“Sự độc hại” Trần Long Ẩn

Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một 20196:00 SA(Xem: 3851)
“Sự độc hại” Trần Long Ẩn

Nguyên Đại

Trần Long Ẩn (TLA) sinh ngày 29/9/1944 tại Bình Định, học trung học tại trường La-San (nay là Đại Học Quy Nhơn), sau đó vào học ở Đại Học Văn Khoa Saigon. Tháng 4/1972, ông trốn theo VC vào chiến khu. Hai năm sau, năm 1974, ông được đưa ra miền Bắc, học ở trường Âm Nhạc Việt Nam.

Ngày 10/11/19, trong buổi họp giao ban của hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TPHCM, ông TLA phát biểu: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa…”, theo báo Phụ Nữ, cơ quan ngôn luận của HLH Phụ nữ TPHCM.

Phát biểu của ông gây nên phản ứng dữ dội của những người tham gia mạng xã hội, có người cho rằng đó là câu nói “bị khinh bỉ nhiều nhất từ xưa tới nay” (Mặc Lâm/ VOA – 15/11/19). Tại sao?

Trước hết là tại cái chức vụ mà ông đang có. Ông không phải là một dư luận viên hạng bét, phát biểu vu vơ, không ai muốn tranh luận. Ông hiện là ủy viên thường vụ hội nhạc sĩ Việt Nam, chủ tịch hội âm nhạc và đồng chủ tịch liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TPHCM. Ông là tác giả của một số ca khúc từng được thanh niên Việt Nam yêu thích. Với chức vụ đó, ông không thể tùy tiện phát biểu, cho dẫu để lấy lòng ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy TPHCM, người có mặt trong buổi họp giao ban đó.

Thứ hai là tại ông nói bậy. Văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 nó “độc hại” ở chỗ nào? Em thương nhớ, lo sợ những điều xảy ra với anh, một người lính trong những đêm lửa đạn… Những điều mà em không dám nghĩ, tình của mình chia ly mất mát trong chiến tranh…, thì độc hại ở chỗ nào? Tết, con không về nhà thăm mẹ được. Con nhớ mẹ, nhưng vì chiến cuộc, vì đồng đội con còn ở chiến trường, con không thể riêng mình êm ấm… thì độc hại ở chỗ nào?

Buổi chiều, mẹ nhìn ra ngõ nhớ con, đứa còn, đứa mất trong chiến tranh, từng đợt đạn pháo…lo buồn…thì độc hại chỗ nào. Ông vào chiến khu, không thông báo với gia đình, chỉ sau 75 mới gặp lại. Mẹ ông và những người thân nhớ thương ông…là một sự độc hại? Khi nói những điều đó, ông có nhớ đến tình cảm của những người thân của ông, khi ông đột nhiên… “mất tích” để vào chiến khu VC không? Khi nói những điều đó, ông đã trở thành “sự độc hại” của gia đình ông, cho dẫu ông đã ở tuổi mà có thể để xuống tất cả những phiền phức về danh và lợi trong cuộc đời này.

Thứ ba, ông là một kẻ vô ơn. Trước khi vào chiến khu, ông đã từng mài đũng quần trên ghế nhà trường trung và đại học Sài-gòn, ông lớn lên từ cái nền văn hóa đó. Nó tạo cho ông những cơ sở để có thể viết được những lời nhạc sau này. Ông là kết quả của “sự độc hại” mà ông miệt thị đó.

Thứ tư, làm công việc “phê bình” văn hóa, nhưng ông không hiểu một điều cơ bản là: Khi tác phẩm đã phát hành, sinh mạng của nó không còn do tác giả, người tạo ra nó, quyết định nữa. Người đón nhận tác phẩm quyết định sự sống còn của tác phẩm đó. Chế Lan Viên, sau này có “Trừ Đi” cái “Bánh Vẽ” cũng không tẩy được ao ước của ông “cho con làm sóng dưới con tàu đưa tiễn bác” trong lòng người đọc được.

Trịnh Công Sơn cho dẫu “tiến thoái lưỡng nan” cũng không thể làm thính giả quên được những ca khúc phản chiến mà ông đã viết, cùng với lời “hiệu triệu” văn nghệ sĩ mà ông nói trên đài phát thanh Sài gòn, những ngày cuối tháng Tư năm 1975.

Và, đồng chí Tố Hữu của ông, sau này có than khóc bao nhiêu vì bị thất sủng, cũng không làm sao lấy đi được ấn tượng trong lòng người đọc rằng: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ”…hay “Tiếng đầu lòng con gọi Sít-ta-lin” được.

Sự sống còn của một tác phẩm không phải tùy thuộc và ý chí, quyết tâm đường lối của đảng, nó thuộc về người thưởng ngoạn. Không ai có thể “tẩy xóa”, ngay cả chính tác giả. Chính vì vậy, dòng nhạc trước 1975, người ta đã từng cố tẩy xóa, nhưng không thể nào, và bây giờ nó trở lại, sống vững vàng, sống mạnh mẽ, dầu đã hơn nửa thế kỷ.

Lẽ ra, là một “nhà phê bình” ông và các đồng chí của ông phải đặt câu hỏi “tại sao” trước khi dán cho nền văn hóa nghệ thuật trước 75 cái nhãn “độc hại”. Cái nhãn mà ông dán đó, vô hình chung lại dính hẳn vào con người của ông. Ông đã trở thành một sự độc hại, mà các đồng chí của ông sẽ buộc phải loại bỏ, một ngày rất gần; bởi vì ông không xứng là một nhà phê bình, ông không xứng là một nhạc sĩ, ngay cả trong cái nhìn của các đồng chí của ông.

Người xưa nói “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Ông không rút lại được những lời phát biểu độc hại đó, nó sẽ đi theo ông xuống mồ. Tự nhiên, tôi cảm thấy ông là một người đáng thương hại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn