Chuyên gia: Việt Nam cần loại bỏ tư duy xem Trung Quốc như là “ông kẹ”

Thứ Năm, 07 Tháng Mười Một 20191:00 SA(Xem: 3845)
Chuyên gia: Việt Nam cần loại bỏ tư duy xem Trung Quốc như là “ông kẹ”
rfa.org

Chuyên gia: Việt Nam cần loại bỏ tư duy xem Trung Quốc như là “ông kẹ”

Ben Ngo 2019-11-01

Phát biểu trước  Quốc hội hôm 30/10 vừa qua, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội, đề cập đến việc Trung Quốc thời gian qua đã điều từ 30 đến 40 tàu vào vùng Biển của Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt bài phát biểu của mình, ông Khoa không một lần nhắc đến tên Trung Quốc mà chỉ nói “nước ngoài”, gây thắc mắc trong dư luận.

Một nhà quan sát lý giải với Đài Á Châu Tự Do về những lý do khiến giới chức Việt Nam có thông lệ ‘dè dặt’ khi nhắc tên Trung Quốc và hành vi của nước này tại Biển Đông.

Trả lời RFA hôm 31/10, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói:

Phát ngôn gần đây của các lãnh đạo, và đại biểu Quốc hội ở Việt Nam về Biển Đông trên nghị trường đã thể hiện hai luồng tư duy căn bản: Thứ nhất là tư duy thận trọng, vốn là quan điểm tiếp cận chủ đạo trong chính sách Biển Đông của Việt Nam từ trước tới nay. Tư duy này dựa trên nguyên tắc tránh "bi kịch hóa" quá mức tình hình thực địa, và cũng tránh "bêu xấu" trực tiếp Trung Quốc. Cách nghĩ này dựa trên giả định rằng tương quan lực lượng ở Trung Quốc quá áp đảo, và so sánh rủi ro/lợi ích thì Việt Nam hoàn toàn không có lơi nếu chỉ trích trực diện Trung Quốc.”

“Thứ hai là tư duy Việt Nam nên thẳng thắn và chủ động hơn: như nên chỉ đích danh Trung Quốc, nên kiện Trung Quốc, nên chủ động hợp tác nhiều hơn với các cường quốc khác như Mỹ.

Tránh coi Trung Quốc là “ông kẹ”

Trong suốt 4 tháng tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát của Trung Quốc có mặt ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ Ngoại giao, đã nhiều lần lên tiếng công khai phản đối Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, dù lên án hành động của Trung Quốc nhưng cũng không nhắc đến tên Trung Quốc.

Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cốc tại lễ ký một loạt các thỏa thuận song phương ở Hà Nội hôm 5/11/2015

Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cốc tại lễ ký một loạt các thỏa thuận song phương ở Hà Nội hôm 5/11/2015 AFP

icon-zoom

Ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh:

Cần phải lưu ý rằng cả hai cách tiếp cận đều có mặt được và mặt mất riêng, trong bối cảnh tương quan giữa an ninh đối nội/đối ngoại. Tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc dịch chuyển cách tiếp cận từ thận trọng phòng thủ sang chủ động hơn trong vấn đề Biển Đông. Ở đây không phải là thay đổi ba không, hay nguyên tắc "đối tác-đối tượng", mà là dựa trên khung nguyên tắc đã có để mở rộng hơn nữa lựa chọn chính sách.

“Về căn bản, cần loại bỏ tư duy xem Trung Quốc như là "ông kẹ" và cân bằng lợi ích giữa an ninh đối nội và an ninh đối ngoại để có những bước đi chính sách phù hợp hơn.”

Việt Nam hiện vẫn theo đuổi chính sách ba không:  không tham gia các liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Với nguyên tắc “đối tác – đối tượng”, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đối tác là những nước Việt Nam có các mối quan hệ cộng tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Trong khi đó, đối tượng được coi là những thế lực có âm mưu và hành động chống phá Việt Nam, bao gồm cả hành động gây chiến tranh và xâm lược.

Hiện Trung Quốc là 1 trong 3 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Cần xác định rõ chính sách với Trung Quốc

Trả lời RFA hôm 31/10, ông Hoàng Việt, thuộc Quỹ nghiên cứu Biển Đông, nói:

Ở đây mọi người thấy có chuyện vừa lạ vừa không lạ, nghe rất quen. Cái quen là cách nói của các quan chức Việt Nam là khi nào nói về Trung Quốc thì bao giờ cũng né tránh, không dám gọi tên Trung Quốc, rất hãn hữu. Nếu có gọi mà nói với thái độ gay gắt thì càng không có.”

“Nhưng mà có điều tôi thấy hơi lạ. Tóm lại là chính sách của Việt Nam về Trung Quốc và Biển Đông thế nào thì không rõ lắm. Với phát biểu của giới chức Việt Nam, như đại biểu Trần Việt Khoa và trước đây, trong tám lần tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã có lần Việt Nam đích danh yêu cầu Trung Quốc rút tàu xâm phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam. Còn nay thì ông tướng Trần Việt Khoa nay thì nói là quốc gia nước ngoài thì tôi cho rằng đó là điều rất khó hiểu. Không biết là chính sách của Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là thế nào?”

Hình minh họa. Một bài báo in trên báo Thanh Niên lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Hình minh họa. Một bài báo in trên báo Thanh Niên lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông Courtesy of Thanh Niên

icon-zoom

Ông Hoàng Việt, người cũng là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhận định rằng việc các thông tin về Biển Đông không được tiết lộ nhiều trên mặt báo nhà nước cho thấy “Việt Nam hãy còn tỏ ra rất dè dặt và chưa nhất quán trong tất cả mọi chính sách, có lẽ là vì cho rằng họ mạnh mẽ trên thực địa, nhưng quan trọng nhất là trong việc thông tin ra bên ngoài và với người dân trong nước thì cho thấy sự lúng túng, thiếu phối hợp, và vẫn dè dặt với Trung Quốc.

Ông Hoàng Việt dự báo Quốc hội Việt Nam có thể bàn về việc kiện Trung Quốc nhưng không tiến hành việc này vì “Trung Quốc đã rút các đoàn tàu thăm dò". Ông nói thêm:

Qua phát biểu của hai người, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân, đã cho thấy khả năng khởi kiện rất mong manh. Trả lời một số cử tri, ông Nhân từng nói là tòa quốc tế thì không có cơ chế để thi hành, vậy thì chúng ta làm được gì, kiện Trung Quốc thì được gì. Nếu mà kiện mà không thi hành thì được gì không. Ông Nhân cũng nói không thể quay lưng với Trung Quốc.”

Nhận định về lập trường của ông Trọng rằng “đấu tranh kiên quyết và khôn khéo về vấn đề chủ quyền", ông Hoàng Việt nói:

Khôn khéo và kiên quyết thì đương nhiên rồi. Nhưng có thể hỏi lại, không lẽ chỉ Việt Nam khôn khéo mà các nước khác không khôn khéo? Thứ hai là khôn khéo được thể hiện thế nào? Có lẽ tại Việt Nam vẫn có tranh luận về việc này. Trong việc Trung Quốc rút tàu Hải Dương 8, có người cho rằng đấy là sự thành công của Việt Nam, nhưng cũng có người nói chưa hẳn, vì có những vấn đề có thể còn tiếp tục trong tương lai. Chuyện này cũng trở lại vấn đề là không rõ về chính sách của Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việt Nam vẫn tỏ ra khác biệt và khó hiểu trong những trường hợp như thế này.”

Dù có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, trên thực tế, Hà Nội và Bắc Kinh vẫn còn những bất đồng liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền trên biển khiến quan hệ hai bên vẫn còn những giai đoạn căng thẳng. Điển hình là vụ Trung Quốc cho triển khai tàu khảo sát Hải Dương 8 và đội tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 7 vừa qua đến cuối tháng 10. Đã có nhiều tiếng nói trong và ngoài nước kêu gọi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Trong phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng bỏ ngỏ khả năng này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn