Đốt lò 2020: Các nhóm cản trở chính sách sẽ bị thanh lọc?

Thứ Bảy, 04 Tháng Giêng 20206:00 CH(Xem: 4865)
Đốt lò 2020: Các nhóm cản trở chính sách sẽ bị thanh lọc?
bbc.com

Năm 2020: Lò sẽ đốt các nhóm lũng đoạn chính sách?


Việt Nam Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việt Nam là một quốc gia đứng đầu trong khu vực về tiêu thụ chất uống có cồn, nhưng có ý kiến nói các nhóm lobby bia rượu đã tác động đến chính sách quản lý

Các thế lực 'thủ lợi', nhóm lợi ích giả làm xã hội dân sự sẽ tiếp tục tác động đến chính sách và cản trở quá trình cải tổ, đổi mới trong năm 2020, một nhà quan sát xã hội dân sự của Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.

"Từ năm 2016 tới nay, công cuộc 'củi lửa', 'đối lò' của nhà nước và đảng Cộng sản đã chĩa mục tiêu vào một số lĩnh vực ở Việt Nam,"

"Nhưng liệu sang năm mới, các chiến dịch có dám tập trung vào xử lý các nhóm lợi ích trên hay không sẽ là một câu hỏi lớn được đặt ra, tiến sỹ Trần Tuấn, nhà phản biện thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam nói với thảo luận Bàn Tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt (02/1/2020).


Trả lời từ Texas, Hoa Kỳ, nơi ông đang thăm viếng, ông Trần Tuấn hỏi:

"Các thế lực như vừa nói có thể làm được gì? Thì tôi thấy là họ làm rất cụ thể. Họ hầu hết đều là các thế lực khai thác lợi ích kinh tế trong vấn đề làm ăn ở Việt Nam.

"Tôi nói ví dụ, trong vấn đề vừa rồi, chúng tôi đã làm với luật (phòng chống tác hại của) rượu, bia, luật (phòng chống tác hại của) thuốc lá chẳng hạn, thì chúng ta đều biết chỉ riêng việc đánh thuế thuốc lá, rượu bia là những cái khuyến cáo của các tổ chức khoa học, cũng như là của thế giới, đã thấy rằng là muốn phòng chống được tác hại thuốc lá của rượu bia, thì bắt buộc phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với chúng.

"Và mức tiêu thụ đó ở Việt Nam hiện nay trong nhiều năm qua, đã đang đặt mức chỉ bằng một nửa so với khuyến cáo của các tổ chức thế giới và kém rất xa ngay so với những nước xung quanh, ví dụ như Thái Lan, hoặc Úc, hoặc Singapore.

"Thế thì chỉ riêng mức thuế này thôi, tôi cho rằng giữa lúc đang bị trì trệ, bị cản trở rất mạnh và luật thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan trực tiếp đến các mặt hàng này, thì các thế lực kia đang ngăn cản đến mức là lẽ ra phải ra (luật) trong các kỳ hợp Quốc hội vừa rồi, thì luôn luôn bị trì hoãn, tôi nói ví dụ thế.

"Mà chỉ riêng mất mát trong vấn đề đó thôi, tôi nói chẳng hạn là thuế của rượu bia là hiện nay thu khoảng 50 nghìn tỷ đồng Việt Nam một năm, thì nếu chúng ta chỉ đảm bảo tăng gấp đôi, đúng như khuyến cáo của các tổ chức thế giới, thì chúng ta đã có thêm được 50 nghìn tỷ đồng Việt Nam nữa.

"Tức là như vậy là cả một khoản rất là lớn. Tôi cho rằng nếu như khoản này, mà theo đúng khuyến cáo của các tổ chức khoa học, thì thấy rằng là chỉ phần tiền đó thôi đổ sang cho y tế, giáo dục, cho tăng cường nội lực của người dân lên đối với các yếu tố tác hại cho sức khỏe, thì cũng đảm bảo chắc chắn rằng các hoạt động của y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và vấn đề môi trường, vấn đề an sinh xã hội là tốt."

Cản trở chính sách thế nào?

Việt Nam Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Thuế nếu được thu đủ từ các ngành công nghiệp có sản phẩm gây tác hại cho sức khỏe con người và môi trường có thể trợ giúp cho cải thiện y tế, sức khỏe, giáo dục, môi trường và phát triển, theo chuyên gia

Theo chuyên gia phản biện chính sách này, các nhóm lợi ích khi cản trở các chính sách tỏ ra có đối tượng, mục tiêu và động cơ khá rõ ràng:

"Tôi cho rằng những thế lực này luôn luôn làm mọi cách để cản trở chính sách, ít nhất là những chính sách mà Việt Nam đã cam kết thực hiện đối với các tổ chức quốc tế, với các Công ước quốc tế, từ công ước trẻ em, cho đến công ước sức khỏe, công ước môi trường.

"Các thế lực đó phát triển kinh tế đều nhắm vào vấn đề làm sao khai thác được lợi nhuận tối đa và họ bất chấp tất cả những vấn đề về sức khỏe, vấn đề về môi trường.

"Thì vấn đề đó họ tiếp tục làm, tiếp tục gây bất hoạt các luật đưa ra, tôi nói ví dụ ngay luật (phòng chống tác hại của) rượu bia..., thì họ lại đẩy sang cái hướng là không tăng được thuế, không ảnh hưởng gì đến vấn đề quảng cáo của họ;

"Và nếu như các hình thức có thực hiện thì chỉ nhằm vào người dân và phạt người dân, chứ không nhằm vào vấn đề là nơi sản xuất, hoặc là các định hướng vấn đề quảng cáo."

Về hiệu quả và nội dung của công cuộc "đốt lò" mà đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam đang triển khai mấy năm qua, đặc biệt là hai năm gần đây, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn bình luận:

"Công cuộc đốt lò đã đưa ra được một thế lực mà tôi gọi là vì cá nhân vì thương mại, lợi nhuận mà bất chấp tất cả lợi ích của cộng đồng, thì phải có một thế lực đối lập trở lại. Cho nên đây rõ ràng là một cuộc đấu tranh giữa hai thế lực, tôi công nhận.

"Nhưng mà xu hướng vừa rồi tôi nhìn nhận thì chúng ta thấy rằng là cuộc đấu tranh đó, các vụ án đưa ra nhắm đầu tiên vào bên Bộ Công Thương, tôi cho đây là đúng, vì Bộ Công Thương trong những năm vừa qua là nơi xuất phát của tất cả các định hướng chính sách mà tôi cho rằng đã 'chà đạp' lên các vấn đề về môi trường, các vấn đề về sức khỏe và vấn đề lợi ích phát triển của đất nước.

"Cho nên là đánh vào Bộ Công Thương là đúng. Tiếp theo, chúng ta thấy là có những vấn đề ở bên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và gần đây nhất là vấn đề của Bộ Thông tin & Truyền thông.

"Bởi vì Thông tin, Truyền thông làm cho lệch lạc hết cả các vấn đề nhận thức của xã hội với các tình hình thực tế. Cho nên tôi cho rằng chọn bốn bộ vừa rồi mà các vụ án tập trung vào, tôi cho đều là đúng và như thế chứng tỏ rằng là thế lực muốn làm sạch đất nước, chống tham nhũng, đấy cũng là một thế lực có tính chất đang tăng dần lên...

"Tôi tin rằng, nếu như chiều hướng tiếp tục như thế này, có khả năng thế lực tích cực sẽ có thế. Thế lực tích cực muốn thắng thế được phụ thuộc vào những tác nhân như đã nói, như là tiếng nói bổ trợ của người dân, mà người dân ở đây thể hiện qua các tổ chức, các cá nhân, các nhà trí thức và chúng ta còn gọi chung là các tổ chức xã hội dân sự."

Đốt vàng mã Bản quyền hình ảnh Linh Pham
Image caption Đốt vàng mã nhân ngày Tết ở Việt Nam. Tiền công quỹ ở nước này cũng 'bị đốt' vào các vụ thất thoát, nhũng lạm và lãng phí

'Thanh lọc để mở đường phát triển'

"Nhưng xã hội dân sự hiện nay cũng đang nhá nhem, là một bức tranh lẫn lộn, trong đó bản thân những thế lực thủ lợi, phi nhân bản cũng tạo ra một bộ mặt của bên gọi là tiếng nói xã hội dân sự để ủng hộ cho họ.

"Đấy là bằng chứng của các hiệp hội như hiệp hội năng lượng, hiệp hội tấm lợp, hiệp hội rượu bia, nước giải khát v.v..., thì họ đã tạo ra một tiếng nói nhằm ủng hộ cho các thế lực của họ.

"Thế thì, trong bốn năm vừa qua, làm được với lại các bộ ngành Công Thương, Thông tin - Truyền thông, rồi quân đội, công an và vẫn đang tiếp tục làm, thì tôi nghĩ rằng tới đây, trong năm 2020, nếu có được, sẽ quay sang làm với bên các nhóm tổ chức chính trị, xã hội.

"Và khi làm vào cá nhóm tổ chức chính trị, xã hội, phải thanh lọc bộ máy này thì chúng ta (Việt Nam) mới có cơ hội để cho các nhóm mà vì dân lên được tiếng nói mạnh mẽ hơn.

"Và khi có tiếng nói vì dân lên mạnh mẽ hơn, thì lúc đó mới có cơ hội để mà sửa đổi các luật liên quan xã hội dân sự, liên quan các tổ chức nghề nghiệp và từ đó nó mới mở rộng cho vấn đề tiếng nói đi vào phản biện.

"Chứ còn nếu hiện nay chúng ta vẫn để như thế này, thì nó sẽ là một cuộc rất là gay go, cho nên, tôi xin tóm lược lại là trong công cuộc 'đốt lò', tôi hy vọng rằng đốt lò tới đây sẽ hướng cả sang các tổ chức chính trị, xã hội.

"Và thanh lọc thì sẽ mở đường cho các vấn đề từ luật công đoàn, từ những vấn đề đối với người lao động, cũng như với tiếng nói của các nhà khoa học trong các vấn đề phản biện xã hội, nó sẽ được thay đổi đi lên, khi tiếng nói đó mạnh lên, tôi hy vọng rằng công cuộc 'đốt lò' tiếp tục đẩy mạnh và Việt Nam mới đi được theo các hướng mà các nước đã phát triển," ông Trần Tuấn nói với BBC.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn