• Sophia Khatsenkova
  • BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Mylène Pardoën, nhà khảo cổ học chuyên nghiên cứu không gian âm thanh, đang tiến hành phục chế cấu trúc tạo âm thanh bên trong và bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris, để trở lại tình trạng vốn có kể từ khi thánh đường được xây vào thế kỷ 13 cho đến khi bị cháy rụi trong vụ hoả hoạn năm 2019.

Những thanh âm trầm trầm dưới mái vòm nhà thờ và tiếng trẻ nhỏ nô đùa trong sân. Tiếng vó ngựa lạo xạo trên con đường rải đá cuội có từ thế kỷ 18 cùng giọng cò kè mặc cả của những lái buôn từ phía xa vọng lại. Bạn đã bao giờ tưởng tượng về những âm thanh làm nên sự sống xung quanh Nhà thờ Đức Bà Paris của hàng trăm năm trước chưa?

Đó là điều bà Mylène Pardoën đang cố gắng tái hiện.

Sinh sống tại thành phố Lyon của nước Pháp, bà tự giới thiệu bản thân là một nhà khảo cổ học nghiên cứu về không gian âm thanh - chuyên ngành bà theo đuổi từ khi bắt đầu tự hỏi vì sao bảo tàng thường bỏ qua hạng mục âm thanh trong các triển lãm.

Suốt 10 năm qua, bà đã lùng sục khắp các di tích và công trường xây dựng trên cả nước để phân tích môi trường âm thanh nhằm tái tạo những âm thanh cho phép chúng ta du hành ngược thời gian.

"Tôi kể lại những câu chuyện của quá khứ không phải bằng lời, mà là bằng âm thanh. Thế nên công việc của tôi mang tính trần thuật chứ hoàn toàn không phải là giả tưởng," bà giải thích, đôi mắt xanh lục bừng sáng dưới cặp kính tròn nhỏ.

Tính đến hiện tại, một trong những dự án lớn nhất của bà là phục chế Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi đã bị huỷ hoại nặng nề sau vụ hoả hoạn năm 2019.

Phần mái bị sụp đổ và những bức tường trên cao bị thiêu trụi đã khiến nhà thờ mất đi "giọng nói riêng" của mình: thứ âm thanh độc đáo đòi hỏi các du khách ghé thăm phải duy trì sự im lặng hầu như thần thánh khi tới thăm.

Dự án của bà, được do Bộ Văn hóa Pháp và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp dẫn dắt, có mục tiêu tái hiện những âm thanh thường nhật vang lên bên trong và bên ngoài nhà thờ kể từ khi nó được xây dựng, hồi thế kỷ 13, cho đến khi xảy ra vụ hoả hoạn năm 2019.

Làm việc cùng một đội nghiên cứu âm học và kỹ sư âm thanh, các phát hiện của bà sẽ giúp các kiến trúc sư chọn đúng vật liệu và kỹ thuật dùng để phục chế Nhà thờ Đức Bà, sao cho âm thanh của nó sẽ vang lên đúng như trước đây.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Từng có nhiều động vật như chó và ngựa đi lại xung quanh nhà thờ vào Thế kỷ 18

Để tìm ra những âm thanh đó, Pardoën đã nghiên cứu nhiều tài liệu lưu trữ.

"Tôi tìm hiểu kỹ về bất kỳ thứ gì tôi kiếm liên quan đến giai đoạn lịch sử mà tôi đang quan tâm. Từ tranh vẽ, tượng điêu khắc, văn học, thậm chí cả những tài liệu hành chính, để hiểu được có những thứ gì trong cuộc sống hằng ngày vào thời điểm ấy và rút ra những âm thanh có thể nghe được," bà nói.

"Ví dụ, từ các tài liệu lịch sử, chúng ta biết được từng có động vật như chó và ngựa đi lại xung quanh nhà thờ vào Thế kỉ 18. Cho nên, tôi sẽ đi thu thanh tiếng động của những loài vật đó."

Hiện tại, Nhà thờ Đức Bà Paris đóng cửa đối với tất cả các nhóm nghiên cứu do đang trong thời gian thi công loại bỏ độc tố chì và amiăng.

Vì vậy, bà Pardoën đã tìm đến một sân chơi âm thanh mới nằm sâu trong cánh rừng phía bắc Burgundy nước Pháp. Tại đây, bà có thể tìm được những âm thanh - chủ yếu nhờ các công cụ sao chép - từ thời Trung Cổ.

Một con đường quanh co nhỏ hẹp dẫn đến cổng lâu đài Guédelon, một trong những lâu đài độc đáo nhất thế giới.

Vào năm 1997, một nhóm bạn đam mê lịch sử Trung Cổ Pháp trong một trong bữa tối quá chén đã cùng nhau quyết định sẽ xây dựng một toà lâu đài phong cách thế kỷ 13 hoàn toàn thủ công chỉ với những công cụ và phương pháp tồn tại vào thời kỳ đó.

Hai mươi bốn năm sau, toà lâu đài ấy - đến nay vẫn là một công trình dang dở - trở thành một thử nghiệm khảo cổ kỳ thú thu hút hơn 300.000 khách du lịch mỗi năm (trước đại dịch) và nhiều học giả như bà Pardoën.

Nguồn hình ảnh, Sophia Khatsenkova

Chụp lại hình ảnh,

Nghệ nhân xây dựng lâu đài Guédelon chỉ dùng những công cụ và phương pháp tồn tại ở thời Trung Cổ

"Có một thứ âm nhạc độc đáo tồn tại nơi đây. Khi mọi thứ đều hài hoà, bạn sẽ nghe được. Ngay cả khi có âm thanh xung khắc bạn cũng sẽ nghe thấy," cô Marine Martin, một trong những người cùng khởi xướng xây dựng lâu đài Gúedelon, nói.

Giọng nói của cô chen lẫn với tiếng động của những nghệ nhân đang xây lâu đài: một thợ rèn đang đập búa và những thợ đá đang đập sa thạch cho những toà tháp chưa xây xong.

"Bà Pardoën giúp chúng tôi xác định xem những âm thanh đó có đúng là âm thanh của thế kỷ 13 hay không."

Không có hạng mục nào mà bà Pardoën chưa nghe qua, dù là thợ mộc xẻ gỗ hay thợ làm bánh nhào bột.

Mỗi bản thu âm có những mục tiêu khác nhau. Mục tiêu đầu tiên, có liên hệ với việc phục chế Nhà thờ Đức Bà Paris, là ghi lại âm thanh lao động của những người thợ thủ công khác nhau trong khuôn viên (nhà thờ), chẳng hạn như thợ nề, những người đã có mặt bên trong và xung quanh nhà thờ từ thời Trung Cổ. Điều này sẽ giúp bà tái hiện bầu không khí của nhà thờ thời bấy giờ.

Các bản ghi âm sẽ được đưa vào một cấu trúc giả định mô phỏng trên máy tính, thiết kế bởi một nhóm kỹ sư, với mục đích dự đoán các lựa chọn về vật liệu và kiến trúc sẽ làm thay đổi thanh âm của Nhà thờ Đức Bà trong tương lai như thế nào.

Ngay cả những thay đổi nhỏ như trải một tấm thảm hay dùng gỗ thay vì kim loại cho những mái vòm đều có thể tác động đáng kể đến "giọng nói riêng" của nhà thờ.

Nguồn hình ảnh, Sophia Khatsenkova

Chụp lại hình ảnh,

Nhà khảo cổ học nghiên cứu không gian âm thanh Mylène Pardoën đang tái hiện những âm thanh của quá khứ

Công dụng tiếp theo là sắp xếp những âm thanh này vào kho di sản văn hoá phi vật thể của Pháp.

UNESCO định nghĩa di sản phi vật thể là những tập tục và nghi thức, cũng như tinh hoa kiến thức và các nghệ nhân được công nhận là một phần của di sản văn hoá của họ, ví dụ như ngành nghề thủ công hay các lễ nghi tôn giáo.

"Chúng ta cần bảo tồn những ngành nghề cổ truyền. Đó cũng là một phần của lịch sử được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thợ cả cho đến thợ học việc," bà Pardoën nói.

"Nếu chúng biến mất, mắt xích sẽ đứt gãy và phải mất thêm 20 đến 30 năm nữa chúng ta mới khôi phục lại được những thao tác của người thợ thủ công truyền thống ngày xưa. Và việc hiểu được những âm thanh của quá khứ sẽ giúp chúng ta biết rõ lịch sử và nắm bắt hiện tại tốt hơn."

Ông Florian Renucci, một triết gia chuyển sang làm thợ nề và nay đạt trình độ thợ cả trong nghề, giải thích rằng công việc thu âm của bà Pardoën rất quý giá với những thợ thủ công của Guédelon.

"Nó giúp chúng tôi khám phá về công việc của mình theo một cách khác. Ví dụ, khi chúng tôi nghe những bản ghi âm của bà ấy, chúng tôi có thể biết mình đang làm tốt hay làm dở chỉ qua tiếng động phát ra từ dụng cụ. Nó bổ sung một chân trời hoàn toàn mới cho dự án của chúng tôi," ông chia sẻ.

Nhà khảo cổ âm thanh kiên quyết khẳng định rằng bà không phải là người thiết kế âm thanh.

"Nhiều người nghĩ rằng tôi phát minh ra âm thanh," Pardoën nói. "Tôi không hề làm ra một âm thanh mới nào cả. Tôi chỉ phục hồi âm thanh của quá khứ được tìm thấy trong hiện tại mà thôi."