Công nhân VN trong chiến dịch truy quét tại Malaysia ( Ôi, VC đẩy dân tha phương cầu thực khổ ải thế này )

Thứ Ba, 31 Tháng Bảy 20186:57 SA(Xem: 6713)
Công nhân VN trong chiến dịch truy quét tại Malaysia ( Ôi, VC đẩy dân tha phương cầu thực khổ ải thế này )
Hòa Ái, RFA
Người nước ngoài lao động bất hợp pháp bị bắt giữ tại một công trường xây dựng ở Port Dickson, Malaysia trong chiến dịch truy quét của Chính phủ Kuala Lumpur khởi động hồi đầu tháng 07/18. Hình chụp ngày 11/07/18.
Người nước ngoài lao động bất hợp pháp bị bắt giữ tại một công trường xây dựng ở Port Dickson, Malaysia trong chiến dịch truy quét của Chính phủ Kuala Lumpur khởi động hồi đầu tháng 07/18. Hình chụp ngày 11/07/18.
icon-zoom AFP

Chính phủ Malaysia vừa khởi động một chiến dịch lớn để truy quét di dân bất hợp pháp ra khỏi nước này trong tháng 7. Hàng ngàn người di dân đã bị bắt giữ. Và, chiến dịch vừa nêu, được Bộ Di Trú Malaysia cho biết sẽ được tăng cường vào cuối tháng 8 tới đây.

Hòa Ái ghi nhận tình hình công nhân Việt Nam lao động bất hợp pháp tại Malaysia bị ảnh hưởng ra sao trong chiến dịch này.

Gần 300 người Việt bị bắt giữ

Một chiến dịch truy quét người lao động bất hợp pháp tại Malaysia bắt đầu được khởi động vào ngày đầu tiên của tháng 7, một ngày sau khi thời hạn của Chính phủ Kuala Lumpur cho các công nhân nước ngoài đăng ký với Cơ quan Di trú Malaysia hết hạn.

Truyền thông Malaysia dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Di Trú Mustafar Ali cho biết sau 1 tháng tiến hành truy quét người lao động bất hợp pháp, đã kiểm tra gần 18.000 người và bắt giữ hơn 5.000 người đến từ Bangladesh, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Việt Nam; trong đó người Việt bị bắt giữ đứng thứ 4 với con số là 285 người.

Đài RFA ghi nhận mặc dù số người lao động bất hợp pháp Việt Nam bị bắt giữ trong đợt truy quét của Malaysia vừa qua thấp hơn nhiều so với số lượng vào khoảng 3000 người đến từ Bangladesh và Indonesia, tuy nhiên theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động Việt Tự do thì con số này là đông nhất trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch của tổ chức này, từ Australia cho Đài Á Châu Tự Do biết:

“Trong thời gian chúng tôi đi thăm trong trại tù, cách đây 3 năm, chúng tôi làm việc với Tổng Nghiệp đoàn Malaysia thì họ cho biết số lượng người Việt ở trong các trại tù trên toàn nước Malaysia có khỏang 400 người, bị bắt do nhiều nguyên nhân, không chỉ riêng về vấn đề bất hợp pháp. Chúng tôi không biết cụ thể con số công nhân lao động bất hợp pháp bị bắt là bao nhiêu tại thời điểm đó. Nhưng Liên đoàn Lao động Việt Tự do vào thăm tù thời gian đó và nghe số người bị bắt 400 là qua nhiều năm, nên tôi thiết nghĩ số người bị bắt trong năm nay được coi như là đông nhất trong thời gian qua ở Malaysia.”

Chúng tôi liên lạc với một số công nhân Việt đang lao động tại Malaysia và được cho biết trong số gần 300 người Việt vừa bị bắt giữ, đa số là nữ giới làm việc tại các quán bar và tiệm massage, còn số công nhân lao động bất hợp pháp thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ở Việt Nam, em ký hợp đồng không phải làm việc ngoài trời, em làm trong nhà. Khi sang bên này, em phải đi làm cho công ty xây dựng, làm việc ở ngoài trời. Hai, ba tháng họ chẳng trả tiền lương. Cả tuần thì chỉ ứng cho tiền ăn. Khổ quá nên em phải bỏ ra ngoài.
-Công nhân bất hợp pháp tại Malaysia

Qua trao đổi với các công nhân này, Đài RFA ghi nhận mặc dù thị trường lao động Malaysia vẫn còn cần nhiều công nhân nhập cư, thế nhưng lao động Việt đến nước này trong những năm qua bị giảm sút là do đồng tiền ringgit của Malaysia bị mất giá và xu hướng chuyển qua thị trường lao động Trung Quốc gia tăng đáng kể, do vị trí địa lý thuận tiện hơn, chi phí ký hợp động lao động rẻ, vào khoảng 300 đô la Mỹ, hay thậm chí qua Trung Quốc lao động bất hợp pháp cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với qua Malaysia, với mức phí ký kết hợp đồng lao động tiêu tốn vào khỏang từ 1.000 đến 1.200 đô la Mỹ.

Theo số liệu của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, hiện tại có xấp xỉ 30 ngàn công nhân Việt Nam ký hợp đồng lao động tại Malaysia, so với đỉnh điểm lên đến 90 ngàn người từ khi thị trường lao động Malaysia mở cửa cho lao động Việt, kể từ năm 2002.

Công nhân kỹ thuật Việt Nam trong 1 công xưởng nước ngoài (ảnh minh họa)
Công nhân kỹ thuật Việt Nam trong 1 công xưởng nước ngoài (ảnh minh họa) AFP

Giới chức Bộ Di Trú Malaysia cho biết hiện có khỏang 2 triệu công nhân nước ngoài đăng ký làm việc ở Malaysia, trong các đồn điền trồng dầu cọ, xây dựng, nhà hàng, lau dọn trong các tòa nhà văn phòng và mua sắm. Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Bộ Di Trú Malaysia cho thấy có đến 600 ngàn người nước ngoài lao động bất hợp pháp tại nước này. Và trong nỗ lực nhằm thoát khỏi tình trạng di dân bất hợp pháp tại Malaysia, Bộ Di Trú Malaysia cho biết bắt đầu chương trình cho người lao động nhập cư bất hợp pháp tự nguyện ra đầu thú để được hồi hương đến ngày 30 tháng 8 tới đây, trước khi Chính phủ Kuala Lumpur tăng cường chiến dịch kiểm soát trở lại vào ngày 31 tháng 8 và các chủ lao động thuê mướn người lao động nước ngoài bất hợp pháp cũng sẽ bị bắt giữ.

Tiến thoái lưỡng nan

Kể từ khi Chính phủ Malaysia thực hiện chính sách ân xá và hợp thức hóa giấy tờ cho những công nhân nước ngoài lao động bất hợp pháp hồiđầu tháng 8 năm 2011, tình trạng công nhân đến từ Việt Nam lao động bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra ở Malaysia. Một vài công nhân chia sẻ lý do vì sao họ không thể thực hiện theo hợp đồng lao động đã ký kết với các công ty môi giới ở Việt Nam trước khi qua Malaysia:

“Ở Việt Nam, em ký hợp đồng không phải làm việc ngoài trời, em làm trong nhà. Khi sang bên này, em phải đi làm cho công ty xây dựng, làm việc ở ngoài trời. Hai, ba tháng họ chẳng trả tiền lương. Cả tuần thì chỉ ứng cho tiền ăn. Khổ quá nên em phải bỏ ra ngoài.”

“Công ty gỗ bọn em làm mệt lắm! Một tháng chỉ có 500 Ringgit thôi. Cắt 100 đồng thuế, còn có 400đồng thì ăn hết rồi, đâu còn đồng nào để gửi về nữa đâu. Về sau lương thấp quá, hết hợp đồng 4 năm, em bỏ ra ngoài được 2 năm rồi.”

“Trước đây em sang làm ở công ty mà lương rất thấp và chủ cũng không tốt thì bọn em ra ngoài nhiều lắm.”

Trong số các công nhân Việt lao động bất hợp pháp tại Malaysia mà Đài RFA tiếp xúc cho biết, không ít người trong số họ gặp tình cảnh “ở không được và về không xong” do lúc họ thôi làm việc ở công ty mà công ty môi giới đưa đến thì họ không còn hộ chiếu Việt Nam nữa, vì chủ lao động giữ quyển sổ hộ chiếu này; cho nên đến khi muốn về lại Việt Nam thì cũng gặp trở ngại với thủ tục làm lại hộ chiếu ở Lãnh sự quán Việt Nam tại Malaysia, trong đó họ không có đủ khả năng để trả mức giá cao hơn so với quy định.

Biện pháp đầu tiên Nhà nước Việt Nam phải cần làm là Nhà nước Việt Nam đứng ra can thiệp điều đình với Chính phủ Malaysia và giúp họ để đưa họ về nước càng sớm càng tốt.
-Nguyễn Đình Hùng

Anh Hùng, một công nhân Việt, làm việc hợp pháp ở Malaysia hơn 10 năm xác nhận với RFA:

“Thật sự là em đã từng làm, chị gái đã từng làm rồi và em cũng từng giúp nhiều người làm, thành ra thông tin đó là chính xác. Theo Luật Việt Nam quy định cho mất hộ chiếu và làm lại thì rơi vào khoảng 70 đến 150 đô la Mỹ, hoặc làm giấy thông hành chỉ mất 30 đô la Mỹ. Nhưng ở đây, làm giấy thông hành thì mất đến 100 đô la Mỹ. Còn 1 cuốn hộ chiếu mới, mà chị gái em mới làm hôm rồi, thì mất 960 ringgit, tương đương gần 200 đô la Mỹ.”

Trong khi các công nhân Việt lao động bất hợp pháp tại Malaysia lo lắng về những ngày sắp tới không biết sẽ thế nào khi Chính phủ Kuala Lumpur ráo riết truy quét người lao động nước ngoài bất hợp pháp, chúng tôi đặt câu hỏi với Liên đoàn Lao động Việt Tự do về số phận của gần 300 người Việt bị bắt giữ trong tháng 7, ông Nguyễn Đình Hùng nhấn mạnh về hoàn cảnh của những người Việt bị bắt giữ ở Malaysia khi phái đoàn đến thăm gặp cách nay 3 năm:

“Khi chúng tôi thăm người công nhân ở trong tù, họ nói là bị đánh đập, bị làm những công việc lao động nặng và họ bị giam cho đến khi có người bảo lãnh thì họ mới được có thể đóng tiền phạt rồi về.”

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Tự do nói thêm với RFA đối với 300 người Việt vừa bị bắt giữ:

“Biện pháp đầu tiên Nhà nước Việt Nam phải cần làm là Nhà nước Việt Nam đứng ra can thiệp điều đình với Chính phủ Malaysia và giúp họ để đưa họ về nước càng sớm càng tốt.”

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam và cơ quan lãnh sự tại Malaysia vào ngày 30 tháng 7 để nêu vấn đề liên quan. Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên lạc được qua tất cả số điện thoại của hai cơ quan này phổ biến trên website và chúng tôi cũng không nhận được hồi đáp thư điện tử mà chúng tôi gửi đến trong cùng ngày.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Tư, 22 Tháng Mười Hai 20216:00 SA