Việt Nam sẵn sàng đối phó với đại dịch tới đâu?

Thứ Tư, 19 Tháng Hai 20202:00 SA(Xem: 4093)
Việt Nam sẵn sàng đối phó với đại dịch tới đâu?


Trong lúc vi rút Covid-19 tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc và Việt Nam đang có nhiều biện pháp để tránh tình trạng lây nhiễm tràn lan, câu hỏi đặt ra là hai quốc gia cộng sản này sẵn sàng tới đâu để đối phó với đại dịch.

Câu trả lời đầu tiên là cả Việt Nam và Trung Quốc đều không nằm trong số 10 nước sẵn sàng nhất để đối phó với đại dịch theo số liệu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới dẫn lại từ tháng 11 năm ngoái.

Có hai nước châu Á nằm trong tốp 10 nước dẫn đầu: Thái Lan ở vị trí thứ sáu và Hàn Quốc đứng thứ chín. Trong khi đó năm nước đầu bảng theo thứ tự là Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Úc và Canada.

Theo dữ liệu gốc trên trang Chỉ số Sức khoẻ Toàn cầu, vốn cũng là nguồn của bài viết trên Diễn Đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 50 trên tổng số 195 nước và vùng lãnh thổ, trên Trung Quốc một bậc. Chỉ số do các tổ chức của Hoa Kỳ và Anh lập ra và dựa trên những nguồn mở để trả lời 140 câu hỏi khác nhau nhằm xác định mức độ sẵn sàng của các quốc gia trước đại dịch có thể xảy ra.

Trên thăng điểm 100, điểm của Việt Nam là 49,1 và Trung Quốc là 48,2. Trong ba nước cộng sản còn lại, Lào được 43,1 điểm đứng thứ 73, Cuba 35,2 ở vị trí 110 và Bắc Triều Tiên chỉ được 17,5 điểm xếp thứ 193.

Điều dễ thấy từ những gì xảy ra ở Vũ Hán là hệ thống thiên về kiểm duyệt và kiểm soát thông tin không giúp gì cho việc phòng chống dịch bệnh. Thay vì để ý tới các cảnh báo sớm của những người như bác sỹ Lý Văn Lượng, người sau này thiệt mạng vì Covid-19, chính quyền Trung Quốc đã xử lý những người cảnh báo thay vì xử lý bệnh dịch. Họ đã để mất đi cơ hội vàng để dập dịch từ lúc còn có thể dập được. Kết quả là hàng triệu người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi một nhóm người có thói quen ăn uống và sinh hoạt mất vệ sinh trong xã hội có nhóm cầm quyền chuyên bịt mắt, bịt tai người dân. Ngay cả trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn không ngại ngần gì cách ly những người muốn nói thật.

Khẩu trang hay không khẩu trang?

Hiện nay cách xử lý dịch bệnh tại châu Á và châu Âu cũng khác nhau. Tại Việt Nam và một số nước châu Á khác, người dân coi đeo khẩu trang là điều thiết yếu. Tuy nhiên tại châu Âu mà cụ thể là tại Anh nơi tôi đang sống, chính quyền không khuyến cáo người khoẻ mạnh đeo khẩu trang, thứ hiện chỉ dùng cho người đã có bệnh. Thay vào đó chính quyền khuyến cáo người dân mang theo giấy ăn để che miệng khi ho hay hắt xì hơi, nếu không có khăn thì ho vào phía trong khuỷu tay chứ không phải vào tay. Họ cũng khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên và mỗi lần rửa tay chừng 20 giây, tức gần bằng thời gian hát hai lần bài chúc mừng sinh nhật, cũng như tránh tiếp xúc với người có biểu hiện ốm.

Hiện Anh mới có chín người dương tính với Covid-19 và tám người đã bình phục. Các quan chức Anh cũng nói một khi số ca nhiễm vượt quá 100 người, họ sẽ không xét nghiệm người bệnh như hiện nay nữa mà chuyển sang khuyến cáo bất cứ ai có biểu hiện cảm cúm tự cách ly 14 ngày và chính sách này có thể ảnh hưởng tới cả triệu người. Người ta cũng nói nếu đại dịch xảy ra, hàng chục triệu người Anh sẽ nhiễm Covid-19 và số tử vong sẽ lên tới hàng trăm ngàn. Điều đáng sợ đối với Covid-19 là nó có thể lây nhiễm ngay cả khi người bệnh không có biểu hiện bệnh, bởi vậy khả năng lây lan rất lớn dù tỷ lệ tử vong thấp.

Hiện nay ở Anh những người đeo khẩu trang thậm chí có thể bị kỳ thị. Một số người Trung Quốc tôi biết rất lo ngại và muốn đeo khẩu trang nhưng đã không làm vậy vì sợ sẽ trở thành đối tượng của những người thiếu văn minh.

Làm sao để có tiêu chuẩn vệ sinh năm sao?

Nhưng điều quan trọng hơn cả đeo khẩu trang là có ý thức bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Nếu tự thấy mình có khả năng đã nhiễm Covid-19 thì đừng đi ra ngoài và đừng đến các cơ sở y tế thông thường vì như vậy có nguy cơ lây nhiễm sang người khác, nhất là những người đã ốm sẵn. Điều nên làm là gọi cho đường dây nóng để được hướng dẫn và nếu sức đề kháng tốt, khả năng tự khỏi là khá cao. Khi đi ngoài đường nên mang theo kem sát trùng để đảm bảo vệ sinh tay và tránh cho tay lên mặt nhằm hạn chế khả năng vi rút xâm nhập cơ thể nếu có. Dùng giấy hay phía bên trong khuỷu tay khi ho hay hắt xì hơi sẽ giảm nguy cơ bắn vi rút vào người khác. Thường xuyên rửa tay đúng cách là điều nên làm kể cả khi không có dịch bệnh.

Cũng phải nói thêm rằng chẳng phải chỉ có người Trung Quốc ở Vũ Hán mới có thói quen sinh hoạt mất vệ sinh. Tôi từng tới chụp ảnh cho một nhà hàng Trung Quốc ở gần London và thấy cảnh người ta để thịt cho ruồi bu, thịt cá để gần salad, tay bẩn được dùng để mở vòi nước rửa tay rồi lại dùng tay sạch tắt vòi. Nhà hàng đó cũng có một đầu bếp người Việt Nam và khi tôi muốn chụp ảnh cảnh thái salad người ta lục ra một thớt mà có lẽ cả năm chưa dùng và lau đi để thái salad, nghĩa là ngày thường họ dùng thớt thái thịt cá sống để thái salad. Mới đây một nhà hàng Trung Quốc gần nơi tôi sống đã bị lên báo vì khi thanh tra tới đột xuất đã thấy những điều tương tự những gì tôi chứng kiến hồi hè năm ngoái. Kết quả là họ chỉ được có một sao về tiêu chuẩn vệ sinh.

Trong lúc cả chính quyền Việt Nam và Trung Quốc đều chỉ được hai sao rưỡi về khả năng sẵn sàng đối phó với bệnh dịch, mỗi gia đình nên tự nâng cấp khả năng của bản thân lên năm sao mới tăng hy vọng an toàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn