Giải mã những cái chết bí ẩn của cá heo

Chủ Nhật, 15 Tháng Bảy 201810:00 CH(Xem: 7727)
Giải mã những cái chết bí ẩn của cá heo
bbc.com
Sophie Hardach BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Trong một phòng thí nghiệm lát gạch trắng tại Sở thú London, bên kia đường, đối diện với khu vực của những chú hươu cao cổ, hai nhà nghiên cứu đang mổ xác một chú cá heo chuột (porpoise) thật chậm chạp và cẩn thận.

Nhân viên cứu hộ đã giải cứu chú cá bị mắc kẹt trên bờ biển Somerset chỉ một tuần trước. Họ nghĩ chú bị thương nặng vì va phải chân vịt của con một con tàu.


Các điều tra viên Rob Deaville và Matt Perkins không chắc chắn lắm với giải thích đó. Trong suốt hai giờ, họ cố gắng giải mã điều gì đã giết chú cá heo đại dương này.

Họ tìm những manh mối dẫn đến bức tranh lớn hơn, có liên quan đến toàn bộ sinh vật biển, nhằm tìm lời giải cho nhiều câu hỏi như: Tình trạng đại dương ra sao? Đe dọa lớn nhất là gì? Con người có thể làm gì để cải thiện tình hình?

Deaville và Perkins đã khám nghiệm xác của hơn 100 xác cá heo chuột, cá heo và cá voi trong một năm qua cho Hiệp hội Sở thú London (Zoological Society of London). Công việc của họ đem đến cho chúng ta những thông tin về các đe dọa đáng kinh ngạc, từ những hóa chất từ lâu bị cấm trôi lơ lửng trong nước đến tác động nguy hại của lưới đánh cá. Nhưng nghiên cứu của họ cũng đem lại nhiều tin tốt lành về sức mạnh của thay đổi chính sách hay sự xuất hiện trở lại của một số loài bị đe dọa.

"Chúng tôi sử dụng một thi thể [cá] trên bờ biển để hiểu về cuộc sống của nó, chứ không chỉ hiểu về cái chết," Deaville cho biết. Ông là người lãnh đạo Chương trình Điều tra động vật có vú trên biển bị mắc cạn (còn gọi là CSIP) tại Hiệp hội Sở thú.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cá heo lưng gù lặn ở khu vực quần đảo Shetland, Anh Quốc là nơi có khoảng 1/4 số động vật có vú đại dương trên thế giới

Động vật biển có vú gồm cá heo chuột, cá heo và cá voi, và biển Anh Quốc là nơi có rất nhiều loài này hiện diện.


Khoảng một phần tư các loài đã được thế giới biết tới có mặt tại đây, từ những con cá heo lưng gù biết hát kích cỡ bằng cả chiếc xe bus đến những chú cá heo mũi chai thích nhảy vọt lên mặt biển.

Khoảng 600 cá thể động vật có vú đại dương trôi dạt vào bờ biển Anh Quốc mỗi năm. Các nhà khoa học đã khám nghiệm hơn 4.000 xác cá trôi dạt từ năm 1990, mà gần đây có thêm một số lượng lớn cá mập, để hiểu thêm về đời sống đại dương.

Cetacean Strandings Investigation Programme, Zoological Society of London Bản quyền hình ảnh Cetacean Strandings Investigation Programme, Zoolo
Image caption Một con cá heo lưng gù trên bờ biển Kent là một trong 600 sinh vật có vú đại dương bị mắc cạn trên bờ biển Anh Quốc mỗi năm

Trong phòng thí nghiệm, với số lượng các chai lọ có dán nhãn "chim cánh cụt", "gà núi", Deaville và Perkins đang tìm hiểu kỹ hơn về vết thương của chú cá heo. Công cụ họ sử dụng khá đơn giản, như dao mổ, nhíp, kéo - nhưng vì đã quan sát hàng trăm xác cá, họ nhanh chóng nhận ra vì sao chú cá heo này chết.


Vết thương quá nông không thể là do chân vịt tàu gây ra, có lẽ là nó bị hải âu mổ trúng. Deaville nhẹ nhàng cắt một mẩu da và mảng mỡ để thí nghiệm bằng hóa chất sau đó. Mùi thịt thối rữa đã bắt đầu tỏa ra từ xác cá. Tôi nhận ra vì sao họ hỏi tôi có bao tử tốt không trước khi tham gia khám nghiệm, và họ cảnh báo một số người quan sát trước đây đã ngất xỉu.

"Khi chúng tôi làm những việc này, bạn sẽ thấy có rất nhiều điểm chung giữa con người và chúng, vì chúng cũng là động vật có vú," Deaville cho biết khi ông lôi lá gan màu tím ra. "Nhưng bạn cũng sẽ thấy nhiều điểm khác biệt."

Cetacean Strandings Investigation Programme, Zoological Society of London Bản quyền hình ảnh Cetacean Strandings Investigation Programme, Zoolo
Image caption Xác cá heo cảng chờ khám nghiệm

Điểm chung rõ ràng nhất là mắt cá heo. Mắt chúng giống mắt loài chó và nhìn rất thân thiện, không phẳng và trong suốt như mắt các loài cá thông thường.

Nhưng ngay sau đó, nhiều điểm gây tò mò xuất hiện. Cá heo chuột có nhiều bao tử, như loài bò vậy, và chúng quả thực có liên hệ với loài bò. Chúng không có hai quả thận lớn mà có hàng trăm quả thận nhỏ. Tuyến thượng thận của chúng được mở rộng, có thể vì cuộc sống của cá heo chuột khá căng thẳng. Chúng nhỏ hơn cá heo và cá voi và phải đối mặt với rất nhiều kẻ săn mồi, trong đó có hải cẩu, vốn có thể lôi chúng xuống bằng đuôi và làm chúng chết đuối.

Cùng với những hiểm họa trong tự nhiên là những đe dọa từ con người. Một trong những nguyên nhân làm chết động vật biển có vú ở Anh Quốc là bị mắc vào lưới - là khi con thú vô tình bị dính phải lưới cá và dây câu. Chúng ngộp thở trong lưới và thường bị thương cực nặng, bị đứt vây hoặc gãy xương khi cố gắng vùng vẫy thoát ra.

"Mắc phải lưới cá là cách chết không dễ chịu chút nào," Sarah Dolman, giám đốc chính sách cao cấp của Chiến dịch Bảo tồn Cá voi và Cá heo - một quỹ từ thiện kêu gọi bảo vệ tốt hơn dành cho động vật có vú đại dương, nói.

Tôi gọi cho Dolman sau khi quan sát cuộc khám nghiệm xác cá - hay còn gọi là giải phẫu thi thể theo đúng tên gọi chuyên môn. Tôi muốn nghe thêm về xung đột giữa món cá khoái khẩu của con người và cuộc đấu tranh sinh tồn của động vật có vú trên biển.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cá heo là loài được bảo vệ - nhưng chúng thường vô tình bị dính phải lưới cá và bị chết

Cả Dolman và Deaville đều nhanh chóng cho biết không có ngư dân nào muốn bắt cá heo hết, vì cá heo, cá voi và cá heo chuột là loài được bảo vệ.

Thật vậy, báo cáo năm 2017 của chính phủ Anh Quốc cho thấy sự tuân thủ tốt của ngư dân với đạo luật của Liên hiệp châu u nhằm giảm thiểu tình trạng cá bị dính nhầm lưới. Điều này bao gồm cả việc sử dụng thiết bị phát sóng [gọi là pinger] tạo ra sóng âm khiến cá heo chuột tránh xa.

Nhưng ngay cả khi đã dùng các biện pháp trên, hơn 1.000 cá heo cảng [loài cá heo sống ở ven cửa sông cửa biển] đã chết vì dính lưới cá trên bờ biển Anh Quốc trong năm 2016 - và đó chỉ là con số tại Anh Quốc.

Một trong những khó khăn trong việc giải quyết tình trạng dính lưới cá là do số lượng các loài sinh vật biển cực kỳ đa dạng tại Anh Quốc. Số lượng các loài khác nhau ở đây, không chỉ có cá heo và cá voi, mà còn các loài chim biển - và có nhiều các loại lưới đánh cá khác nhau tới mức không có giải pháp chung nào cho tất cả.

Ví dụ như ở Scotland, khoảng một nửa số cá voi Minke trôi dạt lên bờ biển và bị chết đã bị vướng vào lưới cá của các tàu vì bắt tôm hùm, tôm càng hay cua. Có trường hợp cá voi lưng gù thậm chí từng kéo cả lưới cá đi trên đại dương. Ngoài bờ biển phía nam Anh Quốc, hàng trăm cá thể cá heo bị dính phải lưới đánh cá thông thường mỗi năm.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Dù bị cấm từ thập niên 1980, PCB vẫn trôi ra biển và được cho là nguyên nhân khiến đàn cá voi sát thủ cuối cùng ở Scotland bị tuyệt chủng

Trong khi đó, thói quen mua sắm của tôi khi kiểm tra trên hộp cá ngừ để tìm xem nhãn "thân thiện với cá heo" có thể chẳng ích lợi gì mấy như tôi nghĩ.

"Thân thiện với cá heo" có nghĩa là tàu đánh cá nỗ lực để tránh cá heo, nhưng họ vẫn có thể vô tình bắt phải chúng. Chỉ có một cách duy nhất để tránh tình trạng dính lưới là mua các loại cá đánh bắt thủ công bằng dây câu, theo Dolman - nghĩa là ngư dân phải bắt từng con cá một.

Tuy nhiên, bà vẫn tỏ ra hy vọng: "Dính lưới không phải là vấn đề dễ giải quyết, nhưng hoàn toàn có thể xử lý được." Bà tin rằng chiến lược nhằm giảm tình trạng dính lưới của Anh Quốc sẽ có tác dụng trong vài năm tới.

"Tôi nghĩ chúng ta đang ở giai đoạn rất lạc quan tại Anh Quốc," bà nói. "Vấn đề này được đề cao trong nghị trường, và được rất nhiều ủng hộ từ công chúng."

Chú cá heo chuột trong phòng thí nghiệm không chết vì lưới cá. Trong khoảng một giờ tìm hiểu, Deaville đã tách các phần gan, phổi, bao tử và buồng trứng, và kết luận đây là một cá heo cái còn trẻ và có thể bị suy dinh dưỡng. Ông phát hiện ra ký sinh trùng, một số khối u và vết loét bao tử. Ông nghi ngờ con cá có thể đã bị nhiễm trùng và yếu tới mức không thể săn mồi. Hoặc có thể nó không tìm đủ thức ăn, và tình trạng yếu dần khiến nó bị nhiễm trùng.

Thường rất khó để xác định chính xác nguyên nhân gây chết. Tuy nhiên, dù kết quả khám nghiệm rất mờ nhạt, nó cũng có thể đem lại những kết quả đáng kinh ngạc.

Có lẽ một trong những phát hiện đáng kinh ngạc nhất là sự hiện diện của loại hóa chất chống cháy rất độc từ lâu đã bị cấm, có tên gọi polychlorinated biphenyls (hay còn gọi là PCBs), có mặt trong xác cá voi, cá heo và cá heo chuột.

Dù đã bị cấm từ thập niên 1980, chất độc PCBs vẫn rò rỉ ra đại dương từ những bãi thải.

Chúng có liên hệ với tình trạng không sinh nở của động vật biển có vú, và được cho là nguyên nhân khiến đàn cá voi sát thủ cuối cùng ở Scotland tuyệt diệt: chỉ còn tám cá thể cá voi hai màu trắng đen rõ ràng còn tồn tại.

Năm ngoái, một cá thể cá voi bị trôi dạt, được đặt tên là Lulu, được mô tả là "một trong những động vật bị nhiễm độc nặng nhất trên hành tinh" với lượng PCB trong cơ thể.

"Tình trạng này rất đáng buồn," Dolman cho biết. "Chúng không có con non nào, có lẽ chúng sẽ chết hết cả."

Về mặt tích cực, nghiên cứu của Deaville cho thấy những thay đổi trong chính sách có thể cực kỳ hiệu quả. Một nghiên cứu với mỡ của cá heo cảng cho thấy lượng chất PBDE, một loại chất độc chống cháy khác, đã giảm đáng kể từ khi hợp chất này bị cấm từ những năm 2000. Và một lệnh cấm với cá voi đã khiến số lượng cá voi lưng gù tăng trở lại, và điều này cũng có nghĩa nhiều cá voi sẽ bị mắc cạn hơn.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một con cá voi tinh trùng cái trôi dạt vào bờ biển Cornish năm 2016: 'mắc cạn không phải lúc nào cũng là tin xấu', nhà nghiên cứu Rob Deaville nói

"Mắc cạn không phải lúc nào cũng là tin xấu," Deaville cho biết. "Đó là các loài ta không cần phải lo lắng về chúng."

Cuộc khám nghiệm tử thi đã gần xong. Cuối cùng, chúng tôi tìm hiểu bên trong đầu chú cá heo, bao gồm phần não có bộ phận định vị siêu âm - đây là loài động vật biển có vú duy nhất có khả năng săn mồi bằng sóng siêu âm. Các phần thi thể được bỏ vào túi nhựa vàng để thiêu hủy sau đó.

Tôi rời phòng thí nghiệm và trở lại thế giới bên ngoài, đi qua những hàng cây hoa nở đầy và những nhóm học sinh đang chuyện trò, và suy nghĩ về những bi kịch được gợi mở mỗi ngày trên bờ biển, không ai thấy và không ai lưu tâm, cho đến khi một xác cá lớn trôi dạt trên bờ biển và tiết lộ tất cả.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn