Cứ ‘nhậu thiếu, hát chịu’, đảng sẽ… ‘cân đối’!

Thứ Tư, 18 Tháng Ba 20208:00 CH(Xem: 4516)
Cứ ‘nhậu thiếu, hát chịu’, đảng sẽ… ‘cân đối’!
voatiengviet.com

Cứ ‘nhậu thiếu, hát chịu’, đảng sẽ… ‘cân đối’!

Trân Văn

Đừng nhìn sự kiện Huyện ủy, UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đơn thuần như biểu hiện về sự bệ rạc của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của một địa phương. Nếu thử so sánh, ngẫm nghĩ kỹ hơn, chẳng hạn đối chiếu với chuyến công tác Ấn Độ, Anh của Tổ Biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội mà BCH TƯ đảng CSVN lập ra để chuẩn bị cho việc soạn thảo các “văn kiện”, phục vụ đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13, ắt sẽ thấy, “nhậu thiếu, hát chịu” là vấn nạn quốc gia và trước hay sau, đảng ta cũng sẽ “cân đối” được, bất kể nợ nần quốc gia tăng tới mức nào!

***

Huyện ủy, UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu nhiều cá nhân, tổ chức khoản tiền hơn năm tỉ đồng. Theo báo chí Việt Nam, khoản nợ này phát sinh trong giai đoạn từ 2011 – đến 2015, thời điểm ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Tờ Thanh Niên cho biết, đa số chủ nợ của Huyện ủy và UBND huyện Yên Định là những viên chức làm việc trong Huyện ủy và UBND huyện Yên Định. Một số có đầy đủ chứng từ, một số có nhiều nhân chứng, xác nhận đã dùng tiền riêng và đi vay thiên hạ cho Huyện ủy, UBND huyện chi tiêu.

Huyện ủy và UBND huyện Yên Định đã chỉ đạo viên chức bỏ tiền riêng cho huyện vay và đi vay cho huyện hơn 50 tỉ để làm gì? Câu trả lời là để cùng ăn nhậu, mua quà tặng nhau khi có các đại hội, lễ kỷ niệm,… và đãi khách ăn nghỉ. Các chỉ đạo vay mượn còn để có tiền sửa xe, đổ xăng khi đưa lãnh đạo và các cán bộ hữu trách trong huyện đi công tác. Đáng lưu ý là các “nạn nhân” cùng cho rằng, sở dĩ nợ nần tăng lên đến hơn 50 tỉ là vì nỗ lực để Yên Định được công nhận là… “huyện nông thôn mới”, phải đón rất nhiều đoàn đến khảo sát, kiểm tra, sau này là học tập kinh nghiệm, chia vui...

Sau nhiều lần đòi nợ bất thành, các “nạn nhân” – những người bỏ tiền riêng cho Huyện ủy và UBND huyện Yên Định vay hoặc đi vay theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện – đã khiếu nại, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và chính phủ Việt Nam giải quyết, họ cũng đã nộp đơn kiện Huyện ủy, UBND huyện Yên Định ở Tòa án huyện Yên Định và Tòa án tỉnh Thanh Hóa để đòi nợ... Một trong những chủ nợ vốn là cựu Chánh văn phòng UBND huyện Yên Định thú thật, ông ta và các chủ nợ khác không nghĩ cho vay và đi vay sẽ khiến tất cả “lún sâu” như vậy…

Trước nay, tặng quà, tổ chức tiệc tùng, đãi đằng khách khứa, sử dụng công xa, công quỹ tới lui khắp nơi để tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm,… vốn đã là một phần hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam. Đó cũng là lý do chẳng riêng ông cựu Chánh Văn phòng UBND huyện mà nhiều viên chức làm việc cho Văn phòng Huyện ủy, Thanh tra huyện, Phòng Văn hóa - Thể thao, Nhà ăn,… vui vẻ móc tiền túi cho huyện vay và đi vay cho huyện. Người thì một vài trăm triệu, người cả tỉ, thậm chí có người cho vay và vay giúp đến bốn tỉ đồng (1)!

Chuyện “lún sâu” trong nợ nần vì quà cáp, ăn nhậu, tiếp khách, tham quan, học hỏi rút kinh nghiệm, danh hiệu… “nông thôn mới” như huyện Yên Định không phải là cá biệt. Tháng 7 năm 2016, báo chí Việt Nam đã từng tường thuật về sự kiện trụ sở UBND xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội bị nhiều người đổ đến vây kín để… đòi nợ! Chỉ tính riêng khoản “nhậu thiếu, hát chịu”, chính quyền xã Đồng Thái đã nợ 3,8 tỉ. Còn nếu tính cả các khoản nợ liên quan đến xây dựng “nông thôn mới” (38 tỉ), xã Đồng Thái nợ 42,6 tỉ, chẳng thua huyện Yên Định là bao!

Vào thời điểm đó, các viên chức lãnh đạo chính quyền xã Đồng Thái biện bạch rằng, chuyện “nhậu thiếu, hát chịu” ở các nhà hàng, tại các quán karaoke và… “đi thực tế” đều là vì công vụ. Họ có đãi nhau thì cũng nhằm khích lệ nhau “hoàn thành công tác,” còn không thì là đãi cấp trên chứ không hề tư túi. Có thể ở đâu cũng thế nên thượng cấp chỉ cách chức Chủ tịch xã của ông Phùng Trần Anh và điều động ông làm Trưởng Công an xã. Nhân vật thay thế ông Anh làm Chủ tịch xã cũng chẳng xa lạ gì với các chủ nợ vì ông chính là một trong những người tham gia “nhậu thiếu, hát chịu” (2)…

***

Chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ… “cân đối” được khoản nợ hơn 50 tỉ đồng mà Huyện ủy, UBND huyện Yên Định tạo ra do “nhậu thiếu, hát chịu” và xây dựng “nông thôn mới”, giống như đã “cân đối” xong khoản nợ chừng 42,6 tỉ đồng do UBND xã Đồng Thái tạo ra cách nay khoảng bốn năm. Đã “cân đối” được khoản nợ 15.277 tỉ đồng do xây dựng “nông thôn mới” tạo ra trong năm năm từ 2010 đến 2015 (vốn đã ngốn hết 850 tỉ) trên toàn Việt Nam, quyết định chi thêm 193 ngàn tỉ đồng nữa để tiếp tục xây dựng “nông thôn mới” đến 2020 thì khoản nợ hơn 50 tỉ là chuyện nhỏ!

Cách “cân đối” (tăng thuế, tăng phí, cắt giảm phúc lợi về giáo dục, y tế, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp cho người già, người tàn tật, các cá nhân thuộc những nhóm yếu thế khác, vay cả nước ngoài lẫn trong nước khiến nợ nần tăng vọt…) tuy lớn nhưng cũng bị xem là nhỏ. Chẳng phải chỉ có hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xem kiểu chi tiêu rồi cân đối này là nhỏ mà đa số người Việt cũng không màng. Vì không màng nên mới có những chuyện như Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) dẫn một đoàn sang Ấn Độ, sang Anh chỉ để “nghiên cứu” cho việc soạn thảo các văn kiện sẽ trình… Đại hội 13!

Về bản chất, chi phí cho hoạt động, kể cả tham quan học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm cả trong lẫn ngoài nước, của đủ loại Tiểu ban để viết đủ loại văn kiện cho cả đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 (Dự thảo Báo cáo Chính trị, Dự thảo Báo cáo mười năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Dự thảo Báo cáo Kinh tế- Xã hội, Dự thảo Báo cáo xây dựng đảng và thi hành Điều lệ đảng), lẫn đại hội đảng bộ các ngành, các địa phương từ đầu năm ngoái đến cuối năm nay, như chi phí đã dành cho “Tổ Biên tập” thuộc “Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội 13” mà Bộ trưởng KHĐT làm Tổ trưởng vừa dùng, có khác gì những khoản mà Huyện ủy, UBND huyện Yên Định, UBND xã Đồng Thái đã chi?

Cứ nhìn vào thực trạng kinh tế - xã hội qua nhiều kỳ đại hội đảng, ắt có thể nhận ra là có khác biệt nào về bản chất và tính hiệu quả hay không! Nếu không khác về bản chất và tính hiệu quả, chỉ khác về mức thực chi (lớn gấp nhiều lần) thì tại sao vẫn không ngừng? Chẳng lẽ tiếp tục “nhậu thiếu, hát chịu” rồi “cân đối” bằng cách vắt kiệt từ nội lực quốc gia cho tới nước mắt, mồ hôi, sức lực của dân chúng, kể cả tạm ứng tương lai của hậu sinh qua những khoản nợ bằng trái phiếu, phát hành ở cả trong nước lẫn ngoài nước là “tài tình, sáng suốt” và tiếp tục “xứng đáng” để “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn