Thảm sát tại Hà Nội: Xã hội VN ngày càng lạnh lùng?

Thứ Ba, 03 Tháng Chín 20194:57 SA(Xem: 5831)
Thảm sát tại Hà Nội: Xã hội VN ngày càng lạnh lùng?
bbc.com

Thảm sát tại Hà Nội: Xã hội VN ngày càng lạnh lùng?


Thảm sát ở Hà Nội: Xã hội VN ngày càng lạnh lùng? Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images
Image caption Thảm sát ở Hà Nội: Xã hội VN ngày càng lạnh lùng? (Ảnh minh họa)

Vụ sát hại người thân xảy ra hôm 1/9 tại Hà Nội làm dấy lên câu hỏi có phải xã hội đang ngày càng lạnh lùng hơn và đạo đức đang xuống cấp.

Hôm 1/9, mạng xã hội lan truyền video một người đàn ông đang đâm chém túi bụi khiến nhiều người gục tại chỗ. Nhiều báo Việt Nam sau đó cũng có bài viết và hình ảnh hiện trường.

Hung thủ sau đó được xác định là ông Nguyễn Văn Đông (sinh năm1966, xã Hồng Hà, Hà Nội). Năm nạn nhân là em trai ruột, vợ em trai và các cháu, trong đó 4 người thiệt mạng, 1 người khác bị thương nặng.

Trong các hình ảnh và video được đăng tải, có thể thấy khi vụ việc xảy ra, nhiều người đứng xung quanh chứng kiến trực tiếp nhưng không có ai can ngăn, cũng không có bóng dáng cảnh sát. Hung thủ sau khi ra tay bình thản ngồi uống trà trong khi chờ công an tới.


Nguyên nhân mâu thuẫn ban đầu được xác định là do tranh chấp đất đai. Hai anh em ông Đông thường xảy ra cãi vã liên quan đến vấn đề này. Hôm xảy ra án mạng, em trai ông Đông vừa làm lễ đào móng khởi công xây nhà thì ông Đông lao đến đâm chém túi bụi.

Khai tại cơ quan công an, ông Đông nói đêm trước đó không ngủ được vì nghĩ đến mâu thuẫn với cháu trai (là con của em trai) nên sáng hôm sau đã mang theo dao sang nhà em trai. Ban đầu ông Đông chỉ định sát hại cháu trai, nhưng sau đó do không kiểm soát được hành động nên đã giết hại cả gia đình.

Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra vụ việc.

Đây không phải là lần đầu tiên các vụ thảm sát như vậy xảy ra giữa những người thân trong gia đình. Tuy nhiên cách những người chứng kiến phản ứng khi sự việc xảy ra khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Đạo đức xuống cấp

Facebooker Hoàng Nguyên Vũ viết: "Tiền bạc trên tình thân: nhân phẩm băng hoại."

"Vì 5m2 đất mà người anh sát hại cả nhà em trai mình với 4 nhân mạng. Sát hại xong, hắn ta vẫn ngồi ung dung uống nước như không có chuyện gì, hoặc rất hả hê vì đã trả thù được cho cái cảm xúc hơn thua kinh rợn mà đến cả thú vật cũng không thể làm được như thế."

"Nó trở thành một dẫn chứng đau đớn nhất cho rất nhiều vụ hành xử đặt quyền lợi lên trên tình thân, chà đạp lên máu mủ ruột rà, dù quyền lợi đó,có khi chỉ là những điều rất nhỏ nhặt. Nó khiến đạo đức băng hoại, nhân cách suy đồi, và đang trở thành những chuyện không hề lạ lẫm trong cuộc sống hôm nay."

"Có lẽ đã đến lúc ta nên dùng một thước đo khác để đo lại cái gọi là tình thân thực sự trong đời là gì, kể cả với những người có chung ruột rà huyết thống. Rằng những điều thiêng liêng đó có còn quan trọng với họ không khi mà vì tiền, họ sẵn sàng huỷ hoại hết những điều đó và xem như tình thân chưa từng tồn tại?"

"Toà án, ngày nào chẳng vài vụ kiện tụng anh em giành giật nhau đất thừa kế, chị em lôi hết cái nọ cái kia ra đấu nhau chỉ vì mấy cây vàng mẹ để lại sau khi mất? Anh em chia chác đất đai lệch nửa mét cũng mặt sưng mày sỉa từ đấy nhà này nói xấu nhà kia, bằng mặt không bằng lòng."

"Bạn muốn biết anh em có thực sự thương mình đúng nghĩa không, cứ thử đụng vào quyền lợi của nhau. Người dưng nước lã đụng vào quyền lợi có chuyện còn dễ hiểu, nhưng người thân, khi chạm vào quyền lợi mà quên cả tình thân, thì xin thưa, họ đơn thuần chỉ là người cùng dòng máu với mình, không phải người thân vì đâu còn tình thân nữa, để gọi là người thân?"

"Để mất tình thân, mới là thứ mất mát lớn nhất cuộc đời. Người thân mình mà còn để mất, thì trên đời này còn cái gì mà chúng ta không để mất?"

Facebooker Đàm Ngọc Tuyên: ''Từ vụ thảm sát, nhìn lại xã hội Việt Nam hôm nay, đạo đức xã hội đã suy đồi, thoái hóa vượt đáy. Để truy tìm căn nguyên của vấn đề này, thật chi tiết, cụ thể, thì ắt hẳn cần phải tốn nhiều thời gian, chữ nghĩa hơn, và người viết buộc phải am hiểu, thông tường xã hội Việt Nam trong nhiều thập kỉ.''

''Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho xã hội Việt Nam bây giờ đầy rẫy bạo lực, đạo đức xã hội xuống cấp, những thước đo giá trị con người dùng để điều chỉnh, ngăn ngừa những hành vi sai trái (kể cả tội ác) đang dần biến mất, nhường chỗ cho giá trị vật chất lên ngôi, tất cả đều đến từ thể chế chính trị khiến cho những nền tảng cơ bản nhất về luân thường đạo lý của con người bị triệt tiêu. Với chủ nghĩa tam vô: vô tổ quốc, vô tôn giáo (đức tin giúp con người hướng thiện), vô gia đình, dối trá và độc ác như chủ nghĩa CS này, thì thử hỏi làm sao đạo đức xã hội không đi xuống kia chứ?!''

"Những ngày "Lễ" ở Việt Nam bây giờ, thì đi kèm với chết chóc bởi tai nạn giao thông, nhậu nhẹt đánh nhau gây thương tích. Năm nay cũng vậy, mà còn có chiều hướng gia tăng theo từng năm."

Facebook Lê Anh Đạt: ''Chỉ vì tranh chấp 0,5m vuông đất giáp ranh, Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, quê Đan Phượng, Hà Nội) đã chém chết 4 người trong gia đình em trai (1 người đang trong tình thế nguy kịch). Những người thân chết thảm trên đất nhà, bởi người thân, vào một ngày không có gì đặc biệt. Thật không thể diễn tả được sự bàng hoàng của người chứng kiến.''

''Dù mâu thuẫn nhỏ, nhưng tranh chấp đất đai và tình cảm luôn có thể gây ra các cuộc đại chiến. Hóa giải mâu thuẫn trong tranh chấp là cả một sự nỗ lực, kiên nhẫn, bình tĩnh tìm cách khôn ngoan, đôi khi là cả nghệ thuật giao tiếp, ngoại giao, để thoát khỏi chết chóc, chiến tranh. Không ai có thể cẩu thả, nỏng nảy với những xích mích trong lĩnh vực này vì khả năng bùng phát không kiềm chế nổi luôn thường trực. Đặc biệt, sống cạnh người hàng xóm bao lực, bất lương, nham hiểm hay lấn chiếm đất đai, hay gây hấn, mà cứ hơi tí dọa dùng vũ lực thì tai họa sẽ khó lường, mạng sống của mình và người thân chưa chắc đã đảm bảo chứ chưa nói bảo vệ được đất đai.''

Sự 'lạnh lùng' của cộng đồng?

Facebook Nguyễn Thùy Dương: ''Xem cái clip anh giết cả nhà em trai vì tranh chấp đất. Ngoài sự dã man của người anh, tôi còn thấy sự dã man của hàng xóm. Các vị hoàn toàn có thể khống chế tên đồ tể kia bằng gậy dài và các vị là một tập thể. Cái tôi nhìn thấy là một tập thể khá đông !!!! Đôi khi sự yếu hèn của bản thân cũng là một loại tội ác''.

Facebook Nguyễn Xuân Sơn đặt câu hỏi trong suốt thời gian xảy ra vụ án, công an ở đâu?: "Một trong những lí do tôi cho là vụ án này kinh khủng hơn so với những vụ xả súng ở Mỹ, khi số người chết còn nhiều hơn, vì nó xảy ra giữa những người có quan hệ ruột thịt. Và kinh khủng hơn nữa, hung thủ còn chém đi chém lại nhiều lần.''

''Thật vậy, kẻ thủ ác chém một lượt cả nhà người em ruột hắn, rồi xách dao về nhà hắn. Sau đó, khi người dân đưa các nạn nhân ra xe taxi đi cấp cứu, kẻ thủ ác lại quay lại, và chém những nạn nhân thêm một lần nữa. Theo Vnexpress, cho đến khi xe cấp cứu tới, kẻ thủ ác còn cầm dao rượt chém các bác sĩ.''

''Vậy thì suốt trong thời gian đó, các anh công an ở đâu?''

''Chúng tôi đóng thuế nuôi các anh để các anh làm gì? Các anh hăng hái bắt người biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc. Bản thân tôi, năm 1979, cũng bị các anh bắt, và đánh, thậm chí còn chuẩn bị giết, chỉ vì các anh tưởng tôi vượt biên, và chỉ muốn tróc nã tiền, vàng. Ngoài những việc ấy thì các anh làm gì? Các anh đã ở đâu khi người đàn ông kia cầm dao, chém đi chém lại những người ruột thịt của ông ta, rồi lại rượt chém các bác sĩ, và bình thản ngồi uống nước chờ các anh đến?''

Bạn đọc Lê Khải (Vietnamnet): ''Tôi đang băn khoăn nếu trong trường hợp đó có người dũng cảm vào ngăn chặn Đông cứu các nạn nhân nhưng không may làm Đông chết thì có bị xử lý không? Quả thật trong trường hợp đó, tôi tin có người đủ khả năng chấm dứt hành động của Đông nhưng chắc chắn làm hắn bị thương nặng hoặc mất mạng nên mọi người sợ liên lụy thôi. Rất mong được tư vấn để giả sử có trường hợp như vậy sau này mọi người còn "dám" dũng cảm.''

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn