"Việt Nam sẽ có tư tưởng Nguyễn Phú Trọng"

Thứ Sáu, 05 Tháng Mười 20182:30 SA(Xem: 6972)
"Việt Nam sẽ có tư tưởng Nguyễn Phú Trọng"

FB Đỗ Cao Cường

Có người bảo tôi nên tránh xa mấy người này ra, xin lỗi, ông ấy học cùng trường với tôi, học khoa văn chứ chẳng phải thần thánh gì. Đất nước này không phải của riêng ai và mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm của mình.

Nên nhớ rằng chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi” nhằm “chống tham nhũng không màng sống chết cá nhân” đã được Tập Cận Bình đưa ra từ cuối 2012 (cho đến nay có khoảng 1,4 triệu quan chức Trung Quốc bị trừng phạt), nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ ông Trọng thay tên “diệt ruồi” thành “diệt chuột”, còn “cái lò” cũng giống hệt như “cái lò gạch cũ” của Chí Phèo mà thôi.

Năm 2013, Tổng bí thư Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sau khi loại bỏ xong các mối nguy hại, Nguyễn Phú Trọng cũng được bầu làm Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Việt Nam.

Năm 2018, quốc hội Trung Quốc đã chính thức đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào Hiến pháp, nhiều trường học buộc phải dạy học sinh về tư tưởng Tập Cận Bình. Có thể Việt Nam cũng sẽ đưa tư tưởng Nguyễn Phú Trọng vào hiến pháp, trường học nếu thời gian sinh tồn của ông ấy cho phép.

Có chăng, họ chỉ khác nhau trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, ông Bình phát biểu rằng những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa, và trên thực tế ông ta đã cho quân chiếm giữ. Còn ông Nguyễn Phú Trọng thì không thấy làm gì, cho dù nhiều tài liệu chứng minh nhiều hòn đảo trên biển Đông là của Việt Nam.

Phận tôi thế ấy!

Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944, về mặt phong thủy, nó đại diện cho sự chết chóc, điểm rủi liên tiếp.

Ông Trọng cho phép người dân được tự do góp ý sửa đổi hiến pháp năm 2013, nhưng khi nhiều trí thức có tầm vóc góp ý thì ông ấy nói họ suy thoái đạo đức, không đủ tư cách.

Một mặt ông Trọng phát biểu “đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì hỏi liệu có dân chủ được không?” nhưng mặt khác, số người bất đồng chính kiến, đấu tranh dân chủ bị bắt dưới thời ông Trọng là vô kể.

Năm 2015, ông Trọng nhận xét về chuyện “nhất thể hóa”: “bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?”, và cuối cùng, cũng chính ông Trọng là người được “nhất thể hóa” ở cấp độ cao nhất, không ai có thể kiểm soát được ông thật.

Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nhưng ông Trọng đã 74, trước nhiệm kỳ ông kêu gọi người già về hết để lớp trẻ thay thế, cuối cùng người cao tuổi nhất lại ở lại, người ở lại lại chính là ông.

Có lẽ sự sống của ông Trọng cũng chỉ kéo dài thêm được vài năm nữa, nhưng rất có thể số phận người dân Việt Nam sẽ chết theo ông, bởi sự phụ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, từ các khoản nợ cho tới các hệ giá trị, chủ quyền, thức ăn, không khí… đất nước này sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới, và rất có thể mỗi công dân sẽ là một nô lệ, nô lệ vì bị các nước dân chủ cách ly, nô lệ trên chính quê hương của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn