Nguyễn Bắc Son… hết son. Và Trương Minh Tuấn- những dàn xếp trong bóng tối

Thứ Hai, 25 Tháng Hai 20196:00 SA(Xem: 5845)
Nguyễn Bắc Son… hết son. Và Trương Minh Tuấn- những dàn xếp trong bóng tối

kham_nha_truong_minh_tuan_dcie

Bài 1:

Nguyễn Bắc Son… hết son

.
Ngày 23/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 220, Bộ luật hình sự 2015.
Trước đó, chiều 2/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận các sai phạm liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG. Trong đó đáng chú ý nhất là trách nhiệm của ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông.

Vậy là những gì đồn thổi mấy năm nay giờ đây đã được hé ra ánh sáng, dẫu rằng anh Bắc Son đã rời nhiệm sở về vườn từ ba năm nay, nhưng khó có thể giữ được bình an trước một vụ đại án như AVG. Nói theo cách dân gian: anh Bắc Son hết son. Xin được bàn một chút về thương vụ “mua đắt bán rẻ” và những huyền thoại quanh anh Bắc Son.
Ngày 25/12/2015, khi anh Bắc Son đương chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Mobifone ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG với giá 8.890 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, giá trị thương vụ không được công bố và hồ sơ mua bán được đóng dấu “mật”. 
Tôi còn nhớ như in khi ngồi café với một chuyên gia công nghệ, anh này cho rằng: Chữ “mật” ở đây thể hiện sự khôn ngoan láu cá của người nắm quyền lực nhưng cũng bộc lộ sự ngờ ngệch của một kẻ lờ mờ về công nghệ.
Sự khôn ngoan láu cá thì đúng rồi, những kẻ nắm quyền lực, dẫu có thực tài hay không nhưng đã leo lên đến Trung uỷ, ngồi ghế Bộ trưởng hẳn trên lộ trình gian nan đó phải đạp lên bao nhiêu thằng thèm muốn cái ghế ấy, ắt hẳn phải là kẻ khôn ngoan. Việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần là việc làm hợp pháp được quy định trong “Luật chứng khoán” và “Luật Doanh nghiệp”, cớ sao phải “mật”? Muốn chia chác lợi ích một cách an toàn không có cách nào khác phải “mật”. Chữ “mật” thường chỉ là một khái niệm dân sự nhưng với người nắm quyền lực cần phải nâng nó lên tầm quốc gia được luật pháp bảo vệ, sẽ thoải mái làm mọi thứ mà không ai dám soi vào.
Ở vế thứ hai là lờ mờ về công nghệ! Ô hay, Bộ thông tin truyền thông là bộ quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, cớ sao người đứng đầu bộ ấy lại lờ mờ về công nghệ? Luận điểm này thật khó thuyết phục. 
Khi theo dõi lộ trình rò rỉ thông tin của vụ “mua đắt bán rẻ” điển hình ở cái bộ mà anh Bắc Son đứng đầu sẽ thấy anh Bắc Son dẫu khôn ngoan nhưng về mặt công nghệ thì anh “ếch” thật. Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Nguyễn Xuân Cường, một người bạn dễ thương, từng là Tổng giám đốc của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC có lời bộc bạch: 
“Lại nhớ năm 2013 mình đã phát biểu thẳng thắn trong buổi họp tại trụ sở của Bộ TT&TT: Việc tách Đài VTC ra khỏi Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC một cách tuỳ tiện, Tổng giám đốc VTC không được trao đổi, không có đề án chia tách, không đưa ra hướng phát triển cho Đài làm tôi mất niềm tin vào các quyết định của Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng! (Thời điểm này anh Trương Minh Tuấn chưa về Bộ TT&TT, Bộ trưởng đương nhiệm là anh Nguyễn Bắc Son).
Việc này đã đánh mất một số cơ hội không thể lấy lại được và làm chậm tốc độ phát triển của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC 5 năm trong thời đại số!…”
Khỏi bàn về chuyện đúng sai trong việc tách đài VTC ra khỏi Tổng công ty VTC, nhưng việc đài VTC sau nhiều năm mới thực hiện được quyết định của anh Bắc Son, Tổng VTC đã chuyển giao đài VTC cho VOV với 16 kênh truyền hình với kênh phát sóng rộng khắp trong và ngoài nước cộng với toà nhà 23 Lạc Trung, tổng giá trị chỉ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. 
Sau khi chuyển nhượng xong 16 kênh ấy, Bộ Thông tin truyền thông của anh Bắc Son lại phê duyệt cho Mobilefone mua AVG, một công ty truyền thông với 1 kênh truyền hình liên kết chưa được nhiều người biết đến với giá là 8.890 tỷ đồng.
Rõ ràng đây là một thương vụ bán siêu rẻ và mua siêu đắt. Mua đắt, bán rẻ phải “mật” là đúng rồi. Khi nắm quyền lực trong tay, không ai dại gì lại tiết lộ điều này ra.
Tuy nhiên có một điều mà anh Bắc Son thể hiện sự ngờ ngệch của mình là cái mà anh muốn bảo mật giờ đây đã khác xưa. Nói về vụ AVG, Nguyễn Trần Bạt có cách ví von khá hay: “của ăn cắp lại để trên đầu giường”.
Mobilefone là một công ty công nghệ, mỗi năm vẫn có lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, bỗng dưng bỏ ra 8.890 tỷ đồng, cùng với đó là chế độ lương thưởng của anh em rất tốt. Khi Mobilefone mua đống sắt vụn AVG để rồi lợi nhuận giảm thê thảm, các chế độ đãi ngộ cho nhân viên cũng theo đó mà giảm theo. Mobilefone là doanh nghiệp công nghệ, với những nhân viên ở đó, bức xúc trước việc bị “móc túi” các khoản thu nhập, họ bày tỏ bức xúc đó lên các trang mạng xã hội. Vậy là quyền lực của anh Bắc Son không thể che đậy, phủ kín, không được “mật” nữa.
Bỗng dưng một người điều hành một bộ quản lý nhà nước về công nghệ mà mua siêu đắt, bán siêu rẻ mà chỉ được che dấu bằng một chữ “mật” thấy thật khó mà an toàn. Dẫu rằng anh Bắc Son đã có làm việc kỹ lưỡng với người đồng nhiệm ở Bộ Công an, dẫu rằng người ấy đã leo cao hơn và đã đi gặp Diêm vương.
Thêm vào đó, trong số các cán bộ công quyền, không phải ai cũng tham lam để sẵn sàng kéo sụp bức màn đen xuống để chia chác lợi ích. Chưa nói đến việc trước sức ép của dư luận xã hội được bày tỏ trên các trang cá nhân khiến những người có chức năng không thể làm ngơ.
Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: “Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể Ban cán sự Đảng, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến Dự án không đúng quy định”.
“Ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện Dự án, để xảy ra nhiều vi phạm”, kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ.
Với những kết luận như vậy, chuyện thương vụ AVG được đưa ra ánh sáng chỉ là vấn đề thời gian.
Bạn vong niên của tôi, ông Vũ Hữu Vĩnh, từng là đồng ngũ của anh Bắc Son kể lại: Cùng trưởng thành từ lính cảnh vệ, bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc chính hàng ngày của anh Son là duy trì điều lệnh và thực hiện các nghi lễ ở quanh Lăng. Anh Bắc Son là người đẹp trai nên được tướng Lê Đức Anh để ý và yêu mến. 
Từ năm 1994 đến năm 1997, anh Nguyễn Bắc Son được điều về Tổng cục Chính trị và là Thư ký của tướng Lê Đức Anh, lúc này tướng Lê Đức Anh đảm nhiệm chức Chủ tịch nước.
Từ khi lọt vào mắt xanh ông tướng quyền lực này, đường thăng tiến của anh Bắc Son lên như diều gặp gió. Tháng 3/2003 đến tháng 12/2005, anh Nguyễn Bắc Son được điều về làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên theo chính sách luân chuyển cán bộ. Sau đó, theo thông lệ, anh Bắc Son được lên làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Tiếp theo, tại Đại hội X của Đảng, anh Nguyễn Bắc Son được bầu vào Ban chấp hành Trung ương.
Trước khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, anh Bắc Son là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tại đây anh Bắc Son được biết đến là cán bộ tuyên giáo mà “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, nói về bất cứ điều gì cũng dài dòng, rối rắm, “như mê sảng”- (Theo lời của một cán bộ ở Ban Tuyên giáo).
Trước khi bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Bắc Son được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp báo chí Việt Nam và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông…
Nhìn lại chặng đường thăng tiến của anh Bắc Son không ít người phải trầm trồ, thèm rỏ giãi. Anh Bắc Son sinh 1953, ở Chúc Sơn, Chương Mỹ, một vùng quê ngoại thành Hà Nội, tròn 20 tuổi anh nhập ngũ như bao thanh niên thời ấy. Khi ấy, anh Bắc Son mới học hết lớp 7. Nhưng rồi khi “vua biết mặt, chúa biết tên”, anh Bắc Son đã liên tục thăng như anh Đinh La Thăng.
Kết luận của Ban Kiểm tra trung ương cho thấy, anh Bắc Son là ứng viên của những thanh củi khô mà cụ Tổng đang chuẩn bị đưa vào lò, điều ấy nay đã trở thành hiện thực. Xuất thân từ người lính chân quê, nhờ gặp son mà anh Bắc Son liên tục thăng. Nay khi hết son, đã hạ cánh về vườn, nhưng anh Bắc Son đang đối mặt với một tương lai do sự phán xét của tòa.

Bài 2:

Trương Minh Tuấn và những dàn xếp trong bóng tối

..
Ngày 23/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, tạm giam ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông để điều tra tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, sáng 23/7/2018, anh Quang, Chủ tịch nước đã ký quyết định tạm đình chỉ chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông với anh Trương Minh Tuấn, “do có vi phạm khuyết điểm và BCT đã thi hành kỷ luật về Đảng”. 
Vậy là anh Tuấn sau khi đã out khỏi Bộ 4T đầy quyền lực, tưởng như có thể hạ cánh an toàn với chức Phó Ban Tuyên giáo, chờ ngày nghỉ hiu nhưng không xong rồi.
Còn nhớ vào năm ngoái, trước sức muôn trùng dư luận về đại án AVG, trong đó, một trong những nhân vật chính là anh Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng đương nhiệm Bộ Thông tin Truyền thông, tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5 của Bộ TT&TT sáng 7/6, Bộ trưởng Tuấn vẫn tự tin để nói về kết luận của UB Kiểm tra về dự án tai tiếng này.
Sự tự tin của anh Trương Minh Tuấn khiến người ta nghĩ đến việc có những cuộc dàn xếp trong bóng tối mà anh Tuấn đang ở thế thượng phong?
Cũng cần phải nói lại là vụ Mobifone mua AVG là một vụ mà một doanh nghiệp Nhà nước bỏ tiền ra mua một công ty cổ phần truyền thông với số vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, được thành lập từ năm 2011. Từ khi ra đời cho đến khi được Mobile fone mua lại, chưa một năm nào công ty này có lãi.
Theo báo cáo tài chính được công bố đến 31/3/2015, thời điểm trước khi chuyển nhượng cổ phiếu, tổng tài sản của AVG là 3.260,686 tỷ đồng. Nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng. Giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng.
AVG là doanh nghiệp ngoài quốc doanh nên không có quyền tự phát sóng, nên đã hợp tác với Đài truyền hình Bình Dương để phát triển kênh An Viên TV. Một Công ty cổ phần, tồn tại năm năm, chưa năm nào có lãi, chỉ sở hữu một kênh truyền hình liên kết, được kê khống giá mua lên tới xấp xỉ 8.890 tỷ đồng.
Cũng cần phải nói thêm, Bộ Thông tin truyền thông, cơ quan chủ quản của Mobile Fone, trước đó ít lâu đã quyết tâm đẩy Đài truyền hình VTC, một đài có 16 kênh, phát sóng rộng khắp trong và ngoài nước với lượng người xem đông đảo cho VOV với giá chỉ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
Thương vụ này được coi là điển hình trong việc “mua đắt bán rẻ” của những người quản lý tài sản nhà nước. Anh Bắc Son, Bộ trưởng đương nhiệm thời đó có bằng tiến sỹ kinh tế, anh Trương Minh Tuấn, thứ trưởng cũng có bằng tiến sỹ về triết học, các anh chắc sẽ rất thấu hiểu quy luật này.
Bài trước tôi đã nói về chuyện anh Nguyễn Bắc Son, nay xin được bàn thêm một chút về người kế nhiệm anh Son ở bộ 4T là anh Trương Minh Tuấn.
Thời anh Tuấn còn ở Ban Tuyên giáo, không mấy ai biết đến anh. Năm 2014, khi anh được điều về làm phó cho anh Bắc Son, anh Tuấn cũng chỉ là cái bóng của anh Son, ngoan hiền vâng lời để chờ thời.
Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Lao động Nghệ An mới đây, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương kể lại: Ông Tuấn đến nhà ông Hương mang theo một chồng tài liệu, mở ra để giãi bày: “em phải làm theo lệnh ký các văn bản này, chứ em có xơ múi gì đâu”. 
Thói đời là vậy, là cấp phó, muốn được cất nhắc, lên sao gạch chỉ có hai cách: dùng những cọc tiền làm gạch lót đường hoặc tận tuỵ cung phụng và làm theo chỉ bảo của đàn anh. Anh Tuấn chọn cách thứ hai?
Thế rồi, Đại hội 12, anh Tuấn được vào Trung uỷ, được làm Bộ trưởng thay anh Bắc Son. Không lâu sau đó, anh Tuấn được ông Nguyễn Phú Trọng đề bạt làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Cũng cần phải nói thêm, Ban Tuyên giáo trung ương là một ban quan trọng của Đảng. Ban này do anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị nắm. Anh Thưởng là người trẻ tuổi, không có nhiều kinh nghiệm cả về văn chương lẫn báo chí, lực lượng chủ lực mà ban này phải định hướng và quản lý.
Trước một ông Trưởng ban như vậy, anh Tuấn nổi lên như một ngôi sao đầy triển vọng. Điều này giải thích vì sao mà vào tháng 11/2016, anh Tuấn rầm rộ cho ra mắt cuốn sách: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” do TS. Trương Minh Tuấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT làm chủ biên.
Theo đó, cuốn sách này được hoàn thiện và xuất bản trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và được phát hành đúng dịp triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 
Một số tờ báo đàn em đã không ngớt lời ca ngợi rằng: Với những đúc kết sâu sắc của tác giả, cuốn sách sẽ là cẩm nang quý giá cho mỗi cán bộ, đảng viên… Cùng với đó, nhiều tờ báo lớn như: Nhân dân, Vietnamnet… đã trang trọng cho đăng bài viết của anh Tuấn lên trang đầu.
Với sự tâng bốc của các báo quốc doanh, người ta nghĩ ngay đến cái ghế tiếp theo của anh Tuấn phải là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cánh tay đắc lực của Tổng bí thư. Tưởng như con đường vào Bộ chính trị của anh Tuấn chỉ là vấn đề thời gian.
Không lâu sau đó, những tin tức về vụ nâng giá khống trong thương vụ kỳ lạ là AVG được các trang mạng xã hội đưa tin. Những ai có nghiệp vụ kinh tế đều có thể thấy rằng, để thực hiện được thương vụ bom tấn này cần phải có sự phối hợp “binh chủng hợp thành” bởi hàng loạt quan chức cao cấp và doanh nghiệp gồm: Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… 
Tác giả của thương vụ này hẳn là người tài ba mới có thể dựng nên được vở kịch hoàn hảo đưa cả đàn voi chui lọt lỗ kim. Anh Tuấn không hẳn đã là chủ mưu, nhưng anh là một mắt xích quan trọng trong thương vụ đình đám ấy, anh Tuấn xứng đáng được tôn vinh, xứng đáng ngồi vào cái ghế BCT mà anh Thưởng hiện đang ngồi ngượng ngập.
Như đã nói ở bài trước, một thương vụ mua đắt đến nhiều ngàn tỷ rồi âm thầm chia chác trong bóng tối chỉ vì các anh là những kẻ lão luyện trong việc đạo diễn những vở kịch quyền lực và tiền bạc nhưng có một thứ duy nhất mà các anh không hiểu và không cần hiểu đó là công nghệ. Dẫu rằng cả anh Tuấn và anh Bắc Son đều là người đứng đầu bộ 4T, quản lý nhà nước về công nghệ.
Khen cho các anh, thương vụ lớn và thất thoát nhiều tiền bạc của nhà nước nhưng các anh đã che đậy được mấy năm trời trước sự rò rỉ thông tin từ mạng xã hội khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc và công bố kết luận thanh tra. Rồi ngay cả khi có kết luận của Thanh tra rồi, sự dàn xếp vẫn chưa hết khiến mọi việc tưởng như bị chìm vào quên lãng.
Tháng Ba năm 2018, dưới bàn tay thật thà như chọc tiết lợn của những người thợ đốt lò, kết luận thanh tra vụ việc này đã được Thanh tra chính phủ công bố, sau khi đã ‘cưỡng bức’ thay ghế Tổng thanh tra chính phủ và đẩy Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh về hưu.
Vụ việc chính thức được đặt lên bàn của Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Trước sức ép đó, anh Tuấn cùng các đệ đã làm việc cực chẳng đã là huỷ hợp đồng mua bán đầy tai tiếng, gom tiền đã chia chác hoàn trả lại cho Mobilefone để khắc phục hậu quả. 
Công cuộc đốt lò của cụ Tổng đang được vỗ tay nồng nhiệt. Những vụ dàn xếp trong bóng tối đang được tiếp tục, nhưng rồi anh Tuấn vẫn bị đưa vào lò….
P.T.H.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn