KHOẢNG CÁCH GIÀU NGHÈO – GÓC NHÌN BÓNG ĐÁ

Chủ Nhật, 22 Tháng Tư 201811:00 CH(Xem: 9089)
KHOẢNG CÁCH GIÀU NGHÈO – GÓC NHÌN BÓNG ĐÁ
KHOẢNG CÁCH GIÀU NGHÈO – GÓC NHÌN BÓNG ĐÁ] Cái gọi là khoảng cách giàu nghèo có phải là điều xấu không? Và chúng ta có nên lo lắng về sự bất công này không? Câu trả lời là không và tôi sẽ giải thích vì sao.
Chúng ta không nên quan tâm về cái gọi là khoảng cách giàu nghèo, vì những lý do sau:
1. Nó là kết quả tự nhiên từ sự cạnh tranh của thị trường.
2. Không ai như nhau cho nên không bao giờ có kết quả như nhau.
3. Nó không hề bất công mà rất công bằng.
4. Nó là phần thưởng cho những ai thành công và cố gắng.
5. Và nó là động lực để phát triển.
Giải đấu bóng đá Ngoại Hạng Anh (English Premier League, EPL) là một trong những giải cạnh tranh nhất thế giới. Mỗi năm 20 đội đấu với nhau để giành chức vô địch. Tất cả đều bắt đầu mùa giải với điểm số 0. Nhưng mỗi lần thắng là được 3 điểm, hòa thì được 1 điểm, còn thua thì được 0 điểm.
Sau khi chơi 38 trận – một lượt đi và một lượt về – ai có điểm cao nhất là vô địch. Và kết quả của mỗi mùa không bao giờ như nhau. Năm 2015/2016 đội Leicester City đã gây đột phá và vượt qua những đội nặng ký để thăng chức với 81 điểm. Những đội tưởng chừng như sẽ thắng đã gây thất vọng tiêu biểu là Manchester United. Đội thấp điểm nhất là Aston Villa với 17 điểm.
Vì thất bại trong mùa giải đó nên các đội khác phải tái xây dựng lại đội hình để cạnh tranh lại trong mùa sau. Vào mùa giải 2016/2017, Chelsea lại vô địch.
Bây giờ giả sử, nếu bạn cho rằng khoảng cách đó là bất công, thì có nên chia đều điểm thi đấu để cho tất cả các đội có điểm như nhau không? Tôi chắc là không. Điều đó là một sự vô nghĩa.
Giải EPL, như bao thị trường khác, được vận hành và phát triển dựa trên sự cạnh tranh. Động lực duy nhất để một đội bóng cật lực tuyển dụng cầu thủ tốt là để thắng đội khác. Động lực của các cầu thủ là tập luyện để chơi ăn thua với các cầu thủ khác. Và động lực của các cổ đông của đội bóng là đánh bại các đội khác, bất chấp cái gọi là khoảng cách trong kết quả.
Nếu lấy đi khoảng cách và sự bất công này thì còn gì là mục tiêu, còn gì là động lực, còn gì là cạnh tranh, còn gì là bóng đá nữa. Giải đấu sẽ trở nên nhàm chán. Vì tại sao phải nỗ lực thi đua nếu biết rằng điểm của mình sẽ được chia đều?
Bây giờ hãy áp dụng nguyên lý đó ra ngoài thị trường lao động và xã hội, nó cũng y chang như giải đấu bóng đá. Mọi người thi đua cạnh tranh với nhau và không bao giờ nằm trong trạng thái bất động. Động lực để Amazon phát triển là để kiếm thêm tiền. Động lực của anh sinh viên học tập là điểm kiếm việc tốt hơn. Và động lực của mỗi con người làm việc cật lực hơn là để kiếm nhiều tiền hơn. Và kết quả là mỗi người có thu nhập và kết quả kinh tế khác nhau.
Cho nên chúng ta có nên lo lắng không? Không. Vì cái gọi là khoảng cách giàu nghèo và thu nhập luôn tồn tại vì nó cần tồn tại. Nó là kết quả của sự cạnh tranh, nó là động lực để phấn đấu. Sự khác biệt là điều cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế và khuyến khích sự sáng tạo. Khoảng cách giàu nghèo là một điều tốt. Tôi là Ku Búa, viết cho Viet Conservative 2.0
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn