Lời kể ban đầu của các ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm

Chủ Nhật, 05 Tháng Tư 20202:00 SA(Xem: 3471)
Lời kể ban đầu của các ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm

4 trên 8 ngư dân Quảng Ngãi trên tàu QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã về tới đất liền hôm 4/4. Lời kể ban đầu của những ngư dân cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác so với phía Trung Quốc đưa tin.

tau-hai-canh-trung-quoc
Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 tố bị tàu Việt Nam đâm hôm 2/4 (Ảnh: Weibo)

Diễn biến sự việc qua lời kể của ngư dân

Ngày 20/2, tàu cá QNg 90617 TS do ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ kiêm thuyền trưởng đã cùng 7 thuyền viên khác xuất bến ra khai thác tại ngư trường vùng biển Hoàng Sa – nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc từ năm 1974.

Theo lời kể của ngư dân, khoảng 3h sáng ngày 2/4, tàu cá nói trên đã bị tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 đâm chìm tại tọa độ 16 độ 42 phút độ vĩ bắc – 112 độ 25 phút 44 giây độ kinh đông, gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa).

Ngư dân Võ Duy Khánh (36 tuổi, thuyền viên trên tàu cá của ông Thọ) nói với báo Thanh Niên, khoảng 3h sáng thì bỗng nghe tiếng động mạnh, tàu như bị hất văng, chao đảo dữ dội rồi dần dần chìm xuống biển. Khoảng mươi phút sau, tàu Trung Quốc quay lại vớt 8 ngư dân lên.

Sau đó, 3 tàu cá khác của các cư dân ngụ cùng xã, gồm tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thành Linh, QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng và QNg 90045 TS của ông Đặng Tự đã nghe lời kêu cứu qua bộ đàm từ tàu ông Thọ trước khi tàu chìm và chạy đến cứu nạn.

Đến nơi, 3 tàu cá không thấy tàu bị đâm chìm đâu nên chạy vòng đi tìm, thì bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun và rượt đuổi. Lúc này có tất cả 3 tàu Hải cảnh Trung Quốc, gồm các tàu số hiệu 4301, 4001 và 3001.

Hai tàu của ông Dũng và ông Linh bị phía Trung Quốc bắt giữ đưa vào đảo Phú Lâm, lục soát, tịch thu điện thoại, đập phá trang thiết bị (bình hơi lặn, dây lặn…) trên tàu. Ông Dũng cho biết tàu ông còn bị phía Trung Quốc lấy mất 3 tấn cá, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Riêng tàu của ông Đặng Tự bị các tàu Hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi, bắn vòi rồng trong nhiều tiếng đồng hồ, khiến tàu ông Tự bị hư hỏng, mất mát nhiều thiết bị, tài sản; một số ngư dân trên tàu bị thương.

Đến 18h ngày 2/4, phía Trung Quốc đã dồn 8 ngư dân trên con tàu bị đâm chìm xuống 2 tàu của ông Đặng Dũng và ông Nguyễn Thành Linh rồi đẩy đuổi vào bờ.

Ngoài 4 ngư dân trên tàu bị đâm chìm đã được tàu ông Dũng đưa vào bờ ngày 4/4, hiện 4 ngư dân còn lại đang được tàu ông Linh đưa vào bờ, dự kiến sẽ cập bờ trong vài ngày tới.

Luận điệu của Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố về sự việc như sau: 

“Sáng ngày 2/4, tàu Hải cảnh Trung Quốc trong khi tuần tra định kỳ đã phát hiện một chiếc tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (tức Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và đã lập tức gọi loa xua đuổi. 

Chiếc tàu đánh cá này không chịu rời đi và đột nhiên chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm. 

Hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức giải cứu tàu đánh cá Việt Nam. Tất cả 8 ngư dân Việt Nam trên tàu đã được cứu lên mà không có ai thương vong. Sau khi tiến hành thủ tục điều tra và thu thập chứng cứ cần thiết, Hải cảnh Trung Quốc đã cho 8 ngư dân hồi hương”.

Bà Hoa Xuân Oánh còn nói thời gian gần đây, các tàu cá Việt Nam thường xuyên xâm nhập vào lãnh hải và nội thủy của Quần đảo Tây Sa của Trung Quốc đánh bắt cá và thậm chí có những hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc.

“Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng và không hài lòng mạnh mẽ với Việt Nam về vấn đề này, yêu cầu phía Việt Nam giáo dục và kiểm soát hiệu quả các tàu cá và ngư dân của mình, không xâm phạm đánh bắt cá ở khu vực biển có liên quan của quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, càng không được có hành động nguy hiểm chống lại lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc,” bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.

Trương Quân, người phát ngôn của Cục Hải cảnh Trung Quốc ngày 3/4 cũng phát biểu trên trang “Trung Quốc Hải cảnh” rằng tàu cá Việt Nam QNg 90617 TS đã “xâm nhập trái phép vào vùng biển Trung Quốc, từ chối rời đi sau khi được cảnh cáo, và đã lao vào tàu Trung Quốc rồi chìm. Trung Quốc đã cứu được 8 người phía Việt Nam.”

“Các thuyền viên tàu đánh cá Việt Nam thú nhận đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc,” Trương Quân nói thêm.

Âm mưu của Trung Quốc?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những động thái gây căng thẳng tình hình ở Biển Đông. Sự cố nói trên là lần thứ hai trong vòng 1 năm qua khi tàu cá Việt Nam bị đâm chìm trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.

Đã có một số phân tích cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã nhận thấy nguy cơ của đợt bùng phát dịch lần 2 và có thể đang nung nấu ý định chuyển lửa ra ngoài và tăng cường đoàn kết nội bộ đảng bằng cách gây ra một cuộc khủng hoảng lớn ở khu vực, bao gồm khủng hoảng trên Biển Đông.

Mới đây, Trung Quốc tung tin phao SF305 của Trung tâm kỹ thuật và khảo sát Nam Hải thuộc Bộ Tài Nguyên Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa bị phá hoại có chủ đích và hướng dư luận cho rằng ngư dân Việt Nam là thủ phạm.

“Những sự kiện này khiến người ta không khỏi nghi ngờ về việc Trung Quốc đang dọn dư luận để chuẩn bị trấn áp mạnh tay ngư dân Việt Nam. Theo đó, những cảnh xả súng tàn sát ngư dân Việt có thể tái diễn, từ đó châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn ở Biển Đông,” nhà báo Đặng Sơn Duân bình luận.

Thanh Thuỷ (t/h)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn