Nó có họ tên đầy đủ mà bố mẹ đặt cho là: Cường Thế Dương. Có một bài thơ sáng tác về đề tài đánh nhau, nó lấy bút danh là Vương Văn Đùng. Bài thơ ấy được giải. Để ghi nhận “chiến công” này, trong quyển “ Tiểu sử các nhà văn, nhà thơ của tỉnh ở thế kỷ XX” nó đề: “ Nhà thơ Vương Văn Đùng, quê Phú Lao, Tỉnh Lao Bắc. làm việc ở Hội liên hiệp văn học – nghệ thuật tỉnh…”.
Từ đó anh em trong cơ quan quen gọi nó, nhà thơ Vương văn Đùng, quên đi cái tên khai sinh.
Còn ông To hay xuất hiện trên ti vi, miệng lúc nào cũng tươi, gặp ai cũng vỗ vai thân mật, có câu cửa miệng cực kỳ quần chúng : “ Cậu đấy à ! Tuyệt vời”. Họ tên đầy đủ ông ấy: Vương Văn Đoàng, cũng quê ở Phú Lao, tỉnh Lao Bắc.
Mới đầu tin đồn chỉ manh nha, ông Đùng ở cơ quan mình có họ hàng với ông "to" kia. Chẳng gì “ Đùng Đoàng” nghe như tiếng nổ của pháo công đồn, phải có gốc rế như thế nào mới có hai tên như thế chứ!
Rồi từ manh nha đến “đặc quánh” lại , đúng rồi, lại cùng quê Phú Lao, Tỉnh Lao Bắc, dứt khoát là có “họ hàng”, không thể sai được. Một người hỏi nó:
- Anh là thế nào với ông Vương Văn Đoàng?
Nó trả lời lấp lửng:
- Khó nói với ông lắm, nếu nói về họ hàng tôi là “chi” dưới, ông ấy là “chi” trên…
- Có nghĩa là anh phải gọi ông ấy bằng “bác “ hoặc bằng “chú”!
- Hiểu như thế cũng được - Nó gật gù, tán đồng.
Thế là trong cơ quan đồn rầm lên, nó có họ hàng với ông “ to ”. Nó cũng không cần giải thích, gần như mặc nhiên thừa nhận, người đi bên cạnh cũng có vẻ thơm lây vì được đứng cạnh “Cháu của ông Vương Văn Đoàng”.
Có một lần ông Vương Văn Đoàng về tỉnh, đến thăm cơ quan, nó cùng mọi người ra đón. Nó đứng ngay hàng đầu, tặng hoa, rồi nói với ông Đoàng:
- Chào bác Đoàng, cháu là Đùng, quê ở Phú Lao, bác khỏe không ạ!
Ông Đoàng nhìn nó ngạc nhiên, rồi như mọi lần, miệng cười tươi. Ông quen tay, vỗ vai nó thân mật. Ông quen miệng, nói một câu cực kỳ quần chúng:
- Cậu đấy à! Tuyệt vời…
Cuộc gặp gỡ đó lan truyền khắp cơ quan, lan ra ngoài xã hội, khẳng định, nó là cháu của ông Đoàng.
Từ đó, cơ quan tín nhiệm, giao cho nó đi xin đất, xin nhà, xin đi du lịch... cho mấy nhà văn, nhà thơ nghèo. Mấy chỗ nó cần đến, họ cũng tưởng nó là cháu của ông “to” có tên Đoàng , nên mọi việc tự nhiên suông sẻ.
Cũng mặc nhiên từ đó nó tự coi là có họ hàng với ông Đoàng.
Có những lúc lẩn thẩn, nó giở ảnh ông Đoàng đang tiếp khách nước ngoài được in trên tờ báo trung ương ra so sánh. Ờ! Trán ông ấy hơi hói, thì trán mình cũng sắp hói, miệng ông ấy hay “tươi”, miệng mình cũng vậy, khi tiếp khách, ông ấy quan “to”, mình quan “nhỏ”, biết đâu bằng tuổi ông ấy, mình cũng là quan “to”…
Nó thầm tự hào với bút danh: Vương Văn Đùng để bây giờ nó được thiên hạ để mắt tới.
Ở cơ quan hay “mơ mộng”, nó là nhà thơ, cũng hay “mơ mộng”. Vì có “ họ hàng” với ông “to”, trong một bữa nhâu, nó nói về dòng họ “ Vương Văn… đùng đoàng”:
- Tôi nói với các ông nhé ! Đấy là dòng họ lớn, có truyền thống làm “quan”, đường học hành, văn thơ đều phát triển mạnh theo hướng đi lên. Ví như be bé giống tôi, cỡ lớn là bác Vương Văn Đoàng. Mỗi lần bác ấy về quê, cả Tổng ra đón, ai cũng vui. Đứng lẫn trong đoàn người ra đón bác Đoàng, không biết cơ man là tiến sỹ, giáo sư làm hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường đại học danh tiếng, số còn lại đứng vào chức tỉnh, quận nhiều vô số kể…
Nghe nó nói như vậy, nhất là được một bữa nhậu do nó khoảng đãi, nhiều người ngồi nghe gật gù thán phục.
Nhưng rồi ai học được chữ “ngờ”!
Ông Vương Văn Đoàng bị kỷ luật, mất chức về rất nhiều tội: tham ô, ủ hóa, quan liêu…Tên và tội của ông đầy mặt báo. Mấy tối liền, trong mục thời sự ti vi đều đưa tin. Đã vậy thằng “ facebook” được thể ‘hằng hà sa số” bình luận, mà toàn bình luậu “đểu”. Ông Vương Văn Đoàng nếu có đọc được, khéo phải lấy mo cau úp vào mặt, chui xuống đất.
Lúc này anh em trong cơ quan nhìn nó bằng con mắt khác, chẳng gì là “cháu” của ông Vương văn Đoàng, ít nhiều …cũng dính dáng, nhất là cái tên “ Đùng” đi liền với “Đoàng”. Nhiều người đến gặp nó, nói như vạch mặt:
- Dòng họ nhà anh có người như thế, quá nhục, từ giờ đừng có khoe nữa. Anh là nhà thơ, có một ông bác như vậy, có xấu hổ không?
Đúng là quá khốn khổ, khốn nạn, chỉ vì một chút danh “hão” lại mang cái ách vào tròng. Không lẽ nó phải đi khắp cả tỉnh này, rồi cả… nước nói với thiên hạ rằng, tôi không phải là cháu của ông Vương Văn Đoàng, rằng Vương Văn Đùng chỉ là “bút danh”, không may trùng “họ” với ông ấy!!!
… Nó gửi bài thơ đến để in vào tạp chí nghệ thuật số tháng tới. Anh biên tập thơ hỏi nó:
- Em vẫn để tên như cũ chứ: Vương Văn Đùng.
Nó giãy nảy:
- Thôi…thôi…! Anh không dại, dây vào vào lũ ấy, nhục lắm…
- Thế lấy tên gì bây giờ?
- Lấy cái tên khai sinh mà bố mẹ đặt cho anh đi. " Cường Thế Dương", nếu thấy dài em viết tắt, " Cường Dương" cũng được.
Trần Kỳ Trung
(FB Trần Kỳ Trung)
Gửi ý kiến của bạn