FACEBOOK VS MẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM – TỰ DO VS KIỂM DUYỆT

Thứ Tư, 24 Tháng Bảy 20192:00 SA(Xem: 5897)
FACEBOOK VS MẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM – TỰ DO VS KIỂM DUYỆT
Hiện tại nhà nước Việt Nam đang có một phong trào kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp và công nghệ Việt Nam hãy chung sức và thiết lập ra một Mạng Xã Hội (MXH) để thay thế Facebook vì theo lời của bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Vì triết học của Facebook đã không còn phù hợp với thế giới.”

Một người bình thường thì có thể nghĩ đây là một đề xuất về ý tưởng để kích thích sự sáng tạo của người Việt. Nhưng nó thật ra là một bước thí nghiệm để bắt đầu siết chặt kiểm duyệt dư luận và tư tưởng của hơn 96 triệu người dân. Chính phủ đã muốn làm điều này từ rất lâu nhưng không thể. Hiện tại thì họ cũng không cần vì có đủ lực lượng nhân sự truyền thông để thống trị nguồn tin và định hướng dư luận. Nhưng trong tương lai nếu có đủ khả năng thì Việt Nam sẽ có một phiên bản ‘Bức Tường Lửa Của Trung Quốc.’

Để làm ra một trang web có giao diện tương tự như Facebook thì tương đối dễ, bất cứ một học viên nào tốt nghiệp cũng có thể làm. Để làm ra một công ty với mô hình giống như Facebook cũng không quá khó. Nhưng để thay thế, cạnh tranh và trở thành một MXH với quy mô tương tự thì hơi xa vời và bất khả thi.

Việt Nam muốn sao chép mô hình kiểm duyệt của nước láng giềng nhưng không thể vì dân số quá ít, quy mô nền kinh tế quá nhỏ và tầm ảnh hưởng thì quá thấp. Trung Quốc có thể thành công trong việc tạo một không gian mạng vì:

  1. Họ có 1.4 tỷ dân, bằng cả dân số Mỹ, Đông Á và Châu Âu cộng lại. Nếu tách ly thì các công ty công nghệ của họ vẫn có đủ lượng khách hàng để tồn tại và phát triển.
  2. Dù thích hay không thì cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc là hãng xưởng của thế giới. Nếu một doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn không hoạt động ở đó thì sẽ khó mà cạnh tranh về mặt giá cả.
  3. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Nếu các doanh nghiệp thế giới không vào thị trường này thì coi như mất một phần lớn doanh thu.
  4. Chính quyền Bắc Kinh đã kiểm duyệt thông tin từ ban đầu. Người dân cũng không quá quen với tự do ngôn luận nên cảm thấy không cần thiết. Cái họ quan tâm là làm kinh tế để làm giàu.
  5. Các công ty Trung Quốc đã siêu thành công trong việc sao chép mô hình và thay thế Facebook và Google ở thị trường nội địa. Người dân Trung Quốc bây giờ cũng không cần đến để làm gì khi đã có Weibo, WeChat và Baidu.

Việt Nam không phải là Trung Quốc và cũng không có khả năng để thiết lập một không gian tách ly khỏi thế giới. Nhưng xu hướng kiểm duyệt sẽ tăng từng ngày. Hiện tại người dân sẽ cảm thấy khó chịu nếu không được dùng chung những Facebook hay Google, nhưng nếu từng bước một tăng mức độ kiểm soát thì một ngày trong tương lai họ sẽ bị thao túng và tẩy não như người dân ở phía bắc.

Facebook thành công không phải vì nó chỉ là một mạng xã hội. Về cơ bản nó có nhiều chức năng ưu việt hơn MySpace, Friendster, ZingMe hay bất cứ mạng xã hội nào khác. Hơn 2.7 tỷ người trên toàn cầu tin tưởng nó vì:

  1. Facebook là một công ty của Mỹ, nơi có luật pháp và một chính quyền tự do dân chủ.
  2. Nếu Facebook lợi dụng thông tin người dùng thì sẽ bị chính quyền Mỹ can thiệp và trừng phạt.

Hiện tại Facebook không hoàn hảo, có nhiều người phàn nàn vì ‘chính sách cộng động’ quá thiên vị và tối nghĩa. Nhưng nó vẫn là công cụ để truyền đạt thông tin đáng tin tưởng nhất. Nếu ‘triết học của Facebook’ là một mạng không gian cộng đồng tự do thì ‘triết học của mạng xã hội Việt Nam’ là một công cụ để điều khiển công chúng và tẩy não người dân.

Dưới chế độ độc tài hiện tại với luật internet kiểm duyệt tự do ngôn luận thì sẽ không có một công ty Việt Nam có đủ uy tín để người dùng tin tưởng. Chính phủ Việt Nam không thể nào thiết lập ra một trang cộng đồng cho chỉ 96 triệu người dùng. Ngay cả người dân Việt Nam cũng không đặt niềm tin vào chính phủ của mình.

Đó là tại sao Facebook thành công, còn mạng xã hội Việt Nam thì không. Nếu tương lai chúng ta không còn dùng được Facebook ở Việt Nam nữa đất nước này sẽ không còn tồn tại mà sẽ là một trại tù tư tưởng khổng lồ.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

viettel

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn