Hai mặt của kiều hối: Xót xa thân phận người Việt

Thứ Hai, 30 Tháng Mười Hai 20196:13 CH(Xem: 4698)
Hai mặt của kiều hối: Xót xa thân phận người Việt
Bài viết hay, nhưng không có lời kết, người dân không có lối thoát. Đoạn kết buồn quá: "Chú có biết bao giờ hai đứa nhà tôi trở về không, ngày nào tôi và hai cháu cũng đứng ở cổng ngóng chờ". Vì quá nghèo nên người xuất khẩu lao động VN có khát vọng kiếm tiền cháy bỏng; việc gì cũng chấp nhận làm; làm quần quật suốt ngày, mỗi ngày chỉ ngủ 3 - 4 tiếng. Tiền kiếm được tới 90% được gửi về Việt Nam cho gia đình, còn bản thân họ ăn đói mặc đồ người dân địa phương thải bỏ. Nhưng gia đình họ ở VN dùng tiền gửi về để làm gì: Trước hết là trả nợ, sau là đua nhau xây nhà cao cửa rộng, sơn đủ loại màu sắc, mua đủ loại đồ đạc để khoe với làng xã, rồi góp tiền liên hoan xây nhà thờ tổ, xây chùa làng, xây mộ... thật lớn và cuối cùng chi rất lãng phí cho cưới xin, ăn hỏi, họ, tộc. Số tiền kiều hối được dùng để tích lũy, đầu tư sản xuất, kinh doanh không đáng bao nhiêu. Người xuất khẩu lao động sau này trở về thường không còn mấy vốn liếng và không có kiến thức nên cũng không biết xoay sở ra sao để được sống sung sướng và sĩ diện với làng xã trong những ngôi nhà to vật vã. Thế là sau một vài năm họ lại tìm cách ra đi. Vòng luẩn quẩn đó kéo dài hết thế hệ này sang thế hệ khác. Rõ ràng như tác giả bài này đã phân tích, tiền không phải là tất cả. Cha mẹ họ không hề mong nhà to, ngoại tệ nhiều. Họ chỉ mong các con về để các cháu được trông thấy bố mẹ của chúng, ông bà trước khi chết được nhìn thấy mặt các con của mình. Lao động phổ thông chưa bao giờ nhàn hạ, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài càng cực khổ. Tha hương vừa khổ vừa rủi ro, có khi còn mất mạng. Để mở lối thoát cho họ, chỉ có con đường là phát huy vai trò và trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước được dân bầu ra để lãnh đạo họ, giúp họ có học có hành, có việc làm và có thể sống hạnh phúc trên mảnh đất quê hương họ; chỉ khi đó mới chấm dứt được thảm cảnh thuyền nhân, thùng nhân và cả chuyên cơ nhân hiện nay. Tiếc thay, đấy chỉ là giấc mơ viển vông đối với người Việt vì cái nhà nước hiện nay gồm nhiều nhóm lợi ích chỉ biết thu tiền thuế của dân, bán tài nguyên đất nước, vay nợ nước ngoài (sau này dân sẽ phải nai lưng trả nợ) để tham nhũng chia nhau chứ không quan tâm và không biết thế nào là vai trò và trách nhiệm của mình. Đúng là vẫn bế tắc, không có lối thoát.
Hai mặt của kiều hối
29/12/2019 - Tại hàng băng đĩa ngoại ô London, chị Hoa nhờ tôi chuyển một ít “kiều hối” về Nghệ An cho cha mẹ già. Việt Nam dự kiến vẫn thuộc nhóm nhận chuyển tiền lớn nhất thế giới những năm tới. Ngôi làng của chị Hoa sẽ tiếp tục nhận "kiều hối" để xây thêm những ngôi nhà cao tầng hình ống. Nhưng cha mẹ chị không hề mong nhà to. Họ chỉ mong con về để hai đứa cháu được trông thấy mẹ, ông chết được nhìn thấy mặt con hơn là ngoại tệ.
VN-Kieu-Hoi-Gui-Ve-Sai-Gon-2
Việt Nam dự kiến nhận 16,7 tỷ USD kiều hối qua kênh chính thức và nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2019 - tiếp tục ghi nhận một năm kiều hối đạt mức kỷ lục, theo Ngân hàng Thế giới. Tuần trước, báo cáo của UniTeller, công ty thanh toán quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho biết, kiều hối hàng tháng chuyển về cho các gia đình tại Việt Nam hiện trung bình gấp mười lần thu nhập của người nhận. Đó là những gia đình như của chị Hoa.

Hơn ba năm trước, tôi tình cờ gặp chị Hoa nhờ tiếng nhạc Việt phát ra từ hàng băng đĩa nhỏ. Người chồng tại Anh mở cho chị cửa hàng này.

Chị Hoa trước kia có chồng và hai con ở Việt Nam. Cả gia đình trông vào ba sào ruộng khoán ở huyện ven biển Nghệ An nên rất khó khăn. Đúng lúc ấy, người bà con bên Anh mở nhà hàng Việt rủ chị sang phụ bếp, "lương tháng bằng một năm làm ruộng". Chị vay mượn được 300 triệu đồng nộp vào đường dây đưa người sang Anh, phần còn thiếu sẽ trừ vào lương nhà hàng sau này. Sang được Anh, nhưng công việc quá cực nhọc, chị mấy lần ngất đi trong bếp, đôi tay nhiều khi mất hết cảm giác vì phải chặt thịt cá đông lạnh quá nhiều.

"Dù làm việc như nô lệ, nhưng tôi vẫn phải tỏ ra với gia đình ở Việt Nam rằng mình đang ăn nên làm ra, tiền vẫn phải gửi về đều", chị kể. Thấy chị "ăn nên làm ra", đứa em trai ở quê lại vay mượn tiền, nộp cho đường dây đưa người sang Anh. Qua hành trình nguy hiểm, cuối cùng nó cũng đến được ngoại ô London, vứt hết hộ chiếu để làm nghề "trồng cỏ". Em trai chị từ khi sang đây, không giấy tờ, chui rúc trong căn phòng bịt kín, thắp điện suốt ngày đêm để chăm cần sa. "Nó không bằng chuột chũi vì không được ló mặt ra đường", chị bảo. Cậu ta không được tiếp xúc với bất kỳ ai, chỉ thèm được nhìn thấy bầu trời. Mới đây trang trại nó bị cháy vì chập điện, mặt cậu bị bỏng, biến dạng.

"Nhất xanh cỏ nhì đỏ ngực", nếu trúng vụ cỏ, cậu có thể trả hết nợ, trúng vụ sau có nhiều tiền, sẽ xây ngôi nhà thật to cho bố mẹ. "Mặt em dù có biến dạng nhưng về quê người ta vẫn phải ngước nhìn", nó khóc với chị. Cả hai chị em vẫn chưa biết ngày về, nhưng tiền của họ vẫn gửi đều về quê. Cầm những đồng bảng Anh chị gửi, lần đầu tiên tôi cảm giác những đồng tiền giấy rất nặng, nồng nặc mùi người.

Chuyến công tác sang Anh của tôi lần đó để tìm hiểu về đời sống du học sinh người Việt. Tôi đến Đại học Cambridge, nơi có nhiều người Việt học tập, trong đó có Phước Long, một sinh viên xuất sắc. Mới học năm thứ ba, cậu đã được công ty máy tính lớn mời cộng tác. Hàng ngày Long lên giảng đường, học dưới mái vòm của những tòa lâu đài cổ, nơi treo ảnh các nhà khoa học đạt giải Nobel của trường. Cuối tuần, Long có thể lên London chơi, mua sắm, xem kịch, xem bóng đá. Cũng là người Việt sang Anh, nhưng sự thiên di của những người như Long sao quá khác với chị em chị Hoa?

Đang đi học nhưng Long đã gửi tiền về cho gia đình. Cái gọi là "kiều hối" ấy được Long gửi rất nhanh gọn và đàng hoàng qua dịch vụ ngân hàng, khác với những đồng tiền của chị em Hoa. Nó cũng phải di chuyển bất hợp pháp như chủ nó.

Về nước, tôi về quê chị Hoa để thực hiện lời hứa. Đó là ngôi làng ở huyện Yên Thành, Nghệ An - một trong những điểm nóng của làn sóng xuất ngoại. Quê chị chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn, dân bỏ ruộng vì thuế phí, phân bón cao, đất cằn. Họ ngồi nhẩm tính, ngày công làm ruộng chỉ có 1.000 đồng. Cả huyện không có nhà máy hay khu công nghiệp, nghề phụ duy nhất là đi bắt cua. Cua bắt mãi cũng hết, thanh niên bỏ quê đi làm ăn tứ tán.

Trong căn nhà cấp bốn cũ nát lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng của hàng xóm giàu lên nhờ xuất ngoại, bố mẹ chị Hoa đang nuôi hai đứa con chị. Họ run run nhận 500 Bảng Anh. "Nó bảo về sẽ xây một ngôi nhà to cho bằng hàng xóm", ông nói. Tôi im lặng, không dám nói rằng con ông còn may mắn hơn nhiều người.

"Hai mặt của đồng tiền" là một nghiên cứu với 1.911 cuộc phỏng vấn người nhận kiều hối tại Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam vào tháng 9 năm nay. Kết quả khảo sát cho biết, giá trị chuyển tiền trung bình hàng tháng bởi những người di cư Việt Nam là 735 USD, so với thu nhập hộ gia đình trung bình hàng tháng của họ tại quê nhà là 73 USD. Những người trả lời khảo sát cho biết, 25% tiền nhận được để trả nợ. Ngoài ra mới tới các nhu cầu như sinh hoạt, giáo dục và tiết kiệm.

Một nhà xã hội học chia sẻ khi tôi hỏi về hiện tượng nông dân ly hương. Nông dân ra đi vì hai lý do, lực đẩy và lực hút. Lực đẩy ở đây chính là sức ép từ quê nhà: nhu cầu kiếm nhiều tiền hơn, thể hiện khả năng làm giàu khi hàng xóm xung quanh đột ngột đều giàu lên, để chối bỏ cảm giác thất bại. Lực hút là cơ hội được hứa hẹn từ nơi sẽ tới, có nghề nghiệp, thu nhập "bằng cả năm làm ruộng", sống sung sướng. Phần lớn nông dân rời khỏi làng quê bây giờ vì lực đẩy mạnh.

Việt Nam dự kiến vẫn thuộc nhóm nhận chuyển tiền lớn nhất thế giới những năm tới. Ngôi làng của chị Hoa sẽ tiếp tục nhận "kiều hối" để xây thêm những ngôi nhà cao tầng hình ống. Nhưng cha mẹ chị không hề mong nhà to. Họ chỉ mong con về để hai đứa cháu được trông thấy mẹ, ông chết được nhìn thấy mặt con hơn là ngoại tệ.

"Chú có biết bao giờ hai đứa nhà tôi trở về không, ngày nào tôi và hai cháu cũng đứng ở cổng ngóng chờ?", bố chị Hoa nói. Khi tôi đã đi khỏi một quãng, nhìn lại vẫn thấy người cha lưng còng đứng bên đường dõi theo.

Phùng Nguyên
https://vnexpress.net/goc-nhin/hai-mat-cua-kieu-hoi-4034691.html
Ý kiến bạn đọc
Thứ Ba, 31 Tháng Mười Hai 20194:23 SA
Khách
Gần tới Tết mà đọc câu chuyện kể về người VN lao động nước ngoài để thấy lòng bùi ngùi, mắt cay cay thương cảm cho số phận con người nghèo khổ, tìm mọi cách cố vươn lên trong quốc gia xã hội chủ nghĩa. Con số người lao động nước ngoài quá lớn và trải nghiệm rất nhiều hoàn cảnh. Chỉ riêng Hà Tĩnh, sở Lao Động Thương Binh Xã hội thống kê có 35,000 người lao đồng chui (không kể chính thức), và sức chịu đựng của họ thật cao, thật tuyệt vời cho dù ngậm đằng nuốt cay, mặc cho thân phận dập vùi bức bách oan khiên hay ký gởi trong những công việc gian nan nguy hiểm, kiểm soát bởi những tay anh chị đầu gấu hay bọn buôn người máu lạnh, bắt kể họ ra đi chính thức hay đi lậu. Người ta không quên vụ công ty Daewoosa Samoa bóc lột và bạc đãi công nhân Việt với sự tiếp tay của Công Sản VN ở thời điểm 2001, chúng ta cũng không quên sự quản trị độc ác của các tay anh chị làm việc với sự bao che của tòa Đại sứ hay lãnh sự VN Công Sản tại các quốc gia Đông Âu trong việc quản trị giới lao động làm may chui hay trồng cần sa tại đó. Những bài tường thuật báo chí kể cả BBC về Bi kịch của "Người Rơm", "Trồng cỏ " tại Anh, Úc và Canada. Họ bị bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục và bị tịch thu tất cả giấy tờ tùy thân nên hầu như họ "không có đường về". Trong câu kết của câu chuyện làm mắt rưng rưng lệ qua hình ảnh người Cha già buồn ngóng trông con, và con trẻ háo hức chờ mẹ về xum họp trong ngày tết linh thiêng... nhưng họ chờ .. trong vô vọng ... "Con ơi con ở đâu?", "Mẹ ở nơi nào hả mẹ ?" Bánh chưng, pháo Tết không còn là niềm vui, khi xa con, vắng mẹ .....Ôi sao . Nghe như có tiếng thở dài...não nuột .. trong ngày Tết.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn