Gian lận thi cử và 'cơn lũ' lòng dân

Chủ Nhật, 29 Tháng Bảy 20188:02 CH(Xem: 7486)
Gian lận thi cử và 'cơn lũ' lòng dân
bbc.com
PGS. TS. Phạm Quý Thọ Học viện Chính sách và Phát triển

Giáo dục Việt Nam Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việt Nam liên tục có cải cách thi cử, sách giáo khoa trong giáo dục nhiều năm vừa qua

Sự việc xảy ra ở Hà Giang là sự gian lận 'trắng trợn' gây ra bởi những cán bộ biến chất của chính quyền địa phương.

Đây là nguyên nhân trực tiếp, hơn thế nó là một trường hợp điển hình của gian lận thi cử. Một trong những hậu quả nặng nề và lâu dài của hiện tượng này là những bất công trong xã hội. Nó đã và đang tích tụ để trở thành 'cơn lũ lòng dân'.


Tháng Bảy năm nay có hai cơn lũ dữ đang hoành hành ở một số tỉnh miền núi Việt Nam.

Một cơn lũ thiên nhiên do các các đợt mưa lớn, kéo dài. Cơn lũ thiên nhiên đang làm sạt lở ở nhiều nơi, làm ách tắc giao thông, các đập thuỷ điện đang mở hết các cửa xả đáy… Đã có báo cáo về thiệt hại về người và tài sản từ các địa phương. Cơn lũ thiên nhiên diễn ra theo chu kỳ hàng năm, được cơ quan khí tượng dự báo trước và chính quyền và người dân có thể chủ động đề phòng và đối phó. Bởi vậy có thể hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất có thể.

Một cơn lũ khác, 'cơn lũ lòng dân' gây ra bởi 'nạn gian lận trong thi cử' trong kỳ thi trung học phổ thông năm nay ở một số tỉnh do một số quan chức hám tiền, quyền đã 'cố ý vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ'.

'Tích tụ và bùng phát'

Sự việc bùng phát ở một tỉnh miền núi là Hà Giang.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai công bố phổ điểm các môn thi của thí sinh theo từng tỉnh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Các dấu hiệu phổ điểm cao bất thường ở tỉnh Hà Giang được phát hiện. Báo cáo kiểm tra cho thấy có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được 'nâng khống' từ 0,5 đến 8,5 điểm khi 'vào điểm'. Hầu hết các thí sinh được ' sửa nâng điểm' là con em của nhiều vị lãnh đạo tỉnh, huyện và một số đại gia, trong đó con gái của Bí thư tỉnh uỷ đương nhiệm.

Giáo dục Việt Nam Bản quyền hình ảnh Báo Giáo dục & Thời đại
Image caption Một cuộc họp báo về kiểm tra xử lý 'kết quả thi bất thường' tại tỉnh Hà Giang hôm 17/7/2018 theo Giáo dục & Thời Đại, báo của ngành Giáo dục Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị kiểm tra. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã quyết định khởi tố hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bắt tạm giam cán bộ - bị can Vũ Trọng Lương, là Phó phòng khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đồng thời là thư ký Hội đồng thi này.


Nếu căn cứ vào kết quả công khai phổ điểm, các dấu hiệu tương tự Hà Giang có thể thấy ở một số tỉnh khác như Sơn La, Lạng sơn, Điện Biên, Hoà Bình, Bạc Liêu… Hiện tại ở một số tỉnh này có các đoàn công tác của Bộ Giáo Dục và Đào tạo đang kiểm tra…

Trên mạng xã hội sự phẫn nộ đã dâng cao, chảy mạnh tạo thành 'cơn lũ lòng dân'.

Trên báo giấy và báo mạng nhà nước cũng 'không kìm nén' được 'phản ứng mạnh' với các dòng tít: 'Còn ai đứng sau ông Vũ Trọng Lương nên tự giác nhận trách nhiệm'; 'Con Bí thư Triệu Tài Vinh và nhiều lãnh đạo ở Hà Giang được nâng điểm'; 'Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cần xin lỗi và chịu trách nhiệm trước nhân dân cả nước'; 'Xin hỏi, có bao nhiêu con em nông dân ở Hà Giang "bị nâng điểm"?'; 'Giáo dục, những bất thường và … bình thường!'; 'Đâu là "phi lý Hà Giang"?'; 'Giáo dục - Vấn đề không nằm ở Hà Giang'; ''Phù phép' điểm thi ở Hà Giang và niềm tin bị đánh cắp'…

Cơn lũ lòng dân được tích tụ từ những bất bình và bức xúc về thực trạng giáo dục nói riêng, và từ tồn tại bất cập trong nhiều lĩnh vực xã hội nói chung. Nó, thậm chí, được 'cảnh báo' trước, đơn cử, như 'vụ gian lận thi cử tại Phú Xuyên, Hà Tây năm 2006', 'Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012'…

Người Việt đề cao tính hiếu học, các giá trị đang dịch chuyển từ học để 'làm quan' sang 'kiếm việc làm' cũng trở nên khó khăn…

Câu chuyện cảm động của cô gái thủ khoa Đại học sư phạm Hà Nội 2 Bùi Thị Hà, quê ở Hà Giang, được ghi lại trên mạng Giáo dục.net thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận.

Cô có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bố chết do tai nạn giao thông, bà nội già, bệnh tim trên 80 tuổi, mẹ yếu, bệnh sống nhờ vào mảnh vườn nuôi ba con… Sau khi tốt nghiệp năm 2016, không 'xin' được việc làm tại tỉnh, phải về quê nuôi lợn và làm ruộng để đỡ đần gia đình, đã viết 'Tâm thư' cho ông Vinh, bí thư tỉnh uỷ đương nhiệm nêu trên, song cho đến nay vẫn không có hồi âm.

Công bằng xã hội bị vùi dập. Cán bộ lãnh đạo vô cảm. Vị bí thư tỉnh này, đã 'nổi tiếng' trên báo chí năm 2016 về vụ 'cả họ làm quan', và 'vì đúng quy trình' nên vẫn tại vị.

Giáo dục Việt Nam Bản quyền hình ảnh Báo GD&TĐ/Báo Công An
Image caption Dư luận đang quan tâm tới việc xử lý vụ 'gian lận thi cử' ở tỉnh Hà Giang và mở rộng điều tra ở các địa phương, tỉnh thành khác bị nghi vấn ở Việt Nam

Dư luận đã 'thở dài' vì lỗi hệ thống!

'Thượng bất chính, hạ tắc loạn'

Các thí sinh không có lỗi. Họ thiết tha học tập và có nhu cầu việc làm. Tuy nhiên, thể chế với các cán bộ bị tha hoá bởi quyền và tiền, có thể đã và đang biến nhiều người trong số họ thành sản phẩm kém chất lượng.

Hãy tưởng tượng nếu 114 thí sinh con em này vào đại học, trong đó có ngành an ninh, mang theo 'các hành vi' kiểu này trong quá trình học, khi tốt nghiệp 'mâm cỗ' được dọn sẵn bởi 'quyền và tiền', có việc làm, được 'quy hoạch theo đúng quy trình' để làm lãnh đạo…


Và hãy hình dung có nhiều địa phương khác cũng có sự cố tương tự Hà Giang…

Người dân được học tập 'hướng lên trên' noi gương bác Hồ để sống và phấn đấu. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái đạo đức và tha hoá quyền lực đến tột cùng của 'bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên' đang làm hoen ố hình ảnh lãnh tụ.

Thậm chí, các hiện tượng một số người đã từng vi phạm quy chế thi cử đang là chính khách, hoặc lãnh đạo đang chức 'dính' nghi vấn đạo văn mà không được làm sáng tỏ… đang đánh cắp niềm tin ít ỏi còn lại trong dân…

Người xưa đã đúc kết: 'Thượng bất chính, hạ tắc loạn' và câu nói còn nguyên giá trị!

Trong các thể chế dân chủ văn minh, mỗi khi có 'sự cố' như vậy những người đứng đầu ngành hoặc địa phương thường từ chức vì trách nhiệm và danh dự. Nếu không, họ sớm hay muộn cũng bị xã hội đào thải.

Giáo dục Việt Nam Bản quyền hình ảnh Báo Người Lao Động
Image caption Nhiều báo đài và cơ quan truyền thông ở Việt Nam dành quan tâm cho các nghi án gian lận này và phản ứng của lãnh đạo ngành Giáo dục

Trong thể chế hiện hành điều đó thật hiếm hoi. Các quy trình luôn được 'biện hộ' hoặc núp bóng dưới các khẩu hiệu trừu tượng như vì sự ổn định chính trị…

Dư luận băn khoăn liệu cuộc điều tra của công an tỉnh có 'độc lập', 'khách quan', 'đi đến cùng' khi con em nhiều vị quyền chức đầu tỉnh nằm trong danh sách 114 thí sinh nêu trên?

Đến lúc phải đặt công khai vấn đề cải cách thể chế chính trị, chứ không phải cải cách giáo dục chắp vá trong điều kiện ý thức hệ tư tưởng giáo điều và phương pháp thực hành 'dò đá qua sông'

Trước mỗi cơn lũ thiên tai, Thủ tướng Chính phủ luôn có chỉ thị 'triển khai ngay phương án ứng phó'.

'Cơn lũ lòng dân' bắt nguồn từ những bất công. Liệu Đảng và Chính phủ có 'phương án' cho cơn lũ này?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn