Những căn bệnh mãn tính của quan chức Việt - Song Chi

Thứ Ba, 31 Tháng Mười 20178:13 SA(Xem: 8894)
Những căn bệnh mãn tính của quan chức Việt - Song Chi

1. Sự vô cảm, quan liêu:

Đây là “căn bệnh” mà ai cũng thấy rõ nhất, ở các cán bộ, quan chức, chính khách Việt. Sự vô cảm bộc lộ từ lời nói cho tới hành động. Vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân, trước thực trạng nhìn vào đâu cũng nát bét của xã hội, trước vận mệnh và tương lai của đất nước. Không thể kể hết những phát ngôn “đỉnh cao” của sự vô cảm này, chỉ xin đưa ra vài ví dụ:

"Tăng viện phí là… thành tựu y tế", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Quyết định công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012.

“Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trả lời báo chí về vụ việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vaccine, năm 2013.

“Tù nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa“, Đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương (nguồn: Pháp luật VN) (Top ten phát ngôn ấn tượng năm 2015, blog Một góc nhìn khác).

“Theo điều tra của chúng tôi thì tỉ lệ thất nghiệp (do Formosa xả thải giết biển miền Trung) không cao.

“Bởi vì người Việt Nam thì không bao giờ ngồi một chỗ để chờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm”.

…. Qua đánh giá này chúng tôi cũng thấy thu nhập của người dân bị ảnh hưởng cũng vừa phải”, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, phát ngôn năm 2016 (nguồn: Một Thế Giới)

Còn hành động? Chỉ một ví dụ, năm nào VN cũng có bão lũ, không phải là chuyện mới mẻ gì, nhưng năm nào cũng có người chết, mất tích, và càng năm số người chết càng cao hơn, thiệt hại càng nặng nề hơn. Như năm nay chẳng hạn, con số người chết lên tới cả trăm người. Có hai việc mà nhà cầm quyền phải làm cho được vì đó là trách nhiệm của họ: rút kinh nghiệm những năm trước để tìm cách tổ chức công tác phòng chống bão lũ và cứu hộ được tốt hơn. Thứ hai, tìm hiểu nguyên nhân tận gốc rễ của lũ lụt để xử lý.

Ai cũng biết, ở nước ta, thiên tai chỉ là một phần, nhân họa mới là chin, mười phần. Nạn phá rừng vô tội vạ, thủy điện xả lũ khiến lũ chồng lũ, rồi những tác động phá hoại môi trường khác của con người…Nếu không trừng trị thật nghiêm khắc những kẻ phá rừng, truy tố trách nhiệm những ai xả lũ làm chết dân, đóng cửa các đập thủy điện và thay thế nguồn thủy điện bằng nguồn điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời…thì tình trạng lũ lụt, lở đất sẽ cứ tiếp tục xảy ra, càng năm càng nghiêm trọng hơn. Nhưng họ không làm.

Trong những ngày cao điểm xảy ra bão lũ, khi hình ảnh những cái chết thương tâm, tức tưởi của người dân được đăng đầy trên báo chí, trên mạng xã hội, thì không ai trong “tứ trụ” của đảng cộng sản VN có một lời nói chia sẻ với nhân dân hay cho tổ chức dù chỉ một ngày quốc tang. Ông Tổng Bí thư, ông Chủ tịch nước còn đang đi gặp cử tri, nói kết quả đại hội VI của đảng, nói về chuyện chống tham nhũng, “đốt lò”, bà Chủ tịch Quốc hội cũng chả thấy mặt đâu…Thế nhưng khi Fidel Castro chết thì nhà nước này để quốc tang, không có trực thăng để công tác cứu hộ dân được nhanh hơn nhưng khi máy bay của Malaysia mất tích thì nhà nước này huy động một số lượng lớn tàu, máy bay, trực thăng cứu hộ để thực hiện công tác tìm kiếm suốt mấy ngày liền v.v…Thậm chí, còn dùng trực thăng đưa ông Chủ tịch TP.Cần Thơ đi phẫu thuật “Huy động trực thăng đưa Chủ tịch TP.Cần Thơ đi phẫu thuật”, báo Tuổi Trẻ năm 2013.

Đó chỉ là một trong vô vàn ví dụ về thói vô cảm của quan chức Việt Nam.

2. “Căn bệnh” chủ quan, hoang tưởng, xa rời thực tế hoặc thói mị dân:

Lắm khi quan chức VN phát ngôn, người dân cứ tự hỏi họ có thật sự nghĩ như vậy không bởi vì những phát ngôn của họ rất chủ quan, xa rời, thậm chí trái ngược với thực tế, thực trạng của đất nước.

Ví dụ:

“Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nguồn: VOV) (Top ten phát ngôn ấn tượng năm 2015, blog Một góc nhìn khác).

“Nhìn tổng quát, đất nước ta có bao giờ được thế này không?” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại ngày hội đại đoàn kết thôn Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), 13.11.2016-(Top ten phát ngôn ấn tượng năm 2016, blog Một góc nhìn khác).

"Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản…” Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN VN, trong bài viết trên báo Nhân dân điện tử vào ngày 5.11.2011.

“Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác!” – Chủ tịch Phòng thương mại- công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (nguồn: Infonet) (“Top ten phát ngôn ấn tượng năm 2015, blog Một góc nhìn khác)

Rồi nào ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn làm thủ đô Hà Nội đẹp như Paris, ông Đinh La Thăng, Cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố TP.HCM phải giành lại vị trí số 1 trong khu vực, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM lại muốn “biến khu trung tâm Sài Gòn “thành Singgapore thu nhỏ” v.v…

Có thể với một số quan chức Việt, họ phát biểu chỉ để mị dân, còn nếu đó là những suy nghĩ thật của họ, thì hoặc là họ bị hoang tưởng, hoặc là đầu óc họ “có vấn đề”!

3. Né tránh trách nhiệm, không chịu thừa nhận cái sai, cái tội của mình:

Quan chức Việt không có văn hóa nhận trách nhiệm, nhận lỗi. Khi xảy ra bất cứ chuyện gì thuộc phạm vi trách nhiệm của họ thì họ đổ lỗi cho bất cứ cái gì khác, nào do nguyên nhân khách quan, do “lỗi hệ thống”, do cấp dưới, do người dân hoặc ngay cả lỗi do nạn nhân. Họ cù nhầy, cãi cùn, ngụy biện, đánh tráo khái niệm, hay thậm chí “sáng tạo” ra những khái niệm, những cụm từ mới để tránh né sự thật.

Ví dụ:

“Sở GTVT TPHCM: không có "ùn tắc", chỉ có "ùn ứ giao thông", phát ngôn năm 2015 (nguồn: Kinh tế Sài Gòn)

"Chúng tôi đã xuống xác minh, thấy gà ăn quá no nên chết, nhưng người dân lại phao tin là do ăn cá biển. Thú y cũng lên kiểm tra rồi, nguyên nhân không phải do ăn cá." Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, phát ngôn năm 2016 (nguồn: VNExpress)

Trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng) trả lời về vụ lăng mạ CSGT, đòi cách chức Giám đốc Công an TP Cần Thơ: “Có thể là tôi nhầm lưỡi cái gì thôi”, phát ngôn tháng 7.2017 (nguồn: Người Lao Động)

“Giám đốc Sở Văn hóa Bắc Kạn: Tượng đài tiền tỷ bị trượt đổ là do cháu bé đu bám” (nguồn: Sohanews, tháng 8.2017)

Một cụm từ rất hay được dùng là “đúng quy trình”. Bất cứ cái gì cũng là “đúng quy trình”.

“Lãnh đạo Thủy điện Hòa Bình: Mở 8 cửa xả là đúng quy trình, người chết không phải do xả lũ” (nguồn: kênh 14)

“Bổ nhiệm Thượng tá Võ Đình Thường là đúng quy trình”, thông báo chính thức của Công an tỉnh Đồng Nai về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Võ Đình Thường, người bị dư luận phát hiện là đã bị kỷ luật cách chức, không cho làm CSGT từ 14 năm trước, hiện đang làm phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Đồng Nai (nguồn: Tuổi Trẻ)

Rồi thì “có kế hoạch”:

“Dân nhìn vào nói vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch, chứ không phải bất ngờ", ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão TP Hà Nội, tháng 10.2017 (nguồn: Người Lao Động)

4. Dối trá, không trung thực:

Sự dối trá, không trung thực thể hiện dưới vô số những lời nói, hành vi, hành động khác nhau. Có thể nói phần lớn quan chức Việt là như vậy, nhưng chỉ khi có vị nào bị “lộ”, bị “túm gáy” thì báo chí mới có cơ hội nêu lên và người dân mới biết. Người thì nói dối về bằng cấp, chạy bằng, mua bằng, người thì khai gian tuổi để tiếp tục tại vị (ngay ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thế), người thì nói dối về tài sản.

Những năm gần đây với sự phát triển của internet và mạng xã hội ở VN, rất nhiều vụ gian dối, khuất tất của quan chức là do người dân phát hiện ra trước, đưa lên mạng, sau đó báo chí mới vào cuộc, nếu được “bật đèn xanh”. “Vụ biệt phủ Yên Bái” của Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý chẳng hạn, là do người dân đưa hình ảnh dinh cơ lộng lẫy, hoành tráng của ông Phạm Sỹ Quý lên mạng, rồi báo chí nhà nước vào cuộc, rồi thanh tra lên thanh tra xuống suốt mấy tháng trời. Cuối cùng mới kết luận ông Phạm Sỹ Quý có nhiều vi phạm, trong đó có việc ba lần kê khai tài sản không đầy đủ, lạm dụng quyền lực để chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở hơn 1,3 ha, chiếm hơn 93% kế hoạch mà UBND tỉnh phê duyệt tại phường Minh Tân; xây dựng nhiều công trình không phép trên khu đất này v.v…

Nhưng tất nhiên, ông Phạm Sỹ Quý chỉ là một ví dụ. Hầu hết quan chức Việt đều có của chìm của nổi, có tài sản “khủng” mà với đồng lương của họ thì cả đời cũng không bao giờ có thể sắm sửa được một phần ngàn, một phần triệu cái tài sản ấy. Khi bị “lộ” họ luôn luôn nói tài sản đó là do “lao động đến thối móng tay”, do chạy xe ôm, nuôi lợn, buôn chổi đót…suốt thời tuổi trẻ…Và tất nhiên chả ai tin.

5. Luôn coi mình ở trên dân, thậm chí khinh dân như cỏ rác:

Ở các quốc gia dân chủ từ Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng cho tới các cấp nhỏ hơn đều biết rằng họ chỉ là những người được dân bầu lên để làm việc cho dân cho nước, đồng lương của họ là từ tiền thuế của dân, dân bầu họ lên thì dân cũng có quyển giám sát, phê bình, đòi họ phải từ chức hoặc sử dụng lá phiếu để “tống cổ” họ đi, thay người khác có năng lực hơn, làm việc đàng hoàng hơn.

Ngược lại ở những quốc gia độc tài lại từng có một thời gian dài là một quốc gia phong kiến như Việt Nam hay Trung Quốc, quan chức chính khách vẫn có cái lối suy nghĩ quan ở trên dân, nhìn xuống dân, thậm chí quan là cha là mẹ dân là con.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, phát biểu tại buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004:

“Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”

Tương tự, tại buổi gặp các cơ quan báo chí vào tháng 7.2017 Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về vấn đề dân chủ:

"Về nề nếp dân chủ, trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì rồi con cái cũng không tôn trọng người khác... Một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên".

Chỉ trích người dân:

“Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình”.

Câu hỏi “đã làm được gì cho đất nước” này của bà Chủ tịch Quốc hội đã bị nhiều ý kiến phản đối trên mạng xã hội, khi họ đặt ngược vấn đề là người dân đã đóng đủ loại thuế để nuôi bộ máy nhà nước nhưng ngược lại nhà nước này, trong đó có bà Chủ tịch Quốc hội đã làm được gì cho dân. (nguồn: VNEXpress)

Cái nếp suy nghĩ coi mình ở trên dân, nên nếu người dân có phê bình, góp ý thì không hài lòng và kết tội ngay, vụ xử phạt tiền và kiểm điểm một bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vì tội “bôi nhọ” bà Bộ trưởng Y tế trên facebook chẳng hạn, là do vậy. Nếu dư luận không lên tiếng thì chắc chắn chẳng bao giờ có chuyện Sở Y tế rút phạt, công khai xin lỗi vị bác sĩ này. Nhưng còn bao nhiêu vụ “trừng phạt” hoặc “đì” nhân viên vì dám chỉ trích sếp khác mà không được công luận biết đến?

6. Không nghĩ đến dân đến nước, chỉ biết “còn đảng còn mình”, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình.

Nếu trước đây, thời đánh Pháp đánh Mỹ, những người cộng sản dù bao giờ cũng đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, nhưng có lẽ đa số họ cũng còn có chút lý tưởng nào đó, cái lý tưởng sẽ xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngàn lần công bằng, dân chủ, tốt đẹp hơn các nước tư bản phương Tây. Nhưng cái lý tưởng đó đã chết từ lâu, sau những cú sốc quá mạnh của thực tế. Cú sốc đầu tiên có lẽ là khi cuộc chiến tranh VN kết thúc, những người của “bên thắng cuộc” chợt nhận ra là miền Nam có đời sống sung túc, tự do dân chủ văn minh hơn miền Bắc, miền Nam không cần được “giải phóng”; cú sốc thứ hai là khi toàn bộ hệ thống XHCN cũ đứng đầu là Liên Xô tan rã; và rồi tiếp theo là thực trạng đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản ngày càng trở nên tụt hậu, tồi tệ. Con đường mà đảng cộng sản đã và đang đi trái ngược với tất cả những gì họ từng cam kết với nhân dân, tất cả những gì mà họ từng lên án thì họ đang làm với mức độ còn tệ hại hơn gấp nhiều lần.

Đánh mất lý tưởng, các quan chức đảng viên cộng sản bây giờ chỉ còn bíu lấy đảng vì quyền lợi và họ chỉ lo vơ vét làm giàu. Làm giàu bằng cách nào? Bằng cách bóc lột người dân qua đủ loại sưu cao thuế nặng, khai thác đến cạn kiệt tài nguyên của đất nước, bán tất cả những gì có thể bán được kể cả…cát, mở cửa rước Trung Cộng vào khai thác, đầu tư, cho vay cho thuê lãnh thổ….Làm giàu để làm gì? Thực tế chua chát trớ trêu là đa số họ hùng hục làm giàu để lo cho tương lai con cái đi học ở nước ngoài, để sống cuối đời ở một quốc gia tự do dân chủ văn minh nào đó.

7. Không có lòng tự trọng, không có “văn hóa” từ chức:

Từ chức là khái niệm vô cùng xa lạ đối với quan chức Việt. Còn nhớ ông Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm mà dư luận cả nước đều bất bình vì những yếu kém trong điều hành quản lý đất nước khiến nền kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng, chưa kể ông Dũng còn bị mang tiếng lạm dụng quyền lực, bè phái, tham nhũng nặng nề…Thế nhưng tại phiên họp phần chất vấn và trả lời chất vấn người đứng đầu Chính phủ sáng 14-11.2012 trước Quốc hội, khi bị đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn đặt vấn đề có nghĩ đến chuyện từ chức, ông Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời:

"Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cũng chấp thuận tôi làm Thủ tướng Chính phủ nên tôi cũng sẽ chấp hành, chấp nhận nhiệm vụ giao phó. Trong sự nghiệp của mình, tôi không có chạy, không có xin, không thoái thác, từ chối nhiệm vụ nào Đảng phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc mà Đảng và nhà nước giao phó" (nguồn: Người Lao Động).

Hoặc bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong nhiệm kỳ thứ nhất 2011-2016 của bà, ngành Y đã xảy ra rất nhiều vụ scandal đình đám, rất nhiều cái chết oan ức tức tưởi của trẻ sơ sinh do tiêm vaccine, hàng chục sản phụ tử vong do sự làm ăn cẩu thả, thiếu lương tâm của y bác sĩ, hàng chục người lớn trẻ em chết vì dịch sởi, dịch “tay chân miệng” một phần do ngành Y tránh né không công bố dịch sớm, rồi bao nhiêu vụ tai tiếng khác. Dư luận phẫn nộ đòi bà Tiến từ chức. Nhưng bà Bộ trưởng Bộ Y tế không những không từ chức, không bị cách chức mà còn ngồi thêm một nhiệm kỳ. Mới đây, khi vụ án công ty VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả vừa có liên quan đến bà Tiến trên cương vị người đứng đầu ngành Y, vừa người nhà của bà có chức vụ, có cổ phẩn trong công ty này, dư luận lại nhắc lại vụ từ chức. Và bà Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn không từ chức!

Đó chỉ là hai ví dụ cho thấy quan chức Việt không có lòng tự trọng đến thế nào.

8. Hèn hạ, bạc nhược trước kẻ thù Trung Cộng:

Nếu như trước kia thời đánh Mỹ đánh Pháp, những người cộng sản nói chung và quan chức chính khách Việt Cộng nói riêng dù có bị kẻ thù lên án là tàn ác nhưng không bị cho là hèn, thì bây giờ phần lớn họ hèn hạ, bạc nhược trước kẻ thù Trung Cộng. Nói cho đúng ra, trong thâm tâm họ có lẽ cũng căm ghét, căm giận Trung Cộng nhưng những người dám lên tiếng thì đều bị cho ra rìa, hoặc chuyển qua những chức vụ không quan trọng, còn những kẻ ra mặt thân Tàu thì được leo cao

(còn 1 đoạn rất dài..., xin xem trong trang gốc)

http://www.viet-studies.net/kinhte/BenhManTinhQuanChuc_RFA.html
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn