đại sứ quán Mỹ tại HN ‘quan ngại’ ( VC cũng biết, nhưng hãi TQ, im như hạt thóc )

Thứ Ba, 14 Tháng Tư 20207:40 SA(Xem: 4627)
TQ đổi dòng, giữ nước Mekong; Đại sứ quán Mỹ tại HN ‘quan ngại’ ( VC cũng biết, nhưng hãi TQ, im như hạt thóc )
voatiengviet.com

TQ đổi dòng, giữ nước Mekong; Đại sứ quán Mỹ tại HN ‘quan ngại’

VOA Tiếng Việt

Các đập của Trung Quốc trên sông Mekong giữ lại lượng lớn nước trùng vào đợt hạn hán tồi tệ hồi năm ngoái ở các nước vùng hạ lưu, trong đó có Việt Nam, một công ty nghiên cứu của Mỹ cho biết trong một báo cáo vừa công bố.

Báo cáo của công ty Eyes on Earth, chuyên nghiên cứu và tư vấn về nước, là kết quả của một cuộc nghiên cứu được chính phủ Mỹ tài trợ qua Sáng kiến Hạ vùng Mekong của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Dẫn dữ liệu vệ tinh đo đạc “mức độ ướt trên bề mặt” ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nơi thượng nguồn sông Mekong chảy qua, báo cáo cho biết vùng này hồi năm 2019 có lượng mưa và nước tan ra từ băng tuyết “hơi cao hơn mức trung bình” trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10, là mùa ẩm ướt.

Nhưng trong cùng thời gian, mực nước đo ở hạ nguồn dọc theo biên giới Thái-Lào cho thấy có những lúc thấp hơn thông thường tới 3 mét, theo Eyes on Earth.

Chúng tôi hết sức quan ngại khi được biết kết quả từ cuộc nghiên cứu gần đây của công ty Eyes on Earth cho thấy Trung Quốc đang làm thay đổi nhanh chóng dòng chảy tự nhiên đổ vào Lưu vực Hạ nguồn sông Mekong.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội


Điều này báo hiệu rằng Trung Quốc “không xả nước vào mùa ẩm ướt, ngay cả khi việc tích nước của Trung Quốc gây tác động rất nghiêm trọng đến nạn hạn hán mà vùng cuối nguồn phải chịu”, ông Alan Basist, một nhà khí tượng học và là chủ tịch của Eyes on Earth, nói trong một phóng sự hôm 14/4 của hãng tin Reuters viết về bản báo cáo.

Trung Quốc có 11 đập trên sông Mekong nhưng họ không công bố các con số chi tiết về lượng nước các đập giữ lại trong hồ tích nước. Còn theo Eyes on Earth, tổng dung tích các hồ chứa đó lên đến hơn 47 triệu mét khối.

Công ty Mỹ tiến hành nghiên cứu bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh thu thập được với công nghệ Cảm biến kế chuyên dụng vi sóng ghi hình/ghi âm (SSMI/S) để phát hiện nước mưa và nước băng tuyết tan trên bề mặt ở khu vực sông Mekong trên đất Trung Quốc trong giai đoạn từ 1992 đến cuối 2019.

Dữ liệu này tiếp đến được so với các mực nước đo được tại Trạm Thủy văn Chiang Saen của Thái Lan, là trạm gần Trung Quốc nhất, để tạo mô hình mực nước “tự nhiên” khi có mưa hoặc băng tuyết tan ở thượng nguồn.

Trong những năm đầu của giai đoạn được nghiên cứu, mô hình dự báo và các mực nước đo được nhìn chung bám sát nhau.

Nhưng từ năm 2012, khi các đập thủy điện lớn của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong hoạt động, mô hình và mực nước đo được bắt đầu lệch nhau trong hầu hết các năm, cũng là những giai đoạn các hồ chứa của các đập Trung Quốc tích nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô. Sự khác biệt rõ rệt nhất là vào năm 2019.

Biển Hồ (Campuchia) cạn nước hồi tháng 7/2019

Biển Hồ (Campuchia) cạn nước hồi tháng 7/2019

Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 7/2019, mực nước sông Mekong xuống đến mức thấp kỷ lục trong vòng 100 năm ở vùng biên giới Thái-Lào-Myanmar.

Khi đó, tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Đại học Cần Thơ nói với VOA rằng một trong những nguyên nhân chính là Trung Quốc và Lào tích nước cho các đập thủy điện của họ ở thượng nguồn.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mekong, phân tích với VOA rằng tuy không làm thay đổi tổng thể tích nước của dòng sông, song các đập thủy điện có hồ chứa thường gây ra lũ chồng lũ vào những năm có mùa mưa nhiều nước; và làm tồi tệ thêm nạn hạn hán vì phải tích nước trong những năm rất khô hạn.

Kết quả nghiên cứu mới đây của Eyes on Earth có thể làm phức tạp thêm các cuộc bàn thảo giữa Trung Quốc với các nước khác ven dòng Mekong về cách thức quản trị con sông mang lại sinh kế cho 60 triệu người ở Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, phóng sự hôm 14/4 của Reuters viết.

Bình luận về bản báo cáo, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói trên trang Facebook chính thức của họ cùng ngày 14/4 rằng “Chúng tôi hết sức quan ngại khi được biết kết quả từ cuộc nghiên cứu gần đây của công ty Eyes on Earth cho thấy Trung Quốc đang làm thay đổi nhanh chóng dòng chảy tự nhiên đổ vào Lưu vực Hạ nguồn sông Mekong, mà tình trạng gây gián đoạn dòng chảy lớn nhất cũng trùng với việc xây dựng và vận hành các đập lớn”.

Mỹ lâu nay vẫn cho rằng Bắc Kinh về thực chất đã nắm quyền kiểm soát sông Mekong. Về nạn hạn hán mà trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi năm ngoái, tại Bangkok, đã quy trách nhiệm cho việc “Trung Quốc quyết định đóng nguồn nước lại ở thượng lưu”, theo phóng sự của Reuters.

Trung Quốc bác bỏ bản báo cáo của Eyes on Earth, Reuters cho hay. “Lập luận cho rằng việc Trung Quốc xây đập trên sông Lan Thương [tức sông Mekong] gây ra hạn hán ở hạ lưu là lập luận vô lý”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố gửi đến Reuters.

Bộ này nói tỉnh Vân Nam cũng chịu hạn nặng hồi năm ngoái và mực nước tại các đập của Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp kỉ lục.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn