Ngôi nhà đẹp nhất thế giới

Thứ Hai, 04 Tháng Sáu 20188:00 CH(Xem: 6970)
Ngôi nhà đẹp nhất thế giới
bbc.com

Ngôi nhà đẹp nhất thế giới

Jonathan Glancey BBC Culture

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

Chicago, ngày 16/10/1956. Frank Lloyd Wright, khi đó đã là kiến trúc sư lừng danh nhất sống ở Mỹ, tổ chức buổi họp báo cho ra mắt The Illinois, tòa nhà chọc trời cao một dặm, tức là gấp bốn lần chiều cao của tòa nhà Empire State.

Sinh tháng 6/1867, Wright lúc đó đã 89 tuổi.

Với Bảo tàng Solomon R Guggenheim đang được xây dựng ở Đại lộ số Năm của Manhattan, ông khi đó vừa cực đoan vừa ngang ngược, đúng như tính cách của ông vẫn luôn như vậy.


Tài hoa và dí dỏm

Dự án Bảo tàng Guggenheim, bất kể là hình thức của nó có gây tranh cãi đến đâu chăng nữa, đã khiến truyền thông New York biết đến ông. Wright đã xuất hiện trong chương trình đố vui rất ăn khách trên truyền hình 'What's My Line?' vào 6/1956.

Vào tháng Chín một năm sau đó, ông hai lần trở thành chủ đề của chương trình phỏng vấn Mike Wallace. Những chương trình này ngày nay vẫn còn có thể xem được trên YouTube.

Xem rất thu hút, ông lão Wright với vết nhăn trên khóe mắt vẫn rất tinh nhanh.

Điều kỳ lạ là ngày nay chúng ta vẫn có thể lên mạng xem và nghe một người sinh ra vào 150 năm trước đây nói chuyện trên một phạm vi rộng từ các chủ đề chính trị cho đến đạo đức và dĩ nhiên là cả kiến trúc nữa, những nội dung vẫn còn giá trị trong thế kỷ 21.

Wright chắc hẳn là bậc thầy của những câu châm biếm cụt lủn.

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

Một khách hàng gọi điện đến than phiền rằng nước mưa dột xuống từ mái của căn nhà mới của bà và chảy xuống bàn ăn nơi bà đang ngồi - ông nói với bà ấy rằng 'bà hãy dời chiếc ghế đi'.

Khi nhìn thấy phụ tá kỹ thuật, William Wesley Peters, cao lêu nghêu đứng trong một trong những căn nhà mới nhất và có mái tương đối thấp của ông, Wright nói: "Ngồi xuống đi Wesley. Cậu đang phá hoại tầm vóc kiến trúc của tôi đấy."


Và khi được hỏi về nghề nghiệp của mình tại một tòa án, ông trả lời: "kiến trúc sư tài ba nhất thế giới".

Khi bị vợ quở trách, ông quay lại vợ nói: "Anh không còn lựa chọn, Olgivanna ạ. Anh đã có thề nguyền rồi mà."

Tình yêu với thiên nhiên

Bất chấp những dự án đô thị xuất sắc ở Chicago và New York và sự chú ý của truyền thông mà những dự án này đem lại cho ông, ông lão trên 80 tuổi này không yêu thích gì các thành phố.

Tên của vị thần hộ mệnh của ông, ông từng nói với Mike Wallace, bắt đầu với chữ 'n' - tức là 'nature', nghĩa là thiên nhiên trong tiếng Anh.

Được thiết kế để làm nơi cư trú cho 100.000 người, tòa nhà The Illinois là nỗ lực của Wright để ngăn chặn sự mở rộng đô thị, là cố gắng của ông để thành phố ở nguyên một chỗ và thiên nhiên không bị móng vuốt của nó xâm phạm.

Công trình The Illinois đã không bao giờ được xây và Wright, với sự nghiệp trải dài ba phần tư thế kỷ, chỉ hoàn thành được một tòa nhà cao tầng. Đó là tòa tháp Price cao 19 tầng được khánh thành vào tháng 2/1956 ở Bartlesville, Oklahoma.

Danh tiếng của Wright, dù trí tưởng tượng của ông bay bổng rất cao, lại là nằm trên mặt đất. Tà thiết kế của ông, thiết kế của hàng trăm căn nhà quyến rũ, được xây dựng thủ công và đôi khi có lỗi nhưng luôn là những căn nhà được mọi người khao khát ở Mỹ, cũng gắn liền với mặt đất như vậy.

Chính là một trong những căn nhà trong số này, nhà Fallingwater, đã giúp hồi sinh sự nghiệp của ông vào thời giữa thập niên 1930.

Thời kỳ đó, có vẻ như do tác động của cuộc Đại Suy thoái đối với ngành xây dựng nhà cửa mà các công trình của Wright bắt đầu trở nên lỗi thời trong mắt các nhà phê bình và trong thế hệ các kiến trúc sư trẻ hơn, với tinh thần gọn gàng của Chủ nghĩa hiện đại châu Âu - với những kiến trúc sư như Bauhaus, Le Corbusier và Mies van der Rohe - bám rễ trên đất Mỹ.

Sống cùng thác nước

Là một kiệt tác được thế giới thừa nhận, căn nhà Fallingwater gần gũi với mặt đất và thiên nhiên đến mức tối đa mà nghệ thuật kiến trúc có thể đạt được.

Được xây dựng trên một thác nước với nền móng bằng đá nhô lên trên sàn của phòng khách, ngôi nhà hài hòa như một vào bối cảnh dãy núi Appalachee mà nó tô điểm.

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

Kể từ khi ngôi nhà được chuyển giao cho Cơ quan bảo tồn Tây Pennsylvania coi sóc vào năm 1963 và được mở cửa trở lại để làm bảo tàng vào năm sau, đã có khoảng năm triệu du khách đến thăm, chiêm ngưỡng công trình giúp hồi sinh lại sự nghiệp kiến trúc của Wright.

Ngôi nhà nằm ở nơi xa xôi của bang Pennsylvanian, tại Bear Run, cách Pittsburgh khoảng 65 dặm về phía đông nam,

Căn nhà nghỉ mát độc đáo và xinh đẹp này được ông Edgar J Kaufmann, một ông chủ siêu thị giàu có ở Pittsburgh và vợ ông - cũng là người em họ của ông - bà Liliane Kaufmann, người đã làm rất nhiều việc để đưa thời trang sành điệu của Paris đến miền Trung Tây nước Mỹ, đặt hàng.


Kaufmann đã nghĩ đến một ngôi nhà nhìn xuống thác nước ở Bear Run, nhưng Wright cứ một mực nói rằng: "Tôi muốn ngài sống cùng với thác nước chứ không phải chỉ nhìn ngắm thác nước."

Do đó, sau vài tháng suy gẫm căn nhà sẽ như thế nào và với theo dõi chặt chẽ của Kaufmann, Wright bước vào thời kỳ sáng tạo hăng say và cho ra một loạt những bức vẽ tuyệt tác trong khoảng thời gian kỷ lục.

Những bức vẽ này phác họa một căn nhà ba tầng dựa trên những thanh đỡ nằm trên thác nước được xây dựng một cách táo bạo với xi măng, thép và kính được gia cố và đá được lấy tại chỗ. Căn nhà trông như thể hòa vào cây cối, đất đá, sông suối và thác nước.

Thiết kế táo bạo

Cách sử dụng các tay đỡ một cách táo bạo đã khiến nhà kiến trúc sư và khách hàng nổ ra tranh cãi - Kaufmann cho gia cố chúng thêm còn Wright đe dọa sẽ rút lui khỏi công trình - và thật sự là các tay đỡ lớn của ngôi nhà nằm ở phía trước sông bắt đầu bị chùng xuống ngay sau khi các khuôn xi măng được dỡ ra. Hơi ẩm bay lên từ ngọn thác đổ dẫn đến ẩm mốc trong khi đèn trần bị thấm nước.

Ngay cả khi như thế, ngay cả Liliane, người vốn nghi ngờ về thiết kế của ngôi nhà, cũng trở nên yêu thích vẻ đẹp của Fallingwater và bối cảnh của nó.

Quang cảnh một cái cây phủ đầy lá với những cành trơ trọi đan vào nhau nhìn qua cửa sổ không có khung, bà viết trong một bức thư gửi cho Wright, 'hoàn toàn là sự thay thế vượt quá sự mong đợi cho màn và rèm cửa'.

Fallingwater chắc chắn là một đề xuất kiến trúc rất khác biệt so với căn biệt thự theo phong cách Neo-Norman của Kaufmann ở Pittsburgh.

Bản quyền hình ảnh Alamy

Wright, người thiết kế từng chi tiết cuối cùng của ngôi nhà, cho làm hầu hết đồ đạc trong nhà xây dính vào tường.

Ông tin rằng cách này sẽ giúp kiệt tác mới nhất của ông không bị khách hàng thay đổi theo ý thích. Ngày nay, mặc dù hai vợ chồng nhà Kaufmanns đã qua đời từ lâu, nhưng nội thất bên trong vẫn như là lúc Wright thiết kế.

Đội ngân sách

Được hoàn thành vào năm 1938, Fallingwater xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time vào tháng Giêng năm đó nhìn qua vai của Frank Lloyd Wright đội mũ xanh.

Theo tạp chí Time thì đó là 'công trình đẹp nhất' của vị kiến trúc sư này.

Nó đã đội ngân sách lên rất, rất nhiều, tiêu tốn hết 155.000 đô la, tương đương 2,7 triệu đô la theo thời giá ngày nay, và Wright nhận thù lao là 8.000 đô la.

Chi phí bỏ ra để tu sửa khẩn cấp ngôi nhà vào đầu thế kỷ này - nó được xem là có nguy cơ sụp đổ - là 11,5 triệu đô la.

Một câu thơ ở một tiệm cà phê trên Đường 381 của Pennsylvania, vốn đi ngang qua gần ngôi nhà, viết là: "Frank Lloyd Wright đã xây một căn nhà trên thác nước mà ông ấy thật sự không cần phải làm như vậy", nhưng chỉ có những nhà bình luận cục cằn nhất mới cho rằng việc bỏ ra hàng triệu đô la để gìn giữ ngôi nhà cho hậu thế là phí tiền.

Fallingwater có thể có thiếu sót, nhưng vẻ đẹp của nó là phi thường. Ngày nay, ngôi nhà là tài sản vô giá.

Vào năm 1952, Liliane tự sát ở Fallingwater. Edgar qua đời ba năm sau đó. Con trai của họ, Edgar Jr, vốn theo học việc với Wright vào đầu những năm 1930, thừa kế ngôi nhà và ông ở chung với người bạn đời của mình, kiến trúc sư và nhà thiết kế sinh ra ở Tây Ban Nha Paul Mayén - người đã phác thảo ra trung tâm du khách, tiệm cà phê và cửa hàng quà tặng khai trương vào năm 1981.

Chính Edgar Jr đã hiến tặng Fallingwater, cùng với 1.750 mẫu đất của Laurel Highlands và số tiền 500.000 đô la, cho Quỹ bảo tồn Tây Pennsylvania.

Đối với Wright, Fallingwater đã giúp hồi sinh sự nghiệp của ông, và là công trình cho phép ông sáng tạo chống lại Chủ nghĩa hiện đại chịu ảnh hưởng của châu Âu trong vòng 20 năm kế tiếp.

Ông vẫn là một người cá nhân chủ nghĩa một cách quyết liệt, người đã từ chối gia nhập Hội kiến trúc sư Hoa Kỳ. Khi một đồng nghiệp gọi ông là 'một lão nghiệp dư', ông Wright, người đã làm việc cho đến năm ông qua đời ở tuổi 91, đã trải lời: "Tôi là già nhất đấy."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn