Virus Corona–Việt Nam: Ca ''số 21'' có nguy cơ truyền bệnh nhiều nhất

Thứ Hai, 09 Tháng Ba 20205:57 SA(Xem: 4820)
Virus Corona–Việt Nam: Ca ''số 21'' có nguy cơ truyền bệnh nhiều nhất
rfi.fr

Virus Corona–Việt Nam: Ca ''số 21'' có nguy cơ truyền bệnh nhiều nhất

Trọng Thành

Ca nhiễm virus corona thứ 17 cách nay một hôm gây chấn động Hà Nội. Hôm nay, 08/03/2020, chính quyền Việt Nam công bố thêm 10 ca nhiễm virus mới, trong đó đặc biệt gây lo ngại là ''bệnh nhân thứ 21''. Ca số 21 được đánh giá là có ''nguy cơ lây nhiễm cao nhất'', cao hơn nhiều so với bệnh nhân số 17. Bệnh nhân số 21 là một quan chức cấp cao.

Báo chí chính thức cho biết bệnh nhân số 21, ông N.Q.T., 61 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Ông N.Q.T. đi cùng chuyến bay VN 0054, ngồi ghế 5A, ngay cạnh bệnh nhân N.H.N. Theo thông tin trên các mạng xã hội, và một số nguồn tin riêng xác nhận với chúng tôi, bệnh nhân thứ 21 là ông Nguyễn Quang Thuấn, nguyên chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội, phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương của Đảng và thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng.

Khác hẳn với cô N.H.N, một doanh nhân cư trú tại phường Trúc Bạch, đã có triệu chứng ốm mệt ngay từ trước, nên gần như không đi ra ngoài, từ khi về nước (không kể đến khám tại bệnh viện Hồng Ngọc và một cửa hàng – theo thông tin chính thức), người nhiễm Covid-19 thứ 21 vẫn hoạt động bình thường. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ca mắc Covid-19 thứ 21 có thể sẽ là trường hợp ''có nguy cơ lây nhiễm cao nhất vì người này đã tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi, trường hợp này là phức tạp và khó khăn nhất''.

Gần 400 người thuộc diện ''F2'' riêng tại Viện Hàn Lâm KHXH

Theo chính quyền Hà Nội, kể từ ngày 02/03 đến ngày 06/03, tức trước khi nhập viện, bệnh nhân thứ 21 đã tiếp xúc với ''tổng cộng 96 người''. Trong thời gian 5 ngày nói trên, ông Thuấn đã tham gia một số cuộc họp tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội và Hội Đồng Lý Luận Trung Ương. Hiện tại, theo một số thông tin không chính thức, Viện Hàn Lâm KHXH đã lập danh sách những người bị cách ly. Riêng số những người ''gián tiếp tiếp xúc'' với ông Thuấn, thông qua một người khác, đã lên đến gần 400 (hay ''F2'', theo thuật ngữ dịch tễ học thường được sử dụng tại Việt Nam). Những thành viên trong gia đình của gần 400 người F2 này đã bắt buộc phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, theo quyết định ''nâng cấp cách ly'' của chính quyền Hà Nội.

Việc nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam, như bộ trưởng Kế Hoạch – Đầu Tư, ông Nguyễn Chí Dũng (được thông báo là xét nghiệm âm tính với Covid-19), và cựu chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Nguyễn Quang Thuấn, có mặt trong chuyến bay VN 0054, nơi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, đặt ra nhiều câu hỏi về chính sách phòng chống dịch của chính phủ Việt Nam. Ông Lê Dũng, một nhà báo độc lập tại Hà Nội, nêu ra trách nhiệm của chính phủ trong việc để cho nhiều quan chức từ các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh dịch trở về, di chuyển bình thường, mà không đặt dưới sự giám sát chặt về y tế.

''Lỗ hổng'' trên thượng tầng bộ máy...

Đây là điều mà nhà báo Lê Dũng gọi là ''lỗ hổng thứ hai'', trong việc hệ thống phòng dịch, bên cạnh ''lỗ hổng thứ nhất'' là khâu khai báo y tế, kiểm dịch của hàng không quốc tế và Việt Nam:

''Khi đoàn của ông Dũng, và đoàn của bộ Kế Hoạch – Đầu Tư về các cơ quan bộ, thì chính phủ đã ban hành lệnh khẩn cấp về y tế, và đã có lệnh cấm visa từ Ý, từ Hàn Quốc, từ cuối tháng 2 (trên thực tế, Việt Nam ngừng cấp visa từ Hàn Quốc từ ngày 29/02, và yêu cầu khai báo y tế với khách từ Ý và Iran, hai tâm dịch khác, kể từ ngày 28/02), thế nhưng họ lại không nghĩ rằng cán bộ của họ…, chính phủ vẫn cử đoàn đi sang châu Âu, đi sang Anh... và lúc quay về lại không kiểm soát hành khách đi cùng. Khiến cho đoàn bộ Kế Hoạch Đầu Tư đi về lại họp với các cơ quan. Ông Dũng họp khắp nơi, ông Thuấn họp ban Lý Luận Trung Ương, rồi còn đi đâu nữa… Tôi nghĩ rằng, trong một vài ngày tới, cái đoàn của ông Dũng đó, và những hành khách trên chuyến bay Việt Nam 0054… sẽ còn đang rất căng thẳng… Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ thấy kết quả !'' (phỏng vấn với nhà báo Lê Dũng được thực hiện ngay trước khi có thông tin về 9 ca nhiễm mới).

Hôm nay, thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạm hoãn các chuyến công tác nước ngoài trong thời gian này để ''tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch''. Tuy nhiên, trên thực tế, không loại trừ chính chuyến bay VN 0054 ngày 02/03, với sự xuất hiện của bệnh nhân thứ 21, đã là một bài học trực tiếp khiến chính quyền Việt Nam phải đưa ra quyết định nói trên, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát ngay trên thượng tầng của bộ máy chính trị.

... và còn có một khoảng trống đáng sợ khác

Tuy nhiên, vấn đề lỗ hổng nói trên không chỉ liên quan đến bản thân thượng tầng của bộ máy chính quyền. Rất có thể là đã có một khoảng trống khác, lớn hơn rất nhiều. Một số nhà quan sát lật ngược lại vấn đề: nếu như không có bệnh nhân số 17 gây chấn động, và tiếp theo đó là bệnh nhân quan chức (số 21) gây bàng hoàng kia, thì liệu đã có việc chính quyền ráo riết tìm kiếm, để xác minh hơn 200 hành khách trên chuyến bay Việt Nam 0054 có mang virus hay không? Và như vậy chắc chắn đã có ít nhất 9 du khách mang virus lặng lẽ rong ruổi khắp Việt Nam. Có bao nhiêu chuyến bay đã mang những vị khách hay người Việt mang virus corona như vậy, vào Việt Nam trong những tuần qua? Câu hỏi tương tự cũng đặt ra với các tuyến đường trên bộ, nhất là từ biên giới phía bắc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn