Freedom House: Việt Nam “ Không có tự do internet”

Thứ Tư, 06 Tháng Mười Một 20198:00 CH(Xem: 4144)
Freedom House: Việt Nam “ Không có tự do internet”
Diên Vỹ
 
(VNTB) - Tình trạng tự do internet ở Việt Nam được tổ chức Freedom House đánh giá trong năm 2019 là “ Không có tự do”.
 
 
Freedom%2BHouse
Bảng xếp hạng tự do Internet của Việt Nam
 
Với 3 tiêu chí đánh giá dựa trên rào cản về tiếp cận internet, hạn chế nội dung và xâm phạm quyền của người tiêu dùng, tổng cộng Việt Nam đạt 24 điểm trên tổng số 100. Và so với năm ngoái thì được đánh giá là không có gì thay đổi. (1) 
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quy định và quản lý công nghệ số môt cách tuỳ tiện, không minh bạch, không hội ý công chúng. Hướng dẫn quy định cho lãnh vực viễn thông được ĐCSVN đưa ra, đánh mất tính độc lập của các cơ quan ra quy định. Bản báo cáo đã chỉ rõ rằng “Trên danh nghĩa thì Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch quản lý nội dung khiêu dâm và bạo lực, trong khi Bộ Công An lo việc kiểm duyệt chính trị. Trên thực tế, việc kiểm duyệt nội dung trên mạng có thể do bất cứ cơ quan nhà nước nào ra lệnh.” 
Mới đây thôi, ông Nguyễn Văn Bình Trưởng ban Kinh tế Trung ương, trong buổi tiếp ông Silmon Miller, Phó chủ tịch phụ trách chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ông Benjamin Joe, Phó chủ tịch phụ trách thị trường Đông Nam Á và các thị trường mới nổi của Tập đoàn Facebook đã đề nghị Facebook thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân người dùng, góp phần đảm bảo an ninh mạng và không gian mạng lành mạnh…”  (2) Nhiều người có thể tự hỏi tại sao Trưởng ban kinh tế Trung ương hồn nhiên xía vô chuyện quản lý nội dung mạng xã hội, thế nhưng điều này đã rõ ràng chứng tỏ “  việc kiểm duyệt nội dung trên mạng có thể do bất cứ cơ quan nhà nước nào ra lệnh” hay thậm chí quan chức nào cũng được.
Thành tích buộc Facebook và Google xoá bỏ nội dung được cho là chống nhà nước, thông tin sai lệch, bôi nhọ giới chức, và xuyên tạc các sản phẩm thương mại hay nội dung của các nhóm xã hội dân sự đối nghịch đã đem về cho Việt Nam điểm 0 trong điểm đánh giá ép buộc xoá bỏ nội dung. Bộ Thông Tin và Truyền Thông đặt ra mục tiêu gỡ bỏ 5.000 tài khoản được cho là "tuyên truyền xuyên tạc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước." 
Ngoài ra còn có các công ty, tổ chức có khả năng ảnh hưởng tài chính và chính trị có thể làm áp lực để kiểm soát nội dung trên mạng và cản trở tự do biểu đạt. Theo đó, công ty được nhắc đến tên là Vingroup đã sử dụng ảnh hưởng của mình để gỡ bỏ các thông tin có hại cho tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên Facebook như vụ thú chết ở Safari Phú Quốc, các dự án bất động sản.
Điều đáng nói là dựa vào các điều khoản, quy định mơ hồ mà nhà cầm quyền và các cơ quan quản lý yêu cầu các trang mạng gỡ bỏ nội dung bằng lệnh miệng và thường không có cơ sở pháp lý. Ngay cả khi có yêu cầu gỡ bỏ nội dung qua kênh chính thức, cũng không có thủ tục khiếu nại, độc lập hay không độc lập. Và vì vậy đã làm cho việc hạn chế về internet và nội dung trên mạng trở nên thiếu minh bạch, thiếu tương xứng với mục tiêu đề ra, hoặc thiếu thủ tục khiếu nại độc lập. 
Việc kiểm duyệt nội dung thông tin trên chặt chẽ cùng với sự giúp sức của lực lượng 47 với lực lượng dư luận viên lên đến hàng vạn đã bóp nghẹt tự do mạng ở Việt Nam từ phía chính quyền. Bên cạnh đó việc xử nặng những người bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội cũng đã buộc người dùng mạng phải tự kiểm duyệt nội dung vì sợ bị bắt bớ. 
Việc kiểm duyệt khắt khe cũng gây khó khăn kinh tế cho các trang thông tin mạng. Ví dụ như khi các nhà quảng cáo tránh các trang thông tin phê phán Đảng và nhà nước hay khi các trang thông tin mạng cẩn trọng không để bị vướng hình ảnh có giao du với các nguồn tài trợ hay quảng cáo chống chính quyền. Và nguyên do được cho là trong môi trường tham ô, mối quan hệ có được với các viên chức chính quyền cao cấp hoặc các công ty quyền thế giúp các trang thông tin mạng và nhà cung cấp dịch vụ được bảo vệ về mặt chính trị và kinh tế. 
Quyền tự do biểu đạt của người dùng bị xâm phạm nặng nề khi chính quyền cho bắt giam ít nhất 42 nhà hoạt động và blogger trong năm 2019 ngay cả với những người bảo vệ nhân quyền và môi trường mà đặc biệt là chỉ trích thảm hoạ môi trường Formosa. Hiến pháp và luật định đã không bảo vệ được những quyền như tự do biểu đạt, tiếp cận thông tin, và tự do báo chí, kể cả trên mạng. 
Ngoài ra luật pháp, bao gồm các nghị định liên quan đến internet, luật hình sự, luật xuất bản, luật an ninh mạng, và Pháp Lệnh Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước, có thể được dùng để phạt và bỏ tù nhà báo và cư dân mạng. Luật An ninh Mạng, các điều 109. 117 và 330 của Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng để bắt bớ và khởi tố người dùng internet với các tội danh mơ hồ như lật đổ, tuyên truyền chống nhà nước, và lợi dụng quyền tự do dân chủ. 

Bên cạnh đó là việc trừng phạt nặng các cá nhân hoạt động trên mạng, buộc phải dùng tên thât khi đăng ký các tài khoản mạng xã hội, kiểm tra danh tính người dùng, hay xâm phạm quyền riêng tư khi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ phải giúp chính quyền giám sát thông tin người dùng. 
Tất cả những điều này đã góp phần làm cho tự do internet của Việt nam luôn ảm đạm, chỉ đứng trên Trung Quốc (10/100), Iran (15/100) trong số các quốc gia được xếp hạng. 

(1) https://www.freedomonthenet.org/country/vietnam/freedom-on-the-net/2019
(2)https://vietnamfinance.vn/truong-ban-kinh-te-trung-uong-de-nghi-facebook-thuong-xuyen-phoi-hop-go-bo-tin-xau-doc-20180504224231018.htm 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn