Thịt cóc miền Tây

Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy 20189:00 SA(Xem: 7149)
Thịt cóc miền Tây

Thời Tiểu học, tôi xài ngòi viết lá tre, lá ổi chấm mực tím, tay chưn và quần áo luôn dính mực nhem nhuốc. Ngòi lá tre thì nhỏ và nhọn như cái lá tre, còn lá ổi thì hơi bầu hơn một chút, chấm mỗi lần được nhiều mực hơn, viết được nhiều chữ hơn mới chấm thêm lần nữa. Viết bằng cách này không thể viết nhanh như ta xài bút bi (thời đó gọi kêu là viết nguyên tử) mà phải viết cẩn thận từng nét một.

ta-phong-tan

Ngay từ đầu, trường bắt buộc học trò Tiểu học chỉ được phép dùng thứ ngòi viết này, nó đã rèn cho học trò tính cẩn thận và nhẫn nại, nên không lạ khi phần lớn người miền Nam thế hệ này về trước đều viết chữ đẹp, nét rõ ràng, đơn giản, mạnh mẽ, phóng khoáng, con chữ hơi nghiêng về bên phải. Tôi đã từng làm một thống kê nho nhỏ để so sánh và phát hiện nét chữ người Bắc xã nghĩa thì phần lớn luôn uốn éo, lượn lách, rườm rà và co rút. Người ta nói: Chữ viết tức là người quả không sai.

Tôi lại có máu mê văn chương, Đường thi từ thuở mới biết đọc biết viết, dù khi đó đọc thơ Đường bằng tiếng Việt thì có những điển tích mà tôi không hiểu mấy, thích thơ cổ vì trong thơ cổ có thanh, có nhạc bổng trầm, bi hùng đủ cả. Máu mê đó xuất phát từ những quyển sách Em Tập Làm Văn (lớp Ba, Nhì, Nhứt) thời VNCH.

Những ai đã từng sống ở miền Nam lứa tuổi tôi trở về trước hẳn còn nhớ các bài thơ: Tâm sự cây súng hỏng: “Ta nằm đây cùng bao bạn súng/ Chiếc vỡ nòng, chiếc bẹp dúm châu thân/ Ta nằm đây thân dày dạn phong trần/ Mặc hoen rỉ và mặc bầy mối gặm/…”, “Chiều nay thằng nhỏ xin ra/ Sáng nay em phải ở nhà thổi cơm/ Nồi đồng thổi gạo tám thơm/ Tính em háo đói chất rơm bốn bề/ Không ngờ lửa quá thành khê/ Mẹ em nhiếc mãi thẹn ê cả người/ Em xin các bạn đừng cười/ Xưa nay em vẫn vốn lười thổi cơm”. Hay: “…Trường xa trống đã điểm rồi/ Em còn dò dẫm ngoài trời gội mưa”.

Bây giờ, không biết học trò Tiểu học có biết bài thơ Vịnh con cóc của vua Lê Thánh Tông hay không: “Bác mẹ sinh ra mặc áo sồi/ Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi/ Chép miệng nuốt ba con kiến gió/ Nghiến răng chuyển động bốn phương trời/ Mừng thấy đàn con ra chịu ấm/ Dễ còn ả Tố kết làm đôi/ Miếu đường có thuở vang lừng tiếng/ Giúp được dân làng kẻo nắng nôi.”?

Nghe nói mỗi lần cóc nghiến răng thì trời sẽ mưa to, nên mỗi ngày nắng nóng quá, tôi thường đi kiếm bắt con cóc rồi ngồi lì đó rình coi nó có nghiến răng hay không, cóc nghiến răng thì nó kêu ra làm sao? Mùa mưa xuống, ao, ruộng, lạch lẫn các vũng nước lớn đều có nòng nọc cóc lội đặc khừ đen thui, tôi lấy cái vợt hớt bọn nòng nọc về thả vô thau nuôi để chờ coi nó mọc chưn. Mùa này, mỗi lần trời mưa lớn, cóc con nhỏ bằng đầu lớn chiếc đũa nhảy ra đầy đường, tôi xách cái bọc nilon, vừa tắm mưa vừa bắt đầy một bọc cóc con đem về thảy cho bầy vịt đang nuôi ở nhà ăn. Và tôi lại rất ngạc nhiên khi thấy bọn vịt cứ gí cái mỏ gần mấy con cóc con rồi “cạc cạc” bỏ đi. Tôi thầm nghĩ bọn vịt này sao ngu quá, có đồ ăn tươi sống đem đến tận mỏ mà còn bày đặt chê. Cho đến khi bước qua “thời kỳ quá khổ” sau ngày 30/4/1975 thì tôi mới biết chính tôi ngu chớ không phải là bọn vịt ngu, mà bọn nó khôn tổ chúa luôn.

Số là, trước đó cha tôi làm chủ tiệm chụp hình-sửa radio-TV, công việc làm không hết, của ăn của để, muốn xài thứ gì chỉ cần xỉa tiền ra thì có người bưng đến tận nhà, mà còn cám ơn cha tôi rối rít nữa. Cha tôi chỉ biết cầm cái máy ảnh, cây bút lông Tàu, cái mỏ hàn điện, mấy cây tua vít nhỏ như đồ chơi con nít. Bây giờ, cha tôi thất nghiệp, về bên nội “mần guộng” với bác Hai tôi. Ngày mưa được coi là những ngày ăn uống “sang trọng”, cha tôi xách cái giỏ tre đi bắt cóc về làm thịt, kho với muối cho anh em chúng tôi ăn cơm.

Cha tôi cẩn thận chặt đầu, lột da, bỏ hết bộ lòng cóc, rửa thiệt là kỹ. Cha tôi nói cóc khác với ếch nhái, da cóc, trứng cóc, đồ lòng cóc rất là độc, sót một chút ăn vô là chết ngay. Ngoài muối để làm cho thịt cóc mặn mặn thì không có bột ngọt, đường, gia vị nào khác. Ơn trời, thịt cóc luôn ngon ngọt, thơm mềm, bổ dưỡng hơn bất cứ loại thịt nào, xương mềm khi ăn nhai nuốt luôn xương.

Sau này, tôi thấy thỉnh thoảng người ta bán thịt cóc làm sẵn tươi sống ngoài chợ nên có mua về ăn vài lần nữa. Thịt cóc đem về rửa lại thiệt kỹ, không được để dính chút da, lòng gì hết.

Nấu cháo đậu xanh là ngon nhứt, mà chỉ cần chục con cóc là đủ. Gạo ngon loại mềm cơm, đậu xanh nguyên hột vo sạch ngâm qua đêm rồi vút lại cho sạch. Bắc nồi lên nấu cháo lỏng cho nhừ. Trong khi chờ cháo nhừ thì đem thịt cóc bằm nhỏ, ướp gia vị (muối, đường, bột ngọt, tiêu) trong ba chục phút. Bắc chảo lên phi chút mỡ tỏi cho thơm rồi cho thịt cóc đã ướp vô xào cho thịt săn, khi thấy thịt vừa chín tới thì nhắc xuống. Hành lá, ngò rí (hoặc thìa là) rửa sạch xắt nhỏ. Trút thịt cóc đã xào vô nồi cháo, đảo đều, chờ cháo sôi lên lần nữa là ăn được. Nếu có nước cốt dừa thì cho nước cốt dừa vô cháo cùng lúc với thịt cóc xào luôn. Múc cháo ra tô ăn nóng. Khi ăn thì rắc hành, ngò rí vô tô. Ai thích ăn ớt cho thêm chút ớt bằm, còn muốn ăn mặn hơn ăn với nước mắm ngon nguyên chất (không pha chế thêm giấm, đường). Cháo cóc đậu xanh phải ăn nóng lúc còn nghi ngút khói mới ngon, thịt cóc mềm mà ngọt lịm.

Muốn làm đồ nhắm thì để nguyên con, ướp gia vị như trên, xong nhúng bột chiên giòn là xong. Còn xào cà ri sả ớt, xào lăn cứ làm y như làm món ếch. Ăn cóc chiên giòn với rau sống, rau mùi các loại, bún tươi, cuốn với bánh tráng gạo dẻo, chấm nước mắm gừng. Cóc xào cà ri, xào lăn thì cũng ăn với bún tươi, rau sống, rau mùi, rau muống bào, chuối ghém.

Những cách làm kể trên, nói theo kiểu người dân miền Tây Nam bộ là “ngon nhức nách luôn”, còn tại sao ngon mà “nhức nách” thì thiệt tình không hiểu nổi.

Cóc tuy ít thịt hơn ếch nhưng thịt mềm và ngọt hơn, xương mềm hơn, ăn hết rồi vẫn còn thèm. Theo Đông y, thịt cóc có tính hàn, ăn vô mát trong người, tối ngủ khỏi đội nón.

Tuy nhiên, tôi kể cho quý vị bạn đọc bên này biết về một món ăn thông dụng của Việt Nam thời cộng sản cơ hàn đói kém mà thôi, chớ theo ý tôi thì ta không nên ăn thịt cóc. Không phải là cóc có chất độc, không cẩn thận bị ngộ độc là vô phương cứu chữa, mà cóc là loài vật hiền lành, có ích cho nhà nông. Cóc ăn sâu bọ, côn trùng có hại mùa màng, ăn muỗi.

Vậy mà, mới ngày 30/5/2018, tại tỉnh Hòa Bình đã xảy ra vụ ngộ độc thịt cóc thương tâm. Nạn nhân là hai chị em ruột. Cha mẹ đi làm xa, hai chị em ở nhà một mình đói quá đã tự bắt cóc, tự làm thịt cóc cùng ăn với nhau và đều bị ngộ độc, đứa chị mới 11 tuổi đã tử vong, đứa em đang thập tử nhất sinh. Sau hơn 70 năm dân miền Bắc được hưởng “cơm no áo ấm ghi ơn đảng”, một đất nước mà cộng sản Việt Nam luôn vênh váo là “chăm sóc trẻ em không đâu sánh bằng”, thì vẫn có trẻ em tuổi thiếu nhi phải tự mình kiếm cái ăn, rồi chết oan vì đói mà ăn bậy.

TPT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn