Công lý bần hèn

Thứ Tư, 23 Tháng Mười 20192:00 SA(Xem: 4104)
Công lý bần hèn

Trung Bảo

Một anh công nhân cách đây 2 năm say rượu về đánh con nhỏ bị vợ cũ quay clip. Xem anh ta đánh đứa nhỏ rồi doạ giết mà ứa gan, chỉ muốn đấm cho một cái. Nhiều người cũng nghĩ vậy. Và, kéo đến tìm anh ta, sau 2 năm từ ngày anh đánh con. Anh này nay đã li dị cô vợ cũ, đứa nhỏ nay cũng chẳng sống với cha.

Đám đông ầm ầm đánh anh công nhân như cái mền rách rồi hả hê đưa lên mạng. Công lý có vẻ như đã được đám đông thực thi. Ai nấy hỉ hả vì làm được việc nghĩa. Bênh vực được người yếu trừng trị được kẻ ác. Có đúng vậy không?

Đó là một thứ công lý bần hèn. Anh công nhân cậy mạnh đánh đứa trẻ. Đám đông cậy đông kéo đến đánh anh công nhân. Vậy mà vẫn nghĩ mình đang làm việc nghĩa. Cả hai bên đều vi phạm luật pháp, nhưng đám đông vi phạm nặng hơn.

Có vẻ như đó là một thứ ẩn ức hằng ngày. Đám đông yếu thế tìm được một chỗ để xả hết ẩn ức ra, đó là một kẻ yếu thế hơn mình, và càng tuyệt hơn khi việc ấy được biện hộ rằng đang làm việc nghĩa. Một cái khiên tuyệt đẹp cho một đám đông “thay trời bắt nạt”.

Cũng cái đám đông ấy, nếu bạn thử nhắc với họ chuyện chính trị, tôi chắc bạn sẽ nhận được câu trả lời: “Lo làm ăn đi. Quan tâm chi mấy cái đó”.

Các đoạn clip ấy như một lát cắt về cái xã hội này. Một xã hội mạnh được yếu thua. Một xã hội có những đám đông thích nhân danh công lý nhưng lẩn tránh bất công.

Cái đám đông ầm ầm như sôi ấy, hả hê vì đánh được một kẻ tay không ốm yếu. Chỉ có công lý buồn tủi vì đã bị “cưỡng hiếp” bởi đám đông.

Trung Bảo

#baosach

74328334_10214985038955094_613596328034828288_n
Ảnh: Đám đông vui sướng sau khi thực hành ”công lý”
* * *

CẦN NGHIÊM TRỊ HÀNH VI "TREO THƯỞNG" CỦA ĐÀM VĨNH HƯNG

Pháp luật có mặt ở đời sống xã hội nhằm đảm bảo sự bình đẳng của mọi cá nhân, tổ chức. Ở góc độ cá nhân, pháp luật tạo hành lang bất khả xâm phạm với chỗ ở hợp pháp, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm!

Để xác lập chức năng đó, nhà nước lập ra các cơ quan bảo vệ pháp luật như cảnh sát, tòa án, viện kiểm sát. Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu đồng cho các "anh em xã hội" tự ý thi hành án với anh Tí như sự kiện vừa qua là thái độ coi thường pháp luật, xóa bỏ vai trò quan trọng của cơ quan bảo vệ pháp luật!

Mặt khác, theo các quy định của pháp luật hiện hành, hành vi treo thưởng của Đàm Vĩnh Hưng đã có dấu hiệu vi phạm vào các điều cấm của của luật như xâm phạm chỗ ở, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối trật tự công cộng.

Tội phạm và khung hình phạt được quy định chi tiết tại Bộ luật Hình sự 2015.

Phân tích thêm các yếu tố cấu thành tội phạm như khách thể, chủ thể, khách quan, chủ quan trong vụ việc đã thấy ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã hội tụ đủ các yếu tố cấu thành đó như: ý muốn của ca sĩ này đối với việc xử lý anh Tí, Đàm Vĩnh Hưng có đầy đủ năng lực pháp luật, việc anh Tí bị đánh cũng xác định được khách thể bị xâm hại và thời gian, địa điểm lúc Hưng viết stt và cùng địa chỉ anh Tý bị hành hung rất rõ ràng... Ngoài ra, hậu quả tổn thương của anh Tí cũng dễ dàng xác định nếu giám định tỷ lệ thương tật.

Có lẽ việc cần làm lúc này là cơ quan điều tra nên khởi tố vụ án cố ý gây thương tích và tiến hành các biện pháp tiếp theo trước khi khởi tố các bị can liên quan để truy tố các bị cáo trước tòa.

Một nhà nước pháp quyền sẽ không thể có chuyện thực thi công lý theo kiểu treo thưởng như phim cao bồi. Đàm Vĩnh Hưng góp phần rất chủ động trong việc đẩy xã hội đi vào trạng thái vô pháp, người dân sử dụng bạo lực tự phát để hành xử khi có việc trái mắt.

Vì hành vi treo thưởng có thể vi phạm điểm d khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Chỉ với hành vi này, người phạm tội đã có thể chịu hình phạt tù giam từ 2 đến 7 năm.

Hi vọng sau lần này, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ biết lệnh "truyền tấn công" để thực hành thứ công lý bần hèn của mình là hậu quả pháp lý nặng nề. Dù có làm nghề "xướng ca" thì cũng nên bổ sung kiến thức pháp luật, hoặc đi hát kiếm tiền thuần túy có phải yên ổn hơn không.

Thanh Nhã (Báo Sạch)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn