Chính quyền ở Sài Gòn ‘vi phạm’ trong quy hoạch Thủ Thiêm ( Người Việt dùng " Chính quyền ở Sài Gòn" cho bài này nghe không ổn )

Chủ Nhật, 09 Tháng Chín 20185:01 SA(Xem: 9043)
Chính quyền ở Sài Gòn ‘vi phạm’ trong quy hoạch Thủ Thiêm ( Người Việt dùng " Chính quyền ở Sài Gòn" cho bài này nghe không ổn )
nguoi-viet.com

Chính quyền ở Sài Gòn ‘vi phạm’ trong quy hoạch Thủ Thiêm

Dân Huỳnh -

VN-Chinh-quyen-Sai-Gon-sai-pham-Thu-Thiem_1
Bà Lê Thị The (75 tuổi) rầu rĩ nói: “Tui đọc kết luận mà buồn thêm chớ không mừng chút nào. Chắc tui lại ra Hà Nội nữa.” (Hình: Zing)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, chính quyền ở Sài Gòn đã thu hồi đất và giao đất tái định cư không đúng luật lệ, theo kết luận của Thanh Tra Chính Phủ CSVN.

Theo báo Thanh Niên, hàng chục năm nay người dân quận 2, Sài Gòn, liên tục khiếu kiện bị chính quyền chiếm đất cho dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm, khiến cuộc sống của họ khó khăn vì không còn nhà cửa, gia đình ly tán.

Để xây dựng Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm với diện tích 730 hécta, Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn đã cho giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, và di dời khoảng 14,600 nhà dân với hơn 60,000 người ra khỏi khu vực này.

Chiều 7 Tháng Chín, 2018, Thanh Tra Chính Phủ CSVN đã chỉ rõ những vi phạm ở dự án Thủ Thiêm thuộc về Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn, Ủy Ban Nhân Dân Quận 2, Sở Địa Chính thành phố, và Công Ty Đo Đạc Địa Chính-Công Trình.

Theo báo Người Lao Động, Thanh Tra Chính Phủ cho biết “việc khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch đối với 4.3 hécta thuộc khu phố 1 (phường Bình An, quận 2) nằm ngoài ranh quy hoạch Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm là có cơ sở.”

Cơ quan này xác định, “ủy ban thành phố đã điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, tăng 4.3 hécta không đúng quy hoạch được chính phủ phê duyệt.”

Do đó dẫn đến việc nhiều người dân đi khiếu kiện khi bị thu hồi đất. Báo này cho hay, theo danh sách do Ban Tiếp Công Dân Trung Ương và thành phố cung cấp, có 115 người ký tên trong danh sách khiếu nại đông người thuộc Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm, liên quan đến 102 hồ sơ.

“Trong đó, một số trường hợp có diện tích giải tỏa lớn nằm dọc theo các trục đường chính (đường Lương Định Của, Trần Não, Ven Sông) đang hưởng lợi từ việc kinh doanh mua bán, cho thuê… chưa đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư,” báo này dẫn chứng.

VN-Chinh-quyen-Sai-Gon-sai-pham-Thu-Thiem_2
Đa số người dân ở khu tạm cư không muốn lên chúng cư ở vì phải đóng nhiều khoản phí như vệ sinh, thang máy, giữ xe trong khi thu nhập của họ lại rất thấp vì phải đi khiếu kiện. (Hình: Người Lao Động)

Trong khi đó, báo Thanh Niên trích kết luận của Thanh Tra Chính Phủ cho biết: “Đặc biệt là một số trường hợp thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh khiếu nại về ranh quy hoạch, ranh thu hồi đất chưa đúng với quyết định của thủ tướng và diện tích tái định cư 160 hécta thuộc phạm vi năm phường; giá bồi thường hỗ trợ tái định cư còn thấp đề nghị bồi thường theo giá thị trường.”

Đáng chú ý, Thanh Tra Chính Phủ kiểm tra các dự án thuộc năm phường (ngoài ranh khu đô thị mới) được quy hoạch khu tái định cư, mặc dù chính phủ phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 160 hécta, nhưng Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn đã giao đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng… với tổng diện tích khoảng 144.6 hécta.

Việc giao đất tràn lan cho doanh nghiệp dẫn đến “Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân,” kết luận của cơ quan thanh tra cho hay.

VN-Chinh-quyen-Sai-Gon-sai-pham-Thu-Thiem_3
Khu tạm cư An Phú, xuất hiện từ năm 2002, một trong hai khu tạm cư lớn nhất, lâu nhất của Sài Gòn. (Hình: Người Lao Động)

Với kết luận này của Thanh Tra Chính Phủ, người dân Thủ Thiêm ở trong các căn nhà tạm cư chật hẹp đã nở nụ cười, dù chưa biết tới đây cuộc sống có khá hơn không.

Kể chuyện nhà mình với báo Người Lao Động, ông Đặng Văn Truyền (ngụ dãy A1 ở khu tạm cư phường An Phú) trầm giọng cho hay ông về đây đã bốn năm, sau khi căn nhà ở đường Lương Định Của bị cưỡng chế giao đất. Mọi toan tính cho tương lai gia đình vỡ vụn.

Khu tạm cư phường An Phú có tổng cộng sáu dãy nhà với hơn 300 căn đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây là nơi dành cho những nhà dân bị giải tỏa khi chính quyền thực hiện Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm về ở tạm, trong thời gian chờ giải quyết các khiếu nại.

“Trước đây, nhờ vào cửa hàng gas gia đình tôi sống khấm khá với bao tính toán mở rộng làm ăn. Vậy mà, giờ cả gia đình lâm vào cảnh ly tán,” ông Truyền nói.

Theo ông Truyền, căn nhà tạm cư rộng hơn 20 mét vuông. “Trời mưa thì dột, trời nắng thì nóng hầm hập, mình chịu không nổi nói gì đến cha mẹ già hơn 80 tuổi,” ông Truyền giải thích vì sao phải gửi cha mẹ nương nhờ nhà người thân, còn mình thì bám trụ để tiếp tục hành trình khiếu nại.

Căn nhà bà Lê Thị Thảo (dãy A2) phía trên trần, một tấm la-phông bị rớt từ lâu nhưng bà Thảo chẳng thể gắn lại được vì sợ những miếng khác đổ ập xuống. Nơi sạch sẽ nhất trong căn nhà có lẽ là chiếc giường với tập tài liệu liên quan đến khiếu nại ròng rã nhiều năm qua. Bà Thảo nói rằng từ khi chuyển về đây bà phải đi lượm ve chai để có thu nhập sống tạm qua ngày.

Không khổ như những người dân tạm cư nhưng những người dân Thủ Thiêm dọn về khu tái định cư cũng cho rằng họ đang phải từng ngày từng giờ vật lộn với cuộc mưu sinh cùng khoản tiền phải trả khi mua một căn chúng cư.

Bà Đoàn Thị Chua (ngụ căn chúng cư số 7.09 lô CD, phường Bình Khánh) nói ước mơ có cái tiệm may từ thời bà còn con gái đã thực sự chấm dứt khi căn nhà rộng 60 mét vuông của bà ở khu phố 5 (phường An Khánh) bị giải tỏa.

“Khi giải tỏa tôi chỉ nhận được tiền hỗ trợ 71 triệu đồng (hơn $3,000). Căn chúng cư tái định cư mua với giá gần 1 tỷ đồng (khoảng $42,000), hằng năm phải đóng hơn 65 triệu đồng. Thực tế quá sức của gia đình,” bà Chua nói và chia sẻ thêm hiện bà đã không thể tiếp tục với nghề may vì lên ở tại khu chúng cư không thể tìm đâu ra khách đến may.

VN-Chinh-quyen-Sai-Gon-sai-pham-Thu-Thiem_4
Những sai phạm tại dự án Thủ Thiêm gây khiếu nại kéo dài, việc xây dựng dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đời sống của người dân. (Hình: Người Lao Động)

Dù Thanh Tra Chính Phủ chỉ ra những sai phạm của Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn khi quy hoạch khu đô thị mới này, nhưng sau 20 năm ròng khiếu kiện, bà Lê Thị The (75 tuổi) rầu rĩ nói với báo Zing: “Tui đọc kết luận mà buồn thêm chớ không mừng chút nào. Đất mình nằm ngoài ranh nhưng tại sao kết luận chỉ đề cập đến khu 4.3 hécta.”

Bà The có nhà ở khu phố 1, phường Bình An, có đất bị thu hồi không nằm trong khu 4.3 hécta. “Đất ngoài ranh quy hoạch là từ dưới cầu Thủ Thiêm tới đường Trần Não, nhiều lắm chứ không chỉ có khu 4.3 hécta. Còn một số bà con ở phường An Khánh, Bình Khánh không nằm trong quy hoạch, thu hồi là sai pháp luật nhưng không thấy kết luận thanh tra đề cập đến?” người đàn bà 75 tuổi thở dài.

“Chắc tui lại ra Hà Nội nữa. Nghĩ đến việc cứ đi đi lại lại miết, hết đời người rồi cũng không biết có đòi lại được gì cho con cháu không,” bà được dẫn lời nói.

Trong khi đó, là một trong số những gia đình nằm trong khu 4.3 hécta, đại tá quân đội Hồng Minh Hải (69 tuổi) hoang mang khi đọc kết luận của Thanh Tra Chính Phủ: “Kết luận vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Mừng thì có mừng nhưng tôi vẫn lo, vì thực sự vẫn chưa biết điều này là thật hay ảo.” (Q.D.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn