'Đừng biến nghệ sĩ thành người đi xin tiền'

Thứ Hai, 04 Tháng Mười Hai 201710:00 SA(Xem: 8109)
'Đừng biến nghệ sĩ thành người đi xin tiền'
TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc làm việc với Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật chiều 4-8, khi trực tiếp giải quyết nhiều kiến nghị của giới văn nghệ.
“Tôi biết đất nước còn khó khăn nhưng chắc không khó khăn đến nỗi không thể cấp cho người đứng đầu Liên hiệp hội một chiếc xe đi lại"
Nhà thơ Hữu Thỉnh (chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật)

Cuộc làm việc của Thủ tướng với tổ chức đại diện lớn nhất cho giới văn nghệ bắt đầu từ 14h cho đến tối muộn mới kết thúc.

Thủ tướng mời Chủ tịch MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, yêu cầu Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và các thứ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cùng dự.

Cần có chính sách đào tạo tài năng trẻ

Trước những người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các hội thành viên, Thủ tướng khẳng định: qua các thời kỳ cách mạng, phát triển của đất nước, văn học nghệ thuật (VHNT) đã thể hiện tinh thần đồng hành với quốc gia, dân tộc, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cổ vũ cái đẹp, cái tiến bộ.

Hoạt động VHNT đạt nhiều kết quả, giới văn nghệ sĩ VN đã bám sát cuộc sống, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao.

Người đứng đầu Chính phủ biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật với các tổ chức thành viên, gửi lời thăm hỏi ân cần tới 4 vạn nghệ sĩ là thành viên các hội VHNT trong toàn quốc.

Theo Thủ tướng, trong quá trình phát triển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, chúng ta cũng không thể biết hết, lường trước được các ngõ ngách, các vấn đề của phát triển VHNT, đặc biệt là các khó khăn.

Nhưng có thể khẳng định Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, quan tâm phát triển VHNT. Đường lối, chính sách đã rõ ràng nhưng trong thực hiện thì có vấn đề cụ thể còn những bất cập.

Ông đề nghị Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật có chính sách, giải pháp đào tạo các mầm non, tài năng trẻ trong lĩnh vực VHNT; đổi mới công tác sáng tác, sưu tầm có chiều sâu, tránh dàn trải, hướng tới những tác phẩm có sức lan tỏa rộng rãi; có giải pháp cụ thể để phòng chống sản phẩm phi văn hóa, bạo lực, đồi trụy, đấu tranh chống diễn biến hòa bình trong VHNT...

“Đừng biến nghệ sĩ thành người đi xin tiền”

Đại diện cho Liên hiệp hội, ông Hữu Thỉnh đã nêu tới 9 kiến nghị để giải quyết khó khăn trong hoạt động của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các tổ chức thành viên, chủ yếu là về cơ sở vật chất, kinh phí và đời sống của văn nghệ sĩ.

Ông đề nghị được chuyển khoản kinh phí hỗ trợ hằng năm (khoảng 90 tỉ đồng) thành khoản được chi thường xuyên, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật không phải lập đề án đi xin trong từng giai đoạn.

Hay một việc khác là hiện nay nhiều văn nghệ sĩ có công, có thành tựu nhưng đời sống khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhà ở.

Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật đề nghị Thủ tướng lập đề án xây dựng làng nghệ sĩ khoảng 300 căn nhà để giải quyết vấn đề nhà ở cho các văn nghệ sĩ, để nghệ sĩ yên tâm cống hiến.

Ông Hữu Thỉnh cũng cho biết theo quy định thì chức danh của ông được hưởng chế độ xe như bộ trưởng, trưởng ban Đảng, nhưng 10 năm nay không có xe, phải mượn xe và xe đó đã quá rách nát.

“Tôi từng là người lính, qua mấy cuộc kháng chiến, phương tiện đi lại với người lính không có vấn đề gì. Nhưng đối với người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy” - ông Thỉnh giãi bày.

“Dưa thì giải cứu được, chứ tranh thì không”

Trong khi đó, ông Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - cũng bức xúc về kinh phí hỗ trợ sáng tác.

“Bây giờ cơ chế thị trường, nếu sáng tác các đề tài bảo vệ Tổ quốc thì không ai mua, đến bảo tàng, chính quyền cũng không mua.

Dưa thì có thể giải cứu được chứ tranh thì không giải cứu được. Chúng tôi rất khổ. Giờ không ai muốn về đây làm. Tôi già rồi muốn có người thay thế nhưng đi mời chẳng ai chịu về” -
ông Chương tâm sự.

Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Liên hiệp hội giải quyết kinh phí hỗ trợ hằng năm để Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và các tổ chức thành viên sớm nhận được tiền, thủ tục đơn giản, đúng pháp luật.

“Vấn đề nhà ở xã hội, tôi giao TP Hà Nội giải quyết đất, trung ương hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hạ tầng, có cơ chế hợp lý để xây dựng nhà ở cho các văn nghệ sĩ có đóng góp nhưng đang gặp khó khăn về nhà ở. Bước đầu có thể xây dựng 200 căn hộ dạng này” - Thủ tướng nói.

Về phương tiện đi lại, Thủ tướng đồng ý để Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật được thanh lý 5/7 ôtô đã quá cũ, mua mới một ôtô và nhận chuyển giao từ Văn phòng Chính phủ một ôtô còn sử dụng tốt.

“Như tôi đã nói từ đầu, hôm nay tôi đến đây không phải là để bàn về đường lối, tư tưởng đối với hoạt động VHNT, bởi các nghị quyết của Đảng đã thể hiện rất rõ rồi.

Tôi đến đây để lắng nghe, bàn cách tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ Liên hiệp hội thực hiện tốt vai trò, sứ mạng của mình. Thủ tướng luôn lắng nghe mọi ý kiến của văn nghệ sĩ” -
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chính trị hay không chính trị?

GS Tô Ngọc Thanh - chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN - tâm sự:

“Văn nghệ là một binh chủng, mà văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, vậy mà cứ mỗi 5 năm một lần phải lên trình bày để được “thương cho” cấp kinh phí.

Năm nay, đến tháng 8 rồi mà chúng tôi chưa có kinh phí. Trong khi đó, dự thảo Luật về hội lại “cắt” chữ chính trị khỏi tổ chức Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và chỉ để Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật là tổ chức xã hội - nghề nghiệp”
.

Ông Trần Khánh Chương thậm chí còn khẳng định rằng “cơ chế thị trường vốn đã khiến tâm tư các văn nghệ sĩ phức tạp, nếu không có yếu tố chính trị nữa thì rất nguy hiểm và các hội VHNT sẽ vỡ trận”.

Chia sẻ với các ý kiến trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cầm trên tay nghị quyết của Đảng và khẳng định Đảng vẫn coi Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý:

“Chúng ta không chạy theo thị trường, thương mại hóa nhưng chúng ta cần nghiên cứu xu hướng, nhu cầu của thị trường để đáp ứng”.

LÊ KIÊN - VŨ VIẾT TUÂN
-https://tuoitre.vn




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ và thông cảm với những khó khăn
của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

***

Lời bình của nhà báo Nguyễn Thông
Cha nhà thơ Hữu Thỉnh càng ngày càng tệ. Hôm qua coi tivi thấy chả than thở làm to cỡ trưởng ban đảng (Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật) mà đảng không cấp cho xe hơi, đi đâu cũng phải mượn xe đã cũ nát. Chả năn nỉ thủ tướng duyệt cấp cho hẳn một chiếc xe để dùng, cho bằng anh bằng em.

Người ta đang chủ trương khoán xe công, giảm bớt xe để bớt gánh nặng cho dân, thế mà bố như người giời, như điếc như mù, mở miệng đòi xe mà không biết nhục.

Già rồi, đầu óc lú lẫn rồi, đảng còn cho ngồi đó là may lắm, lại không biết điều, cứ giở giói cái thứ công thần ra, nhục.

Tưởng văn nghệ sĩ là to lắm, hách lắm ư. Cũng chỉ một thứ công cụ trong tay nhà cai trị thôi, đừng vênh để thiên hạ cười cho.

"Đường tới thành phố" đã lầy lội rồi, giờ có muốn quay về quê làm người tử tế cũng đã muộn, bác Thỉnh ạ.

Bác có nhớ câu thơ thi sĩ Xuân Sách vẽ chân dung cụ Hoài Thanh không, "Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/Nửa đời sau lại vị người ngồi trên/Thi nhân còn một chút duyên/Lại vò cho nát lại lèn cho đau...". Nhưng tài bác cũng chỉ bằng ngón chân út cụ ấy, so làm sao được.

Huyếnh quá đi mất. Thương cho giới văn nghệ sĩ nước nhà chịu một người cầm đầu như bác.


Theo facebooker Vũ Viết Tuân:

Văn sĩ nước Nam có bao giờ được thế này chăng?
Chiều qua, tại buổi gặp mặt của Thủ tướng với Liên hiệp các hội văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp hội đã gửi đến Thủ tướng 9 kiến nghị cấp bách để giải quyết các khó khăn cho các hội văn học nghệ thuật.

Tui xin tóm lược kiến nghị cấp bách 9 điểm này:

1/ Trong dự thảo Luật về Hội không thể bỏ yếu tố chính trị khỏi tên gọi của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật VN, từ tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp giờ chỉ còn là tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Bởi tính chất chính trị làm sẽ giúp các nghệ sĩ làm tròn trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc xây dựng tâm hồn, cốt cách, văn hoá VN.

2/ Đề nghị Bộ VH-TT&DL phát huy vai trò chủ trì trong việc sửa đổi quy định xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước để trình Thủ tướng phê duyệt sao cho phù hợp với thực tiễn phát triển của văn học nước nhà.

3/ Mỗi năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật được Nhà nước hỗ trợ khoảng 90 tỉ đồng. Nay kiến nghị Thủ tướng xem xét chuyển số tiền này thành kinh phí hỗ trợ thường xuyên, để Liên hiệp không phải xin lập đề án xin tiền theo từng giai đoạn nữa.

4/ Hiện nay nhiều văn nghệ sĩ có công, có thành tựu, nhưng đời sống khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Liên hiệp kiến nghị Thủ tướng lập đề án xây dựng làng nghệ sĩ khoảng 300 căn nhà để giải quyết vấn đề nhà ở cho các văn nghệ sĩ, để nghệ sĩ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

5/ Hiện báo chí trong lĩnh vực văn nghệ rất khó khăn, nên Liên hiệp kiến nghị Thủ tướng được lập trình Thủ tướng phê duyệt đề án hỗ trợ báo chí văn nghệ từ trung ương đến địa phương.

6/ Xin Thủ tướng cho phép hội nghệ sĩ sân khấu lập đền án phục hưng sân khấu nước nhà; hội điện ảnh lập đề án riêng phục hưng nền điện ảnh nước nhà, vì hiện nay điện ảnh tư nhân lấn án điện ảnh nhà nước, phim thuơng mại chiếu tràn lan, phim sử thi hoàn toàn vắng bóng, là điều không thể chấp nhận được. Liên hiệp xin phép được bổ sung vốn cho quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật. Hiện nay là 5 tỉ đồng, đề nghị nhà nước hỗ trợ thêm 15 tỉ đồng.

7/ Kiến nghị sớm xem xét giải quyết trợ cấp 25% cho cán bộ, công chức, viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác tại hội văn học nghệ thuật trung ương và địa phương.

8/ Kiến nghị cho Liên hiệp được có một chiếc xe chức danh để đi lại. Ông Hữu Thỉnh nói, đã 10 năm nay ông được hưởng lương ngang với trưởng ban của Đảng, nhưng 10 năm nay không có xe, phải mượn xe và xe đó đã quá rách nát. Ông Hữu Thỉnh nói:

“Tôi đã từng là người lính, qua mấy cuộc kháng chiến, phương tiện đi lại với người lính không có vấn đề gì. Nhưng đối với người đứng đầu Liên hiệp thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy. Tôi biết đất nước còn khó khăn, nhưng chắc không khó khăn đến nỗi không thể cấp cho người đứng đầu Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật một chiếc xe đi lại”.

9/ Nâng cấp, sửa chữa trụ sở Liên hiệp cần điều chỉnh để bảo tồn cây xanh cổ thụ vì cây ở đây đã gắn liền với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ..

-http://www.vande.org/2017/08/ung-bien-nghe-si-thanh-nguoi-i-xin-tien.html
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn