Biến cố thảm khốc ở Đồng Tâm: Từ bàng hoàng, phẫn nộ đến tỉnh thức

Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng 20206:00 SA(Xem: 4111)
Biến cố thảm khốc ở Đồng Tâm: Từ bàng hoàng, phẫn nộ đến tỉnh thức
rfi.fr

Biến cố thảm khốc ở Đồng Tâm: Từ bàng hoàng, phẫn nộ đến tỉnh thức

Trọng Thành

Vụ tập kích của an ninh Việt Nam vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, khiến một cụ già 84 tuổi và 3 sĩ quan công an thiệt mạng, gây chấn động các mạng xã hội. Trong lúc chính quyền bưng bít thông tin, nhiều người tiếp tục tìm hiểu lý do dẫn đến cuộc can thiệp thảm khốc này. Tổng thống Mỹ rút đe dọa hủy diệt nhiều công trình văn hóa của Iran, sau khi bị UNESCO lên án. Đài Loan đứng đầu châu Á về tỉ lệ nữ dân biểu trong Quốc Hội. Trên đây là chủ đề chính tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Hơn một tuần sau vụ can thiệp của an ninh Việt Nam tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngày 09/01/2020, công luận vẫn chưa thôi bàng hoàng về một biến cố chưa từng có tại Việt Nam.

Truyền hình Nhà nước phổ biến đoạn phim, vào giữa trời đêm, cảnh sát cơ động xả súng dữ dội vào một ngôi nhà dân bình thường ở Đồng Tâm, như thể tấn công vào một hang ổ mafia. Một ngày sau, công an trả lại xác của người thủ lĩnh tinh thần cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, với nhiều vết đạn. Thi thể bị mổ phanh. Hàng chục người dân bị bắt giữ, bị khởi tố về tội chống lại người thi hành công vụ, chống lại một quyết định giải tỏa đất của chính quyền. Sau cuộc tập kích trong đêm, Đồng Tâm tiếp tục bị phong tỏa. Ba viên sĩ quan công an thiệt mạng, sau khi bị rớt xuống ''giếng trời'' trong nhà dân, ngay lập tức được chủ tịch Nước truy tặng huân chương. Lực lượng công an phát động phong trào học tập ''gương hy sinh'' của ba chiến sĩ.

Đối với rất nhiều người, rất khó tin được biến cố thảm khốc này lại xảy ra trong một thời kỳ mà Việt Nam đang cố gắng hội nhập với thế giới dân chủ, phát triển, đúng vào thời điểm Việt Nam đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cũng đúng vào ngày 09/01 này, Liên Hiệp Quốc thảo luận về dự thảo tuyên bố ''Tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế'', do Việt Nam chủ trì. Tuyên bố nhận được sự ủng hộ kỉ lục của các thành viên Liên Hiệp Quốc.

Tâm sự của tiến sĩ kinh tế học Nguyễn Ngọc Chu có lẽ nói thay cho rất nhiều người: ''Mấy lần ngồi xuống để viết về Đồng Tâm mà không thể. Nghẹn ngào trào lên. Đau xót. Phải để lắng đi một tuần mới lấy lại được chút tĩnh tâm. Tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế, dân sự. Nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn. Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt mạng, thì thật là đau xót. Trong khi cuộc tấn công 22 quả tên lửa của Iran không làm cho một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng…. nghĩ đến cách chết của 4 người ở thôn Hoành trong đêm mồng 09/01/2020 mà nước mắt trào ra. Lẽ ra họ đã không phải chết.'' (Bài ''Đồng Tâm : Đừng để ‘Oan oan tương báo’ !'').

''Cố tạo ra cái vực thẳm ngăn cách giữa chính quyền và nhân dân ư? Tôi thực sự không hiểu họ nghĩ gì?'' (họa sĩ Lê Quảng Hà). ''Đốt lò để lấy lại niềm tin của dân, rồi lấy nước mắt hờn căm của dân dội cho tắt ngấm cái lò đáng nể ấy. Lú hay minh? '' (nhà văn Nguyễn Quang Lập) (''Đốt lò'' là cụm từ ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Nước và lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam dùng để chiến dịch thanh trừng tham nhũng trong nội bộ Đảng. '''' là một biệt danh mang tính khinh thị mà nhiều người dùng để chỉ lãnh đạo đảng).

Nhát chém ''cắt đứt sợi dây liên kết cuối cùng giữa Dân và Đảng'' ?

Nhận xét trên đây của một Facebooker có lẽ tóm lược rõ ý nghĩa chấn động của cuộc can thiệp thảm khốc, có thể đã xóa bỏ đi nốt chút ảo tưởng cuối cùng của nhiều người trong xã hội Việt Nam, vẫn còn giữ một chút niềm tin tưởng mơ hồ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng (''Nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước'' là một trong các khẩu hiệu tranh đấu của dân làng Đồng Tâm).

''Suốt hơn hai năm qua, có cả một ngàn cách để tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm trong hòa bình, trong tình đồng bào. Nhưng chính quyền đã lựa chọn giải pháp dùng sức mạnh của công cụ chuyên chính. Họ chỉ không tính được rằng, sau cú hạ sát kẻ cầm đầu, thì chính kẻ đó từ nay sẽ bất tử trong kí ức hàng triệu, hàng triệu người…. người nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành một biểu tượng của chống lại áp bức, một nhân vật bi kịch, một nhân vật lịch sử, một nhân vật văn học đẹp lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn… '' (Bài ''Phát súng lịch sử'' của nhà văn Tạ Duy Anh).

''Ngọn lửa Lê Đình Kình đang sáng chói! Cái chết của cụ đã vạch mặt sự dã man tàn bạo của chế độ cộng sản Việt Nam. Cái chết của cụ không vô ích. Cụ chết đi để cho nhiều người dám vượt qua nỗi sợ hãi để sống cho ra người! '' (Bài ''Cụ sẽ mãi là biểu tượng của tự do'' của nghệ sĩ Kim Chi).

Đi tìm nguyên nhân cuộc can thiệp thảm khốc

Về các nguyên nhân đã dẫn đến can thiệp thảm khốc tại Đồng Tâm, nhiều người cho rằng sẽ phải hàng chục năm nữa, vụ thảm án này mới có thể được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, không có gì cản trở nhiều giả thiết được nêu ra. Nhà báo Võ Văn Tạo đặc biệt lưu ý đến hai nguyên nhân chính, một nguyên nhân xa và một nguyên nhân trực tiếp.

Mời nghe nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang)

''Để dẫn đến sự kiện này, cái quan trọng nhất theo tôi là sự kiện ngày 15/04/2017. Để chống lại việc Nhà nước đem lực lượng vũ trang vào đàn áp người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm). Như người ta nói con giun xéo mãi cũng quằn, họ nổi khùng lên, đã bắt 38 cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát cơ động, trong đó có cả cán bộ huyện nữa làm con tin. Họ đòi ông chủ tịch Hà Nội, hoặc cấp trên nữa phải về để đối thoại với dân, để giải quyết dứt điểm chuyện Đồng Sênh. Từ lúc nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, và từ sau 1975, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng do đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị, thì chưa có một vụ nào mà người dân táo gan làm như thế.

Nếu để ý kỹ đến vụ này mới thấy người dân Đồng Tâm đã đối xử rất tốt với các cảnh sát cơ động trong thời gian bị bắt làm con tin. Đến khi thả ra, những người bị bắt làm con tin không giận, mà chắp tay vái lạy. Nghĩa là đội ơn người dân ở Đồng Tâm. Trong những ngày đó, người dân Đồng Tâm đối xử rất tử tế, nuôi nấng rất đàng hoàng, đối xử rất tình cảm với anh em. Nhưng với thế lực diều hâu, bảo thủ, trong Đảng và Nhà nước Việt Nam, sự biến đó là không thể chấp nhận được. Họ sẽ tìm cách trả thù khi có dịp.

Về mặt thời điểm, trên mạng có một số người đưa ra giải thích thế này, tôi cũng thấy có lý. Khi lữ đoàn được giao quản lý dự án sân bay Miếu Môn ngày xưa, người ta quyết định xây bức tường, người ta chỉ bảo vệ 47 hecta trước đây đã được quy hoạch vào sân bay (bức tường được khởi công hồi giữa năm 2018), còn phần còn lại 59 hecta bên ngoài, họ không xây tường. Việc này sẽ làm lộ ra chuyện chính quyền Hà Nội nhập nhèm chuyện 59 hecta. Cụ Kình cũng không che giấu gì cụ có đầy đủ tài liệu để chứng minh số đất này là đất nông nghiệp của xã, chứ không phải của bên quốc phòng (trong một phát biểu hồi tháng 5/2019, đại biểu Quốc Hội Việt Nam, ông Dương Trung Quốc, cũng ghi nhận: ''Gót chân Asin của Chính phủ trong vụ Đồng Tâm là không đưa ra được bản đồ''). Cụ Kình là một người thông thái, mẫn tiệp, cụ là một nhân chứng sống, tuổi thọ cao, lại có uy tín nữa, lại có tài liệu để chứng minh, cho nên người ta cố tình, càng sớm càng tốt giết người bịt khẩu. Tôi nghĩ rằng chuyện bắt sống đâu có gì khó. Chỉ cần một quả đạn hóa học bắn vào nhà cụ Kình thôi. Hơi cay làm cho mọi người mê man hết. Tại sao họ không làm như thế? Rõ ràng là họ cố bắn cho chết ! Đây là cố sát ! ''.

''Hành động vì Đồng Tâm'': Tìm công lý cho các nạn nhân ở cả phía người dân, cả phía công an

Tại Việt Nam, trong lúc chính quyền tìm mọi cách bưng bít thông tin, có nhiều nỗ lực từ phía xã hội để làm sáng tỏ sự thực. Nhóm ''Hành động vì Đồng Tâm'', được thành lập ít ngày sau vụ này, đã hoàn thành một bản báo cáo sơ bộ bằng tiếng Anh, mang tựa đề ''Fighting over Senh Field. A report on the Dong Tam Village Attak'', gửi đến cộng đồng quốc tế, 7 ngày sau vụ án. Báo cáo dài 28 trang thuật lại ngọn ngành cuộc chiến pháp lý của người Đồng Tâm và vụ can thiệp ngày 09/01/2020. Nhóm ''Hành Động vì Đồng Tâm'' cũng kêu gọi mọi người tham gia đóng góp, phổ biến thông tin, bảo vệ các nhân chứng, đấu tranh nhằm phục hồi công lý.

Nhóm Hành động vì Đồng Tâm cho biết những khó khăn của việc thu thập bằng chứng, trong đó có việc ''suốt từ vụ tấn công vào đêm mồng 8, rạng ngày 09/01/2020, đến nay, nhà cầm quyền vẫn đang bao vây làng Đồng Tâm, cắt điện, cắt internet…''. Theo một thông tin trên mạng Facebook, thì chính quyền đã thành công trong việc gây sức ép buộc Facebook phải xoá bỏ nhiều video và bài đăng về sự kiện Đồng Tâm, còn đội ngũ dư luận viên đã khiến cho nhiều tài khoản Facebook bị ngưng hoạt động thông qua các chiến dịch tấn công phối hợp.

Trump rút lại đe dọa hủy diệt di sản văn hóa Iran

Thảm kịch ở xã Đồng Tâm, ven Hà Nội, bờ Tây Thái Bình Dương xảy ra cũng vào thời điểm vùng Trung Cận Đông chìm trong nguy cơ chiến tranh giữa Iran với Mỹ và các đồng minh. Đặc biệt đáng chú ý là những lời lẽ đe dọa hủy diệt các công trình văn hóa lớn của Iran của tổng thống Mỹ, bất chấp luật pháp quốc tế. Không khí chiến tranh dường như là cơ hội thuận lợi cho các thế lực diều hâu, ở các bên, tự tung tự tác.

Thứ Bảy 04/01/2020, trên Twitter, tổng thống Mỹ cảnh báo Iran là Hoa Kỳ sẽ đáp trả, nếu bị Teheran tấn công, để trả đũa vụ oanh kích giết chết tướng Soleimani. Trong số 52 mục tiêu, sẽ có nhiều cơ sở ''rất quan trọng đối với văn hóa Iran''. Trước làn sóng phản đối, ngoại trưởng Mike Pompeo buộc phải lên tiếng chống đỡ. Tuy nhiên, tối hôm sau, Chủ Nhật 05/01, nhà tỉ phú một lần nữa khẳng định, nếu công dân Mỹ bị giết hại, bị tra tấn, bị đánh bom, thì ''tại sao chúng ta không có quyền tấn công các cơ sở văn hóa của đối phương ? ''.

Trước thái độ hung hăng của tổng thống Donald Trump, thứ Hai 06/01, UNESCO buộc phải lên tiếng nhắc lại nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước 1972 của UNESCO, không cho phép làm tổn hại trực tiếp, hoặc gián tiếp đến các di sản văn hóa và thiên nhiên trên lãnh thổ các quốc gia khác, tham gia Công ước. tại Iran có khoảng 20 di sản như vậy. Một cựu luật sư của bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhắc nhở bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper và tổng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cần công khai khẳng định nghĩa vụ trước luật pháp quốc tế của quân đội Mỹ trong thời gian xung đột vũ trang.

Đêm ngày thứ Hai 06 qua sáng ngày thứ Ba 07/01, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ Mark Esper chính thức khẳng định tôn trọng luật pháp, trong thời gian xung đột vũ trang, ngược lại với tuyên bố của tổng thống Trump.

Sáng ngày thứ Ba, tổng thống Mỹ buộc phải chính thức loại trừ khả năng tấn công các mục tiêu văn hóa của Iran. Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Hy Lạp, ông Trump khẳng định: ''theo nhiều bộ luật khác nhau, chúng tôi có nghĩa vụ phải thận trọng'' với các di sản văn hóa Iran. Donald Trump nói với giọng đầy vẻ miễn cưỡng, ''Họ có quyền giết hại công dân của chúng tôi… nhưng nếu đã là luật, thì tôi muốn tôn trọng''.

Việc ông Trump ồn ào tuyên bố sẽ thực thi một hành động phạm pháp, rồi rút lại, vì muốn tôn trọng luật pháp có thể được đánh giá theo nhiều góc độ. Tuyên bố có vẻ như đầy ngẫu hứng của tổng thống Mỹ có thể là một động tác tâm lý để tranh thủ nhóm cử tri cực hữu tại Mỹ. Việc rút lại lời tuyên bố cũng có thể coi là một mũi tên nhắm hai mục đích, đầy tính toán, vừa để chứng tỏ một mặt thái độ ôn hòa vừa đủ, mặt khác vẫn khẳng định ông làm điều này một cách miễn cưỡng. Thái độ này ắt hẳn ít làm mất lòng nhóm cử tri cực hữu. Dù sao, việc tổng thống Mỹ rút lại đe dọa hủy diệt cơ sở văn hóa Iran cũng cho thấy trong một xã hội dân chủ, pháp quyền, ngay cả các nhà lãnh đạo cực đoan nhất cũng khó lòng tự cho phép mình đứng trên luật pháp.

Đài Loan đứng đầu châu Á về tỉ lệ dân biểu nữ trong Quốc Hội

Đầu tháng Giêng 2020, cộng đồng quốc tế chứng kiến thắng lợi áp đảo của tổng thống Đài Loan mãn nhiệm Thái Anh Văn, gây cảm hứng mạnh mẽ cho những ai muốn chống lại quyền lực thống trị mà Trung Quốc đang tìm cách thiết lập tại châu Á. Chiến thắng chưa từng có của phe đòi độc lập cho Đài Loan đi liền với một thắng lợi khác. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Đài Loan cùng ngày, số lượng dân biểu nữ đắc cử lên tới mức kỷ lục, với 41,6%, đưa Đài Loan trở thành Nghị Viện bình đẳng về giới nhất châu Á, và đứng thứ 16 trên thế giới (đứng trên Pháp, thứ 20, và vượt xa Trung Quốc, thứ 71).

Phóng viên RFI Adrien Simorre thực hiện cuộc phóng sự tại trụ sở Nghị Viện Đài Loan, ngay sau ngày bầu cử. Adrien Simorre có mặt tại văn phòng của nữ dân biểu mãn nhiệm đảng Dân Tiến Vưu Mỹ Nữ. Sau 8 năm đảm nhiệm cương vị dân biểu, người nghị sĩ đang dọn dẹp căn phòng để nhường chỗ cho một dân biểu mới, với nhiều cảm xúc.

Nữ dân biểu Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei-Nu) vui vẻ chỉ cho phóng viên RFI một sơ đồ cho thấy tỉ lệ nghị sĩ nữ trong Quốc Hội Đài Loan không ngừng tăng lên theo năm tháng. Theo vị dân biểu này, bí quyết thành công này chính là bắt nguồn từ sự năng động của các phong trào xã hội. Vưu Mỹ Nữ vốn là một nhà tranh đấu nữ quyền ngay từ những năm 1990. Bà cho biết:

''Ở Đài Loan, chúng tôi đã sống dưới chế độ độc tài trong một thời gian rất dài, trong đó cả các quyền căn bản nhất của con người đã không được tôn trọng. Tuy nhiên, kể từ giai đoạn dân chủ hóa đất nước những năm 1990, nhiều phong trào xã hội đã xuất hiện, để bảo vệ các quyền của người lao động, của nông dân, của môi trường. Có một phong trào bảo vệ quyền phụ nữ. Tôi đã tham gia vào phong trào này. Từng bước một chúng tôi khẳng định các quyền này. Đây là một công việc dài hơi, và giờ đây chúng ta thấy chúng đã mang lại kết quả''.

Các kết quả nói trên ít được thế giới biết đến, vì Đài Loan không được Liên Hiệp Quốc công nhận, do áp lực của Bắc Kinh. Theo một báo cáo công bố đầu năm nay của chính quyền Đài Bắc, Đài Loan đứng thứ 8 thế giới về phương diện bình đẳng nam – nữ.

Nữ dân biểu cho biết không khí kỳ thị giới vẫn còn nặng nề tại Đài Loan: ''Trong thời gian tranh cử, các nữ chính gia Đài Loan thường là nạn nhân của các lời lẽ khinh rẻ. Ví dụ như, nữ tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn bị phó chủ tịch Quốc Dân Đảng bêu riếu là bà không thể hiểu được những người làm cha mẹ, bởi bản thân bà không lập gia đình, không có con. Hoặc ông chủ của tập đoàn Foxconn đã chế giễu các nữ chính trị gia là họ quá mất thời gian trong việc chăm sóc con cái và chồng mình. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về năng lực của chính trị gia nam và chính gia nữ Đài Loan, các chính trị gia nữ cũng có năng lực không kém, thậm chí hơn chính trị gia nam''.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn