8 núi lửa tiềm ẩn nguy hiểm nhất thế giới

Thứ Tư, 20 Tháng Sáu 20185:00 CH(Xem: 7077)
8 núi lửa tiềm ẩn nguy hiểm nhất thế giới

Núi lửa Fuego phun trào đầu tháng 6 để lại thiệt hại nặng nề cho Guatemala. Tuy nhiên đây vẫn không phải núi lửa tiềm ẩn thảm họa kinh hoàng nhất thế giới.

Santa Maria, Guatemala

Núi lửa Santa Maria
Núi lửa Santa Maria - (Ảnh: National Geographic).

Santa Maria là một ngọn núi lửa lớn còn đang hoạt động vùng cao nguyên phía tây Guatemala.

Vụ phun trào cấp độ 6 của núi lửa Santa Maria năm 1902 là một trong ba vụ phun trào lớn nhất của thế kỷ 20, cũng là một trong năm vụ phun trào lớn nhất trong 200 năm qua, cướp đi sinh mạng của khoảng 6.000 người.

Taal, Philippines

Núi lửa Taal ở Philippines
Núi lửa Taal ở Philippines - (Ảnh: Getty Images).

Núi lửa Taal nằm ngay trong khu vực hồ nước cùng tên trên đảo Luzon. Kể từ năm 1572, Taal phun trào dung nham 33 lần, cướp đi sinh mạng khoảng 5.000-6.000 cư dân trong khu vực.

Năm 1977, các nhà khoa học cho rằng núi lửa tạm tắt nhưng rồi họ liên tục phát những dấu hiệu hoạt động địa chấn lớn nhỏ của Taal kể từ năm 1991 đến nay.

Hơn nữa, ngọn núi lửa chỉ cách thủ đô Manila của Philippines chỉ khoảng 50km, do đó không thể chủ quan.

Miệng núi lửa Coatepeque, El Salvador

Núi lửa Coatepeque ở El Salvador
Núi lửa Coatepeque ở El Salvador - (Ảnh: Getty Images).

Coatepeque được hình thành sau một loạt các vụ phun trào lớn cách đây 54.000-72.000 năm trước.

Kể từ hai thời kỳ phun trào đó, các khu vực đất đai dung nham rộng lớn hình thành dọc rìa phía tây của miệng núi lửa. Trong khi đó, phía đông của miệng núi lửa là hồ Coatepeque, hồ lớn nhất ở El Salvador.

Miệng núi lửa nằm ở trung tâm của El Salvador, do đó nếu một đợt phun trào cực lớn diễn ra sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn thủ đô San Salvador và thành phố Santa Anna ở gần đó.

Vesuvius, Ý

Núi lửa Vesuvius, Ý
Núi lửa Vesuvius, Ý - (Ảnh: Getty Images).

Đây là ngọn núi từng gây ra thảm họa tại thị trấn Pompeii vào năm 79 sau công nguyên. Thảm họa kinh hoàng này tạo ra một cột khói khổng lồ, đạt đến độ cao máy bay dân dụng hiện nay. Tro bụi của chúng chôn vùi toàn bộ nhà cửa và người dân Pompeii dưới 12 lớp đất khác nhau.

Từ năm 1944 đến nay, ngọn núi lửa dường như không có dấu hiệu hoạt động nhưng không thể chủ quan vì ngọn núi lửa rất gần thành phố Naples, Ý với khoảng 1 triệu cư dân sinh sống.

Núi lửa Ilopango, El Salvador

Núi lửa Ilopango
Núi lửa Ilopango - (Ảnh: Wikimedia Commons).

Ilopango nằm cách thành phố San Salvador chỉ khoảng 10km về phía đông.

Ngọn núi lửa này từng xảy ra một đợt phun trào khủng khiếp vào năm 450 sau công nguyên khiến vùng trung tâm và phía tây El Salvador tràn ngập trong tro, đá bụi, phá hủy hoàn toàn các thành phố của người Maya.

Ngày nay, các nhà khoa học cho biết núi lửa vẫn còn dấu hiệu hoạt động. Và với khoảng cách rất gần San Salvador, núi lửa Ilopango sẽ là thảm họa một khi phun trào.

Dãy núi lửa Aira, Nhật Bản

Dãy núi lửa Aira
Dãy núi lửa Aira - (Ảnh: National Geographic).

Trong 10.000 năm qua, Aira có hàng chục đợt phun trào thuộc cấp độ 4, 5, 6 trong thang đo núi lửa, cùng với hàng trăm vụ nổ lớn nhỏ mỗi năm. Những vụ phun trào lớn của Aira có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 2,6 triệu người trong bán kính 100km.

Ngày nay, các hoạt động núi lửa vẫn tiếp tục và cứ thả tro bụi vào môi trường xung quanh. Trước đó, nhiều vụ phun trào núi lửa tạo nên một cao nguyên cát trắng ngay trong vùng này.

Năm 2016, một nhóm chuyên gia từ ĐH Bristol (Anh) và Trung tâm nghiên cứu núi lửa Sakurajima (Nhật) cho biết Aira có thể phun trào một đợt cực lớn trong vòng 30 năm tới.

Michoacan-Guanajuato, Mexico

Khu vực núi lửa Michoacan-Guanajuato
Khu vực núi lửa Michoacan-Guanajuato - (Ảnh: Getty Images).

Khoảng 11.000 năm trước, Michoacan-Guanajuato là khu vực núi lửa hoạt động cực mạnh với rất nhiều vụ phun trào cấp 3, cấp 4 phát ra từ 1.400 lỗ thoát mắcma.

Thế kỷ 18, vùng núi lửa này gây chấn động với đợt phun trào của ngọn El Jorullo. Phần than xỉ do El Jorullo đã cháy âm ỉ đến 15 năm mới dừng lại, từ năm 1759 đến năm 1774.

Thế kỷ 20, đến lượt ngọn núi lửa El Paricutin trong vùng "lên tiếng", để lại những hậu quả nặng nề khi phun trào trong giai đoạn từ 1943-1952.

Hiện có đến 6 triệu người sống trên phần đất do dung nham tạo thành trong bán kính 5km quanh khu vực núi lửa.

Campi Flegrei, Ý

Ngọn núi lửa nằm gần khu dân cư đông đúc của nước Ý
Ngọn núi lửa nằm gần khu dân cư đông đúc của nước Ý - (Ảnh: Getty Images).

Campi Flegrei có nghĩa là "những cánh đồng cháy", là một siêu núi lửa ở đất nước hình chiếc ủng. Campi Flegrei gồm một mạng lưới núi lửa rộng lớn hình thành từ hàng trăm nghìn năm trước, từ ngoại ô Naples tới bờ biển Địa Trung Hải.

Campanian Ignimbrite, xảy ra khoảng 39.000 năm trước, là trận phun trào núi lửa nổi tiếng nhất của Campi Flegrei. Đây là đợt phun trào khủng khiếp khiến 300km khối đá nóng chảy và phóng khoảng 450.000 tấn khí khói bụi vào không khí, bay sang tận miền trung nước Nga cách đó khoảng 2.000km.

Sau đó, một khu vực lớn đất đai ở Ý đến bờ biển Địa Trung Hải, kéo dài tới Đông Âu bị một lớp tro dày 20cm bao phủ.

Kể từ năm 1538, Campi Flegrei chưa phun trào thêm một lần nào. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng mắcma sâu bên trong Campi Flegrei đang dần hoạt động trở lại. Ngày nay, nó nằm ở trung tâm một khu vực có 6 triệu người do đó nếu phát nổ, đây sẽ là một thảm họa của thế giới thế kỷ 21.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn