Văn hóa bạo lực

Thứ Tư, 15 Tháng Tám 20184:16 SA(Xem: 6957)
Văn hóa bạo lực
Ngày nay người ta sử dụng cụm từ “văn hóa” này rất nhiều, từ thôn, xóm, làng, ấp cho đến khu phố, phường, xã văn hóa, gia đình văn hóa, và có thêm “văn hóa mới”, “văn hóa du lịch”, “văn hóa ẩm thực”… gì nữa đó, tôi không nhớ rõ hết. Tôi đã từng hỏi là gì, bởi thấy nó không rõ ràng, thấy cứ chung chung, cứ mơ hồ. Nhưng không được quan chức, những người có trách nhiệm giải đáp gì cả, ngay cả những cán bộ văn hóa họ cũng lặng im.
Tôi vẫn ấm ức lắm, nên tiếp rục lân la dò hỏi. Một hôm, ghé một quán nước bên đường trên đường đó đây với gió bụi, tôi lại đề cập tới vấn đề này. Một số người ngần ngừ chưa kịp trả lời thì có một anh bạn đưa cái trán sưng một cục bự chù vù ra chỉ:
“Văn hoa la… cai lon, đanh lôn.”
Vụ gì đây? Sau khi giật mình cái thót, tôi phải nhíu mày cả chập mới à ra (may chưa diễn dịch trật quẻ, chứ không thì “biết ra sao ngày sao”) anh bạn là người Châu Mạ ở Bảo Lâm, Lâm Đồng, nên giọng nói còn lo lớ, anh bị đám choi choi phóng xe bạt mạng đụng vào mình, mới cãi nhau có mấy tiếng thì nó đánh cho cái đầu “đội đèn pin”. Vậy nên văn hóa là cãi lộn, đánh lộn.
Tôi thấy có lý lắm, đâu đâu tôi cũng thấy chuyện này. Chỉ cần một cú quẹt nhẹ cũng có thể xảy ra cãi vả, đánh nhau. Cũng như vậy, người dân nghe người ta tuyên truyền cụm từ “văn hóa giáo thông” ra rả hàng ngày, và thấy rất nhiều, tuyên truyền trên báo đài, dựng pa nô, giăng biểu ngữ… khắp chốn.
Nhìn rộng ra, cãi lộn, đánh lộn, không chỉ từ va chạm giao thông, mà nó xảy ra từ bất cứ chuyện gì, từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ. Đôi khi từ những chuyện không đâu lại gây hậu họa khôn lường. Đâm chém gây thương vong chẳng hạn. Như: không bằng lòng với cái nhìn của người đối diện, ngày nay gọi là nhìn đểu, hoặc mời uống rượu bia nhưng không uống bị coi là khinh khi…
Những sự vụ đau lòng, ghê gớm tận cùng như cha con, vợ chồng… giết nhau, xảy ra cũng không ít.
Đánh nhau, cãi nhau, không chỉ gói gọn trong tầng lớp dân đen nông cạn, kém hiểu biết. Mà nó còn xảy ra ngay cả ở chốn công sở, chốn quan trường, cũng không phải chỉ là những nhân viên quèn, cán bộ nhỏ mà cả cán bộ cấp cao.
Xin kể sơ vài vụ bị phanh phui:
8/2014, ông Ông Phạm Thành Chung, phó giám đốc sở Nội vụ và ông Bùi Quốc Khánh phó giám đốc sở Ngoại vụ cùng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” tại một quán karaoke ở thị xã Đồng Xoài, ông Khánh còn dùng ly bia đánh ông Chung khiến ông Chung bị tét đầu.
9/2016, ông Nguyễn Văn Dũng, phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận, đập ly bia vào đầu ông Huỳnh Nhật Khánh, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy ở bàn nhậu, gây vết thương phải may đến 9 mũi.
Ngày 16/3/2017, ông Cao Minh Phương, trưởng phòng Tài nguyên nước và ông Diệp Xuân Vinh, chi cục phó chi cục Quản lý đất đai tỉnh Kon Tum, trên chuyến xe trên đường công tác từ thành phố Pleiku trở về đã choảng nhau, bởi không… phối hợp mời bia đoàn Pleiku, sau đó ông Vinh còn kéo quân tới nhà dọa giết ông Phương…
Ở nơi có thể nói là có môi trường hòa nhã nhất, là chốn học đường cũng không thể tránh khỏi. Đã có nhiều cô giáo mần non đánh đập, hành hạ trẻ nhỏ, ngay cả khi có người phải vào chốn lao tù, sự vụ vẫn không dừng lại.
Hơn thế nữa, nó lại xảy ra trong môi trường văn hóa, với cán bộ văn hóa. Có thể thấy môi trường văn hóa chỉ là cái gọi là.
Hai sự vụ mới nhất, xảy ra cách đây không lâu:
Ngày 22/6, vợ ông Phạm T.H., hiện đang là cán bộ phụ trách văn hóa thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động Tỉnh Hưng Yên, tố cáo ông ta đã ngoại tình còn đánh đập vợ, đòi đuổi vợ ra khỏi nhà.
Ngày 24/7, trong giờ làm việc tại cơ quan, do mâu thuẫn cá nhân, ông Trần Ngọc Châu, giám đốc Trung tâm Văn hóa thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, đã đánh chị chuyên viên của trung tâm. Ông ta “khóc lóc” với báo chí, do áp lực công việc, và đâu có gì to tát (chỉ đánh… túi bụi vào đầu, mặt, vai, lên gối vô bụng, đủ để đi bệnh viện thôi chứ bao nhiêu) nên đòi xử lý nội bộ. Với người làm lãnh văn hóa mà có thói côn đồ, du côn, đáng lý phải đuổi việc ngay tức khắc, khởi tố vụ án, trái lại, chỉ bị đình chỉ 16 ngày để kiểm điểm.
Gọi nôm na thì đây là văn hóa cãi lộn, đánh lộn. Gọi sách vở một chút thì đây là văn hóa bạo lực.
Nó có từ đâu? Vì đâu nên nổi như vậy? Tôi cũng đem câu hỏi này hỏi nhiều người. Và lạ lùng là không khó để có câu giải đáp. Nhiều người trả lời ngày rằng, nó là nền móng từ bạo lực cách mạng.
Bạo lực cách mạng được gọi là kim chỉ nam của chế độ từ khi mới hình hành, từ thuở sơ khai đấu tranh cách mạng. Như vậy nó là một trong những tiêu chí hàng đầu của chế độ. Nó không chỉ nằm lòng ở cán bộ lãnh đạo mà được tuyên truyền, vận dụng rộng rãi đến mọi tầng lớp con người trong xã hội. Vận dụng bạo lực để chiến thắng bằng mọi giá, ngay cả “hy sinh tới giọt máu cuối cùng, hoặc đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”
Vì vậy, giáo dục đạo đức, giáo dục để nên người, giáo dục công dân đã không còn quan trọng nữa.
Chủ trương chỉ có một con đường nó biến con người trở nên độc đoán, độc tài, luôn cho rằng lúc nào cũng đúng, không bao giờ sai. Những ai không theo hướng kim chỉ nam này, hoặc đi chệch phương ắt sẽ bị loại trừ, dĩ nhiên là bằng bạo lực, ngay cả những người từng là đồng chí, đồng đội, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu với nhau.
Chủ trương bạo lực này nó không chỉ gây độc đoán, độc tài, mà còn làm cho người ta hiếu thắng, rất tự hào với chiến thắng. Một khi mù quáng, mê muội với thắng thua càng dẫn đến con đường bạo lực. Bạo lực để chỉ có thắng, thắng trong mọi lĩnh vực.
Chủ trương này được xuyên suốt tiếp nối. Như đã thấy, hiện tại, chính quyền sẵn sàng đàn áp dân chúng không thương tiếc bằng bạo lực nếu có phản kháng, cho dù dân chúng phản kháng ôn hòa, cho dù phản kháng là đúng đắn.
Và, cán bộ, quan chức lãnh đạo là tấm gương trong một xã hội. Dân chúng ảnh hưởng, học hỏi, noi theo những tấm gương đó. Những tấm gương xấu xí thì xã hội tràn đầy bạo lực đâu có gì là lạ.
Thời bình nhưng không được bình yên. Vậy thì phải làm sao? chỉ có mạnh dạn cắt bỏ cái gốc rễ hình thành nên nó, bắt đầu với tiêu chí giáo dục nên con người trước tiên mà thôi.
Theo Việt Nam Thời Báo
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 13 Tháng Mười Một 20216:00 SA