Cặp đôi “hoàn hảo”

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Một 20198:00 SA(Xem: 4266)
Cặp đôi “hoàn hảo”

ca-324x235ab


XỨNG ĐÔI

Anh thì..ăn quỵt tiền hàng
Em thì…ăn vạ la làng sân bay
Chúng mình nổi nhất năm nay
Cặp đôi “hoàn hảo” mặt dày… da trâu..

Xứng đôi vừa lứa với nhau
Đôi ta ý hợp tâm đầu em ơi
Sáu điều Bác dạy quên rồi
Cho nên tai tiếng cặp đôi…điên khùng…

Thế mà ngành vẫn cứ…dùng
Hết đình chỉ lại…ung dung đi làm !!??…
Giáng cho vài cấp quân hàm
Vẫn còn…hồng phúc Việt Nam, dân à !!…

Chị đại(úy) ở gò Đống Đa
Còn đây anh thượng(úy) đúng là Thái Nguyên.
Xảy ra cơ sự…nên duyên
Trai cưng-gái cứng nhất miền…lục lâm !!…

Hình như cảnh sát tuyển nhầm
Những người thảo khấu lục lâm…vô ngành ??.
——-
* Chuyện Đại úy Hiền, CSGT Đống Đa gây huyên náo ở Tân Sơn Nhất và Thượng úy CA Thái Nguyên Nguyễn Việt Xô tát nhân viên tại trạm dừng chân vỉ con quỵt tiền mua xúc xích (ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng kể ở hành lang QH sáng 12-11-2019).

Bài 2:

Tư duy “Công an trị” và năng lượng dân sự

Nguyễn Tiến Tường

Một người công an viên ném xúc xích, bạt tai thường dân cũng tương tự như việc thoá mạ nhân viên hàng không hoặc bắt gái bán dâm ở trần để chụp ảnh… phải gọi đích xác đó là những hành động phi nhân tính.

Đó đương nhiên cũng chỉ là cá biệt, nhưng nó sẽ làm lu mờ mọi nỗ lực tìm kiếm thiện cảm người công an trong mắt người dân. Thậm chí, nó làm người dân quên đi hình ảnh hàng chục chiến sĩ hy sinh mỗi năm.

Ngành công an với sự khắc nghiệt từ tuyển dụng lẫn đào tạo, vẫn đâu đó có rất nhiều cá thể sứt mẻ nhân cách. Ngoài sự suy đồi đạo đức cá nhân, cần phải minh định rằng, những hành động tồi bại đó, có phần xuất phát từ phản xạ “công an trị”.

Xã hội trải qua một thực tiễn đủ lâu để ngành công an trở thành địa hạt siêu quyền lực. Công an, hiểu đơn chất là lực lượng bảo vệ trị an thì gần như trở thành lực lượng “ban phát trị an”. Công an can thiệp vào con người, hành chính và cả kinh tế.

Điều này dẫn đến thực tiễn chua xót là người dân nhìn vào lực lượng công an, thay vì cảm giác an toàn thì lại cảm thấy sợ hãi. Và những nhân sự lệch lạc có cây trượng “công an trị” để sử dụng cho dã tâm của mình.

Ngoài việc chấn hưng đạo đức, cải tổ ngành công an, buộc phải có một con đường khác là mở lối dân sự. Người dân hay ném cái nhìn thiếu thiện cảm về phía ngành công an và tư lệnh Tô Lâm nhưng nếu công bằng một chút, có thể nhìn thấy một năng lượng dân sự lớn và sự cởi mở trong tư duy.

Trong thời của tướng Lâm, tướng tá công an rụng như sung. Nó gián tiếp phơi bày một thực tế ngành công an đặc quyền đặc lợi, thao túng kinh tế chính trị khủng khiếp của giai đoạn trước.

Lộ trình 2020, ngành công an cắt giảm đến 60 nghìn nhân sự. Đây không chỉ là tiết kiệm quỹ lương mà còn thu hẹp quyền lực ở cơ sở. Một loạt những thay đổi nhỏ khác như người dân được quyền quay camera công an làm nhiệm vụ, đề xuất kéo dài thời gian tiếp xúc bị can… đó chính là những luồng gió dân sự thổi vào thành trì “công an trị” đè nặng xã hội.

Cho dù tư lệnh ngành có năng lượng kiến tạo tới đâu, hành động bông phèng của những cá thể méo mó nhân cách sẽ phá bĩnh tất cả, nghiêm trọng nhất là chà đạp cảm xúc của nhân dân.

Lột áo những cá nhân biến dạng nhân cách cũng là cách chứng minh ngành công an đang cố gắng bước qua tư duy “công an trị”. Nếu những cá thể này còn quẩn quanh trong ngành công an, niềm tin chớm nở của nhân dân sẽ chóng lụi tàn…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn