Chuyện Vũ đi Vũ về và kiểm soát quyền lực

Thứ Ba, 09 Tháng Giêng 20182:30 SA(Xem: 9367)
Chuyện Vũ đi Vũ về và kiểm soát quyền lực

Hiệu Minh

Trang bìa The Power Game

Các ngài TXT, Đinh A#, giờ là Vũ “nhôm”, xưa là bầu Kiên, rồi các đại gia ngân hàng, Vinalines, Vinashin, PetroVietnam… dính pháp lý sau hàng thập kỷ tung hoành nằm ở chỗ quyền lực không bị kiểm soát, trò chơi quyền lực luôn bẩn thỉu.

Một Vũ “đi” là ông Cù Huy Hà Vũ từng nổi đình đám vì những phát ngôn động trời. Cuối cùng bị bắt tháng 11-2010, bị tuyên phạt tù 7 năm, được tha trước thời hạn và bay thẳng sang Mỹ để chữa bệnh.

Vũ “về” là Vũ “nhôm” (Phan Văn Anh Vũ) tên dài có 4 từ như ông họ Cù vừa từ Singapore trở về, bị trục xuất với lý do dùng hộ chiếu giả.

Một là luật sư, một là doanh nhân kiêm sỹ quan an ninh. Cả hai cùng hưởng lộc không nhỏ của chế độ. Một ông sở hữu nhà hai mặt tiền trên đường Điện Biên Phủ và Trần Phú, ông kia sở hữu mấy chục ngôi nhà có giá trị lớn tại Đà Nẵng.

Ông Cù HH Vũ bị bắt do hai bao cao su đã sử dụng, nhưng vài ngày sau thì đã đổi thành “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 88.

Ông Vũ “nhôm” chạy trốn và bị truy nã với lý do “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Hiện chưa rõ “bí mật” đó là gì nhưng việc ông trở về từ Singapore có thể mở ra nhiều loại tội danh khác nhau. Chuyện thay đổi tội danh thuộc tầm…nhân loại.

Ông Cù HH Vũ khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng dự án khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh và thắng, ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, tranh cử Đại biểu Quốc hội, kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương chức lúc đó, chưa kể các phát ngôn làm báo chí quốc tế cũng phải giật tít “Vũ nói…”

Ông Vũ “nhôm” kín tiếng hơn nhưng có lần được cho là dám chỉ mặt Chủ tịch thành phố Đà Nẵng dọa cho “nghỉ việc” nếu làm trái ý ông ta. Kinh hồn.

Một bên dựa lưng vào sóng dư luận là báo chí và mạng xã hội, một bên dựa vào ai đó thì chưa biết, nhưng nguyên việc sở hữu tới 3 hộ chiếu đủ nói lên bàn tay lông lá của doanh nhân.

So sánh hai nhân vật này là khập khiễng, nhưng việc hai ông Vũ trong tiếng Hán là “mưa” hay “múa”, viết không dấu đều là “mua”, cũng đáng suy ngẫm về thời cuộc.

Ông Vũ “nhôm” là sản phẩm từ thời TT Dũng và ông Nguyễn Bá Thanh Đà Nẵng, dựa vào thế lực để làm giầu. Cù HH Vũ cũng nổi tiếng do thời đó nhưng chọc ngoáy chính quyền.

Nghĩ lại thấy rất có thể Vũ này liên quan đến Vũ kia. Nếu TT Dũng cứ để cho Cù HH Vũ kiện thoải mái, để ông ta phát ngôn với báo chí, và đừng bắt ông ta vì lý do hai bao cao su, trong khi TT tự điều chỉnh chính sách để khỏi điều ong tiếng ve về quốc nạn hối lộ, tham nhũng, lạm quyền, thì chắc chắn không có đứa con của thể chế như Vũ “nhôm” được sinh ra đang làm khó cho những người “gò nhôm”.

Chưa kể “điều tiếng” của Nguyễn Bá Thanh giờ cũng đang được bàn đến vì sự đồn đại về bất động sản khủng mà Vũ “nhôm” đang sở hữu lại có từ thời cụ Bá.

Cù HH Vũ từng đứng ra xin bào chữa cho thiếu tướng công an Trần Văn Thanh. Năm 2009, ông có bài viết “Chánh án Tòa Đà Nẵng lập kỷ lục vi phạm nhân quyền” nói về Tòa án Đà Nẵng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi đưa tướng công an Trần Văn Thanh đang bị hôn mê ra xét xử với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tập thể và cá nhân” theo Khoản 1, Điều 258, Bộ luật hình sự.

Sau đó Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ chính thức nhận lời bào chữa cho Thiếu tướng Thanh nhưng bị gạt vì lý do đã cận ngày.

Ông Cù HH Vũ cho rằng phiên toà xử tướng Thanh “mang hàm ý đe dọa người dân, đe dọa những người chống tham nhũng”. Vụ án này được cho là tạo ra nhằm tiêu diệt tướng Thanh” vì ông chỉ đạo điều tra vụ án tham nhũng liên quan trực tiếp đến cụ Bá Thanh lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và sau này là bí thư thành ủy Đà Nẵng quyền thế vô biên.

Nếu cùng tướng Thanh chống tham nhũng, cứ để Cù HH Vũ tham gia tranh tụng, rồi cụ Bá và ekip điều chỉnh kịp thời thì những doanh nhân như Vũ “nhôm” vẫn phất lên một cách đàng hoàng, win win từ nhiều phía tại thành phố giấc mơ bên sông Hàn, chứ không phải chạy trốn và bị trục xuất.

Không hiểu thời cụ Bá thì Vũ “nhôm” có quyền thế ra sao, nhưng nếu doanh nhân này nhúng tay vào việc tướng Thanh thì bây giờ ông chả có điều gì hối hận khi ngồi sau song sắt.

Trò chơi quyền lực luôn là thế. Hôm nay anh là hổ gầm thì mai là thỏ trốn trong sợ hãi bởi quyền lực luôn bị thách thức và luân chuyển.

Quyền lực không được kiểm soát là quyền lực bị tha hóa, cuối cùng trở thành cái bẫy cho chính mình. Vũ “mưa”, Vũ “múa” hay Vũ “mua” sẽ kết thúc như nhau bởi thiếu vắng sự kiểm soát.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn