Một câu chuyện không vui

Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai 20174:00 CH(Xem: 8021)
Một câu chuyện không vui

Một người mẹ chở hai đứa con gái nhỏ (19 tháng tuổi và 10 tuổi), đang dừng xe chờ đèn đỏ thì thấy chiếc xe khách 29 chỗ lao thẳng tới. Tỉnh dậy, người mẹ bị gãy xương sườn, giập phổi… tỷ lệ thương tật đến 53%. Và đau đớn hơn, cô biết mình đã bị mất hai đứa con mãi mãi… Tài xế gây ra tai nạn được trắng án.

mot-cau-chuyen-khong-vui3
Hình diễn viên hài Công Lý và bộ sách luật in hình anh ta. nguồn google

Về lý do không khởi tố, công an nêu: “Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, xét thấy hành vi điều khiển ô tô khách mang biển số 51B-176.41 gây tai nạn của tài xế Nguyễn Thái Dương là do sự cố an toàn kỹ thuật “mất phanh” (mất thắng) – yếu tố khách quan. Việc tài xế Dương không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, nên không đủ yếu tố cấu thành tội” – Trích báo Người Lao Động.

Câu chuyện thoạt đầu nghe có vẻ… bình thường, không có gì “ấn tượng”. Chuyện bất công xảy ra trên đất nước này đủ nhiều và dày đặc để biến nỗi đau của người lạ kia trở thành nhỏ bé. Với chuyện người chết oan chết ức vì tai nạn giao thông ở Việt Nam là chuyện không lạ, không mới. Những bác tài ung dung sau khi gây ra những cái chết kia cũng không hiếm. Những con số “tổng hợp” mỗi tháng luôn được tính bằng hàng ngàn, ba số 0 trở lên. Nếu đang cầm một tờ báo, một trang tin tức ở Việt Nam, lỡ lướt qua những tin như thế này thì người ta sẽ không muốn đọc kỹ hay click vào. Con người ở xã hội này đã quá nhiều áp lực, không muốn chuốc thêm tức giận, sợ hãi, tiêu cực vào bữa sáng hay những phút giây rảnh rỗi của mình là điều dễ hiểu và cần được tôn trọng. Huống chi bên cạnh mỗi người luôn luôn có không biết bao nhiêu là chuyện cần họ quan tâm để chuẩn bị những cảm xúc tức giận, sợ hãi, tiêu cực cho riêng mình và gia đình. Bản thân tôi cũng vậy, đã rất nhiều lúc ngán ngẩm với những tin (đọc mà) tức như vậy, vì nó xảy ra quá nhiều, chưa kịp tức giận với chuyện này thì chuyện khác đã xuất hiện.

mot-cau-chuyen-khong-vui4
hình chụp từ Tuổi Trẻ

Đôi khi, tôi phải ngồi “chín chắn” suy nghĩ xem mình nên tức giận chuyện gì giữa muôn trùng những vấn đề gây…  tức giận. Hay là phải sắp xếp xem chuyện nào nên  tức giận trước chuyện nào “để dành”  tức giận sau? Hoặc giữa hai chuyện thì chuyện nào đáng…  tức giận hơn? Ngay cả nhiều lúc chính bản thân tôi rơi vào những chuyện đáng tức giận, tôi cũng vô tình tự so sánh nỗi  tức giận của mình với những chuyện đáng tức giận ngoài kia rồi thấy sự việc của mình nhỏ quá, chắc không đáng lưu tâm đâu. Rồi sau đó, chính bản thân tôi cũng đã dễ dãi với những bất công và đau đớn của riêng mình xong quên lãng, nói gì đến chuyện của người dưng. Mà, có “bao đồng” đến đâu thì mỗi con người cũng chỉ có một cái đầu, một trái tim…  (Nhiều khi tôi nghĩ, có lẽ sau này trong tiến trình tiến hóa, một nghiên cứu vĩ đại nào đó người ta sẽ chứng minh được những con người sống ở các đất nước độc tài, hỗn loạn sẽ có cái đầu và trái tim to gấp mấy lần những người ở các đất nước tự do và phát triển hơn chăng? Cho dầu đôi khi chúng rất vô dụng!)

Quay lại câu chuyện ‘bình thường” trên. Thật ngạc nhiên là nó không đã “vô danh” và sẽ bị lãng quên như tôi tưởng. Sau gần 10 tháng xảy ra (tuy hơi lâu), ngày 19/11/2017 những góc khuất đằng sau bi kịch kia được rất nhiều người biết tới nhờ người mẹ đăng video lên mạng xã hội cầu cứu một vị… “danh hài”!

mot-cau-chuyen-khong-vui2
Hình chị Chung và anh Phú (ba mẹ 2 bé gái) cắt từ clip cầu cứu “danh hài” Hoài Linh

“Công lý ở Việt Nam là một diễn viên hài!”

Câu nói tưởng chừng chọc ngoáy cho vui bao lâu nay lại trở thành sự thật. Tuy vị “danh hài” kia im lặng, theo trang cá nhân thì ông đang du lịch hoặc lưu diễn ở Mỹ, có vẻ không xem thời sự hoặc không tiện bàn thêm chuyện này. Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là nhờ sự tuyệt vọng không biết bấu vào ai ngoài thần tượng (theo như lời người mẹ hai bé gái trong clip) mà câu chuyện của chị trở nên nổi tiếng, lượt “like” “share” chóng mặt. Điều gì khiến dư luận quan tâm thì điều đó là “món hời” của truyền thông, thế là báo chí cũng nhảy vào. Sau khi báo chí nhảy vào thì câu chuyện được đi sâu hơn. Tiếp sức, tinh thần cho những nhân chứng ra mặt bác bỏ lại tất cả những gì mà “cơ quan chức năng” nói trước đó. Anh Lập – một người cha cũng suýt chết với đứa con nhỏ bé của mình trong vụ tai nạn trên đã viết tường trình về vụ án như sau:

“Hôm đó khoảng 16 giờ 35 phút, tôi trên đường đi đón con đi học về. Khi đến điểm giao nhau thì có tín hiệu đèn màu đỏ. Tôi cho phương tiện dừng chờ sang đèn xanh. Con tôi ngồi phía sau. Bất ngờ tôi nghe một tiếng động đùng do xe khách 29 chỗ ngồi va chạm với 1 chiếc ô tô màu trắng. Lúc đó xe trắng đã dừng đèn đỏ hoặc đi chậm do có tín hiệu màu vàng. Cú tông mạnh đẩy xe màu trắng về phía trước chừng 7-10m. Cùng lúc đó tôi thấy người lái xe (xe khách – PV) vẫn cầm vô lăng nhưng toàn thân gần như đứng thẳng dậy. Tôi nghe tiếng kít…kít…kít…” rồi tiếp đến là tiếng “réc…réc…réc”. Xe ô tô cứ thế loạng choạng lao về phía chúng tôi. Quá hoảng loạn tôi chỉ biết giật mạnh tay lái để thoát ra ngoài và kịp định thần lại để quay lại tìm con. Hiện trường lúc đó thảm khốc. Hai đứa con nhỏ của chị Chung tử vong tại chỗ. Chị Chung bị thương nằm bất tỉnh, nhiều phương tiện bị hư hỏng nặng. Rất may con tôi thoát nạn.

mot-cau-chuyen-khong-vui
Tòa tuyên án ông Nguyễn Khắc Thủy 3 năm về tội dâm ô  hàng loạt bé gái – hình từ facebook

Với tư cách là người bị gây tai nạn trong vụ việc, tôi chưa thấy CSGT giải quyết thấu tình đạt lý. Dù 10 tháng đã trôi qua tôi chỉ được gọi đến 3 lần: lần 1 để làm công tác khám xe, lần 2 tôi chủ động đến để yêu cầu xin lấy lại xe máy của tôi mang về sửa chữa, lần 3 bên giao thông kêu đến để lấy lại lời khai.

Theo nhận định của tôi với tư cách là người lái xe và có hiểu biết qua về vận hành của động cơ ô tô, nguyên nhân gây tai nạn là do tài xế xe khách muốn tăng tốc độ để vượt đèn đỏ. Nhưng do xử lý tình huống kém nên va vào ô tô đi cùng chiều đang dừng phía trước. Vừa đi tốc độ cao lại va quẹt mạnh nên xe khách loạng choạng lao nhanh về phía trước. Lái xe đứng thẳng người lên đạp thắng đột ngột khiến “cốp pen” dầu như bị bục tràn ra ngoài làm thắng mất tác dụng. Chính vì thắng mất tác dụng, xe lại đi với tốc độ lớn đã làm hệ thống lái bị ảnh hưởng theo. Đây chính là nguyên nhân vụ tai nạn.

Tôi mong cơ quan công an điều tra để sớm đưa vụ việc ra ánh sáng, lấy lại công bằng cho người bị hại”. – trích từ báo Người Lao Động

Theo lời khai của anh Lập thì rõ ràng việc mất thắng không phải là “yếu tố khách quan”, “sự cố bất ngờ” như cơ quan điều tra nhận định mà là do tài xế chạy ẩu, muốn vượt đèn đỏ nhưng bị xe khác “cản trở” nên mất lái rồi gây ra tai nạn. Và như thường lệ, sau khi báo chí, nhân chứng lên tiếng thì sẽ có hàng loạt các luật sư được báo chí phỏng vấn và “phổ cập luật”. Dẫu sao thì một người chuyên môn nói vẫn xác tín hơn những suy nghĩ lửng lơ của tôi, nên tôi lại xin phép trích tiếp lời Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP HCM): “Vụ tai nạn giao thông do tài xế Nguyễn Thái Dương gây ra đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điều 202 Bộ Luật Hình sự. Công an và VKSND thị xã Dĩ An không khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế Nguyễn Thái Dương là bỏ lọt tội phạm” – LS Đức nhấn mạnh và nói thêm rằng cơ quan tố tụng cũng cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với chủ phương tiện do có dấu hiệu của các tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn” và tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ”, theo Bộ Luật Hình sự.” – Trích báo Người Lao Động.

mot-cau-chuyen-khong-vui1

Cuối cùng, sau tất cả, báo chí lại quay lại lấy ý kiến của “các cơ quan chức năng” và nhận được lời hứa “sẽ xem xét sự việc”. Lời hứa xoa dịu cộng đồng. Mọi chuyện trên mặt báo có vẻ như đã kết thúc. Không biết sẽ đi về đâu vì tôi đang ở một đất nước mà lãnh đạo luôn gào “lấy dân làm gốc” mà để dân phải đăng clip kêu cứu một diễn viên hài…

Tôi ngồi đọc hết các bài báo và những bình luận của độc giả về câu chuyện trên. Đa phần dĩ nhiên là mắng bọn bất lương bênh người cô thế. Đó là “công thức” chung cho mọi xã hội có lòng nhân và lương tri. Nhưng, có ai để ý không? Cái quá trình để người có lòng nhân và lương tri nhận ra và “phát hiện” đâu là kẻ bất lương đâu là người cô thế ở VN nó gian nan và đau đớn quá. Đôi lúc cái sự “may mắn” nó chiếm hầu như 80% quá trình. Nếu người mẹ này không cầu cứu một diễn viên hài gây tò mò cho báo chí và dư luận mà đi cầu cứu một người khác thì có vẻ mọi chuyện không đến tai chúng ta, hôm nay. Nhưng ở đất nước này có bao nhiêu linh hồn oan khuất và giọt nước mắt đớn đau có được “may mắn” như vậy?

Trong khi một bác tài ủi chết hai đứa nhỏ thì được trắng án, một ông “yêu râu xanh” dâm ô hàng loạt đứa trẻ dám đường đường chính chính đứng la làng hăm dọa đốt thẻ đảng trước cửa tòa án sau khi bị tuyên tù treo 3 năm, người ký thông qua dự án lỗ 3700 tỷ đồng và tạo ra hơn 3000 đứa trẻ lai tàu mang tên Bô Xít Tây Nguyên thì đang làm người tử tế… thì những người mẹ như Trần Thị Nga bị tuyên 9 năm tù, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh y án 10 năm (và nhiều người khác nữa) chỉ vì lên mạng nói, viết những sự thật – trích dẫn những điều mà chính quyền làm và đăng lên báo chính thống (tổng biên tập cũng là chính quyền). Cho dầu đó không phải sự thật như chánh quyền nhận định thì họ dường như chỉ là những người phụ nữ. Họ không ấu dâm con của ai, họ không tông chết con ai, họ không làm đất nước lỗ đồng bạc nào huống chi tiền tỷ, họ không “rước voi giày mả tổ” (ngay cả họ muốn cũng không thể làm được). Tại sao họ vẫn bị mức án cao hơn cả những tên giết người máu lạnh? Ví dụ bây chừ, gia đình, người thân, những đứa con của Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh làm vài cái video cầu cứu các vị… danh hài thì có được báo chí VN dòm ngó tới và nhiệt tình như vụ án trên hay không? Mà, nói không chừng, cả những người đau xót cho họ thôi cũng có thể bị… bỏ tù!

DU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn