CHA MẸ TÔI – THẾ HỆ BAO CẤP

Thứ Hai, 23 Tháng Tư 201811:00 CH(Xem: 9974)
CHA MẸ TÔI – THẾ HỆ BAO CẤP
Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao tôi không hề viết gì về cha mẹ tôi, những người đã nuôi dưỡng tôi từ nhỏ. Thú thật là vì tôi không có cảm tính với cha mẹ mình. Tôi với họ dù sống chung một nhà nhưng về mặt tư duy và mức độ hiện đại thì như mặt trăng và trời. Tôi dù là con và dù họ là cha mẹ nhưng hai bên chưa bao giờ đồng ý về điều gì. Cái này trong xã hội học gọi là khoảng cách hoặc xung đột thế hệ.

Từ nhỏ tôi đã không thích cha mẹ mình. Họ luôn cấm đoán tôi và kêu tôi phải thế này, làm cái kia, học ngành này, làm việc kia. Càng nghe thì tôi càng ghét và tôi chắc tôi là một cậu thanh niên điển hình của thế hệ 80-90 trở lên.

Tất cả những gì tôi biết về cha mẹ tôi không được kể từ họ mà từ ông bà và các cô chú. Mặc dù tôi không hề thích cha mẹ nhưng khi nghe tới những gì họ đã trải qua trong thời bao cấp, vào độ tuổi thanh niên của họ, tôi mới thấu hiểu nhiều thứ.

Tôi hiểu vì sao trên mặt cha mẹ tôi lại có những nếp nhăn. Tôi hiểu vì sao họ lại đi đứng, ăn nói và cư xử quê mùa. Chưa kể họ còn vô số tật xấu nữa mà tôi chắc đại đa số cha mẹ chúng ta đều đó. Trên mặt của họ như khắc ghi từ “Nhà Quê” hay “Bao Cấp.”

Ba tôi như đại đa số thanh niên thời đó đã tham chiến ở Campuchia. Ông ta chưa bao giờ kể tôi nghe về thời kỳ đó. Nhưng mấy cô kể khi ông ta trở về, dù đã mấy năm trôi qua, ông ta vẫn bị ám ảnh và hay nằm mớ. Y chang như cái bênh PTSD mà các binh sĩ Mỹ bị khi về từ Iraq. Trải nghiệm chiến tranh đã làm ám ảnh đầu óc ông ta cho tới bây giờ.

Mẹ tôi thì may mắn được ăn học hết cấp 3 thay vì gia đình phải đi kinh tế mới rồi sống không nhà không cửa. Nhưng bà ta chỉ học tới đó vì thời đó muốn học cao hơn chính quyền còn xét lý lịch. Con cháu Ngụy thì không có tư cách được ăn học cao. Nên mẹ tôi như bao cô gái thời đó, làm nông, lấy chồng rồi làm nội trợ và sinh ra tôi.

Cha mẹ tôi, như đại đa số cha mẹ của các bạn đang đọc bài viết này, không may đã sinh ra và lớn lên trong và hậu thời chiến. Tuổi thơ của họ là những cuộc di tản, những cuộc chia ly người thân đi trận, những cái đám ma của những binh sĩ tử tận và cái sự ám ảnh về cái gọi là Giải Phóng.

Họ không được ăn học đầy đủ. Sau 1975 thì toàn miền Nam bị đẩy lùi cả trăm năm phát triển. Nhà nhà thiếu ăn, vạn người tự nhiên thất học. Họ phải chứng kiến cảnh người thân bị nhà nước “trưng dụng” nhà cửa vì trước đây phục vụ chế độ cũ. Tồi tệ hơn, họ đã phải chia ly người thân đi trại cải tạo rồi cả chục năm mới thấy trở về. Đau lòng hơn là nhiều người phải nhận tin người thân đã chết trên biển khi đi vượt biên. Tôi thì quá nhỏ để hiểu cảm giác này.

Tôi chưa bao giờ trải qua cơn đói như thời bao cấp. Đói và nghèo tới mức thịt gà hay mỡ được coi là đồ ăn của đại gia. Bần cùng tới mức chiếc xe đạp được coi là biểu tượng phát triển rồi sau này là chiếc xe Cup.

Rồi khi kinh tế phát triển, đất nước hết nạn đói, nhưng dấu vết thời bao cấp vẫn còn in sâu trong cha mẹ tôi và những người cùng thế hệ của họ. Họ vẫn bị ám ảnh và lo sợ. Mỗi lần ai đó nhắc tới thì như họ bị dị ứng. Mỗi lần nhà tôi đãi tiệc thì chắc rằng sẽ có ai đó nói: “thời đó khổ lắm mày ơi,” “thời đó khổ chết mẹ” hay “thời đó cực lắm con ơi.” Tôi chỉ nghe và gật đầu chứ không bao giờ hoàn toàn thấu hiểu.

Đó là trải nghiệm của cha mẹ tôi và các bạn. Vì sao tôi lại viết bài này? Tôi muốn các bạn hãy nhìn vào mặt cha mẹ của mình, nhìn vào những nếp nhăn, nhìn vào bộ mặt nghèo đói xấu xí để rồi tự hỏi vì sao. Để rồi hiểu vì sao họ luôn thúc đẩy các bạn học hành tới nơi tới chốn, vì họ chưa bao giờ có cơ hội đó. Khi họ chửi các bạn vì dám bỏ đồ ăn, thì hãy hiểu thời của họ thịt là thứ xa xỉ và cơn đói là quy luật. Và khi họ cư xử hay ăn nói thiếu ăn hóa, thì hãy hiểu là trước đây sống trong nghèo đói thì lấy đâu văn hóa hay nét đẹp để sống theo.

Các bạn có thể không thích cha mẹ mình, như tôi. Các bạn thậm chí có thể chửi cha mẹ hay cãi lộn, như tôi. Nhưng hãy nhìn lại quá khứ để hiểu vì sao. Viết cho cha mẹ của tôi, thế hệ bao cấp.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn