Ích lợi bất ngờ của việc sao nhãng

Thứ Bảy, 14 Tháng Bảy 20188:00 CH(Xem: 6197)
Ích lợi bất ngờ của việc sao nhãng
bbc.com
David Robson BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Alexander Graham Bell không phải là người thích kiểu làm việc đa nhiệm. Nhà sáng chế này tin rằng sự sáng tạo thật sự đến từ việc tập trung toàn tâm toàn ý vào vấn đề đang tìm hiểu - và bất cứ sự sao nhãng nào sẽ đẩy bạn rời xa mục tiêu.

"Tập trung toàn bộ suy nghĩ của bạn vào công việc trước mặt," ông từng nói vậy với nhà văn Orison Swett Marden trong cuốn sách tạo cảm hứng đầu thế kỷ 20 có tên 'Họ đã thành công ra sao'. "Tia sáng mặt trời không đốt cháy được gì cho đến khi nó được cho chiếu tập trung."


Và mãi đến gần đây, kết quả nghiên cứu tâm lý có vẻ đồng tình với điều này, cho thấy chúng ta làm việc hiệu quả hơn - đặc biệt trong những việc đòi hỏi sự chính xác - khi ta tập trung toàn tâm trí vào công việc.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu lý thú giờ đây bắt đầu thách thức lập luận này, ít nhất là khi xem xét những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, vốn rất gần với việc Bell làm.

Khi bạn cố gắng tìm ra ý tưởng mới, sự tập trung cao độ có thể gây hiệu ứng ngược - và chút sao nhãng thực ra có thể giúp tăng khả năng nghĩ ra giải pháp hoàn toàn mới cho vấn đề của bạn.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nhà sáng chế người Scotland Alexander Graham Bell rất hứng thú với ý tưởng truyền giọng nói đi xa

Những lợi ích trên dựa vào thực tế là tâm trí ta thường dễ dàng mắc kẹt vào một lối mòn, nghĩa là ta mất quá nhiều thời gian tập trung vào ý tưởng ban đầu mà ta nghĩ ra, thay vì tập trung vào phát triển giải pháp thực sự mới cho vấn đề.

Hội chứng này được gọi là định kiến nhận thức (cognitive fixation), và rất nhiều nhà tâm lý học hiện nay coi đây là rào cản chính để tiến tới sáng tạo thật sự.


Để tìm hiểu xem liệu cách làm việc đa nhiệm có giúp ta tháo gỡ lối mòn không, Jackson Lu và nhóm nghiên cứu từ trường Columbia Business School sử dụng một phép thử phổ biến về sáng tạo trong phòng thí nghiệm.

Người tham dự phải tìm ra càng nhiều cách càng tốt để sử dụng một món đồ đơn giản trong khoảng thời gian quy định, chẳng hạn như cái tô trong nhà bếp. (Ví dụ, một câu trả lời được chấp nhận là bạn có thể đội cái tô như mũ để bảo vệ tóc khi trời mưa). Người tham dự phải hoàn thành bài tập này hai lần, tìm ra cách sử dụng khác cho một viên gạch và một cây tăm.

Sự khác biệt duy nhất là một số người được yêu cầu làm việc trên lần lượt, liệt kê tất cả cách sử dụng của viên gạch trước, sau đó chuyển qua tập trung hoàn toàn cho cây tăm, trong khi một số người khác được phép thay đổi để chuyển qua suy nghĩ giữa hai nhiệm vụ.

Theo quan điểm của Bell, theo đó cho rằng sự tập trung toàn tâm toàn ý là chìa khóa cho sáng tạo, thì bạn có thể trông đợi nhóm một sẽ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Thế nhưng đây không phải kết quả nhóm nghiên cứu phát hiện ra. "Dù họ có thể cảm thấy mình đang trên đà, thì thực tế là nếu không có quãng nghỉ thay đổi giữa những bài tập liên tiếp nhau, sự tiến bộ thực sự của họ đã bị chững lại."

Chỉ từ một số ý tưởng họ nghĩ ra đánh giá trên khía cạnh mới lạ (do ban giám khảo độc lập đánh giá), thì những người làm việc đa nhiệm có kết quả tốt hơn.

Để tìm thêm bằng chứng, nhóm nghiên cứu sau đó chuyển qua một bài kiểm tra suy nghĩ tập trung, trong đó bạn được cho ba từ (ví dụ như từ "đường đi" (way), "nhiệm vụ" (mission), và "để" (let)) và bạn phải nghĩ ra từ nối giống nhau giữa chúng (trong trường hợp này là từ "sub"). Bài kiểm tra nhằm đo lường khả năng của bạn trong việc tìm ra mối liên hệ giữa những chủ đề có vẻ như không liên quan gì nhau, và không giống như "bài tập tìm công dụng thay thế", ở bài này bạn tìm kiếm câu trả lời duy nhất xuất hiện từ một tia lóe lên trong sự vật.

Một lần nữa, những người tham dự được yêu cầu xem xét đồng thời một lúc hai vấn đề, bằng cách chuyển sự quan tâm của họ giữa hai vấn đề, trong khi những người khác được yêu cầu xem xét từng vấn đề một theo trình tự.

Kết quả còn ấn tượng hơn thí nghiệm đầu tiên - 51% những người làm việc đa nhiệm giải quyết cả hai bài tập, trong lúc chỉ 14% số người có thể giải được khi xem xét lần lượt từng nội dung, sự khác biệt lớn gấp ba lần.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Chuyên gia làm việc đa nhiệm, Giám đốc điều hành của Facebook, Sheryl Sandberg đề xuất quy trình ưu tiên ý tưởng tốt nhất của bạn

Có lẽ ích lợi tốt nhất có thể tìm thấy trong quá trình cả nhóm cùng động não với nhau, một công việc mà có lẽ tất cả chúng ta đều phải thực hiện khi tham gia họp hành ở cơ quan - nơi ta phải nói rất nhiều mà không có sáng tạo gì nhiều lắm.

Vấn đề là ngoài việc phải đối mặt với định kiến nhận thức trong từng thành viên, cả nhóm còn dễ bị sao nhãng vì ý kiến của một người thay vì xem xét ý tưởng của những thành viên khác.

Kết quả là cả nhóm khi ngồi lại cùng nhau thường nghĩ ra ít ý tưởng hơn khi từng người tự suy nghĩ. "Có rất nhiều khám phá cho thấy làm việc theo nhóm không hiệu quả lắm," Ut Na Sio từ Đại học Sư phạm Hong Kong cho biết. "Và thậm chí một tiến bộ rất nhỏ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Khi bạn cố nghĩ ra ý tưởng mới thì sự tập trung cao độ, toàn tâm toàn ý có thể gây ra hiệu ứng ngược

Làm việc cùng đồng nghiệp tại Đại học Carnegie Mellon, Sio đã chỉ ra là việc buộc hai nhóm sinh viên phải làm việc đa nhiệm - luân chuyển qua lại giữa hai vấn đề - có thể giúp phá bỏ cơ chế này, dẫn đến những giải pháp sáng tạo hơn cho vấn đề cần phát triển trong khuôn viên trường đại học.

Điều này bao gồm chiến lược tiềm năng để giúp sinh viên tăng cường hoạt động thể chất hoặc đưa ra các quy định tăng cường khả năng tiếp cận hơn cho người khuyết tật.

Quan trọng là, ích lợi có vẻ như tăng dần theo thời gian - vì thế sinh viên thảo luận với nhau càng lâu, thì việc linh hoạt thay đổi giữa hai việc càng có lợi.

"Khi bạn làm việc theo nhóm và lắng nghe những ý tưởng cơ bản đó, điều đó càng tăng dần định kiến," Sio cho biết. "Nhưng khi chuyển bài tập qua lại, điều này có thể giúp bạn quên những ý tưởng cơ bản, nghĩa là khi bạn quay lại xem xét vấn đề, bạn có vẻ như sẽ nghĩ ra thứ gì đó mới."

Không cần phải tưởng tượng nhiều lắm để nghĩ xem bạn có thể ứng dụng những phát hiện này ngay lập tức ra sao.

Nếu bạn đang khổ sở suy nghĩ một cái tên sáng tạo cho dự án hay tên cho sản phẩm mới chẳng hạn, có thể bạn định sẽ dành hẳn một khoảng thời gia nhất định để suy nghĩ về nó.

Nhưng nghiên cứu này đề nghị tốt hơn bạn nên có một quyển sổ tay đặt cạnh máy tính, và thỉnh thoảng ghi ra vài ý tưởng mới khi bạn đang làm việc khác.

Hay nếu bạn muốn trở thành tiểu thuyết gia và đang động não tìm ý tưởng mới, thì dựa trên những nghiên cứu này, tốt hơn bạn nên chọn hai ý tưởng yêu thích nhất và thay phiên nhau phát triển chúng, thay vì đắm chìm vào một câu chuyện duy nhất.

Và đơn giản nhất, nghiên cứu này có lẽ chỉ là một cái cớ để bạn nghỉ tay một lát. "Khi bạn đang làm công việc có lợi cho tư duy sáng tạo, hãy chủ tâm thêm vào các quãng nghỉ ngắn để làm mới cách tiếp cận của bạn," Lu đưa ra lời khuyên.

Thú vị là, Lu phát hiện ra khi được hỏi cách giúp tăng cường khả năng sáng tạo, hầu hết mọi người đều chọn quan điểm của Bell, cho rằng tập trung là cốt lõi, họ sẽ tự nhiên cố gắng tăng cường khả năng tập trung nếu họ có một vấn đề sáng tạo quan trọng.

Nhưng dù cho đã làm việc đa nhiệm tới mức nào, ta cũng không tốn nhiều thời gian lắm để thả lỏng, khi cần giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn