Ý kiến của cư dân mạng về vụ bắt giữ Đinh La Thăng

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Hai 20174:14 SA(Xem: 7832)
Ý kiến của cư dân mạng về vụ bắt giữ Đinh La Thăng

Ngọc Thu

9-12-2017

Chiều qua 8-12-2017, một thông tin nóng như cái lò lửa ở Nam Cali đang cháy rừng rực, nhưng cũng không nằm ngoài dự đoán của giới thạo tin: Ông Đinh La Thăng, đương kim đại biểu Quốc hội VN, đương kim Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, cựu Ủy viên Bộ chính trị, cựu Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT, đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam để điều tra sự việc có liên quan tới các vụ án tham nhũng, nhất là ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nơi ông Thăng từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSVN, một viên chức cao cấp nhất, từng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN bị bắt. Sau đây là kiến của các cư dân mạng về vụ bắt giữ chưa từng có tiền lệ này:

Nhà văn Lê Thiếu Nhơn viết: “Hết Thăng thì phải giáng thôi! Ông Đinh La Thăng đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Một câu chuyện buồn của năm 2017. Đầu năm, ông Đinh La Thăng vẫn ngất ngưởng ngồi ghế Ủy viên Bộ Chính trị, giữa năm ông Đinh La Thăng vẫn ung dung dựa ghế Ủy viên Trung ương, và cuối năm ông Đinh La Thăng vào ghế tội phạm kinh tế.

Mình chỉ ghét ông Đinh La Thăng từ khi ông ta nhận chức Bí thư Thành ủy TPHCM suốt ngày phát biểu ba lăng nhăng. Và mình càng ghét ông Đinh La Thăng hơn khi ông ta cho thư ký đến gặp mình để nhờ viết bài về tập thơ của bố ruột ông ta là cụ Đinh Văn Nhu, với thái độ hách dịch của kẻ vừa có quyền vừa có tiền. Tất nhiên, mình từ chối và còn giễu cợt tập thơ ấy!

Lúc ông Đinh La Thăng hạ xuống Phó Ban Kinh tế Trung ương, mình vẫn viết nhiều bài truy vấn trách nhiệm của ông ta trước thực trạng thất thoát của Tập đoàn dầu khí VN và các dự án BOT. Có một đồng nghiệp bảo: ‘Giậu đổ bìm leo làm gì!’. Mình nghiêm túc trả lời: ‘Anh đã bao giờ gây hấn với một tỉnh ủy viên chưa? Chỉ cần anh viết bậy, họ gọi một cú điện thoại thì lực lượng an ninh sẽ hành anh ra bả. Nếu tôi không có cơ sở lý lẽ, thì không thể đùa với một Ủy viên Trung ương!’.

Bây giờ ông Đinh La Thăng không còn chức vụ gì, kể cả Đại biểu Quốc hội. Vì vậy, mình không viết về ông Đinh La Thăng nữa. Mọi việc để cho pháp luật phán quyết! Hết thăng thì phải giáng thôi!

Thanh trừng nội bộ

Trả lời đài RFA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, đây là chuyện thanh trừng nội bộ trong đảng. Ông Quang A nói vụ bắt bớ này chẳng có gì đặc biệt, vì: “Đây là Đảng Cộng sản Việt Nam trị ông Thăng chứ không phải là tư pháp hay gì cả, bởi vì tất cả các lệnh đều từ đó mà ra. Quốc hội hay cho thôi Quốc hội đều do các ông ấy cả. Quyết định cho (ông Thăng) ứng cử Quốc hội mới có tháng Năm năm ngoái chứ đâu có gì là xa lắm“.

Ông Quang A cũng nói rằng, chuyện thanh trừng bè phái chắc chắn không chỉ dừng lại ở vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, mà còn có khả năng bắt tới con hổ to, “chúa tể sơn lâm”, là “đồng chí X” nữa.

Cùng ý kiến với TS Nguyễn Quang A, Facebooker Trần Song Hào cho rằng, vụ bắt bớ này chỉ là cuộc chiến mang tính đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm của đảng CSVN. Ông Hào viết: “Cái quy trình của chế độ toàn trị nó lằng nhằng rứa đó! Chống tham nhũng trong môi trường thể chế độc đảng không bao giờ thành công và hiệu quả. Bởi có thu hồi được tiền đã mất. Trong con mắt của giới quan sát chính trị Việt thì cuộc chiến đó mang tính phe phái đấu đá. Êkíp nào lên nắm quyền cũng bảo vệ lợi ích phe nhóm của mình”.

Facebooker Phạm Ngọc Hưng nhận định rằng, việc bắt bớ ông Đinh La Thăng có liên quan tới các dự án BOT trên cả nước. Ông Hưng viết: “Ông Thăng ngã ngựa cũng ít nhiều là tín hiệu báo trước số phận của bốt Cai Lậy và hệ thống liên minh bốt hình thành dưới thời của ông. Đấy cũng là lý do mà ban Tuyên giáo của ông Thưởng thả tay cho báo chí lề phải góp sức đánh bốt trong thời gian qua đến tận hôm nay. Nó cũng cho thấy trong trận phá bốt vừa qua, đằng sau mặt trận tiền lẻ của dân còn có một mặt trận khác: mặt trận chỉnh đốn sân sau của quan. Mà nói về ác liệt thì mặt trận tiền lẻ hẳn chưa bằng một góc“.

LS Nguyễn Danh Huế cho rằng, ông Thăng là nạn nhân của thể chế chính trị. Ông Huế bình luận: “Anh Thăng đã bị A92 bắt và đêm nay là đêm đầu tiên anh nằm sàn xi măng. Anh và rất nhiều thằng đồng chí của anh đã phá tang hoang đất nước này nhưng tôi vẫn thương anh. Vì anh là nạn nhân của một thể chế mà quyền lực không bị kiểm soát“.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ cho rằng, mặc kệ các phe phái chém giết nhau. Ông viết: “Chúng giết nhau kệ mẹ nó. Chúng bắt giam nhau kệ cha nó. Đất nước là một nhà tù lâu rồi“.

Facebooker Trương Quang Thi thì cho rằng sự kiện nay đáng ăn mừng, cho dù đây là chuyện thanh trừng hay đấu tố giữa các phe phái. Facebooker này cho biết: “Hồi Thăng mới về Sài Gòn, có thằng bạn thuộc loại thạo tin hí hững khoe, vậy là anh ấy đã an toàn. Luật bất thành văn của Cộng Sản Việt Nam là không đụng đến uỷ viên Bộ Chính trị. Mình trước sau vẫn ghét thằng này bởi vụ đẻ ra hàng loạt dự án BOT và hạ tải vận chuyển. Hai quyết sách đó ảnh hưởng cực lớn đến nền kinh tế mà những người hời hợt không thể nào nhìn thấy hết được.

Đến đoạn thằng Bộ trưởng Công thương ăn ngập mặt nhưng chỉ bị bêu tên, hỏi có thấy xấu hổ hay không? Thằng bạn mình vẫn đinh ninh là nhận định của nó về cái lệnh bài miễn tử là đúng đắn. Tới sau khi Thăng bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị, thôi chức Bí thư Thành uỷ Sài Gòn, cũng thằng bạn đó nó kêu: Bác Tổng đợt này quyết tâm cao quá, gạt bỏ cái tiền lệ có từ thời khai quốc thì e là lành ít dữ nhiều.

Mình thì cho rằng chẳng có thằng bác con chú nào quyết tâm cao cả. Nếu không có chiến dịch đả hổ diệt ruồi của thằng Tàu thì cũng chẳng có cái mịa gì thay đổi ở đây. Tuy nhiên, đối với mình thì bất cứ thằng quan tham nào bị xử, dù là vì thanh trừng hay đấu tố thì đều đáng ăn mừng“.

Bạc như vôi

Facebooker Ngô Thanh Tú viết: “Coi hình lại nhớ tháng năm nào đó cũng chính báo Tuổi Trẻ cử nguyên cả toán phóng viên chỉ chuyên đi theo chụp hình, viết bài để tâng bốc cho Đinh La Thăng. Tinh di vật hoán, nay cũng chính tờ báo ngày xưa nâng bi, bây giờ quay ngược lại kết tội ông. Chẳng riêng gì Đinh La Thăng, mà cả Nguyễn Xuân Anh, Vũ Huy Hoàng cũng phải chịu cảnh tương tự”.

H1-176
Ảnh: Facebook Nguyễn Đình Bổn chụp lại từ báo Tuổi Trẻ.

Ông Tú viết tiếp: “Chẳng có gì đáng phải thương tiếc cho những người như vậy cả, vì chính họ đã tiếp tay để duy trì sự độc tài, bóp nghẹt tự do ngôn luận, biến báo chí thành công cụ. Nay sa cơ thì họ tự nhận lãnh một phần thành quả mà họ đã góp tay xây dựng. Nếu có thương tiếc thì hãy thương tiếc cho hàng chục triệu người dân dù không tiếp tay cũng có thể trở thành nạn nhân cho bộ máy tuyên truyền bất cứ lúc nào“.

Nhà báo Mai Quốc Ấn viết: “Trong số hả hê ông Thăng bị bắt có mấy ai dám viết phê phán khi ông ấy đương chức? Rất hiếm! Trong số thọ ơn ông Thăng, nay còn nhớ nghĩa xưa mấy người? Rất rất hiếm!

Facebooker Hoàng Dũng viết: “Khi tra tay vào còng là lúc tài sản của anh gần như khánh kiệt, tôi tin là vậy. Đó là cái giá (quá rẻ) cho kẻ tham nhũng, ăn tàn phá hại đất nước, phá nát bao gia đình, thế hệ… Những người nhờ anh ấy, ăn lộc rơi lộc vãi giờ ở đâu rồi, ra mà căng băng-rôn đòi người“.

Facebooker Lê Trung Kiên có hai câu thơ: “Vừa là thượng khách ngồi trên ghế/ Thoắt đã thằng tù đứng dưới sân”.

Nhân quyền

Facebooker Nguyễn Anh Tuấn nhận định, vụ bắt bớ này là bi kịch chung cho tất cả mọi người Việt Nam, bởi ai cũng có thể là nạn nhân của những vụ bắt bớ như thế này.

Ông Tuấn bình luận: “Đinh La Thăng đang có bi kịch của ông ấy. Nhưng nằm ngay trung tâm bi kịch đó tiềm ẩn một rủi ro chung cho tất cả chúng ta: Không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, sang hèn, từ Ủy viên Bộ Chính trị đến anh bán hàng rong, chúng ta đều có thể là nạn nhân của một nền pháp quyền què quặt khi mà nhân quyền, dân quyền của chúng ta không được thượng tôn nghiêm ngặt như một điểm cốt lõi tạo thành cộng đồng quốc gia này.

Những ngày tới, ở vị trí nạn nhân của quyền lực, ông Thăng hẳn sẽ có cái nhìn khác về nhân quyền, dân quyền – những thứ mà lúc còn ở đỉnh cao quyền lực chắc ông đã từng cười nhạt khi nghe thấy. Nhưng có lẽ, mọi thứ đã quá muộn với ông rồi”.

H2-5
Ghi chú ảnh của Facebooker Phạm Lê Vương Các: “Ngày còn mặn nồng khi tình chưa tan vỡ”.

Án nào cho Đinh La Thăng?

Trả lời đài RFA, TS Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nhận định: “Nếu chỉ dính đến tội cố ý làm trái thì không bị xử tù quá 20 năm theo luật hình sự Việt Nam vào năm 2009. Còn theo luật hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 thì cái bộ luật ấy không còn tội cố ý làm trái.

Nhưng bắt vào thời điểm bây giờ là ngày 8/12, thì dù có điều tra bao lâu đi chăng nữa thì họ vẫn  phải xử theo tội này (làm trái quy định) vì luật vẫn có hiệu lực. Thế nhưng trong thông báo tạm giam có hai cụm từ họ giấu đi ở đằng sau là tham ô và nhận hối lộ thì cả hai tội này có khung án cao nhất là tử hình”.

___

Thông tin từ báo “lề phải” về vụ bắt giữ Đinh La Thăng: Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng (TT). – Khám xét nhà ông Đinh La Thăng (VNN). – Khu vực nhà ông Thăng dày đặc an ninh (PLTP). – Những vi phạm “rất nghiêm trọng” của ông Đinh La Thăng (Soha). – Sự nghiệp đầy thăng trầm của ông Đinh La Thăng (VOV/ CafeF). – Vì sao ông Đinh La Thăng và 23 sếp ngành dầu khí vướng lao lý? (Zing). – [INFOGRAPHIC] Những dự án thua lỗ dưới thời ông Đinh La Thăng (TN). – Trước khi bị bắt, ông Đinh La Thăng từng nói gì? (giadinh.net
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn