“Hội chứng con nhà giàu”

Thứ Sáu, 11 Tháng Năm 201811:00 CH(Xem: 8917)
“Hội chứng con nhà giàu”

Trong một xã hội thịnh vượng “thừa của ăn, dư của để” như Mỹ, vấn đề để lại những giá trị tinh thần cho thế hệ con cháu bắt đầu được nhìn nhận ngày càng khó khăn hơn để lại tài sản vật chất – tác giả Jennifer Senior bắt đầu bài viết của mình như vậy khi đề cập đến cái gọi là “hội chứng con nhà giàu” (rich kid syndrome) trên tờ New York Magazine… 

hoi-chung-con-nha-giau2

Hồi học tiểu học tại New Jersey, Jordan Roth gần như không biết gia đình mình giàu như thế nào, dù từng mơ hồ hình dung về sự giàu có của bố, khi vào năm 6 tuổi, có lần một cậu bạn mở quà sinh nhật nhận được từ Jordan Roth đã phải thốt lên: “Trời, tớ cứ tưởng mình sẽ được tặng món quà lớn hơn cơ chứ! Nhà của cậu giàu thế kia mà!”. Gia đình Jordan Roth có người giúp việc nhưng điều đó không phải không bình thường đối với cư dân Ridgewood… Bố của Jordan là Steven Roth, tổng giám đốc điều hành Vornado Realty Trust, người được chuyên san Forbes đánh giá có tài sản trị giá 1.02 tỷ USD (2018); và mẹ – Daryl – là nhân vật từng sản xuất 5 vở kịch đoạt giải Pulitzer và thậm chí có một nhà hát mang tên mình. Hiện thời, Jordan, 42 tuổi, là chủ tịch chuỗi nhà hát Jujamcyn Theaters.

Thuật lại vài chi tiết trên, Jordan nhấn mạnh rằng gia đình anh chưa từng bọc con cái trong nhung lụa dù họ giàu có và hoàn toàn đủ khả năng. Gieo mầm giá trị đạo đức, đối với bố mẹ Jordan, quan trọng hơn nhiều so với việc cho con thừa hưởng di sản kếch sù với cái đầu rỗng tuếch, như nhiều trường hợp của hiện tượng “hội chứng con nhà giàu”. Tỷ lệ thanh thiếu niên thuộc thành phần hội chứng con nhà giàu thật ra không ít tại Mỹ, nơi số người giàu ngày càng đông. Năm 2000, Trung tâm nghiên cứu về gia sản và tổ chức phúc thiện thuộc Đại học Boston cho biết nước Mỹ có 7,000 gia đình với tài sản từ 100 triệu USD trở lên; năm 2003, con số trên là 10,000; và hiện nay có khoảng 17,000 gia đình với tài sản từ 100-500 triệu USD. Trong quyển Richistan, tác giả Robert Frank (phóng viên Wall Street Journal) miêu tả rằng những gia đình giàu nhất nước Mỹ thậm chí đã tạo dựng tiểu quốc riêng của họ trong lòng nước Mỹ, “với hệ thống chăm sóc y tế riêng, phương tiện giao thông riêng; hoạt động tài chính kinh tế riêng và thậm chí ngôn ngữ riêng”! Theo Robert Frank, 1% thành phần giàu nhất Mỹ đã có thu nhập nhiều hơn tổng thu nhập của nước Pháp hoặc Ý.

Con cái tầng lớp siêu giàu này đương nhiên thụ hưởng tài sản mà bố mẹ đã tạo ra. Tuy nhiên, chẳng hiếm trường hợp triệu phú hoặc tỷ phú chỉ để lại “mớ tiền lẻ” làm của hồi môn cho con cái. Đơn cử Bill Gates. Vị tỷ phú với tài sản 90.2 tỷ USD này đã tuyên bố chỉ để lại khoảng 10 triệu USD cho mỗi trong ba đứa con của mình (10 triệu – xin nhấn mạnh, chứ không phải 100 triệu như một số nguồn viết sai). Trong khi đó, Bill & Melinda Gates Foundation đã đóng góp đến 2.9 tỷ USD tiền mặt và 700 triệu cổ phiếu Microsoft cho các chương trình từ thiện. Tương tự, Warren Buffett (tài sản 85.3 tỷ USD) cũng từng nói: “Tôi muốn để lại cho bọn trẻ đủ để chúng cảm thấy chúng có thể làm được cái gì đó nhưng không nhiều đến mức chúng chẳng làm gì!”.

hoi-chung-con-nha-giau1
Bill Gates và con gái Jennifer, 21 tuổi, hiện học Stanford Getty Images

Cách đây vài năm, ca sĩ Sting cũng tuyên bố hầu hết trong tài sản 300 triệu USD sẽ không rơi vào tay 6 người con. Tài tử Philip Seymour Hoffman (chết năm 2014) đã lập di chúc thậm chí trước khi hai đứa con thứ của ông ra đời, trong đó ông nói rằng, đứa con trai cả nên được nuôi dạy trong một thành phố lớn của Mỹ và “cần phải được tiếp xúc gần gũi với văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc”, rằng ông sẽ không để lại xu nào trong tài sản 35 triệu USD cho con vì không muốn chúng trở thành những đứa trẻ sống bằng quỹ thừa kế.

Vấn đề giáo dục để con cái hiểu được giá trị cuộc sống, với sức lao động tự lập, luôn là chuyện muôn thuở khi đề cập đến việc thừa hưởng di sản trong những gia đình giàu. Mua cho cậu ấm chiếc xe cực sang hẳn nhiên dễ gấp nhiều lần so với việc dạy cậu ấm làm thế nào để có thể tự mua được chiếc xe như vậy. Nước Mỹ từng và đang tồn tại không ít gia đình doanh nghiệp truyền thống có bề dày, từ thời Rockefeller đến dòng họ Johnson (sáng lập tập đoàn hóa mỹ phẩm Johnson & Johnson), và họ có thể được xem là tấm gương cho việc trao đuốc.

Tuy nhiên, cũng chẳng hiếm trường hợp “phá gia chi tử” hoặc cậy thế gia đình để xem trời bằng vung. Luke Weil chẳng hạn. Người thừa kế gia sản từ công ty Autotote do cha ông sáng lập này từng kể rằng Đại học Brown đã không dám “đụng đến cọng lông chân” của mình, dù cậu đáng bị tống khỏi trường, đơn giản bởi ban giám hiệu cần nguồn tài trợ từ gia đình Weil! Đương sự cho biết mình từng lê gót vào 8 viện đại học, rằng hồi học bán trú, bất cứ khi nào có thằng bạn “làm phiền”, cậu đều nói: “Này, biến đi. Tớ đến từ New York. Tớ có thể mua cả nhà cậu đấy!”. Khi chuẩn bị tốt nghiệp Columbia Business School khóa 2007, Luke Weil phải ngồi bóc lịch 8 tháng tại Trại TriBeCa vì tội giáng một chai rượu vào nhà sản xuất nhạc người Anh Tarka Cordell trong một bữa tiệc sinh nhật…

hoi-chung-con-nha-giau
Anderson Cooper và mẹ (ABC News)

Trường hợp nhà Vanderbilt là một ví dụ nữa. Khi chết năm 1925, Reginald Vanderbilt đã phá gần như sạch bách hơn 7 triệu USD (khoảng  94 triệu USD thời giá hiện tại) mà cha ông của ông đã tích cóp. Thật may là hai con gái của ông còn hưởng được 5 triệu USD từ quỹ thừa kế. Một trong hai người nói trên là Gloria Vanderbilt, người sau này đã làm giàu bằng nghề thiết kế và trang trí nội thất với gia sản 200 triệu USD. Tuy nhiên, bà Gloria từng nói với con trai Anderson Cooper rằng bà sẽ không cho cậu một xu. Bây giờ, Anderson Cooper, ngôi sao của hãng truyền hình CNN, kiếm được đến 11 triệu USD/năm!

Nhiều cuộc nghiên cứu từng cho thấy yếu tố giáo dục nền tảng để con cái “thành nhân” từ nỗ lực cá nhân luôn là cách tốt nhất truyền lại cho hậu duệ. Viết trên chuyên san khoa học American Journal of Psychiatry, George Vaillant (Đại học Harvard) – người từng kỳ công nghiên cứu giá trị phẩm chất con người thông qua giáo dục hơn là trao lại một đống tài sản – khẳng định rằng khả năng làm việc được dạy thời niên thiếu là một trong những “chỉ số” tốt nhất để đánh giá sức khỏe tinh thần cũng như đo lường “độ mở” của trái tim người trưởng thành. Kết luận George Vaillant dựa vào nghiên cứu 456 “công tử” thuộc gia đình giàu, với kết quả những cậu 14 tuổi từng được dạy cách tự lập có khả năng được trả lương cao gấp 5 lần khi sau này họ ở tuổi 47 (đồng thời ít bị thất nghiệp hơn gấp 16 lần) so với đối tượng không được giáo dục tốt. Họ cũng có trái tim nhân ái hơn và biết sống vì những người xung quanh, hơn là có tư duy khinh người, ích kỷ và hẹp hòi…

Manh Kim ( Báo Trẻ )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn