Thái độ của người dân đối với Tù Chính trị

Thứ Năm, 07 Tháng Mười Hai 201710:06 CH(Xem: 6898)
Thái độ của người dân đối với Tù Chính trị
Tôi băn khoăn, không hiểu lắm, sao lại gọi anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức hay Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thúy Nga... là “Tù nhân lương tâm”? Theo tôi cứ gọi rõ là “Chính trị phạm” hay “tù Chính trị” cho nó rõ ràng.
H1-26
Hình minh họa
Hồi trước năm 1945, tôi nhớ không lầm thì chế độ cai trị của Pháp có chia ra 2 loại tù: Thường phạm và Chính trị phạm. Thường phạm là những người phạm tội hình sự như: Cướp, hiếp, giết người, trộm cắp, phá hoại tài sản của người khác nay của công, nấu rượu lậu, buôn thuốc phiện, lừa đảo. V.v... Những người này có thể bị tử hình, tù chung thân hay tù một số năm. Nhưng ra thù là thôi. Ngược lại, tù Chính trị hay Chính trị phạm là những người lên án chế độ cai trị, tuyên truyền lật đổ chế độ hoặc có hành động chống đối chính quyền... Hầu hết các vị tiền bối cách mạng như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cho đến Tôn Đức Thắng, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Đồng, Trường Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng, Tố Hữu v.v... đều từng là Chính trị phạm. Đặc điểm của Chính trị phạm là, ra tù, thường vẫn bị quản thúc tại địa phương, như Cụ Phan Bội Châu bị quản chế ở Huế. Hồi đó nhân dân ta rất thương yêu, kính trọng các Chính trị phạm, vì họ là người yêu nước, thương nòi mà dấn thân, chịu bao nhiêu hiểm nguy, tù đày, chết chóc.
Hồi kháng chiến chống Pháp 1945 -1954, người Pháp còn phân chia ra 3 loại tù: Thường phạm, tù Chính trị và tù Binh. Mỗi loại tù có chế độ giam giữ, đối xử khác nhau, trong đó tù Chính trị bao giờ cũng bị đối xử hà khắc nhất. Tù Thường phạm thì xét xử theo Luật, hạn tù rõ ràng; tù Binh thường chẳng có xét xử, cứ giam giữ và có thể trao đổi tù Binh; tù Chính trị thì nhiều khi chẳng biết là tội gì, chỉ cần “tình nghi” hoặc kẻ nào đó khai báo, chỉ điểm cũng có thể bị bắt giam, không xét xử. Hồi đó cha tôi rồi chị tôi và một anh cũng bị bắt đi tù, chỉ vì có người bị Tây bắt, khai ra anh cả tôi là Việt Minh nguy hiểm. Thế là mấy người nhà tôi thành Chính trị phạm. Lần mẹ tôi đi “tiếp tế” cho chị tôi mới bị bắt, giam ở thị xã Hải Dương, mẹ kể, dò hỏi mãi mới tìm được đến nơi. Đến nhà tù Thường phạm, người ta lại chỉ đến chỗ giam Chính trị phạm; đến đấy lại phải tìm trại giam tù con gái... Ngày đó dân ta cũng yêu thương, kính trọng các chính trị phạm lắm. Mỗi lần mẹ tôi đi “tiếp tế” về, dân làng đến thăm hỏi, an ủi, động viên, cảm thông, giúp đỡ rất nhiều.
Như thế là thời Pháp thuộc trước 1945 hay thời “tạm chiếm” 1945 – 1954, nhân dân ta luôn biết rằng tù Chính trị hay Chính trị phạm, dẫu có bị chính quyền cai trị kết án tử hình hay tù đầy, nhưng họ là người tốt, người yêu nước, dấn thân vì dân, vì nước; họ có “TỘI” với chính quyền cai trị, những có CÔNG với nước; họ là những người được nhân dân yêu thương, kính trọng; người thân của họ luôn được cảm thông, giúp đỡ. Đạo lý đó của dân tộc ta rất rõ ràng, dứt khoát, nhờ đó tinh thần yêu nước được nuôi dưỡng, tôn vinh suốt chiều dài lịch sử qua các thế hệ.
Dưới chính quyền cộng sản, khái niệm “Chính trị phạm” có lẽ được mở rộng hơn bao giờ hết. Tất cả những người bị chính quyền CHO LÀ họ chống đối, tuyên truyền “phá hoại chế độ”, thậm chí “có nguy cơ chống chính quyền” cũng có thể bị bắt, bị tù, thậm chí bị giết. Hàng vạn người bị chết, hàng chục vạn người bị tù trong CCRĐ ở miền Bắc đầu những năm 1950 cũng có thể coi là Chính trị phạm, vì họ là “đối tượng của đấu tranh giai cấp”, các “phiên tòa” đều kết tội họ “câu kết với bọn phong kiến, đế quốc” bóc lột, đàn áp giai cấp bần cố nông... Những “Tòa án nhân dân đặc biệt” được lập ra, đã quyết định trước, “tội nhân” đáng tù bao nhiêu năm hay tử hình thì cứ luận tội, tuyên án cho tương xứng.
Những người bị bắt, bị tù, có xét xử tuyên án hay không tuyên án trong các vụ “Nhân văn - Giai phẩm”, “Nhóm chống Đảng” sau này cũng là các Chính trị phạm.
Tôi cho rằng, những người miền Nam sau 1975, bị chính quyền CS gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” bắt đi giam giữ, “cải tạo” cũng là các “Chính trị phạm”. Bởi vì họ bị nhà cầm quyền cho là có nguy cơ “đe dọa chế độ” mà bị giam giữ, “cải tạo”...
Ngày nay những người bị bắt, bị tù theo “Điều 258 (năm 1991) hay Điều 88 (năm 1999) “Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo tôi đều là các Chính trị phạm. Họ khác với “Thường phạm” là người mắc tội cướp, hiếp, giết người, tham nhũng, buôn lậu, làm hàng giả, lợi dụng chức vụ, v.v... Người phạm tội theo “Điều 88 Bộ luật Hình sự là “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.
Tôi không bình luận về điều luật này, vì đã là “Chính trị phạm” thì Chính quyền cai trị muốn bắt ai và quy tội gi chẳng được, vì cái “tội” rất mơ hồ, có thể quy kết nặng nhẹ, tùy suy diễn...
Ở đây chỉ muốn nói về thái độ của người dân. Như tôi đã viết, thời trước 1945 và thời Pháp tạm chiếm 1945 – 1954, những người tù Chính trị được nhân dân yêu thương, kính trọng và bí mật hoặc công khai động viên, chia sẻ, giúp đỡ gia đình họ.
Nhưng những người tù trong CCRĐ, “Nhân văn - Giai phẩm” hay “Chống Đảng”, đi “Cải tạo” thì rất đau khổ về tinh thần, vì họ bị kết án thế nào, cũng không được cãi; không ai dám bênh vực; người dân thì chỉ biết nghe, biết tin theo chính quyền, và hầu hết về hùa với chính quyền lên án, hoặc xa lánh, tránh liên lụy; gia đình họ cũng bị kỳ thị, xa lánh. Có người còn bị người thân “đấu tố”, ruồng bỏ, để chứng tỏ với chính quyền rằng, mình “cách mạng triệt để”...Những Chính trị phạm chưa bao giờ bi thương như thời kỳ đó. Sau này CCRĐ được “sửa sai”, nhiều người trong vụ “Nhân văn - Giai phẩm” hay “Nhóm chống Đảng” được minh oan, những người có thái độ ứng xử sai lầm trước đây với họ, đã vô cùng hổ thẹn, hối hận, nhưng cũng không gì chuộc lại được lỗi lầm.
Ngày nay, tình hình đã khá hơn, những người bị kết án theo Điều 258 hay 88 Bộ Luật hình sự, thường được người thân đồng hành, an ủi, chăm nuôi; được một bộ phận xã hội cảm thông, thương mến, hỗ trợ về cả tinh thần lẫn vật chất; được dư luận quốc tế quan tâm... Đó là những chuyển biến xã hội rất đáng mừng, một phần khác cũng nhờ có mạng xã hội lan truyền thông tin đa chiều, kịp thời...
Có người trách, sao đa số người dân vẫn vô cảm với những Chính trị phạm thời nay như vây? Hãy thông cảm với họ, họ đã bị tuyên truyền nhồi sọ hơn 70 mươi năm và nỗi ám ảnh sợ hãi liên lụy đã ngấm vào máu thịt họ hơn nửa thế kỷ còn gì! Tâm lý sợ hãi, chỉ cốt sao mình được an toàn, tránh liên lụy, đã làm nảy nở thói ích kỷ, vô cảm thành trạng thái xã hội..
Những người ngồi trên Tòa án, luận tội, kết án, y án chị Nguyễn Ngọc Như quỳnh 10 năm tù, cũng chẳng đáng trách lắm, vì họ nằm trong hệ thống, chịu sự chỉ huy từ trên xuống, họ phải thực thi, nếu còn muốn “hành nghề”.
Đáng trách nhất là một số ít người về hùa với chính quyền, bới móc, bôi nhọ, lên án những người như Chị Như Quỳnh, Trần Thúy Nga... Họ đã đặt cái gì đó cao hơn tình đồng bào, tình người - tình đồng loại.
“Thành – Trụ - Hoại - Diệt” là quy luật tất yếu. Mọi triều đại sẽ đổi thay. Lịch sử sẽ ghi lại tất cả. Chỉ có lòng yêu nước, thương nòi, yêu công lý, chính nghĩa, tình người là ngầm chảy mãi trong lòng dân tộc, nhân loại.
1/12/2017
Mạc Văn Trang
(FB Mạc Văn Trang)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn