Khi tư tưởng Hồ Chí Minh tràn vào đạo pháp

Thứ Tư, 15 Tháng Năm 20197:47 CH(Xem: 4599)
Khi tư tưởng Hồ Chí Minh tràn vào đạo pháp

Người theo Thiên chúa giáo lấy ngày Giáng sinh làm biểu tượng ra đời của đấng cứu chuộc. Người Phật tử lấy Lễ Phật Đản làm ngày tôn kính, vui mừng đối với Đức Thích ca. Hai tôn giáo lớn của Việt Nam theo dòng chảy truyền giáo từ các nước trên thế giới chia sẻ sự vui mừng của họ trước hai vị chí tôn không ai có thể thay thế lòng kính ngưỡng.

Ngày Phật đản sanh năm nay Việt Nam có hai sự kiện lạ được cộng đồng mạng chia sẻ trong trạng thái giận dữ và tuyệt vọng. Giận dữ vì ảnh Đức Thích ca bị đặt ngang hàng với một thủ lĩnh chính trị, tuyệt vọng vì đạo pháp bị lợi dụng nặng nề qua sự kiện Vesak được nhà nước tổ chức tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc, một nơi bị xem là dùng chùa chiền để kinh doanh niềm tín ngưỡng của Phật tử.

Song song với sự kiện Vesak, Học viện Phật Giáo Việt Nam, Sóc Sơn Hà Nội đã ra mắt bức tranh sơn mài của nữ họa sĩ Ngô Hải Yến có chủ đề “Đạo pháp và dân tộc” trên đó hình ảnh của Đức Phật Thích ca được đặt song song với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một nền sơn đỏ chói. Người kéo tấm khăn choàng của bức tranh xuống để công bố bức tranh là Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với một số quan chức chính quyền và tăng lữ của giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” có chiều cao 2 mét, chiều ngang 4,2 mét, tổng diện tích 8,4 mét, được thực hiện trên chất liệu sơn mài  với nguyên liệu sơn ta của Việt Nam và vàng thật 100%, đã được 6 hoạ sĩ miệt mài thực hiện ngày đêm suốt 1 tháng qua.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết trong phần giới thiệu bức tranh cho biết chính ông là người đặt nét cọ đầu tiên lên bức tranh này như một cách hướng dẫn họa sĩ tiếp cận với Phật tổ và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo tường thuật của báo chí thì Thượng Tọa Thích Thanh Quyết đã phát biểu: “Đây là bức tranh đặc biệt có ý nghĩa, đức Phật tổ Thích Ca và Bác Hồ đều là những vị cứu tinh của nhân loại, càng có ý nghĩa hơn khi đúng với tinh thần của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là “Đạo pháp và dân tộc”, Đức Phật biểu trưng cho Đạo pháp, Bác Hồ tượng trưng cho tinh thần dân tộc".

Với nội dung này người Phật tử chân chính nếu không dám tức giận cũng không khỏi ngậm ngùi vì tính cách báng bổ của Giáo hội Phật giáo quốc doanh Việt Nam trước Đức Phật. Đặt ông Hồ Chí Minh ngang hàng với một tượng đài bất khả xâm phạm trong lòng người Phật tử không những hàm hồ, bất kính mà còn cuồng ngạo thách thức cả một khối quần chúng lấy đạo Phật làm tín ngưỡng xuyên qua bao nhiêu thế kỷ.

Người Cộng sản luôn chống lại tôn giáo là một sự thật không thể chối cãi qua lịch sử mà họ từng chà đạp các giáo phái, tôn giáo tại Việt Nam. Hòa Hảo gần như bị tận diệt, Cao Đài hoi hóp thở bằng oxy do chính Ban Tôn giáo chính phủ cung cấp. Nhiều chi phái Tin Lành bị cấm truyển giáo, Công giáo tuy bề ngoài phát triển nhưng bên trong nhà nước không ngừng sách nhiễu, bắt bớ đàn áp giáo dân cũng như linh mục nhất là những nơi xa xăm như Tây nguyên hay vùng sâu vùng xa của các tỉnh nghèo.

Theo Báo điện tử Giác Ngộ thì tín đồ Phật Giáo chính thức là 6.802.318 người. Số tín đồ này thường xuyên lui tới các chùa trên khắp nước. Tuy nhiên đối với người dân cứ biết cầm nhang quỳ lạy thì đã là người theo đạo Phật, cách nhìn này tuy bỗ bả nhưng nói lên một sự thật về Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo quá nhiểu thăng trầm trong lịch sử tín ngưỡng.

Nhiều người trong cũng như ngoài Phật giáo cho rằng Chùa là nơi chỉ thờ Đức Thích ca Mâu ni, Phật Quan Âm cùng những vị Bồ tát, La hán. Riêng về thần thì 4 vị được thờ nhiều nhất là là Tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện tượng trưng cho Mây-Mưa-Sấm-Chớp.

Tuy nhiên đạo Phật cũng có các hệ thống thờ phụ tổng hợp với nhau tạo nên các ngôi chùa "tiền Phật, hậu Thần" hay "tiền Phật, hậu Mẫu". Người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Có lẽ xuất phát từ cung cách thờ cúng này mà gần đây nhiều chùa chiền tại Việt Nam xuất hiện ba khuôn mặt: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và gần đây nhất là Trần Đại Quang. Cả ba người được đúc tượng đặt ngang hàng với Phật tổ và ăn theo nhang khói khi người dân xì xụp lễ bái Đức Phật.

Hiện tượng này cho thấy tín đồ Phật giáo Việt Nam không nhất quán trong các ảnh tượng trên bàn thờ tạo nên cách hiểu sai lệch về Phật giáo. Tuy nhiên ba hình tượng chính trị được lồng ghép vào chùa chiền không hẳn phát suất từ Phật tử mà có thể nó được tính toán tỉ mỉ của Ban Tôn giáo chính phủ với mục tiêu xóa dần lòng tôn kính đức Phật trong lòng Phật tử để từ đó Đạo Phật có một diện mạo khác: mê tín chính trị.

Đối với chính quyền nắm được Phật giáo là nắm được phân nửa dân số Việt Nam vì vậy bằng mọi cách phải tập hợp các tăng lữ của tôn giáo này vào sự cai quản của nhà nước đó là lý do khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo tại Việt Nam, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời. Được gián tiếp điều hành từ cấp nhà nước tổ chức này tuy tai tiếng rất nhiều trong các vụ kinh doanh Phật giáo vẫn được ưu ái trong các lễ hội mang yếu tố “quốc tế”. Đại lễ Phật đản thế giới có tên gọi Vesak được Việt Nam đăng cai trong năm nay.

Vesak 2019 là Đại lễ Phật đản quốc tế lớn nhất với 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và 20.000 đại biểu trong nước tham dự. Sự kiện còn có 40.000 suất ăn miễn phí phục vụ phật tử và du khách. Đại lễ có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các quốc gia: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc, các quan chức bộ trưởng của các nước…

Ông Bùi Quang Cẩm - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết trong suốt hai tháng qua, 3.000 công nhân, kỹ sư... đã làm việc suốt ngày đêm tại tòa nhà Trung tâm hội nghị của khu du lịch tâm linh Tam Chúc để kịp làm địa điểm tổ chức Vesak.

Với cung cách tổ chức quy mô như thế nhà nước không dấu giếm sự đóng góp của mình cho một tôn giáo lớn nhất nước đáng lẽ nên cho một điểm son nhưng ngược lại không ít dư luận nghi ngờ “lòng tốt” vượt giới hạn này.

Bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” góp phần giải mã cho câu hỏi tại sao nhà nước lại hào phóng bỏ ra một số tiền lớn như thế cho hoạt động của một tôn giáo trong khi các tôn giáo khác tiếp tục bị chà đạp, sách nhiễu?

Thì ra, gom người khắp nơi về tham gia đại lễ Vesak không ngoài mục đích lăng xê tư tưởng của Bác Hồ.

Mà khi Bác được đặt ngang hàng với Đức Phật thì mấy ai còn tin vào Phật của mình nữa? Lâu dần sống trong sự hoang mang giữa Phật tổ và những kẻ ăn theo người nào không nắm vững giáo lý nhà Phật sẽ trở thành những con robot xì xụp nhang đèn hơn là tin theo tín lý của Đức Phật. Đây chính là mục tiêu mà Ban tôn giáo chính phủ cần phải đạt được và họ đã đạt được qua sự tận tâm của một Thượng tọa, người luôn hãnh diện phát biểu những câu chữ “đỏ thắm” trước Quốc hội Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn