Chung thủy!

Thứ Hai, 27 Tháng Mười Một 20178:00 SA(Xem: 10450)
Chung thủy!

Đó là ở Sài Gòn một buổi chiều của tuần thứ hai, tháng 11 năm 2017. Bạn tôi, từ Đà Nẵng, Nha Trang gửi về những hình ảnh nhìn từ máy bay, khách sạn, ngoài đường và trong… nước. Tất cả đều là nước, trong nước là tàu bè nhà cửa loi ngoi, những tấm kính bị bể ngổn ngang, con người thất thần cũng chìm nổi trong nước. Cả miền Trung chung thủy!

chung-thuy7
Bão ở Nha Trang – hình từ facebook Khen Nguyen

Xin nói thêm, chung thủy ở đây có nghĩa là cả nước đang chung cảnh ngộ chìm trong nước (thủy). Và lũ xả, chết người và cáp đứt quanh năm, năm này qua tháng nọ không khác nhau về hình thức chỉ khác ở “quy mô”.

Quá chung thủy còn gì?

Những câu hỏi….

“Sài Gòn đón bão. Chắc hẳn ai cũng tưởng tượng những thùng mì chất đống, những cái áo mưa di tản, từng đoàn người tụm lại một nơi? Không, Sài Gòn của tôi đón bão trong một tâm thế vô cùng háo hức, trên facebook, người người đăng stt, nhà nhà đăng stt. Họ đón bão như thể đón người tình chưa bao giờ gặp mặt, dang rộng vòng tay với nụ cười rạng rỡ. Bạn tôi alo “Mày đi chơi được chưa, ra cafe đón bão”. Đang nằm ôm bụng mà tôi cũng muốn bật dậy, chải đầu, mặc váy, rồi tò mò vì chẳng biết bão có đẹp trai như tân thủ tướng Gia Nã Đại không. Năm 2012 Sài Gòn cũng có một ngày bão số một đổ vào. Hôm ấy, tôi một mình đi xe về nhà, ngã do gió quá mạnh, khóc bù lu bù loa một mình vì sợ. Vậy mà khoái, về nhà cất xe, thay đồ, leo lên sân thượng ngồi co ro nhìn gió giật, cây ngã, quần ai bay phất phới cười thích thú. Hôm nay cũng vậy, từ chiều xóm ăn vặt gần nhà tôi đã dẹp, học sinh được đón về sớm, quán cafe của bạn tôi đông nghẹt dân công sở về sớm và người đón bão. Cuối cùng bão lại không tới, coi ứa gan không?”

chung-thuy6
Đà Nẵng từ trên máy bay

Đó là một đoạn cảm thán tôi viết vài năm trước, trách móc một cơn bão “hứa lèo”, tôi nhắc lại nhân dịp sài Gòn lại được… hứa lèo. Thật ra, chuyện “hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua” của mấy cơn bão xạo ke đối với thị dân là chuyện thường tình và là điều đáng mừng. Cũng hông phải người Sài Gòn bị… khùng. Đam mê cảm giác của cả triệu người dân miền Trung đang sợ hãi đâu! Mà do, một phần vì tò mò, một phần vì có bão hay không bão thì Sài Gòn vẫn bị… lụt như thường. Không biết tự bao chừ mà người dân thành phố lớn nhất VN này trở nên vô cảm, quá quen chuyện ngập lụt, họ cảm thấy mình cần cái gì đó thực tế hơn để dễ đổ thừa, cho các ông lãnh đạo tiện bề ăn nói. Chứ từ đầu năm, tháng nào thị dân cũng dăm ba lần bì bõm trên những nẻo đường ngập nước. Không mưa cũng ngập vì triều cường, chỉ cần một trận mưa nhỏ, đường phố bỗng thành sông. Dần dần, Việt Kiều về Sài Gòn hẹn hò cà phê thì hỏi tôi ngay câu đầu tiên: “Khu này có ngập không em?” Còn dân tình thì vui vẻ thả lưới giăng câu khi mưa về, thậm chí có nhà còn chuẩn bị sẵn những bao cát nhỏ, tạo thành những “con đê” trước cửa, để cản dòng “nước lũ” vô nhà.  May mà không có các thủy điện xả lũ, chớ không tôi không biết Sài Gòn và miền Trung bên nào lở bên nào bồi hơn mỗi độ mùa Thu vào… nước Mỹ. Không ít người cảm thán, “những người có trách nhiệm” họ đang làm gì?

Bão số 12 tuy không đi ngang Sài Gòn như đã “hứa” nhưng đang càn quét khắp các tỉnh miền Trung. Cái mảnh đất vốn đã điêu tàn xác xơ bao năm nay vì bão, lũ, vỡ đê thêm vào đó, đồng loạt các thủy điện đầu nguồn thi nhau xả lũ “đúng quy trình” mỗi khi thiên tai ghé đến. Riêng năm nay thôi, từ đầu năm đến chừ đã đếm không hết bao nhiêu đợt người vùi thân vào dòng nước xiết, hình ảnh xác trẻ em, phụ nữ nổi lềnh bềnh trên các trang báo lẫn mạng xã hội chỉ vài tuần trước thôi. Lạ một điều là phần lớn chết do nhân tai chứ thiên tai đến theo mùa người ta còn cơ may chống đỡ còn nhân tai cứ đến “đúng quy trình”, mà cái gì “đúng quy trình” ở Việt Nam đều trở thành “bất quy trình”. Ví như chuyện “Ba thanh niên uống rượu say rồi xả lũ”, ai mà biết được đến khi nào lại có một ông say rượu ấn nhầm nút ở cái cường quốc quán nhậu này? Họ luôn có lý do cho những điều sai trái. Người chết, của mất thì năm sau luôn kinh khủng hơn năm trước. Tháng sau luôn kinh hoàng hơn tháng trước. Ngày mai luôn tệ hại hơn hôm nay. Theo thống kê chính thức ngày 7/11 thì cơn lũ hung dữ vừa qua trong vòng một nốt nhạc đã làm 108 người chết và mất tích, 120,847 gia đình bị phá hủy nhà cửa mặc dầu đường đi nước bước của cơn lũ được “đoán như thần”! Chưa kể những con số chưa chính thức (hoặc không tài nào làm cho nó chính thức) thì tôi không được nghe nhưng tôi biết, nó còn gấp vài chục lần. Lại một đợt tang thương! Trách nhiệm thuộc về ai? “Những người có trách nhiệm” họ đang làm gì?

chung-thuy5
Đúng quy trình

Kỳ này nặng nhất là tỉnh Khánh Hòa, nơi chứa thành phố biển Nha Trang mơ mộng và nổi tiếng nhất Việt Nam về các cuộc thi nhan sắc thế giới lẫn Việt Nam tụ hội… Đúng ngày lũ vào cũng là ngày tổ chức một cuộc thi nhan sắc với cả ngàn người tham dự, reo hò. Và Nha Trang cũng là nơi nổi tiếng có nhiều khách du lịch người… Trung Quốc nhất Việt Nam. Có hồi tôi ra đó công việc, được các chị bán hàng mời bằng tiếng Hoa phổ thông, người ta tính tiền với khách bằng những tờ tiền đỏ au và nhàu nhĩ. Ngó mà nhớ… nhà da diết! Dân Khánh Hòa cũng như dân Sài Gòn, mấy chục năm qua sóng yên biển lặng có biết bão là gì? Cũng háo hức khi nghe bão về, cũng ỷ y coi thường “sức” bão mà ở lại ôm tàu thuyền hòng giữ gìn cả gia tài lênh đênh ít ỏi. Rồi họ cũng là những người đau đớn, bàng hoàng nhất khi nhìn những cánh tôn bay như chim, những xác người do nhà sập đè chết, những con tàu nát bươm, những tòa nhà nguy nga không còn nóc… Tất cả qua đi, các hoa hậu tương lai thương tiếc bàn tay nõn nà sẽ bị trầy xước vì các “hoạt động thiện nguyện” bắt buộc của chương trình ghi hình, người mất nóc thì lợp lại nhà, người mất thuyền thì khóc, những kẻ mất người thân thì chăm lo mộ phần, những cái xác bơ vơ thì nằm chờ di tản rồi thối rữa… Những người ở xa thì ngóng về. Nói chung việc ai nấy làm. Còn… “những người có trách nhiệm” họ đang làm gì?

Một câu trả lời!

Mấy hôm nay báo chí tràn ngập các tít:

“EU sẵn sàng sát vai với Việt Nam khắc phục hậu quả bão”

“40 tấn hàng Nga cứu trợ đến người dân vùng bão Khánh Hòa”

“Gã khùng” mua 2 xe cấp cứu hơn nửa tỷ đồng chở người miễn phí”

“Giám đốc trẻ cứu 200 người: “Cứu được người nào mừng người đó!”

“Người Việt Nam chi tiền làm từ thiện nhiều nhất khu vực”

chung-thuy4

chung-thuy2

chung-thuy3
Cứ việc làm từ thiện

Dân mình luôn có truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Ngay cả người ở xa quê hương cũng từng ngày mong ngóng về Việt Nam mà thấp thỏm thương cảm, đóng góp để cho đồng bào được cuộc sống ổn hơn phần nào. Đó là chưa kể trong cái Facebook hơn ngàn người bạn của tôi có hơn 70% đều có làm từ thiện từ âm thầm đến sôi nổi.  Ở cả hai nơi tôi đang làm việc và học tập đều hùn tiền đi cứu trợ rất lai rai hầu như quanh năm suốt tháng. Các báo Việt Nam lẫn hải ngoại cũng kêu gọi rồi đồng bào hải ngoại lẫn hải nội quyên góp, vậy “những người có trách nhiệm” họ đang làm gì? Liệt kê danh sách và thống kê số tiền ư? Không những thế, họ khá bận rộn. Nào là vận động và bắt buộc bằng các tin nhắn kiểu như “Huong ung dot van dong ca nuoc chung tay vi nguoi ngheo cua Bo Thong tin va Truyen  thong, Quy khach soan VNN gui 1408 de giup do nguoi co hoan canh kho khan 20.000d/tin. Phi gui 300d/tin. CT ap dung den 24h ngay 31/12/2017. Tran trong.” hoặc trừ thẳng lương công nhân viên chức rồi thông báo đó là tiền thiện nguyện. Thiện nguyện có nghĩa là làm từ thiện một cách tình nguyện, nghĩa của hai chữ tình nguyện được nhà nước xài rất… “đúng quy trình”! Biết sao giờ, đó là quy trình của họ! Và họ – những người có trách nhiệm luôn chung thủy với ba chữ “đúng quy trình” ngay cả khi cả nước đang… chung thủy!

Những người vừa “sống chung với lũ” nghĩ gì?

Ở Sài Gòn nói chuyện bão lũ thì giống nông dân cày… đường nhựa quá. Thôi thì cuối bài tôi xin nhường “diễn đàn” cho các người trực tiếp ở các nơi lũ nặng nhất đợt vừa rồi lên tiếng vậy.

Người dân Nha Trang chưa bao giờ biết bão là gì!

Khi nào nghe thông báo bão là chuẩn bị đổ ra biển để coi!

Không may thay, bão kỳ này thật sự kinh khủng! Nó như một con ác thú khổng lồ trăm tay ngàn mắt, đã quật nát thành phố yên bình vốn dĩ lâu nay này!

Giờ thì đố ai dám bước ra đường nữa! Thành phố như vừa bị tàn phá bởi chiến tranh! Đường phố ngổn ngang cây gãy đổ, tôn, bảng hiệu, kính vỡ…

Một lần nữa xin cám ơn các anh chị và các bạn đã hỏi thăm, khích lệ tinh thần!

Cám ơn fb đã gắn kết mọi người trên toàn thế giới cùng nhìn về quê hương lúc này!” Từ facebook Nguyễn Kim Hậu

chung-thuy1
Các thí sinh hoa hậu khoe sắc giữa tâm bão trong đêm mưa bão – hình từ kenh14

“Thật sự là rất mệt mỏi và bức xúc nên mình nói. Xin gửi tới ban lãnh đạo công ty môi trường đô thị. Từ lúc bão tan tới giờ (đã gần một tuần) thành phố vẫn đầy rác và cây xanh, mấy ông xin nhiều xe múc và xe tải để hỗ trợ anh em giải quyết bớt những điểm rác lớn và nhiều, chứ sau bão nhà dân bị thiệt hại nhiều lượng rác dân dọn ra rất nhiều mà sức anh em tụi tui sao giải quyết hết. Anh em công nhân tụi tui là con người chứ ko phải cái máy bào hay con trâu, luật lao động quy định ngày làm bao nhiêu giờ, mà anh em tụi tui ngày làm từ 2h chiều đến 2h sáng hôm sau. anh em cũng cố gắng làm vì Tp quá nhiều rác. Đoạn clip bên dưới mình quay lại lúc đó hơn 2h sáng, đã làm xong tuyến đường của mình nhưng tụi mình phải đến điểm rác đó trước trường tiểu học để làm tiếp, mà điểm rác đó rất lớn và nhiều tại sao mấy ông ko điều xe múc vào giải quyết chứ, ae tụi tui làm đã mệt lắm rồi cần về nghỉ ngơi để mai làm tiếp chứ. Sẵn đây tui cũng xin mấy sếp thêm chút tiền ăn. Bánh mì giờ cũng 12k một ổ rồi mà mấy sếp cho 10k/ngày, ngày xưa 22k/ngày mấy sếp có giảm thì giảm vừa thôi.” Từ Facebook Ha Pham Quoc Viet

“Cho tới giờ, Quang vẫn thấy dân mình ngây thơ, không một lời phẫn nộ, nước vẫn ngập, người vẫn đói, gia súc gia cầm vẫn chết, vậy mà chỉ cần một gói mì thôi, là bao nhiêu uất ức tan biến hết, xí xoá hết. Lạc quan đợi nước rút rồi thấy mẹ dọn hậu quả, cả triệu người xuề xoà coi đó là… thiên tai.

chung-thuy
Ai đó dùng cái lá cờ đỏ và cái xô nước gây chú ý để báo động cho người đi đường khỏi vướng vào dây điện…!!!???… Từ Facebook Nam Huynh

Các bạn có thể ngưng cầu nguyện cho Hội An được hôn? Sống ảo như mình nè, cầu cho bà con vùng ven Hội An í, ở đó không có người giàu, không đủ điều kiện để chạy lũ, quá xa để nhận tiếp tế. Những gì các bạn thấy, là một Hội An nằm trong nước với thái độ dửng dưng, hững hờ, thậm chí còn giàu xúc cảm, lung linh hơn mọi ngày, qua những ống kính rất chi là… du lịch.

Trên fb mình, đa phần bạn bè up hình lũ ở Hội An với tính chất thông báo: hình đẹp chưa nà, òi nước lên cao quá cao quá. Ít có nội dung mang tính than vãn cầu cạnh, thế nên cầu nguyện cho Hội An là thầm cầu cho đến trúng dịp bão lũ để tự sướng đúng hôn ahihi. Nói chứ thấy thương Hội An quá hà, nhấn chìm hết mẹ nó cho con người ta sống lương thiện bớt.” – từ Facebook Bùi Phước Quang

“Sáng ngày 4/11/2017 , sau khi “đàn anh Damrey” lượn một vòng thành phố, các loại dây điện thõng thượt giăng đầy đường, rất nguy hiểm cho mọi người nếu may mà ai đó dùng cái lá cờ đỏ và cái xô nước gây chú ý để báo động cho người đi đường khỏi vướng vào dây điện… Không thì đã… xuống hố cả nút  (Từ Facebook Nam Huynh)

DU
( Bao Tre )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 13 Tháng Mười Một 20216:00 SA