Bởi vì mua đồ Trung Quốc thì có ‘hoa hồng’

Thứ Tư, 29 Tháng Mười Một 20178:00 CH(Xem: 8469)
Bởi vì mua đồ Trung Quốc thì có ‘hoa hồng’
voatiengviet.com
Trân Văn

Cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lẫn chính phủ cùng làm ngơ trước thông tin Việt Nam phải trả thêm hàng tỉ Mỹ kim vì giá than trên thị trường thế giới tăng. Không có ai trong số 496 đại biểu của Quốc hội khóa 14 đang tham dự kỳ họp thứ 4 tỏ ra bận tâm đến thông tin này.

***


Sở dĩ gần đây, Việt Nam mất thêm hàng tỉ Mỹ kim cho việc nhập cảng than là vì phải duy trì hoạt động của các nhà máy phát điện bằng cách đốt than (nhà máy nhiệt điện dùng than).

Tuần trước, tờ Tuổi Trẻ công bố một nghiên cứu do Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) thực hiện. Theo đó, do số lượng các nhà máy nhiệt điện dùng than gia tăng, lượng than mà Việt Nam phải nhập cảng hàng năm đang tăng rất nhanh. Nếu năm 2015, Việt Nam chỉ nhập cảng 5,2 triệu tấn than thì sang năm 2016, lượng than nhập cảng đã tăng hơn gấp đôi (12 triệu tấn). Bởi giá than trên thị trường thế giới tăng gấp đôi, Việt Nam phải chi 1,27 tỉ Mỹ kim/năm cho than.

Vì Việt Nam cương quyết phát triển hệ thống nhà máy nhiệt điện dùng than nên Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, đến 2021, Việt Nam cần nhập cảng tới 35 triệu tấn than/năm. Nếu giá than trên thị trường thế giới “ổn định” ở mức như hiện nay thì thời điểm đó Việt Nam sẽ phải chi tới 3,5 tỉ Mỹ kim/năm để nhập cảng than.

Giống như nhiều chuyên gia cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam từng khuyến cáo Việt Nam nên hủy bỏ kế hoạch phát triển hệ thống nhà máy nhiệt điện dùng than, IEEFA cảnh báo Việt Nam cần tính toán lại để không sa lầy khi đầu tư dài hạn vào hệ thống nhà máy nhiệt điện dùng than nhưng có lẽ cảnh báo này cũng sẽ như đàn gảy tai… trâu.

***

Đầu thập niên 2010, Việt Nam chỉ có chừng một chục nhà máy nhiệt điện dùng than. Vào thời điểm mà nhiều quốc gia quyết định loại bỏ các nhà máy phát điện bằng cách đốt than bởi đã có những bằng chứng rất rõ ràng cho thấy chúng là tác nhân gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, khiến sức khỏe của hàng triệu người cư trú gần các nhà máy này suy giảm không thể hồi phục thì chính quyền Việt Nam phê duyệt “Quy hoạch điện VII” (kế hoạch phát triển nguồn điện tại Việt Nam đến năm 2030): Xây dựng thêm hàng loạt nhà máy nhiệt điện dùng than để đến năm 2020, các nhà máy phát điện bằng than sẽ chiếm 46,8% cơ cấu năng lượng của Việt Nam. Tới năm 2030, nâng tỷ lệ này lên thành 56,4%.

“Quy hoạch điện VII” đã làm nhiều tổ chức, chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam kinh ngạc và ái ngại.

Hồi tháng 9 năm 2015, nhóm mô hình hóa học khí quyển thuộc Đại học Harvard từng công bố kết quả nghiên cứu của về “các tác động tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” ở Đông Nam Á và Việt Nam. Theo đó, hàng chục ngàn người Việt sẽ chết dần, chết mòn vì nhiệt điện dùng than.

Cũng năm đó, tại hội thảo về “than và nhiệt điện dùng than" do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, GreenID loan báo, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 4.300 người Việt thiệt mạng do sức khỏe suy giảm, bởi tình trạng ô nhiễm từ nhiệt điện dùng than. Nếu chính quyền Việt Nam tiếp tục cho phép đầu tư - vận hành các nhà máy nhiệt điện dùng than theo “Quy hoạch điện VII” thì số người thiệt mạng sẽ tăng lên thành 25.000 người/năm.

GreenID tính toán, quá trình đốt than để tạo điện sẽ thải vào không khí 15 triệu tấn tro, một lượng lớn các chất nguy hiểm (lưu huỳnh dioxit - SO2, oxit nitơ - NOx, carbon dioxit - CO2, thủy ngân, thạch tín,...). Những chất này sẽ phá hủy hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, tăng nguy cơ bị ung thư phổi, đột qụi, mắc các bệnh về tim mạch, bệnh mãn tính hoặc bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp... Chưa kể các loại khí sunfat và nitrat còn gây ra mưa axit, hủy hoại những dòng suối, những cánh rừng.

Gần đây, một tổ chức khác - Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), cho biết, mỗi 3,5 phút, một nhà máy phát điện bằng than có công suất 500 MW sẽ hút từ biển lượng nước khoảng 2.500 khối để làm mát hệ thống. Sau đó nước sẽ được xả lại hồ, sông, biển với nhiệt độ cao hơn ban đầu từ 8 độ C đến 13 độ C. Đó là lý do tất cả các sinh vật biển: tảo, san hô, tôm, cá,… bị hủy diệt. Bởi các nhà máy phát điện bằng than cần một lượng nước rất lớn cho hệ thống làm mát, chưa kể việc đặt sát biển sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển than nhập cảng nên đa số nhà máy nhiệt điện dùng than theo “Quy hoạch điện VII” đều nằm sát biển. Việc phát triển nguồn điện bằng cách xây dựng thêm hàng loạt nhà máy nhiệt điện dùng than đồng nghĩa với hủy diệt biển.

Dù “Quy hoạch điện VII” bị nhiều chuyên gia xác định là kế hoạch hủy diệt môi trường, sức khỏe và tính mạng con người (số người chết vì các nhà máy nhiệt điện dùng than cao gấp ba lần số người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể chi phí khổng lồ do phải chăm sóc sức khỏe của các nạn nhân) nhưng việc thực hiện “Quy hoạch điện VII” vẫn được tiến hành như đã định. Hàng chục nhà máy nhiệt điện dùng than đã hoàn thành hoặc đang được xây dựng ở cả đồng bằng sông Hồng lẫn đồng bằng Sông Cửu Long. Thậm chí số lượng nhà máy nhiệt điện dùng than theo “Quy hoạch điện VII” đã được điều chỉnh, tăng từ 52 thành… 57!

Vào lúc này, dẫu số lượng nhà máy nhiệt điện dùng than mới chỉ ngừng ở 21, chưa tới một nửa số lượng dự tính nhưng nhiều loại hậu quả đã nhãn tiền.

Tháng 10 năm ngoái, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam và Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam công bố kiến nghị ngưng thực hiện các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện dùng than chưa khởi công vì các nhà máy nhiệt điện dùng than đang hoạt động chiếm tới 50% số cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cần giám sát đặc biệt. Vì các cộng đồng dân cư quanh những nhà máy nhiệt điện dùng than này đang phải đối mặt với những lo lắng hàng ngày về môi trường sống bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới sinh kế. Vì theo “Quy hoạch điện VII”, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngộp thở bởi bị vây bởi 14 nhà máy nhiệt điện dùng than. Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam và Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam đề nghị chính phủ Việt Nam xem xét kỹ lưỡng giữa hiệu quả, lợi ích với tác động, tổn thất đối với toàn bộ nền kinh tế và xã hội Việt Nam.

Tháng 10 năm nay, Bộ Xây dựng Việt Nam cho biết, bộ này chưa biết làm thế nào với 40 triệu tấn tro, xỉ do 21 nhà máy nhiệt điện dùng than thải ra. Năm tới, con số này sẽ tăng thành 60 triệu tấn, đến 2020 sẽ là 109 triệu tấn và tăng lên thành 248 triệu tấn vào năm 2025, rồi thành 422 triệu tấn vào năm 2030.

***

Giữa thập niên 2010, các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam đã từng lưu ý, ngoài việc phải cân nhắc những thiệt hại do môi trường và sức khỏe con người bị hủy hoại, nếu thực hiện “Quy hoạch điện VII” với tổng lượng than cần phải nhập cảng tối thiểu khoảng 85 triệu tấn/năm, cần phải tính toán lại xem phát điện bằng than có thật sự rẻ như EVN khẳng định hay không (?). Bây giờ, lúc giá than trên thị trường thế giới tăng gấp đôi không cần nghiên cứu cũng có thể thấy, hệ thống nhà máy nhiệt điện dùng than vừa ngốn hàng trăm ngàn tỉ vốn đầu tư, vừa đẩy giá bán điện lên, không tăng giá điện thì phải bù lỗ, tăng giá điện thì hàng hóa Việt Nam không còn khả năng cạnh tranh do giá thành cao,…

Các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam đã từng khuyên Việt Nam nên chú trọng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho năng lượng tái tạo vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp duy trì sự ổn định về an ninh năng lượng, giảm giá điện. Theo IEEFA, Trung Quốc – quốc gia hỗ trợ hết mình cho Việt Nam về vốn và công nghệ để phát triển hệ thống nhà máy nhiệt điện dùng than – vừa loại bỏ hệ thống nhà máy nhiệt điện dùng than, vừa phát triển năng lượng tái tạo và trong năm nay sẽ có thêm khoảng 50 gigawatt điện mặt trời.

Còn Việt Nam? “Quy hoạch điện VII” – phát triển hệ thống nhà máy nhiệt điện dùng than ằng vốn và công nghệ của Trung Quốc – đã bóp các dự án phát triển năng lượng tái tạo ngắc ngoải từ trong trứng vì “khó đủ đường” (giá mua điện của EVN quá thấp, khó vay vốn, thiếu đất, chính phủ không bận tâm nên các nhà đầu tư tự bơi...).

Vay vốn, mua công nghệ từ Trung Quốc thường hấp dẫn vì có “hoa hồng”. Đó là loại “hoa hồng” không gai bởi chắc chắn chẳng bao giờ chính quyền Trung Quốc thèm bận tâm, điều tra về chuyện “lại quả”, thành ra đừng dễ dãi cho rằng, việc soạn thảo, thông qua và gạt bỏ tất cả các cảnh báo, hậu họa, khăng khăng thực hiện cho bằng được “Quy hoạch điện VII” là ngu dốt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn