Mặt trái của độc thân

Thứ Tư, 01 Tháng Ba 20235:00 CH(Xem: 1804)
Mặt trái của độc thân

Số liệu từ Cục điều tra dân số quốc gia cho thấy, gần 118 triệu người Mỹ (trên 18 tuổi) chiếm 46%, vẫn độc thân.

Theo khảo sát hơn 2.000 người trưởng thành ở Mỹ do Công ty phân tích và nghiên cứu thị trường The Harris Poll thực hiện, 35% Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) thờ ơ với tình yêu. Họ cho rằng lối sống một mình giúp bản thân học cách sử dụng đồng tiền hiệu quả, tập trung cho sự nghiệp và tìm cách tăng thu nhập cá nhân thay vì mất thời gian, tiền bạc để gặp gỡ một ai đó.

Libby Rodney, giám đốc chiến lược tại The Harris Poll, cho rằng xã hội nên có cái nhìn toàn diện về nhóm nhân khẩu học này. "Độc thân không xấu. Có rất nhiều mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa được họ duy trì. Hãy chú ý đến cách những người này lựa chọn sự kết nối", ông nói.

Lisa Gralnek, 45 tuổi, nhà sáng lập công ty tư vấn chiến lược độc lập LVG & Co. ở Mỹ, cho biết những người đơn độc như cô phải nỗ lực làm việc bởi không có người đồng hành.

Trên thực tế, 3/4 người Mỹ cho biết gánh nặng tài chính sẽ được giảm bớt nếu có người san sẻ các khoản sinh hoạt phí hàng tháng. Dữ liệu của Điều tra dân số năm 2021 cho thấy, thu nhập trung bình của cặp vợ chồng là gần 107.000 USD, trong khi nữ giới độc thân là hơn 51.000 USD và nam giới là khoảng 70.000 USD.

Gralnek cũng cho rằng khía cạnh tốn kém nhất của việc sống một mình là mất thời gian giặt đồ, nấu nướng, dọn dẹp, đổ xăng.... Chưa kể người độc thân phải trả nhiều tiền cho các chuyến du lịch, do giá phòng đơn đắt đỏ.

Nhiều người độc thân ở Mỹ than phiền phải chi trả tiền phí sinh hoạt lớn khi không có người đồng hành. Ảnh minh họa: Vox

Nhiều người độc thân ở Mỹ than phiền phải chi trả tiền phí sinh hoạt lớn khi không có người đồng hành. Ảnh minh họa: Vox

Ngày nay, nhiều người độc thân ở Mỹ không gặp nhiều phiền phức khi chia sẻ quan điểm về hôn nhân, nhưng vẫn tồn tại tình trạng bất bình đẳng. 79% người trong nhóm này muốn chính phủ giảm thuế hơn mức hiện tại.

Với Gralnek, rào cản lớn nhất là mua nhà. Sau khi bán căn hộ ở Boston năm 2018, người phụ nữ 45 tuổi chuyển đến thành phố New York.

Khi vừa tìm được khoản vay lớn để mua nhà, Gralnek lại bị nhân viên ngân hàng từ chối vì biết đang độc thân và tự kinh doanh riêng. Sau hai năm chờ đợi để làm hồ sơ khai thuế bắt buộc, khoản vay của cô tiếp tục bị từ chối do đại dịch bùng phát khiến chính sách tín dụng thắt chặt.

Cuối cùng, Gralnek phải mua một ngôi nhà ở Connecticut bởi thủ tục đơn giản.

"Nhưng giấy tờ trên hợp đồng lại ghi 'cô Lisa Gralnek, một phụ nữ chưa lập gia đình' điều này khiến tôi không thoải mái, dù luật sư trấn an là ngôn ngữ pháp lý tiêu chuẩn của Connecticut", cô nói.

Ở tuổi 45, Gralnek khẳng định chưa từng nghĩ đến việc sống độc thân suốt đời, nhưng hiện chưa muốn lấy chồng. "Thật tuyệt khi tìm được một nửa phù hợp để cùng tôi san sẻ mọi việc. Nhưng nếu chưa có, tôi cảm thấy ổn với cuộc sống hiện tại hơn là chọn bừa, dù phải chấp nhận nhiều rủi ro, thách thức", cô nói.

Minh Phương (Theo Fortune)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn