Vì sao phi hành gia Mỹ từng phải cách ly khi trở về Trái đất?

Thứ Năm, 29 Tháng Mười Hai 20223:00 SA(Xem: 1256)
Vì sao phi hành gia Mỹ từng phải cách ly khi trở về Trái đất?

Trở về Trái đất vào tháng 7/1969, nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong phải đón sinh nhật thứ 39 trong khu cách ly. Điều này nhằm phòng ngừa rủi ro ông nhiễm virus lạ trên Mặt trăng.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, cách ly trở thành biện pháp hiệu quả để tập trung những người có nguy cơ nhiễm bệnh, giúp hạn chế virus lây lan ra cộng đồng. Hơn 50 năm trước, chính quyền Mỹ đã áp dụng biện pháp này với 3 người hùng của NASA - Neil Amstrong, Michael Collins và Edwin Aldrin - sau khi họ trở về Trái đất vào ngày 24/7/1969.

Đặc biệt, ông Armstrong đón sinh nhật thứ 39 trong thời gian 21 ngày cách ly bắt buộc. Dù không có nhiều người thân xung quanh, sinh nhật của ông trong khu cách ly vẫn đầy ắp niềm vui, theo CNN.

Bữa tiệc có bánh kem và rực rỡ ánh nến. Chiếc bánh do các nhân viên trong Phòng thí nghiệm Tiếp nhận Mặt trăng tại Trung tâm Không gian Johnson ở Houston, Texas thực hiện. Đây cũng là nơi các phi hành gia đi cách ly.

Sau khi thổi nến, Armstrong chia bánh cho các nhân viên trong khu cách ly và phi hành đoàn. Cách đó một căn phòng, qua vách ngăn kính, vợ của các phi hành gia cùng chung vui tiệc sinh nhật của Armstrong. Ông cũng vờ như đưa bánh cho họ.

Sinh nhật của ông Neil Armstrong được tổ chức trong khu cách ly.
Sinh nhật của ông Neil Armstrong được tổ chức trong khu cách ly. (Ảnh: CNN).

Hành trình sau khi trở về

Thời bấy giờ, nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng truyền tải nội dung về nỗi sợ lây nhiễm bệnh tật từ không gian. Do vậy, việc cách ly là để đảm bảo sự an toàn cho mọi người, bởi các phi hành gia có thể đã tiếp xúc với vi khuẩn có hại từ Mặt trăng.

Chuyến du hành của tàu Apollo 11 là lần đầu tiên loài người tương tác với bề mặt của một thiên thể khác. Các bác sĩ theo dõi chặt chẽ 3 phi hành gia. Một nhóm khác kiểm tra và nghiên cứu các loại đá, bụi Mặt trăng do ông Armstrong và đồng đội mang về.

Các nhà khoa học mong muốn bảo vệ bất kỳ sinh vật nào từ Mặt trăng mà có thể tồn tại trong điều kiện ở Trái đất. Các mẫu vật được bảo quản trong chân không để tránh bị ảnh hưởng vì môi trường của Trái đất.

Khi đáp ở Thái Bình Dương, nhóm của ông Armstrong được trực thăng đón và hướng về tàu sân bay USS Hornet. Lúc này, tất cả họ phải mặc quần áo bảo hộ, được bảo vệ và cách ly đặc biệt trong xe làm từ bạc. Mọi thiết bị của tàu hạ cánh cũng được khử khuẩn sạch sẽ.

Tổng thống Richard Nixon chào đón các phi hành gia trở về.
Tổng thống Richard Nixon chào đón các phi hành gia trở về. (Ảnh: CNN).

Nghiên cứu đá Mặt trăng

48 giờ sau khi con tàu trở lại Trái đất, các mẫu và phim chụp trên Mặt trăng được đưa vào xử lý và kiểm tra. Đoàn của ông Armstrong thu về hơn 22 kg vật thể. Phòng thí nghiệm sẽ kiểm tra chúng có bức xạ gamma hay vi sinh vật nào không.

NASA cho biết nơi nghiên cứu các mẫu vật thậm chí còn sạch hơn một phòng phẫu thuật đã qua khử trùng.

Các nhà khoa học không tin sự sống tồn tại trên Mặt trăng, nhưng họ cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng này cho đến khi hoàn thành nghiên cứu mẫu vật.

Ngoài ra, các nhà khoa học phát hiện ra những đặc điểm hấp dẫn trong bụi và đá Mặt trăng, như chúng chứa hàm lượng titan cao.

Một nhà khoa học đang nghiên cứu mẫu vật được đưa về từ Mặt trăng.
Một nhà khoa học đang nghiên cứu mẫu vật được đưa về từ Mặt trăng. (Ảnh: CNN).

Kết quả nghiên cứu mẫu vật cho thấy không có bằng chứng về sự sống cũng như bất kỳ chất độc hại nào số mẫu vật. Người ta cũng để các sinh vật sống, như gián, tiếp xúc với mẫu vật. Chúng không gặp phải tác động xấu hay bất thường nào.

Sau này, phi hành đoàn của tàu Apollo 12 và 14 tuân theo một quy trình cách ly tương tự.

Tuy nhiên, đến khi các chuyến du hành của tàu Apollo 15, 16 và 17 bắt đầu, NASA tin rằng việc cách ly không còn cần thiết. Sau khi được kiểm tra y tế ban đầu, các phi hành gia sẽ được tự do quay trở lại cuộc sống bình thường.

Nilufar Ramji, chuyên gia truyền thông tại Trung tâm Không gian Johnson của NASA, cho biết khi con người quay trở lại Mặt trăng vào năm 2024, việc cách ly sau khi về Trái đất cũng sẽ không cần thiết.

Cuộc sống cách ly của phi hành gia

Trong suốt thời gian cách ly, nhân viên y tế sẽ kiểm tra thường xuyên để đảm bảo các phi hành gia không chịu tác động xấu bởi tàu bay không gian hoặc bất kỳ mầm bệnh tiềm ẩn nào.

Nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Thậm chí, chất thải của họ cũng được kiểm tra. Điều này nhằm bảo đảm nếu có người nhiễm virus thì mầm bệnh sẽ không thoát khỏi cơ thể họ để lây ra ngoài.

Toàn bộ quá trình cách ly được giám sát từ bên ngoài bởi hai bác sĩ. Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kiểm tra phòng thí nghiệm.

Các phi hành gia sinh hoạt trong buồng kiểm dịch di động được cung cấp bởi Airstream.
Các phi hành gia sinh hoạt trong buồng kiểm dịch di động được cung cấp bởi Airstream. (Ảnh: CNN).

Về phần các phi hành gia, họ chơi bài, đọc tạp chí và nghe tin tức về chuyến du hành. Họ cũng cố gắng tôn trọng sự riêng tư của đối phương nhất có thể. Chẳng hạn, khi Aldrin nói chuyện điện thoại với vợ, Collins đeo tai nghe, còn Armstrong chơi ukulele.

Phần lớn thời gian của các phi hành gia trong khu cách ly là để nhìn nhận và rút kinh nghiệm về chuyến du hành. Từng người vào một căn phòng được ngăn cách bằng kính, thảo luận với nhân viên NASA về các vấn đề khác nhau của chuyến đi.
Cánh cổng khu cách ly cuối cùng được mở vào ngày 10/8/1969. Các phi hành gia có thể đi bộ buổi tối ở Texas. Đây là lần đầu tiên họ bước ra và tiếp xúc với những người dân bên ngoài, sau một thời gian dài bị cô lập trong suốt và sau chuyến du hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn