BOT Cai Lậy: Một “trận chiến” dân sự thú vị

Thứ Ba, 05 Tháng Mười Hai 20172:30 CH(Xem: 8337)
BOT Cai Lậy: Một “trận chiến” dân sự thú vị
Cần xác định rõ, “ trận chiến Cai Lậy” là trận chiến dân sự, để từ đó có những nhận định phù hợp hơn.
BOT Cai Lậy đã nhận được 1.500 tờ tiền trị giá 100 đồng, và điều này đồng nghĩa với việc chiến thuật 25+1 của cánh tài xế tạm thời phá sản.
Tờ tiền 100 đồng tưởng chừng như biến mất trong thời kỳ 500.000 đồng lên ngôi, lại trở thành nhân chứng sống động nhất trong cuộc chiến dành lại quyền lợi chung trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
Giới tài xế sẵn sàng trả phí bằng tiền lẻ khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy
Tờ tiền này vừa cho thấy lực lượng công an tỉnh Tiền Giang vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi can thiệp vào quan hệ giao dịch dân sự thuần túy; vừa biểu hiện cho tính quyền lực nhà nước bị lợi dụng bởi một nhóm người (thay vì đại diện cho lợi ích cộng đồng); trên tất cả nó lột tả đều đủ nhất tính cứng đầu về chính sách “ăn BOT” của Bộ GTVT,…
BOT Cai Lậy lại xả trạm hôm 1/12/2017, sau một ngày thu phí trở lại, bởi giới tài xế phản đối bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí gây ùn tắc giao thông
Ở một góc khác, tờ tiền 100 đồng cho thấy sự chuyển biến nhận thức của những người dân, đặc biệt là cánh tài xế, họ cho thấy sự đoàn kết trong giải quyết vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp của mình (kể cả thuê luật sư cho tài xế bị bắt vì bị áp đặt tội danh gây cản trở giao thông). Ở một mức độ nào đó, có thể khẳng định rằng, những anh tài xế trở thành những nhà bất tuân dân sự Việt Nam với tính thực tiễn cao nhất.
Hãy xem, từ câu chuyện đưa tiền lẻ để kéo dài thời gian đếm dẫn đến xả trạm, cho đến khi chủ đầu tư BOT Cai Lậy trở lại với làn tiền lẻ và tiền chẵn để phân tách tài xế sử dụng tiền lẻ qua một bên nhằm dễ giải quyết thì những tài xế lại sử dụng phương thức 25+1 (tức là số tiền là chẵn, nhưng buộc phải trả lại 100 đồng tiền thừa cho cánh tài xế). Nó cho thấy, cánh tài xế đã có sự linh động, sáng tạo trong áp dụng phương thức đấu tranh của mình, nhưng không thoát ly khỏi tính thượng tôn pháp luật.
BOT Cai Lậy khiến cho bộ mặt trung ương, mà đặc biệt là Bộ GTVT được phơi bày trong việc tiếp tục cách hoạt động dung dưỡng cái sai liên quan đến vị trí trạm BOT. Nó đến mức, khi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không được kéo dài, thì Bộ GTVT đã khẳng định sẽ giữ nguyên BOT và ‘gỡ rối” bằng cách phối hợp với Bộ Công An để xử lý những người mà Bộ này cho là “quá khích”, kết hợp với Ngân hàng Nhà nước chuyển lượng tiền lớn 100 đồng về Cai Lậy, đồng thời “tuyên truyền để dân hiểu”.
Những động thái này cho thấy, lợi ích của trạm BOT quá lớn, lớn đến mức buộc NHNN phải tiến hành in và phát hành tiền giấy 100 đồng để “hỗ trợ” – trong khi đồng tiền này không có khả năng sử dụng trong thực tế xã hội, chi phí in ấn nhằm hỗ trợ rút ra từ nguồn ngân sách là quá lớn để có thể đặt câu hỏi về tính hợp pháp, thực tế và khoa học về hoạt động này. Đó là chưa kể những thiệt hại lớn về kinh tế và bất ổn xã hội khi đoạn đường quốc lộ 1A này rơi vào trạng thái… tắt – dù ở mức độ tạm thời!
Một Facebooker Nguyễn Tiến bày tỏ: Cách bộ GTVT thách thức với dân, quyết chiến đấu với dân khi tuyên bố “không dời trạm BOT Cai Lậy, quyết giữ để thu phí, nếu tắt thì xả sau đó lại thu” là một hành động ngu xuẩn, coi thường luật pháp, coi rẻ sinh mạng, lợi ích của dân là đây. Hãy hình dung nếu có những ca cấp cứu từ các tỉnh miền Tây hướng về Sài Gòn, khi mạng sống của bệnh nhân được tính bằng những “phút vàng” nhưng gặp phải cảnh ùn tắc giao thông do trạm thu phí BOT Cai Lậy gây ra thì hậu quả sẽ thế nào? Bệnh nhân sẽ chết do cấp cứu không kịp thời thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nên nhớ rằng mạng người là vô giá và nếu những người cấp cứu kia là cán bộ, đảng viên cao cấp, là người thân của quan chức ngành giao thông vận tải thì những kẻ quyết tâm giữ trạm BOT Cai Lậy có đau không? Mặt khác, tình trạng ùn tắc giao thông do trạm thu phí này gây ra dẫn đến hàng hóa không được vận chuyển kịp thời, gây mệt mỏi cho hành khách… thì những thiệt hại này ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho dân?
Điều đó cho thấy rằng, sự phối hợp hành chính tưởng chừng đồng bộ đó chỉ xảy ra khi tiến hành một hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng, bảo vệ lợi ích nhà nước thì nay trở thành bảo vệ lợi ích cái sai… doanh nghiệp. Nói đúng hơn, trạm BOT được giải quyết theo hướng… đối phó với người dân.
Vấn đề là ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vô can không khi mà trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, ông là người đại diện đứng đầu, và Bộ GTVT lại nằm trong cái gọi là nội các Chính phủ?
Trong một thông tin có liên quan, các tài xế trong nhóm Bạn Hữu đường xa đang vạch ra phương thức đấu tranh mới. Trong đó tiếp tục sử dụng tiền lẻ 100 đồng để giao dịch nhằm gia tăng thời gian kiểm đếm.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Vũ Hải đã chia sẻ, nếu Bộ giao thông vận tải quyết như vậy (ngoan cố giữ trạm BOT Cai Lậy cho bằng được), nhất là khi tân Bộ trưởng Bộ GTVT là người ký dự án BOT này, các lái xe và doanh nghiệp vận tải cần sử dụng biện pháp pháp lý để tiếp tục đấu tranh. Họ có thể kiện ra Toà, yêu cầu Toà ra phán quyết chủ BOT Cai Lậy chỉ được phép thu phí xe sử dụng đường tránh, và trước mắt ban hành biện pháp khẩn cấp buộc chủ BOT không được tuỳ tiện thu phí những xe không đi qua đường tránh.
Rõ ràng, khi quan điểm nhà nước và cộng đồng không cùng một mạch, thì một trận chiến dân sự thú vị cũng trở thành một mắt xích cho một phong trào dân sự lớn, có tính chất xã hội rộng mở hơn về sau.
Điều quan trọng, nhà nước cũng tự tiếp tục đẩy mình vào trạng thái mất tính chính danh từ đây.
(VietFact)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn